Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2009

Giáo phận Nha Trang: Tâm tình Người Mục tử qua Âm nhạc

GP NHA TRANG Kỷ niệm Kim khánh Linh mục của Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám mục giáo phận Nha Trang, ngày 28-05-2009, tại nhà thờ giáo xứ Thanh Hải, Ban Thánh Nhạc giáo phận đã tổ chức buổi trình diễn các sáng tác của Đức cha để ghi nhận những cống hiến to lớn của ngài trong sáng tác Thánh ca cũng như đào tạo và xây dựng đội ngũ các nhạc sĩ trẻ Công giáo.

Đúng 15 giờ, Đức cha phó Giuse Võ Đức Minh đã tuyên bố khai mạc buổi diễn ca với chủ đề “Tâm tình Người Mục tử qua Âm nhạc” trước sự hiện diện của Đức cha chính Phaolô, linh mục nhạc sĩ Kim Long, nhạc sĩ Ngọc Linh, cùng hơn 800 linh mục, tu sĩ, các ca viên và giáo dân của giáo phận Nha Trang tham dự.

Ban Tổ chức đã phân loại các sáng tác của Đức cha làm 5 thể loại khác nhau: nét nhạc Tây phương, nét nhạc Bình Ca, nét nhạc Cộng Đồng, nét nhạc Dân Ca và nét nhạc Vào Đời. Phần trình bày các tác phẩm - đã được Ban Tổ chức chọn lọc - do các ca viên, diễn viên từ các chủng sinh Tiền chủng viện, các dòng tu và các giáo xứ thể hiện qua các tiết mục đa dạng phong phú: hợp xướng, múa, song ca, hòa tấu nhạc…

Các đại diện trong ban Thánh nhạc Giáo phận cũng tham gia trình diễn, tặng hoa và quà lưu niệm, chúc mừng và tri ân Đức cha Phaolô.

Cha Kim Long, Phó chủ tịch Ủy ban Thánh Nhạc Việt Nam cho mọi người biết: Ngài đã biết Đức Cha Phaolô từ rất lâu nhưng vẫn chưa biết hết những sáng tác hay của vị Giám mục Chủ tịch Ủy Ban Thánh nhạc. Cha Kim Long mong muốn các sáng tác này của Đức cha Phaolô cần được Giáo phận Nha Trang phổ biến sâu rộng hơn nữa ở Việt Nam. Cha còn nói: Đức cha Phaolô là người nhiệt tâm, nhân hậu biết lắng nghe và thực sự có chuyên môn trong lĩnh vực Thánh nhạc.

Đức cha Phaolô sinh 2.2.1932 tại Bối Kênh (Giáo phận Hà Nội). Năm 1956 ngài đến học trường Truyền Giáo Rôma và chịu chức linh mục 20.12.1959 tại Rôma, do Đức Hồng y Bộ trưởng Thánh bộ Truyền giáo Pietro Agagianian chủ phong. Sau đó, ngài lấy học vị Tiến sĩ Thần học và văn bằng Cử nhân Thánh nhạc năm 1962. Sáng tác đầu tay của Ngài là ca khúc “Trăm triệu lời ca” được nhạc sĩ linh mục Tiến Dũng soạn hòa âm, quen thuộc đến nỗi mọi người không nghĩ đến tác giả là ai.

Qua cuộc phỏng vấn chớp nhoáng của linh mục nhạc sĩ Mi Trầm, mọi người đều thấy tài năng âm nhạc của Đức cha bộc lộ tự thiếu thời. Tấm ảnh chụp ngài đang điều khiển ca đoàn Sêraphim đang biểu diễn tại Nhà hát Hòa Bình (Đà Lạt) đã minh chứng điều ấy. Dù không khẳng định, Đức cha cũng cho biết toán học giúp người ta học nhạc dễ dàng hơn. Ngài chứng minh qua cuộc đời sáng tác của linh mục Tiến sĩ Tiến Dũng, một người vừa dạy toán vừa giỏi nhạc và một chút kinh nghiệm ở chính bản thân ngài.




Nhạc sĩ Cao Huy Hoàng đến từ giáo phận Phan Thiết cho biết: trong những năm khó khăn, thiếu thốn sau 1975, anh đã được chính Đức cha sửa cho từng nốt nhạc, từng từ, từng câu chữ trong tác phẩm của mình và đôi khi còn phê cả mấy trang giấy về phong cách và kỹ thuật sáng tác.

Kỷ yếu giáo phận Nha Trang còn ghi lại: “Những bài ca nho nhỏ phát hành trong năm (1987-1988), những tập ca Ý Lực Sống có lẽ là những món quà mà Đức giám mục chủ biên gởi tới được nhiều nhất trong 15 năm đầu đời giám mục”. Cho đến nay, Ban Thánh nhạc nhờ sự hướng dẫn của Đức cha, đã lần lượt cho ra đời các bộ sách hát: Thường niên ABC, Vọng Giáng Sinh ABC, Chay… và tổ chức đều đặn hằng năm các buổi thi trình diễn thánh ca vào dịp Giáng Sinh, các tuần bồi dưỡng Thánh nhạc. Đặc biệt hơn, sau 1975 một loạt các nhạc sĩ trẻ Công giáo tại giáo phận ra đời. Hàng loạt các ca khúc hay được phổ biến rộng khắp trên cả nước. Không ai và cũng không tác phẩm nào là không có dấu ấn của vị giám mục nhạc sĩ tài danh này.

Bước vào tuổi “cổ lai hi” với 34 năm giám mục và đảm trách nhiều cương vị cao nhất của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Phaolô vẫn khiêm tốn cho rằng với tuổi già có lẽ ngài không còn nhiều năng lực để sáng tác nhưng ngài vẫn ước mong làm sao có thể đưa âm nhạc vào trong Phụng vụ với cung điệu Việt Nam.

Kim Binh

Người học trò già nhất thế giới nhận phép Rửa


NAIROBI, Kenya, 2705/09. - Tập san Guiness chuyên ghi tên các người phá kỷ lục thế giới về mọi lĩnh vực vừa vinh danh cụ ông Kimani Ng'ang'a Maruge là người già nhất thế giới theo học bậc tiểu học.
Cụ ông Maruge là người Kenya bắt đầu đi học đánh vần vào lúc cụ 84 tuổi. Sau 6 năm theo học, năm nay cụ 90 tuổi đã đọc được chữ. Cụ dùng sách Phúc Âm để tập đọc nhờ đó cụ hiểu đạo Chúa và cụ đã lĩnh nhận bí tích rửa tội gia nhập đạo Công giáo.

Theo tin của tờ Hiệp Thông Quốc Tế, Chúa Nhật tuần qua tại nhà thờ Chúa Ba Ngôi ở Kaiobangi, phía đông thủ đô Nairobi, cụ đã chịu phép Thánh Tẩy và nhận tên thánh là Stêphanô.

Cụ nói với phóng viên tờ Hiệp Thông Quốc Tế rằng cụ chọn tên thánh Stêphanô vì cụ nhất quyết theo Chúa đến hơi thở cuối cùng.

Cụ tâm sự: “Sau khi đọc được Kinh Thánh tôi quyết định xin chịu phép Thánh Tẩy”

Hiện nay cụ đang phải ngồi xe lăn vì bị bệnh ung thư dạ dầy. Cụ cho biết thêm: “Nhờ đọc Kinh Thánh tôi biết được tên Stêphanô. Tên này thích hợp với những ai đang trải qua giai đoạn nghiệt ngã của cuộc đời như tôi.”

Linh mục Paulino Mondo, cha sở giáo xứ Chúa Ba Ngôi xác nhận nhờ biết đọc biết viết, cụ đã hiểu Phúc Âm và thi đậu các bài thi giáo lý.

Theo tin của hãng thông tấn Zenit của Tòa Thánh, câu chuyện hiếu học của cụ Maruge đang được giới điện ảnh ở Hollywood làm thành phim có tựa đề: “The First Grader” (Học Sinh Cấp Một).


Nguyễn Long Thao

(Nguồn: VietCatholic News 28/5/09)

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2009

Tổng giáo phận TP.HCM: Lá thư mục tử (31. 5. 2009)


Toà Tổng Giám Mục
Thành phố Hồ Chí Minh


                                       Lá Thư Mục Tử
Kính gửi Anh em linh mục, anh chị em tu sĩ, giáo dân trong gia đình giáo phận.
1. Những thông tin trong thời gian gần đây nhắc nhớ cho tôi bổn phận giáo dục Kitô giáo là giúp mọi thành viên trong gia đình ý thức trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ môi trường sống của mình và cũng là của mọi người anh em đồng bào và đồng loại.
Ghi nhận sự kiện
2. Cách đây ít tháng, người dân Thành phố xôn xao khi báo chí phanh phui vụ việc nhà máy sản xuất của công ty Vedan đã gây ô nhiễm nặng cho dòng sông Thị Vải, tác động đến đời sống và sinh hoạt của hàng trăm gia đình sinh sống trong vùng. Mới đây, nhiều nhân sĩ trí thức trong cũng như ngoài nước, lại lên tiếng cảnh báo về việc khai thác bôxít tại Tây Nguyên có thể gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường sinh thái cũng như an sinh xã hội. Mối quan ngại này rất đáng quan tâm và Quốc Hội đã quyết định đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự trong lần họp này.
3. Bên cạnh những vụ việc lớn như Vedan và khai thác bôxít, khi thăm viếng mục vụ tại các giáo xứ trong Thành phố cũng như khi thăm nhiều tỉnh thành trong nước, tôi đều thấy tình trạng ô nhiễm môi trường tác hại đến sức khoẻ của cộng đồng, huỷ diệt môi sinh, gây hậu quả nghiêm trọng làm cho nhiều người phá sản, thậm chí có nhiều người, nhiều khu xóm đã trở thành nạn nhân của các tệ nạn xã hội. Những hậu quả đó cho thấy tình trạng ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động. Vì thế tôi muốn nhắc nhở anh chị em những nguyên tắc hướng dẫn trong giáo huấn của Giáo Hội về môi trường, nhằm giúp anh chị em trong đời sống xã hội, có những phán đoán và hành động đúng đắn trong nhiệm vụ gìn giữ và bảo vệ môi trường.
Nguyên tắc hướng dẫn
4. Môi trường thiên nhiên là quà tặng của Đấng Tạo Hoá và là tài nguyên dành cho hết mọi người. Không ai trong chúng ta tạo dựng nên môi trường thiên nhiên. Khi ta sinh ra, môi trường đó đã có rồi. Và đời sống con người gắn liền với thiên nhiên, nhờ đó ta sống và lớn lên. Quà tặng và tài nguyên này được dành cho tất cả mọi người, chứ không chỉ dành riêng cho một ai hoặc một thiểu số nào, cũng không chỉ dành riêng cho thế hệ hiện tại mà còn cho cả thế hệ tương lai. Do đó, mọi người đều có trách nhiệm và nghĩa vụ phải tôn trọng, gìn giữ và bảo vệ môi trường sống của mình và cũng là của mọi người trong cộng đồng dân tộc cùng thế giới hôm nay.
5. Vì môi trường là tài nguyên dành cho mọi người, nên không thể nhân danh phát triển kinh tế và tích luỹ lợi nhuận cho một thiểu số mà huỷ hoại môi trường của đại đa số, nhất là của người nghèo, không có phương tiện tự vệ. Những sự kiện xảy ra gần đây cho thấy các nhà đầu tư chỉ tính toán lợi nhuận mà không quan tâm đủ đến tác động của việc sản xuất trên môi trường sống của con người. Phát triển kinh tế theo chiều hướng đó không thể bền vững, và cũng không vì công ích của xã hội, không vì tương lai của đất nước.
6. Vì môi trường là tài nguyên dành cho hết mọi người, nên trong phát triển kinh tế, phải quan tâm đến sự toàn vẹn và chu kỳ tuần hoàn của thiên nhiên. Các tài nguyên thiên nhiên không phải là nguồn nguyên liệu vô hạn, thậm chí có một số tài nguyên không thể tái tạo được. Do đó, không thể khai thác thiên nhiên một cách ích kỷ, làm phương hại trầm trọng đến nguồn dự trữ tài nguyên cho thế hệ hiện tại cũng như tương lai. Thực tế trong những năm gần đây cho thấy tình trạng phá rừng và gây ô nhiễm nguồn nước đã để lại những hậu quả nghiêm trọng như thế nào cho đời sống của người dân.
7. Vì môi trường là tài nguyên dành cho hết mọi người, nên trong tiến trình phát triển kinh tế, cần phải quan tâm đến quyền lợi của người dân bản địa. Cuộc sống và cả văn hoá của dân bản địa gắn liền với đất đai và môi trường khai sinh ra họ. Do đó, những dự án phát triển kinh tế cần phải quan tâm đến quyền lợi của dân bản địa. Nếu không, sẽ có thể tạo ra xáo trộn, bất ổn, xung đột trong xã hội.
Những gợi ý hành động cụ thể
8. Trước hết, bổn phận của người Kitô hữu là cầu nguyện cho nhà cầm quyền cũng như giới hữu trách được khôn ngoan sáng suốt trong việc đưa ra những quyết định có ảnh hưởng đến phúc lợi của người dân và rủi ro của môi trường thiên nhiên. Giáo Hội Công giáo đề nghị rằng trong những trạng huống mà các dữ kiện khoa học mâu thuẫn nhau hoặc dữ kiện thu thập được chưa đủ, giới hữu trách nên hành động theo nguyên lý dự phòng, nghĩa là chỉ đưa ra những quyết định tạm thời, có thể sửa đổi dựa trên những dữ liệu khoa học sau này mới biết được.
9. Bổn phận người Kitô hữu còn là tôn trọng, gìn giữ và bảo vệ môi trường. Nếu anh chị em là những người đầu tư vào công việc sản xuất, anh chị em cần quan tâm đến tác động của việc sản xuất đối với môi trường. Dù không phải là nhà sản xuất, mỗi người đều phải biết bảo vệ và gìn giữ môi trường sống của mình và của mọi người, bằng những hành động cụ thể trong đời sống thường ngày, như không xả rác nơi công cộng, không làm mất vệ sinh trong khu xóm...
10. Trong những sự kiện như vụ việc Vedan và khai thác bôxít ở Tây Nguyên, đã có nhiều tiếng nói được gióng lên trên báo chí và các phương tiện truyền thông khác. Đây là dấu chỉ lành mạnh của một xã hội dân chủ, trong đó người dân ý thức trách nhiệm tham gia vào tiến trình quyết định về những vấn đề liên quan đến đời sống của họ và của đất nước. Là người công giáo, chúng ta ý thức rằng việc xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh là trách nhiệm gắn liền với niềm tin Kitô giáo của mình. Vì thế, thông qua các cơ quan dân cử và các phương tiện truyền thông, anh chị em hãy chân thành và thẳng thắn góp ý với giới hữu trách biết yêu dân yêu nước, biết lấy dân làm gốc, đặc biệt trong những vấn đề có tầm quan trọng đối với vận mệnh của đất nước và phúc lợi của nhân dân. Đó là cách thể hiện niềm tin của chúng ta, niềm tin dấn thân xây dựng xã hội thành một cộng đồng nhân loại mới sống trong tình yêu và sự thật, trong công lý và an bình.
Kết luận
11. Thánh Kinh kể lại rằng khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã trao cho con người trách nhiệm chăm sóc, trông coi công trình tạo dựng của Ngài (x. St 1,28). Vì thế, đối với các Kitô hữu, gìn giữ, bảo vệ, chăm sóc môi trường thiên nhiên không chỉ là một trách nhiệm xã hội, mà còn là đòi hỏi của niềm tin, là một nghĩa vụ cao cả, vì lẽ ta được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng. Chúng ta hãy tích cực góp phần vào công trình đó để tất cả nên lời tôn vinh Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá và là Cha yêu thương hết mọi người.

Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, 31. 5. 2009
Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Hồng y Tổng Giám mục




Thứ Hai, 25 tháng 5, 2009

Giáo phận Long Xuyên: Thánh lễ tạ ơn nhân dịp Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ mừng sinh nhật 100 tuổi



Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ

Giám mục tiên khởi Giáo phận Long Xuyên

100 tuổi, 75 năm linh mục, 50 giám mục

Sinh ngày 02/2/1909 tại Vạn Đồn, huyện Thụy Anh, tỉnh Thái Bình

1922 : nhập Tiểu chủng viện Mỹ Sơn, Lạng Sơn

1928 : du học tại Đại chủng viện Luçon, Pháp

29/06/1934 : Thụ phong linh mục tại Đại chủng viện Luçon, Pháp

1934-1938 : Giáo sư tại Tiểu chủng viện Mỹ Sơn, giáo phận Lạng Sơn

1938-1939 : Thư ký tòa Khâm sứ Tòa thánh tại Huế, kiêm Giám đốc Toà báo Sacerdos Indosinensis

1940-1943 : coi Tiểu chủng viện Mỹ Sơn, Gp Lạng Sơn

1943-1951 : Chánh xứ Lộc Bình và Mỹ Sơn, Gp Lạng Sơn

1951 : Tổng đại diện giáo phận Lang Son.

1954 – 1960 : Chánh xứ Lạng Sơn, Xóm Mới, Gò Vấp, quản hạt Gò Vấp, Gp Saigon

1957 : Phó Công giáo Tiến hành Việt Nam

1958 : Xử lý thường vụ Công giáo Tiến hành Việt Nam

8.1960 : Phó Giám đốc kiêm giáo sư giáo phụ và Công giáo Tiến hành tại Đại Chủng Lê Bảo Tịnh, Saigon

24.11.1960 : Tòa Thánh bổ nhiệm Giám mục tiên khởi tân giáo phận Long Xuyên. Khẩu hiệu Christus in vobis (Chúa Kitô trong anh chị em)

22.1.1961 : Lễ tấn phong Giám mục tại nhà thờ Đức Bà Sàigòn do ĐTGM P.M. Ngô Đình Thục chủ phong với sự phụ phong của hai Đức Cha Jean Cassaigne (M.E.P) và Thadeus Lê Hữu Từ, O.Cist.

4.4.1961 : Nhậm chức Giám mục Giáo phận Long Xuyên

30.12.1997 : Hưu dưỡng tại Long Xuyên

Ngày 14/5/2009, tại nhà thờ Chính tòa Long Xuyên, 23 giám mục (Đức Hồng y chủ lễ và Đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt giảng lễ), cùng với 244 linh mục, chủ yếu thuộc Giáo phận Long Xuyên, đông đảo tu sĩ và anh chị em giáo dân đã dâng thánh lễ tạ ơn, nhân dịp Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ mừng sinh nhật 100, 75 năm linh mục và 50 giám mục.

Đây là một sự kiện trọng đại và đầy ý nghĩa, không phải chỉ của cộng đồng dân Chúa tại giáo phận Long Xuyên mà còn của cả Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, đặc biệt vào những tháng ngày giáp năm Giáo phận Long Xuyên mừng 50 thành lập giáo phận, và Giáo hội Công giáo Việt Nam tổ chức Năm Thánh mừng 50 thành lập hàng Giáo phẩm Việt Nam.

Cây cổ thụ

Với tuổi 100, - thực ra, tới ngày lễ hôm nay, 14/5/2009, khi cùng dâng thánh lễ Tạ ơn, Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ đã bước sang tuổi 101 được trên 100 ngày, - Đức Cha Micae đang là giám mục cao tuổi nhất hiện nay tại Việt Nam, và là một trong ba vị giám mục nhiều tuổi nhất của cả hàng giáo phẩm Công giáo Roma. Một trăm năm tuổi đời với thể xác bình an, đầu óc tỉnh táo, Đức Cha Micae đã đạt đến giấc mơ có lẽ của mọi người vào mọi thời: “Chúc sống lâu trăm tuổi”. Một trăm năm tuổi đời, trong đó 87 năm, Đức Cha đã sống trong sự rèn luyện mình để đi theo ơn gọi phục vụ Hội thánh Chúa với tư cách linh mục, rồi giám mục, những người gần gũi ngài, đặc biệt là các học trò và cộng sự của ngài, đã có thể nhìn thấy, nơi ngài, đức độ, tình người, lòng yêu thương Chúa và người đồng loại chất đầy với năm tháng, trong tập “Viết Về Cha”, được thực hiện nhân dịp trọng đại này.

Đức Cha Micae cũng nằm trong số các giám mục Việt Nam lần đầu tiên được diễm phúc tham dự Công đồng chung của Giáo hội Công giáo toàn cầu, và lại là Công đồng Vatican 2, một Công đồng vĩ đại đã để lại dấu ấn nổi bật trên tinh thần phát triển của Giáo hội: đổi mới trên cơ sở trở về nguồn cội. Đức Cha Micae cũng còn là một trong số rất hiếm hoi các nghị phụ của Công đồng chung Vatican 2, còn lại.

Xin được hợp lòng với Đức Cha Micae cảm tạ Thiên Chúa vì hồng ân hiếm hoi ngài đã nhận được trong hàng con cái loài người.

Người đặt viên đá xây dựng Giáo phận Long Xuyên

Là giám mục tiên khởi của giáo phận Long Xuyên mới được thành lập, Đức Cha Micae đã có thể được coi là người đặt viên đá đầu tiên của công trình xây dựng Giáo phận mới: xây dựng hàng giáo sĩ bằng việc xây dựng Tiểu chủng viện, Đại chủng viện, đào tạo giáo dân để họ trở thành những tông đồ tích cực của Giáo Hội tại vùng đất ở mút cùng đất nước này bằng việc thành lập viện Giáo lý đào tạo giáo lý viên chuyên nghiệp, cổ vũ việc mở trường học tại các giáo xứ. Ngài cũng là người xây dựng cho giáo phận ngôi nhà thờ Chính tòa nguy nga ngay tại thành phố Long Xuyên.

Khởi công, Đức Cha Micae cũng đã nghĩ ngay tới người phát triển giáo phận. Năm 1973, ngài đã cho các linh mục trong giáo phận bỏ phiếu tham khảo tìm người kế vị ngài. Một trong ba linh mục được nhiều phiếu nhất đã được Tòa Thánh chọn. Và quyết định phong giám mục cho Đức Cha G.B. Bùi Tuần của Vatican về tới Long Xuyên ngày 17.4.1975. Lễ phong chức Giám mục phó giáo phận Long Xuyên được cử hành hai tuần sau đó, ngày 30/4/1975. Ngay sau khi giáo phận có giám mục phó, Đức Cha Micae đã trao lại quyền hành: “Từ nay, Đức Cha toàn quyền, tôi rút lui vào bóng tối và giữ quyền người cha trong Giáo phận, không phải người cai trị”.

Đức cha Bùi Tuần đã tiếp tục công việc của Giám mục. Giáo phận tiếp tục phát triển. Năm 2003 Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu thay thế.

Trong thánh lễ hôm nay, ba thế hệ Giám mục của giáo phận Long Xuyên cùng có mặt: người khởi công, người tiếp nối công việc và người dẫn dắt giáo phận sánh bước với Giáo hội trên cả nước bước sang một bước phát triển mới với biến cố Năm Thánh của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Khác biệt trong liên tục, vì hiệp nhất (Ut sint unum, khẩu hiệu giám mục của Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu), trên nền tảng của một lệnh truyền (Unum Mandatum, khẩu hiệu giám mục của Đức Cha G.B. Bùi Tuần): hãy thương yêu nhau vì tất cả là môn đệ của Thày. Và chỉ có lòng yêu thương này mới là dấu chỉ Christus in vobis (Chúa Kitô ở giữa anh chị em).

Đức Kitô trong Giáo hội Công giáo ở Việt Nam

Cuộc gặp gỡ hôm nay tại nhà thờ Chính tòa Long Xuyên còn là dấu cho thấy Đức Kitô luôn hiện diện trong Giáo Hội của Ngài tại Việt Nam với quyền năng đem lại sức sống và tạo nên sự trẻ trung: Thánh lễ Tạ ơn hôm nay đã quy tụ dưới cùng một mái nhà, xung quanh cùng một bàn tiệc thánh, vị giám mục cao tuổi nhất, Đức Cha Micae, 50 năm giám mục và Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, mới được phong giám mục hôm trước tại Ban Mê Thuột.

NN. và VSH

THÁNH LỄ TẤN PHONG TÂN GIÁM MỤC BANMÊTHUỘT


Từ 6g sáng ngày 12/5/2009...

Nhà thờ Chính tòa Giáo phận Banmêthuột hôm nay thật tưng bừng. Dòng người đổ về càng lúc càng đông với đủ sắc màu rực rỡ. Bức phông tròn lớn có hình Đức Tân Giám Mục trong phẩm phục đỏ nổi bật trên hai cổng chính, và tiểu sử của ngài cũng được đặt vào nơi trang trọng, dễ thấy nhất.

Mọi khâu chuẩn bị cuối cùng đã gấp rút hoàn thành cho kịp ngày đại lễ…Từ hai hôm trước đã có nhiều Giám mục, Linh mục, tu sỹ và khách quý ở xa đã đến… Giáo phận BMT tràn ngập niềm vui…

Ban mê thuột xưa

Trở về thời xa xưa, cao nguyên Darlac, một nơi hoang vu hiểm trở, nơi được coi là “rừng thiêng nước độc”, cư dân chỉ là những sắc tộc bản đia. Vùng đất thuộc Giáo phận Banmêthuột ngày nay, lúc đó có ba sắc tộc chính: Sắc tộc Êđê ở vùng Darlac, M’nông ở Quảng Đức, và S’tiêng ở Phước Long. Cả ba sắc tộc có thổ ngữ riêng, họ thờ rất nhiều Thần, gọi chung là “Yang”.

Khi chưa một bước chân của người Pháp hay người Annam đến vùng đất này để sinh sống, thì đã có những bước chân âm thầm của hai nhà truyền giáo: cha Fontaine Khâm MEP(1847) và cha Hòa thuộc xứ truyền giáo Kontum thời Đức Cha Cuénot Thể (giáo phận Quy Nhơn) đã đến tập sinh sống theo họ, thử rao giảng Tin Mừng, nhưng hai vị đều không đạt được mục đích.

80 năm sau (1926-1927), có hai chủ đồn điền một người Pháp và một người Hà Lan khẩn khoản xin Đức cha Martial Jannin Phước (Gp. Kontum) đến vùng Darlac để lập họ đạo, vì trong các đồn điền ngườì Pháp có hơn 100 người có đạo Công giáo. Năm 1928, Đức cha Grangeon Mẫn, Giám mục Giáo phận Quy Nhơn xin Đức cha De Guebriant, Bề trên Hội Thừa sai Paris gởi thêm Linh mục, để có thể thành lập họ đạo ở Banmêthuột. Năm 1934 ngôi nhà nguyện mái tranh vách ván được dựng giữa trung tâm thị xã. Ngày 30/3/1937 Giáo họ Banmêthuột được nâng lên hàng Giáo xứ, cha Phêrô Nguyễn Đắc Cẩn làm cha sở tiên khởi…

Ngày 22/6/1967. Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã chính thức lập Giáo phận Banmêthuột, tách ra từ Giáo phận Kontum, với 03 Giáo hạt, 55 Linh mục và 56.719 giáo dân. Đức cha Phêrô Nguyễn Huy Mai được bổ nhiệm làm Giám mục tiên khởi.

Ban mê thuột hôm nay

Tính đến cuối năm 2008 Giáo phận Banmêthuột có 4 Giáo hạt, 87 Giáo xứ và 71 Giáo họ. Có 101 Linh mục triều, 19 Linh mục dòng phục vụ 361.162 giáo dân, gồm 293.718 người Kinh và 67.408 người Dân tộc, chiếm 13,28% dân số của ba tỉnh Daklak, Daknông, và Bình Phước.

Đức Tân Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản là vị Giám mục thứ IV của Giáo phận BMTvà là Chủ chăn thứ V sau Đức Giám quản Phaolô Nguyễn Văn Hòa

Có thể nói, Giáo phận BMT là cháu nội của Giáo phận Quy Nhơn. Đã qua hơn hai thế kỷ, “NHÀ NỘI” vẫn dạt dào tình thương…

Sau ba năm trống tòa, hôm nay Gp Banmêthuột như đầy sức sống, hân hoan chào đón khách từ Bắc đến Nam. Bao con tim rộn rã vui mừng biểu lộ rõ trên từng khuôn mặt….Khuôn viên nhà thờ Chính tòa trở nên quá nhỏ bé đối với lượng người từ khắp nơi đổ về... vì thế Thánh lễ được trực tiếp truyền hình qua 9 màn hình chung quanh nhà thờ.

Đúng 7g30 đoàn đồng tế từ phòng hội chung của Giáo xứ tiến về nhà thờ Chính tòa trong tiếng nhạc hoành tráng của Ban Kèn đồng và tiếng vang rền của nhịp điệu cồng chiêng. Đức Tân Giám mục tươi cười thân ái chào mọi người đứng dọc hai bên đoàn rước.

Thánh lễ tấn phong Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, do Đức Tổng Giám mục Huế Stêphanô Nguyễn Như Thể chủ phong. Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục Đà Nẵng và Đức cha Giuse Võ Đức Minh, Giám mục Phó Nha Trang phụ phong. Cùng tham dự thánh lễ còn có Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám mục Giáo phận Đà Lạt, Chủ tịch HĐGMVN, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục Giáo phận Thanh Hóa,Phó chủ tịch HĐGMVN, Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám mục Giáo phận Quy Nhơn, Đức Tổng Giám mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt và ĐGM phụ tá Tổng Giáo phận Hà Nội Laurensô Chu Văn Minh, Đức cha Costma Hoàng Văn Đạt, Giám mục Giáo phận Bắc Ninh, Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, Giám mục Giáo phận Bùi Chu, Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Giáo phận Hải Phòng, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, ĐGM Phụ tá Giáo phận Huế PX Lê Văn Hồng, Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục Giáo phận Hưng Hóa, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám mục Giáo phận Nha Trang, Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Giám mục Giáo phận Mỹ Tho, Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, Giám mục Giáo phận Phú Cường, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám mục Giáo phận Phan Thiết, Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, Giám mục Giáo phận Bà Rịa, Đức Cha Stephanô Tri Bửu Thiên, Giám mục phó Giáo phận Cần Thơ, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống và Đức Cha Phê rô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Saigon, Đức cha Giuse Nguyễn Tích Đức, nguyên Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột cùng 4 Viện phụ gồm dòng Phước Sơn, Châu Thủy, Châu Sơn và Thiên Phước, có khoảng 400 Linh mục, 300 Tu sỹ nam nữ, thân nhân của Đức Tân Giám mục và rất đông đảo giáo dân. Tham dự lễ phong chức còn có sự hiện của Chính quyền các cấp thuộc ba tỉnh Daklak, Dak Nông, Bình Phước, và đại diện của các Tôn giáo bạn.

Các bài đọc và bài hát trong Thánh lễ được sử dụng bằng tiếng Việt và tiếng Êđê.

Qua bài Tin Mừng (Lc 4.16-21) “Thánh Thần Chúa ngự tên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi…”, và với khẩu hiệu “Hãy bước theo Thần Khí” mà Đức Tân Giám mục đã chọn, trong bài giảng, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm nhấn mạnh đến sự gắn bó giữa Giám mục với đoàn chiên được giao phó, như Tân lang đối với Hiền thê của mình. Ngài nhắc lại câu trả lời trong bài phỏng vấn đầu tiên của HĐGMVN, khi được bổ nhiệm làm giám mục Banmêthuột Đức Cha Vinh Sơn có nói: “ Kể từ hôm nay tôi thuộc trọn về Giáo phận”. Bằng hình ảnh chiếc nhẫn cưới trong hôn lễ, cũng như chiếc nhẫn Giám mục mà vị Tân chức được lãnh nhận trong ngày thụ phong, Đức Cha Khảm so sánh - người Mục tử (vị Hôn phu) từ nay sẽ gắn bó mật thiết và trọn vẹn với đoàn chiên (vị Hôn thê) của mình.

Và như một M.C, Đức cha Khảm cầu chúc cho “đôi Tân Hôn” trăm năm hạnh phúc...

Sau phần thẩm vấn vị Tân chức, nghi thức phong chức được diễn ra rất trang trọng, sốt sắng và cảm động. Cử chỉ hôn chúc bình an của Giám mục đoàn như một lời nhắn nhủ động viên và khích lệ vị Tân chức trong nhiệm vụ mới.

Cuối Thánh lễ Đức cha Chủ tịch HĐGMVN có lời chào mừng và đón nhận Đức cha Vinh Sơn là thành viên mới trong cộng đoàn của các Giám mục Việt Nam.

Tiếp đó cha Đaminh Hà Duy Khâm, đại diện Linh mục đoàn và cộng động Dân Chúa Giáo phận Banmêthuột nói lên lời cám ơn Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, cám ơn Giám mục Giáo phận Quy Nhơn đã tặng trao người con ưu tú của mình cho Giáo phận BMT, cám ơn Đức cha chủ phong và các Đức Giám mục hiện diện, Bề trên các dòng, các linh mục đồng tế, chính quyền các cấp của ba tỉnh Daklak, Dak Nông, Bình Phước, các Tôn giáo bạn và toàn thể cộng đồng Dân Chúa.

Trong phần đáp từ, vị Tân chức cám ơn Đức Thánh cha đã thương chọn ngài trong chức vụ Giám mục, cảm ơn quý Đức cha , quý Bề trên, quý Cha linh hướng, quý Cha giáo, quý vị Ân sư đã động viên, giúp đỡ ngài trên bước đường theo tiếng gọi của Chúa. Bằng tiếng Pháp, ngài cám ơn các Thầy giáo tại Học viện Công giáo Paris. Với sự chân thành và dễ mến, ngài xúc động cảm ơn tất cả mọi người, và thật ngạc nhiên khi ngỏ lời với anh em Dân tộc, ngài đã nói với họ bằng tiếng Êđê rất chuẩn đến nỗi có người nói rằng: Đức Cha người Dân tộc mà nói tiếng Việt như người Kinh !!! và ngài thân thương gửi đến cộng đoàn Dân Chúa Giáo phận Banmêthuột "Tôi yêu mến tất cả anh chị em". Mọi người vỗ tay vang dội thật lâu.

Trước khi ban phép lành trọng thể, các Giám mục phụ phong đã hướng dẫn Đức Tân Giám mục đi chúc lành cho mọi người đang hiện diện trong Thánh lễ.

Niềm vui trong ngày đại lễ của cộng đoàn Dân Chúa còn được kéo dài trong buổi liên hoan chúc mừng Tân chức tại khuôn viên Tòa Giám mục Banmêthuột.

Ban truyền thống GP. Ban mê thuột.

Hân hoan báo tin: TÂN NỮ ĐAN VIỆN XITÔ PHƯỚC THIỆN

V/v Thành lập NỮ ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU PHƯỚC THIỆN 4/194 - Ấp Hải Sơn - xã Phước Hòa - H. Tân Thành - Tp. Bà Rịa - Vũng Tàu. Tel: 064.3876513. Email: xitophuocthien@vnn.vn

Trọng kính Cha Chủ Tịch Liên Tu Sĩ TP. HCM,

Chúng con Nữ Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Vĩnh Phước thuộc Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam,

hân hoan thông tin để Cha Chủ Tịch cùng hiệp thông vui mừng tạ ơn Chúa với ngành Nữ Xitô chúng con.

Kể từ ngày 29 - 11 - 2008, ngành nữ Xitô chúng con có thêm một Đan Viện Tu Trì (Sui Juris) mới:

NỮ ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU PHƯỚC THIỆN.

4/194 - Ấp Hải Sơn - xã Phước Hòa - H. Tân Thành - Tp. Bà Rịa - Vũng Tàu

Tel: 064.3876513

Email: xitophuocthien@vnn.vn

và Tân Viện Trưởng

MARIA CECILIA NGUYỄN THỊ OANH

Chúng con kính xin Cha Chủ Tịch giúp lời cầu nguyện cho Tân Đan Viện và Tân Viện Trưởng, đồng thời ghi tên Tân Đan Viện và Tân Viện Trưởng vào Danh sách Các Dòng và Liên Hiệp Bề Trên Thượng Cấp, để Tân Viện Trưởng và Đan Viện của người từ nay được vui mừng hiện diện và tham gia các sinh hoạt của Liên Tu Sĩ TP.HCM.

Chúng con xin chân thành tri ân Cha Chủ Tịch Liên Tu Sĩ TP.HCM. Kính chúc sức khỏe Cha Chủ Tịch và xin Cha chúc lành cho chị em Nữ Xitô chúng con.

Kính thư,

Maria Gioan Thánh Giá Phạm Ghy Tạc

Viện Trưởng

Nữ Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Vĩnh Phước

Lễ Phong chức Viện Phụ Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Thiên Phước, Bà Rịa

BÀ RỊA - Vào 9 giờ sáng ngày 19/3/09, lễ Thánh Giuse, lễ Chúc Phong Viện Phụ Tiên Khởi của Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Thiên Phước đã diễn ra trong bầu khí trang trọng.

Ngôi nguyện đường mới xây theo hình thánh gía, đầu tựa vào sườn núi, chân là cửa chính mở ra trước cảnh biển cả mênh mông. Dưới ánh nắng rực rỡ của đầu ngày, ngôi nguyện đường xinh xắn tầm vóc trung bình đã đầy ắp người tham dự khoảng 500, đa số là tu sĩ nam nữ địa phương, phần ít còn lại là giáo dân và một số khách hành hương. Bài ca nhập lễ với tiếng đàn và tiếng hát hùng tráng làm ngây ngất lòng người của khoảng trên 100 ca viên nam, gồm toàn các thầy sinh viên của Viện Thần Học Xitô ở Châu Sơn Đà Lạt và các thầy thuộc Đan Viện Thiên Phước.

Tiến vào thánh đường là một đoàn rước dài của gần 50 linh mục triều và dòng. Cuối cùng là Đức Cha Thomas Nguyễn Văn Trâm, Giám Mục Địa Phận Bà Rịa, chủ sự buổi lễ. Mở đầu buổi lễ, Đức Cha nói đến 3 ý cầu nguyện trong thánh lễ: thứ nhất là cầu cho Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI vì thánh Giuse là quan thầy của Ngài. Nguyên tên là Joseph Ratzinger, thứ hai là cầu cho Tân Viện Phụ Maria Matthêu Nguyễn Bá Linh của Đan Viện Thiên Phước, và thứ ba là cầu cho hết mọi người có thánh Giuse làm bổn mạng, cách riêng là giới gia trưởng.

Sau Phúc Âm, Đức Cha Thomas Nguyễn Văn Trâm đã quảng diễn ý nghĩa về lễ Thánh Giuse một cách thật phong phú và sâu sắc. Trong nhiệm vụ bảo vệ đời sống cho Đức Trinh Nữ Maria và Thiên Chúa Ngôi Hai nhập thể cứu đời, Thánh Giuse quả đã được cộng tác vào việc gìn giữ mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa. Đức Cha kết thúc bài giảng bằng lời Thánh Thi trong Giờ Kinh Phụng vụ về lễ thánh Giuse như sau:

Hỡi người thợ vô danh của xưởng mộc nghèo khó,

Xin ban no lành cho người lao động khắp cùng xứ sở.
Chúng con cần gương Ngài để thấy kho tàng trong giọt mồ hôi,
Thấy nụ cười trong từng giòng nước mắt,
Thấy Nước Trời trong lòng đất mẹ cằn khô
Thấy sáng tạo đi lên, tình người yêu thương và hiệp nhất
Thấy lớn lao trong từng nhỏ nhặt
Thấy vinh quang trong khổ nhục, ngài ơi.
Hỡi người thợ vô danh của xưởng mộc nghèo khó,
Xin cho những người đang xây dựng thế giới này
Thấy Ngài phục sinh, thấy Ngài phục sinh trong bàn tay của họ
…”

Sau bài giảng Phúc Âm, là Nghi Lễ Phong Viện Phụ. Đức Cha sau khi nghe ý kiến của cộng đoàn, đã cùng với cộng đoàn hát Kinh Cầu Các Thánh và cầu nguyện cho Tân Viện Phụ. Lúc này Viện Phụ nằm phủ phục trên mặt đất cho đến hết kinh thì đứng dậy lãnh nhận các biểu hiệu của người Chủ Chăn: đó là tượng Thánh Giá đeo cổ, gậy, mũ và nhẫn, giống như của Đức Giám Mục. Sau cùng là hôn chúc bình an.

Chức Viện Phụ không phải là một thánh chức, nhưng là một chức vị lãnh đạo được Giáo Hội công nhận. Theo Tu Luật của Thánh Biển Đức thì Viện Phụ chính là người Cha trong Đan Viện, vị thay mặt Chúa Kitô, có trách nhiệm trông coi đời sống thiêng liêng và vật chất của mọi người trong Đan Viện. Vì trách nhiệm coi sóc một đoàn chiên lớn lao gồm nhiều linh mục và tu sĩ. Có những Đan Viện thời xưa đông đúc, có đến mấy trăm người. Vì thế Hội Thánh đã ban đặc ân cho các vị Viện Phụ trong các Đan Viện được mặc bề ngoài như một đức Giám Mục, cũng có gậy, mũ, nhẫn để biểu lộ quyền bính và phẩm hạnh của một vị chủ chăn.

Tân Viện Phụ Maria Matthêu Nguyễn Bá Linh sinh ngày 13/5/1950 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An, địa phận Vinh. Gia đình dời vào Nam, Chú bé Linh đã lớn lên trong những năm tiểu học tại Trường Phước An, Thị Nghè, Sài Gòn. Đến năm lên 12 tuổi, Chú Linh đã dâng mình cho Chúa trong Dòng Xitô Phước Sơn tại Thủ Đức, Sài Gòn, và học hết bậc Trung Học Phổ Thông tại trường của Dòng rồi vào Tập Viện.

Ngày 15/8/1970.Thầy Linh được Khấn Dòng Lần Đầu. Đến 15/8/1975 được khấn Trọn Đời. Vì hoàn cảnh khó khăn chung, nên mãi 19 năm sau đến ngày 08/01/1994 Thầy Linh mới được thụ phong Linh Mục.

Sau 10 năm phục vụ Dòng trong chức vụ Quản lý. Năm 2004 Cha Mattheu Linh được cộng đoàn cử đi du học tại Nước Pháp. Sau 4 năm dùi mài kinh sử, Cha đã lấy được bằng Cao Học về Thần Học Kinh Thánh. Học xong rồi, Cha Linh đi một vòng thăm viếng các đan viện ở Âu Châu để quan sát và học hỏi lối sống hiện nay của các đan viện ấy ra sao. Đến cuối tháng 12/2008 Cha đã về nước, và đến đầu năm 2009 Cha đã được bầu làm Viện Phụ Tiên Khởi của Cộng Đoàn Xitô Thánh Mẫu Thiên Phước.


Đan Viện Thánh Mẫu Thiên Phước khai sinh từ năm 1968 là một mảnh đất nhỏ do Ông Trùm Tý tặng cho Nhà Dòng Đan Viện Phước Sơn Thủ Đức làm nơi nghỉ hè cho Đệ Tử Viện. Mãi đến năm 1975 mới có tu sĩ đến ở và trở thành Đan Viện (monastery). Bề Trên đầu tiên là Cha Maximô Đỗ Chính Thống. Đến năm 1999 trở thành Đan Trưởng Viện (independent monastery), được độc lập khỏi trách nhiệm tài phán của Nhà Mẹ Phước Sơn lúc đó đã dời chỗ từ Thủ Đức về Phước Lộc, xã Phước Hoà, Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Viện Trưởng đầu tiên của Đan Trưởng Viện Thiên Phước là Cha PhiLipphê Hoàng Kim Tâm. Sau 9 năm được Cha Philipphê Tâm coi sóc, đến năm 2008 lại một lần nữa Đan Trưởng Viện Thiên Phước đã được Tổng Hội Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam nâng lên thành Đan Phụ Viện (abbey) vì đã đủ các điều kiện theo Hiến Pháp đòi buộc. Và đến đầu năm 2009, Viện Phụ Tiên Khởi (first Abbot) đã được bầu xong. Đó là Cha Matthêu Nguyễn bá Linh.

Nhân số của Đan Viện Thiên Phước hiện nay là 72 người, trong số này có 10 linh mục và 40 đan sĩ đã khấn trọn đời. Về kinh tế, các cha các thầy làm nhiều thứ để sống: canh nông, chăn nuôi, sản xuất Bột Ngũ Cốc Bổ Dưỡng, làm rượu và làm mỹ nghệ thánh. Tuy nhiên những sinh hoạt này chỉ vừa đủ để trả tiền chợ mỗi ngày. Dự án trong năm tới, Đan Viện đang vận động để kêu gọi ân nhân các nơi giúp làm nên một Nhà Tĩnh Tâm cho giáo dân khoảng 50 giường.

Trong lời cám tạ cuối lễ, Tân Viện Phụ đã nói những lời rất cảm động và đầy ý nghĩa:

1. Xin hãy nhìn buổi lễ Chúc Phong như là đánh đấu sự trưởng thành chung của Đan Viện Thiên Phước, cho nên nó là niềm vui và niềm tự hào chung cho mọi người thuộc Dan Viện Thiên Phước. Phần Viện Phụ lãnh chức chỉ là một góc nhỏ trong niềm vui chung ấy.

2. Xin cám ơn mọi người đã góp tay làm nên sự trưởng thành này. Xin đích danh tuyên dương công ơn của các vị Cha tiền nhiệm của Đan Viện Thiên Phước, đã đem hết sức chăm lo cho Đan Viện này phát triển mạnh mẽ. Đó là Nguyên Viện Phụ Hội Trưởng Gioan Vương Đình Lâm, Cha Nguyên Bề Trên Maximô Đỗ Chính Thống, Cha Nguyên Viện Trưởng Philipphe Hoàng Kim Tâm. Xin công khai tuyên dương sự góp tay của các ân nhân xa gần, trong nước củng như ở hải ngoại, cách riêng là của Hội bảo Trợ Đan Viện Thánh Mẫu Thiên Phước.

3. “Các ngài trao lại cho con không chỉ một nhà nguyện khang trang đẹp đẽ mà quí khách đang thấy, nhưng còn để lại cho con một gia sản to lớn là Bẩy Mươi Hai Nhà Nguyện, đó là 72 đan sĩ, tu sĩ của Đan Viện Thiên Phước, là những ngôi đền thờ đích thực sống động mà từ nay con phải trân trọng giữ gìn. Từ Bẩy Mươi Hai Ngôi Thánh Đường này, ngày ngày những lời kinh được dâng lên Thiên Chúa để ca ngợi tình thương Ngài muôn đời trường cửu và cầu nguyện cho giáo hội hoàn vũ.” (Trich nguyên văn lời Cha Linh nói)

Đức Tân Viện Phụ đã nói đến thế, thì tôi, người viết bài tường thuật này, thấy mình chỉ còn có một sự chọn lựa là ưng thuận để hăng hái cầu nguyện cho Ngài và Đan Viện mà thôi. Đi một buổi lễ mà thâu lượm được quá nhiều ý nghĩa cao quí. Tôi thấy mình lời quá. Đó là chưa kể đến việc mọi người đều được thưởng thức bữa cơm trưa thật ngon do Nhà Dòng khoản đãi.

Xuân Linh

QUÝ ĐỨC CHA GỐC GIÁO PHẬN BÀ RỊA

Ðức Cha Giuse Phạm Văn Thiên

Nguyên Giám Mục Giáo Phận Phú Cường

Khẩu Hiệu : "Ơn Chúa Ở Cùng Tôi".

Ðức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu

Nguyên Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long

Khẩu Hiệu : "Yêu Thương Và Lao Khổ"

Ðức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm

Giám Mục Chính Tòa Giáo Phận Bà Rịa

Khẩu Hiệu : "Hiền Lành Và Khiêm Nhường"

Ðức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm Giáo phận Bà Rịa ngỏ lời với cộng đồng dân Chúa

Ðức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, Giáo phận Bà Rịa, ngỏ lời với cộng đồng dân Chúa.

Trọng kính Ðức Hồng Y Crescenzio Sepe, Bộ Trưởng Bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc, và Ðức Ông Barnaba Nguyễn Văn Phương, viên chức cấp cao của Bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc,

Thật là diễm phúc và vạn vạn ơn phúc cho giáo phận mới Bà Rịa chúng con, vì hôm nay chúng con được khai sinh từ tấm lòng hiền phụ của Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI và của Ðức Hồng Y Bộ Trưởng. Chúng con cảm nhận rằng hôm nay Giáo Hội hoàn vũ đang hiện diện và đồng hành với chúng con qua sự hiện diện và huấn dụ của Ðức Hồng Y, đại diện Ðức Thánh Cha, viếng thăm mục vụ Giáo Hội Việt Nam và giáo phận Bà Rịa chúng con. Chúng con kính xin Ðức Hồng Y chuyển đến Ðức Thánh Cha lòng kính trọng vâng phục và tình yêu của chúng con đối với Ðức Thánh Cha. Kính lạy Ðức Thánh Cha Bênêđictô, chúng con yêu mến Ngài.

Chúng con ghi ơn Ðức Hồng Y đã dành phần ưu tiên cho giáo phận chúng con khi Ngài đến viếng thăm và ban huấn dụ cho chúng con. Ngài đã quan tâm cách đặc biệt sự phong phú, đa dạng và lòng đạo đức nhiệt thành của các mục tử giáo phận Xuân Lộc khi chấp thuận lời thỉnh nguyện của chúng con xin chia tách giáo phận Xuân Lộc và thành lập giáo phận mới Bà Rịa này. Chúng con ghi ơn Ðức Ông Barnaba, người tông đồ đầy lòng nhẫn nại và kiên trì, đã góp phần rất tích cực trong việc thành lập giáo phận mới này.

Trân trọng nhất và trang trọng nhất, với tất cả sự kính trọng, tôi cùng với các linh mục, các tu sĩ nam nữ, các chủng sinh, các ban hành giáo và giáo dân của giáo phận mới Bà Rịa, xin gởi đến Ngài Thủ Tướng Chính Phủ, Ban Tôn Giáo và các ban ngành chức năng của Chính phủ, xin gởi đến các Vị lãnh đạo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, xin gởi đến các Vị lãnh đạo của tỉnh Ðồng Nai, lời cám ơn chân thành của chúng tôi. Kể từ ngày đất nước được thống nhất, theo lời thỉnh nguyện từ năm 2000 của các Giám mục Xuân Lộc và của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, Quý Vị đã cứu xét và giải quyết một nhu cầu bức thiết của chúng tôi là chia tách giáo phận Xuân Lộc thành hai giáo phận: Xuân Lộc và Bà Rịa, đồng thời chấp thuận đề nghị của Tòa Thánh bổ nhiệm giám mục tiên khởi cho giáo phận mới Bà Rịa. Xin chân thành cám ơn và kính chào Quý Vị.

Trọng kính Ðức Cha Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, Ðức Hồng Y Tổng Giám mục Trưởng giáo tỉnh Saigon, các Ðức Giám Mục, các Viện phụ,

Giáo phận mới Bà Rịa chúng con rất xúc động vì Giáo Hội Việt Nam đang hiện diện, hiệp thông và cầu nguyện cho chúng con qua sự hiện diện của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam tại Nhà thờ Chánh tòa này. Kính xin Ðức Cha Chủ tịch, Ðức Hồng Y Trưởng giáo tỉnh cùng quý Ðức Cha và quý Viện phụ hỗ trợ và hướng dẫn để chúng con noi bước các Ngài trong cuộc hành trình đức tin, chứng nhân và truyền giáo.

Trọng kính Ðức Cha Ðaminh, Giám mục giáo phận Xuân Lộc chúng con,

Ðức Cha đã ghi nhiều dấu ấn không hề phai nơi giáo phận Bà Rịa chúng con: Ðền thánh Ðức Mẹ Bãi Dâu, Tượng Ðài Chúa Kitô Vua núi Tao Phùng, và nhất là nỗi thao thức và tận lực để giáo phận mới Bà Rịa được thành hình. Tình yêu mục vụ và lòng nhiệt thành tông đồ của Ðức Cha là tấm gương soi chiếu cho mọi thành phần dân Chúa: linh mục, tu sĩ, chủng sinh, ban hành giáo và giáo dân của giáo phận này. Chúng con không thể nào không ghi tạc công ơn cao dầy của các vị mục tử tiền nhiệm của giáo phận: Ðức cố Giám mục Giuse Lê Văn Ấn, Ðức cố Giám mục Ðaminh Nguyễn Văn Lãng, Ðức Giám mục Phaolô - Maria Nguyễn Minh Nhật, là những người thầy, người cha và người lãnh đạo đã dầy công gieo trồng Lời Chúa, vun đắp đức tin, hướng dẫn dân Chúa sống và làm chứng niềm tin và truyền giáo. Nếu hôm nay giáo phận Xuân Lộc và Bà Rịa chúng con đạt đến tầm vóc trưởng thành, đó là nhờ ơn Chúa và nhờ ơn các Ngài. Chúng con dâng lên các Ngài những lời kinh để tỏ lòng hiếu kính và yêu mến tràn đầy.

Cùng với tất cả anh em linh mục, anh chị em tu sĩ, các chủng sinh, ban hành giáo và giáo dân giáo phận Xuân Lộc. Mười ba năm trong tác vụ giám mục phụ tá, tôi đã ở giữa anh chị em và đồng hành cùng anh chị em. Thật nhiều kỷ niệm để nhớ, để thương, để an ủi và khích lệ nhau. Tôi vẫn luôn nhớ đến anh chị em hằng ngày trong lời kinh nguyện và trong tình yêu. Xin cầu nguyện cho tôi và cho giáo phận mới này.

Kính thưa quý Cha Tổng Ðại diện và quý cha các giáo phận, quý Bề trên và các tu sĩ nam nữ, xin chân thành cám ơn tất cả. Sự hiện diện của quý Cha và quý tu sĩ trong ngày khai mạc sứ vụ mục tử của tôi là một khích lệ và cổ võ, nâng đỡ và hỗ trợ tôi rất nhiều. Xin luôn cầu nguyện cho chúng tôi nhất là những khi đi hành hương ở Ðền thánh Ðức Mẹ Bãi Dâu và Tượng Ðài Chúa Kitô Vua núi Tao Phùng.

Kính thưa quý Cha, quý tu sĩ nam nữ, quý chủng sinh, quý ban hành giáo và toàn thể anh chị em của giáo phận mới Bà Rịa,

Thiên Chúa và Hội Thánh sai tôi đến với anh chị em. Này tôi đến để phục vụ anh chị em. Tôi xin chào tất cả anh chị em. Tôi không là người xa lạ đối với anh chị em. Mười ba năm qua trong tác vụ mục tử, tôi đã nhiều lần đến với anh chị em: viếng thăm mục vụ, ban bí tích Thêm sức, khánh thành nhà thờ, nhà xứ, tượng đài; tôi đã thuộc về anh chị em và đã đồng hành cùng anh chị em. Và hôm nay, Thiên Chúa và Giáo Hội kết ước tôi với anh chị em bằng một danh hiệu mới: giám mục giáo phận của anh chị em. Tôi mời gọi tất cả anh chị em cùng với tôi, chung tay chung lòng xây dựng, củng cố và hoàn thiện hóa cộng đồng giáo phận này. Cùng vui buồn, cùng băn khoăn, cùng trăn trở để cùng nhau đồng hành trong cuộc hành trình đức tin, chứng nhân và tông đồ, cùng nắm tay nhau trong cuộc khởi hành mới với niềm vui mừng và hy vọng là cộng đồng dân Chúa này được sống và sống dồi dào phong phú. Tôi chỉ là người tôi tớ đến để phục vụ và gắn kết anh chị em. Anh chị em là con đường dẫn tôi đến cùng Thiên Chúa và Hội Thánh.

Trọng kính Ðức Hồng Y Sepe, Ðức Hồng Y Gioan Baotixita, Ðức Cha Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, quý Ðức Cha, quý Viện phụ, quý Cha và toàn thể Anh Chị Em,

Giờ đây, con xin trình bày đôi nét về giáo phận mới Bà Rịa.

A. Ðịa Danh Bà Rịa

Bà Rịa xa xưa là đất Chiêm Thành gồm cả một vùng rộng lớn từ Biên Hòa đến Bình Thuận. Năm 650 - 655, vùng này bị Thủy Chân Lạp thôn tính và đặt tên là nước Lịa, Lục Ðịa Thiết; về sau người địa phương đọc trại ra là Bà Rịa theo thổ âm.

B. Ðịa Hạt Bà Rịa

Linh mục JB. Errard, thuộc Hội Thừa sai Paris, là cha xứ Bà Rịa từ năm 1874 đến 1887, đã tường trình về địa hạt Bà Rịa có trước năm 1862. Ðịa hạt này gồm có năm họ đạo: Ðất Ðỏ là họ đạo chính có khoảng 1,100 giáo dân; Thôn bây giờ gọi là họ Long Tân có 500 giáo dân; Dinh bây giờ gọi là Phước Lễ (Bà Rịa) có 400 giáo dân; Thành bây giờ gọi là họ Long Ðiền có 200 giáo dân và Gò Sầm có 100 giáo dân. Như thế, địa hạt Bà Rịa lúc đó chỉ có tổng cộng 2,300 giáo dân.

C. Ký Ức Hào Hùng

Khi quân đội Pháp, năm 1861, thôn tính Sài Gòn - Gia Ðịnh và sẵn sàng tấn công Vũng Tàu Bà Rịa, quan quân triều Nguyễn đã bắt giam các tín hữu cư ngụ tại địa hạt Bà Rịa vào bốn trại giam:

a. Trại giam chính ở Bà Rịa giam cầm 300 đàn ông. Ngày nay còn di tích là Nhà Mồ các vị tử đạo Bà Rịa.

b. Trại giam thứ hai ở Long Ðiền, giam cầm 135 người. Còn vết tích là cây Thánh giá ở đất thánh họ Long Ðiền bây giờ.

c. Trại giam thứ ba ở họ Long Tân giam cầm 140 người.

d. Trại giam thứ tư là ở Ðất Ðỏ giam cầm 125 phụ nữ và trẻ em. Bây giờ còn mộ bia tại công viên Ðất Ðỏ.

Ngày 07 tháng 01 năm 1862, từ Vũng Tàu quân đội Pháp tiến công về Bà Rịa, quan quân triều Nguyễn trước khi rút lui đã thiêu sống các tín hữu ở cả bốn trại giam trên. Tổng số giáo dân bị chết thiêu là 444 người gồm có 288 đàn ông và 156 phụ nữ và trẻ em. Linh mục JB. Errard đã ghi bia đá danh sách 300 người và an táng chung tại huyệt mộ Bà Rịa. Ngôi Nhà thờ Mồ các vị tử đạo Bà Rịa vẫn tồn tại với năm tháng nơi quê hương này và đã trở thành chứng tích hào hùng của các chiến sĩ đức tin lấy máu mình làm nảy sinh các tín hữu, lấy mạng sống mình để vun đắp sự sống cho con cháu, là đức tin sống động đang lưu thông trong huyết quản từng tín hữu Bà Rịa hôm qua, hôm nay và mãi về sau.

D. Giáo Phận Mới Bà Rịa

Nằm trọn trong địa giới hành chính của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với diện tích 1975.15 km2, dân số công giáo là 224,474 người giữa dân cư 908,622 người, tức khoảng 24.7%. Số linh mục giáo phận là 67; số linh mục dòng là 35, nam tu 192 và nữ tu 406.

Là một giáo phận mới thành lập được tách ra từ giáo phận Xuân Lộc, chúng con cố gắng bước đi vững vàng trong sự hiệp thông trọn vẹn với Ðức Thánh Cha và Giáo Hội hoàn vũ, với Giáo Hội Việt Nam và giáo phận mẹ Xuân Lộc. Chúng con cố gắng xây dựng sự hiệp nhất và yêu thương và trong năm mục vụ 2006, chúng con chú tâm học hỏi và thực hành việc Tân Phúc Âm hóa, nhằm thường huấn và đào tạo nhân sự cho việc loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô tại giáo phận chúng con.

Những bước chập chững vào đời, chúng con rất cần được hướng dẫn, bảo vệ, củng cố bởi ơn Chúa, lời cầu nguyện của Ðức Thánh Cha, của Ðức Hồng Y Bộ Trưởng Bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc và của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam. Xin các Vị chúc lành cho giáo phận chúng con. Chúng con dâng hiến giáo phận của chúng con cho Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa, là Quan Thầy bảo trợ của chúng con.

Con xin chân thành cám ơn mọi người.

+ ÐGM Tôma Nguyễn Văn Trâm

Giáo Phận Bà Rịa, 5/12/2005

Bài Giảng của ÐHY Crescenzio Sepe trong Thánh Lễ Thành Lập Tân GP Bà Rịa vào trưa thứ Hai, mùng 5/12/2005

Bài Giảng của Ðức Hồng Y Crescenzio Sepe trong Thánh Lễ Thành Lập Tân Giáo Phận Bà Rịa và Lễ Nhận Giáo Phận của Ðức Giám Mục Chính Toà Tiên Khởi Tôma Nguyễn Văn Trâm, vào trưa thứ Hai, mùng 5 tháng 12 năm 2005.

(Radio Veritas Asia 5/12/2005) - Quý vị và các bạn thân mến. Như đã loan tin, Ðức Hồng Y Crescenzio Sepe đã chủ tế Thánh Lễ Thành Lập Tân Giáo Phận Bà Rịa vào trưa thứ Hai, mùng 5 tháng 12 năm 2005. Sau bài phúc âm, Ðức Hồng Y đã giảng như sau:

Anh chị em thân mến trong Chúa Giêsu Kitô,

Bí Tích Thánh Thể mà chúng ta cử hành hôm nay, long trọng ghi dấu việc Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, ngự đến trong Nhà Thờ Giáo Xứ này, mà nay được nâng lên hàng Nhà Thờ Chính Toà. Trong hoàn cảnh hôm nay, tôi muốn mời gọi anh chị em suy niệm vắn tắt Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe qua.

Bài đọc thứ I trích từ sách Xuất Hành, kể rằng Ông Môisen từ núi Sinai xuống và trình bày cho Dân những giới răn lãnh nhận từ Thiên Chúa. Dân chúng đồng thanh đáp lại như sau: "Tất cả mọi lề luật do Giavê Thiên Chúa quyết định, chúng tôi sẽ đem ra thực hành". Ông Môisen viết ra tất cả những lề luật của Giavê Thiên Chúa, và ngày hôm sau, từ sáng sớm, Ông dựng lên một bàn thờ ngay bên chân núi, rồi giết những bò rừng còn non để hiến tế. Ông lấy phân nửa máu và đặt trong chậu, và rảy phân nửa kia trên bàn thờ. Ông cầm lấy sách của Giao Ước và đọc lên cho dân chúng nghe. Họ đáp lại: "Tất cả những gì GiaVê Thiên Chúa nói, chúng tôi sẽ đem ra thực hành và chúng tôi vâng phục Luật Chúa". Ông Môisen, bấy giờ lấy máu rảy trên dân chúng và nói: "Ðây là Máu của Giao Ước mà Giavê Thiên Chúa đã ký kết với các người" (Xh 24, 1-9). Như thế, nghi thức ký giao ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài kết thúc bằng máu, biểu tượng cho sự sống. Bàn thờ tượng trưng cho Thiên Chúa; việc rảy máu trên dân chúng chỉ một kết ước đặc biệt kết hiệp Thiên Chúa với dân Ngài. Biến cố quan trọng này sẽ được nhắc lại và được thực hiện lại trong nhiều dịp. Dân Israel, tuy nhiên, đã lỗi phạm kết ước này nhiều lần. Trước sự bất trung của dân, Thiên Chúa không ngừng tha thứ và yêu thương. Và không những ngài tha thứ, mà còn, qua các tiên tri, ngài nhiều lần loan báo Giao Ước mới, trong đó ngài chỉ cho thấy lòng nhân từ vô biên của Ngài.

Chúng ta là dân mới của Thiên Chúa của giao ước mới, được ký kết trong Máu Thánh của Chúa Kitô đã đổ ra trên thập giá, liên kết cách mới mẽ, thật chặt chẽ và vĩnh viễn. Thiên Chúa với dân mới, với toàn thể nhân lọai, được mời gọi kết thành Giáo Hội. Hy tế của Chúa Kitô là hy tế duy nhất, có giá trị vô biên, thiết lập những tương quan hoàn toàn mới mẽ và không thể rút lại được, giữa Thiên Chúa và con người. Giao Ước này được lập lại, mỗi lần bí tích Thánh Thể được cử hành. Hy tế này có một ý nghĩa giáo hội và phổ quát của Giáo Hội Chúa Kitô, "duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền," nhất là khi hy tế đó được cử hành bởi vị Giám Mục, Ðấng triệu tập lại quanh Ngài linh mục đoàn và toàn dân Chúa, trong sự hiệp thông với giáo hội phổ quát và với người kế vị Thánh Phêrô. Thánh Ignaxiô thành Antiokia nhấn mạnh thật nhiều đến tính cách duy nhất của vai trò giám mục tại một địa phương nhất định và nhấn mạnh đến sự thuộc về Giáo Hội của sự hiệp thông với Giám Mục, bởi vì Vị Giám Mục duy nhất tại một địa phương là một bảo đảm rằng Giáo Hội là y như vậy cho tất cả mọi người, bởi vì Thiên Chúa là như vậy cho tất cả mọi người. Vị Giám Mục bảo đảm sự hiệp nhất với các giám mục khác, bằng việc thể hiện yếu tố tông đồ và công giáo (x. Joseph Ratzinger, Eveque et son ministere, Urbaniana University Press, trg 28-33). Trong ý nghĩa nầy, chúng tôi biết ơn sâu xa Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã thiết lập giáo hội địa phương Bà Rịa, làm cho giáo hội của Chúa Kitô được hữu hình tại vùng đất này của Việt Nam. Ngày hôm nay, tại nơi đây, tại Bà Rịa này, Chúa chúng ta đã sai đến một Ðấng kế vị các tông đồ, "nguyên lý và nền tảng của sự hiệp nhất tại giáo hội địa phương" (LG 22), để chăm sóc cho đoàn chiên, nuôi dưỡng đoàn chiên bằng ân sủng, làm cho đoàn chiên được lớn lên trong đức tin, đức bác ái, niềm hy vọng và sự thánh thiện, và để duy trì sự hiệp thông với giáo hội phổ quát. "Anh chị em tất cả hãy vâng theo vị giám mục, như Chúa Giêsu Kitô vâng theo Thiên Chúa Cha Người... Ước gì không một ai làm gì mà không có giám mục, trong tất cả những gì liên quan đến Giáo Hội" (trích lời Thánh Ignaxiô thành Antiokia).

Bài Phúc âm chúng ta vừa nghe qua kể lại biến cố cảm động nơi bờ biển hồ Tibêriadê, nơi Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra cho các môn đệ một cách hết sức đơn sơ: Chúa chuẩn bị bữa ăn cho các môn đệ và cùng ăn với họ. Ðối với mỗi giám mục, Chúa Giêsu Phục Sinh trước hết là một con người sống động, con người thật , hiện diện bên cạnh, một người bạn đối xử với vị giám mục đó một cách thân thiết. Trong sự thân tình như thế, Chúa Giêsu hỏi thánh Phêrô như sau: "Simon, con có thương ta hơn những người này không?" Cho đến ba lần, Chúa Giêsu muốn thánh Phêrô tuyên xưng tình yêu của mình, và ba lần thánh Phêrô đã trả lời như sau: " Thưa Thầy, thầy biết con yêu mến thầy." Và sau mỗi câu trả lời nói lên tình yêu, Chúa Giêsu ba lần trao phó cho thánh Phêrô công việc mà chính Chúa đã tuyên bố là công việc của Chúa. Chúa Giêsu Chủ Chăn nhân lành nói với thánh Phêrô ba lần như sau: "Con hãy là chủ chăn của đoàn chiên Thầy" (x. Gn 21, 15-17). Chúa muốn được bảo đảm chắc chắn rằng những "kẻ lưới cá con người" mà ngài đã chọn, đều phải phục vụ dân Chúa với tình thương, như Chúa đã yêu thương chúng ta và đã hy sinh mạng sống mình cho chúng ta.

Thưa người anh em giám mục Tôma thân mến, ngày hôm nay cũng thế, đức cha được thiết lập làm chủ chăn của đoàn chiên được trao phó cho, theo mẫu gương của Vị Mục Tử nhân lành: một mục tử hướng dẫn đến những đồng cỏ xanh tươi Lời Chúa, các bí tích và ân sủng; một mục tử biết rõ những con chiên của mình, gìn giữ, bảo vệ và chăm sóc cho những con chiên đó; một mục tử đi tìm con chiên bị lạc và vác nó trên vai đem về khi gặp lại nó; một mục tử sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên (Lc 15, 1-7). Chúa chúng ta thiết lập Ðức Cha làm mục tử của đoàn chiên trong tân giáo phận Bà Rịa này. Chúa đặt Ðức Cha làm người Cha, người gìn giữ, người thầy và người bạn. Ðức Cha cũng hãy nhớ đến những con chiên chưa thuộc về đoàn chiên của Chúa Giêsu Kitô. Một ngày kia, Ðức Cha sẽ phải trả lẻ cho vị Chủ Chăn đời đời về tất cả mọi con chiên.

Dân của Giao Ước cũ đã nhất quyết tuyên bố vâng phục và thực hành tất cả những gì GiaVê Thiên Chúa nói. Chúng ta, dân của Giao Ước mới, chúng ta đã tuyên xưng khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội và chúng ta lặp lại điều này mỗi năm, trong nghi thức vọng Phục Sinh, rằng chúng ta từ bỏ Satan, từ bỏ tội lỗi và tất cả những gì dẫn đến tội lỗi, để sống trong sự tự do của những con cái Chúa. Lời hứa này đòi buộc chúng ta thánh hoá bản thân, đòi buộc chúng ta mỗi ngày một trở nên "thánh thiện", như Thiên Chúa Cha chúng ta Ðấng ngự trên trời, là Ðấng thánh. Thánh Phêrô khuyến khích chúng ta hãy dấn thân "xây dựng toà nhà thiêng liêng, để dâng những hy tế thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa" (1 Phero 2, 5). Thánh nhân nhắc chúng ta như sau: "Anh em là một chủng tộc được tuyển chọn, là bậc tư tế vương giả, là một quốc gia thánh thiện, một dân tộc đã được chuộc lại, để dâng lời chúc tụng Ðấng đã gọi anh em từ chỗ tối tăm đến ánh sáng đáng phục. Trước kia anh em đã không phải là một dân, nhưng bây giờ là dân của Thiên Chúa; trước kia đã không được thương xót, nhưng giờ đây được xót thương" (1 Phêrô 2, 9-10).

Anh chị em thân mến, việc thành lập giáo phận mới này biểu lộ cách cụ thể tình thương vĩ đại của Thiên Chúa đối với anh chị em. Ngài ban cho anh chị em ân sủng đặc biệt để anh chị em kết thành một cộng đoàn kitô dưới sự dẫn dắt của vị Mục Tử, luôn luôn hiện diện giữa anh chị em, để trợ giúp anh chị em thánh hoá bản thân. Anh chị em hãy là những thành phần sống động và tích cực của gia đình giáo phận mới này. Anh chị em hãy góp chung lại những hồng ân của mình, để xây dựng Giáo Hội, một Ðền Thờ sống động, một Thân Thể huyền nhiệm, ngõ hầu giáo hội mỗi ngày một trở nên đẹp hơn, làm vui lòng hơn, vĩ đại hơn, mạnh mẽ hơn trước nhan Thiên Chúa và trước mặt mọi người. Anh chị em hãy cộng tác với nhau sao cho "toàn thể giáo phận trở nên truyền giáo" (AG, số 38), bởi vì những kẻ đang chờ đợi Chúa Kitô, còn nhiều vô số kể. Làm sao chúng ta có thể sống an tâm, khi những anh chị em chúng ta, hàng triệu người, còn sống trong sự không biết gì về tình yêu của Thiên Chúa, mặc dù họ cũng đã được Máu thánh Chúa Kitô cứu chuộc ? (x. RM, số 86).

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy chiêm ngắm trong giây lát biến cố cảm động trong Phúc âm như được tường thuật bởi thánh sử Luca, biến cố mà Giáo hội kể lại cho chúng ta hôm nay, ngày thứ Hai của tuần thứ hai Mùa Vọng. Ðang khi Chúa Giêsu giảng dạy, thì người ta mang đến một người bị bại liệt; họ cố gắng đưa người bị bại liệt này đến đặt truớc mặt Chúa Giêsu. Nhưng không thể làm được như vậy vì có đông người, nên họ leo lên mái nhà, mở ngói ra và đưa người bất toại xuống giữa đám đông trước mặt Chúa Giêsu. "Nhìn thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói: những tội lỗi con đã được tha", rồi Chúa chữa lành người bại liệt. Ðức Tin, tình thương đối với người lân cận, lòng gan dạ của những người đã đem người bạn bại liệt đến truớc mặt Chúa Giêsu, đó là những điều đáng khâm phục và nêu gương. Anh chị em thân mến, đức tin chúng ta, lòng nhiệt thành tông đồ của chúng ta, chắc chắn có thể cứu thoát nhiều người; chỉ cần chúng ta đưa họ đến với Chúa Giêsu, trong Giáo Hội; và Chúa Giêsu sẽ làm phần còn lại.

Chúng ta hãy cầu xin sự bảo vệ hiền mẫu của Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, xin sự che chỡ của hai thánh Giacôbê và Philipphê, Bổn mạnh của nhà thờ chính toà, của những vị thánh tử đạo đã đổ máu mình ra tại vùng đất này, của tất cả các thánh tử đạo Việt Nam, của tất cả các thánh nam nữ trong giáo hội. Nguyện xin tất cả các ngài bảo vệ tân giáo phận và toàn thể dân chúng giáo phận Bà Rịa, hôm nay, ngày mai, và mãi mãi. Amen.

Ðức Hồng Y Crescenzio Sepe

Quý vị và các bạn thân mến, vừa rồi là Bài Giảng của Ðức Hồng Y Crescenzio Sepe, trong Thánh Lễ Thành Lập Tân Giáo Phận Bà Rịa và Lễ Nhận Giáo Phận của Ðức Giám Mục Chính Toà Tiên Khởi Tôma Nguyễn Văn Trâm, vào trưa thứ Hai, mùng 5 tháng 12 năm 2005. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.

(Ðặng Thế Dũng chuyển dịch Việt ngữ)

Tường thuật lễ công bố Tông sắc thành lập Giáo phận Bà Rịa và bổ nhiệm Giám mục tiên khởi

Tường thuật lễ công bố Tông sắc thành lập Giáo phận Bà Rịa và bổ nhiệm Giám mục tiên khởi.

(Bà Rịa 5/12/2005) -- Như chương trình đã dự kiến, đúng 8g30 ngày 05-12-2005, phái đoàn Tòa thánh và các Ðức Giám mục đến nhà thờ Chánh tòa Bà Rịa giữa hàng chục ngàn tín hữu vỗ tay hoan hô nồng nhiệt.


Ðức Hồng Y Sepe và phái đoàn tiến vào nhà thờ Chính Tòa Bà Rịa giữa tiếng hoan hô của khoảng 300 linh mục, 560 tu sĩ, 180 chủng sinh, cùng hơn 10,000 giáo dân.


Ngay cổng nhà thờ, những cánh hoa tươi được trao tặng Ðức Hồng Y Sepe, Ðức Giám Mục tiên khởi giáo phận Bà Rịa và Ðức Ông Barnaba Nguyễn Văn Phương. Quãng đường từ cổng vào đến cửa nhà thờ Chánh tòa tuy ngắn nhưng tràn ngập những cánh hoa tươi vẫy chào và những chùm bóng đủ màu sắc bay thẳng lên trời như dấu hiệu tin vui được loan báo khắp nơi.

Tại cửa chính nhà thờ, Ðức Hồng Y Sepe cử hành nghi thức thăm viếng mục vụ: cha sở nhà thờ Chánh Tòa Bà Rịa Giuse Phạm Văn Lý trao tượng chịu nạn cho Ðức Hồng Y Sepe hôn kính và Ðức Hồng Y rảy nước phép trên cộng đoàn. Sau đó phái đoàn tiến lên cung thánh giữa tiếng hoan hô của khoảng 300 linh mục, 560 tu sĩ, 180 chủng sinh, cùng hơn 10,000 giáo dân.

Trước khi cử hành lễ công bố tông sắc, mọi người cùng nghe giới thiệu các thành phần tham dự:

1. Ðức Hồng Y Crescenzio Sepe, Tổng Trưởng Bộ Phúc Âm hóa các dân tộc,

* Cùng tháp tùng Ðức Hồng Y Sepe, có Ðức Ông Barnaba Nguyễn Văn Phương, viên chức của Bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc.

2. Ðức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám mục Nha Trang, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam.

3. Ðức Hồng Y G.B. Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Saigòn.

4. Ðức Cha Stêphanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giám mục Huế.

5. Ðức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám mục Hà Nội.

6. Ðức Cha Ðaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục Xuân Lộc.

7. Ðức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, Giám mục tân cử giáo phận Bà Rịa.

8. Ðức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, Nguyên Giám mục Vĩnh Long.

9. Ðức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến, Giám mục Phát Diệm.

10. Ðức Cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục Hưng Hóa.

11. Ðức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Hải Phòng.

12. Ðức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục Thanh Hóa.

13 Ðức Cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám mục Qui Nhơn.

14. Ðức Cha Micae Hoàng Ðức Oanh, Giám mục Kontum.

15. Ðức Cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Giám mục phụ tá Huế.

16. Ðức Cha Emmanuel Lê Phong Thuận, Giám mục Cần Thơ.

17. Ðức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám mục phó Cần Thơ.

18. Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám mục Ðà Lạt.

19. Ðức Cha Phêrô Trần Ðình Tứ, Giám mục Phú Cường.


Những cánh hoa tươi được trao tặng Ðức Hồng Y Sepe, Ðức Giám Mục tiên khởi giáo phận Bà Rịa và Ðức Ông Barnaba Nguyễn Văn Phương.


20. Ðức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám mục Phan Thiết.

21. Ðức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục phụ tá giáo phận Saigon.

22. Ðức Cha Phaolô Bùi Văn Ðọc, Giám mục Mỹ Tho.

23. Ðức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân, Giám mục Vĩnh Long.

24. Ðức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu, Giám mục Long Xuyên.

25. Ðức Cha Phêrô Trần Thanh Chung, Nguyên Giám Mục giáo phận Kontum

26. Ðức Cha Giuse Võ Ðức Minh, mới được bổ nhiệm Giám mục Phó Giáo phận Nha Trang

27. Viện phụ Ðaminh Phạm Văn Hiền, Viện trưởng Ðan viện Phước Lộc.

28. Viện phụ Duy-Ân Vương Ðình Lâm, Nguyên Viện trưởng Ðan viện Phước Lộc.

29. Viện phụ Inhaxiô Trần Ngân, Viện trưởng Ðan viện Phước Lý.

30. Các linh mục Tổng Ðại diện, các linh mục thuộc giáo phận Xuân Lộc và Bà Rịa, cùng các giáo phận khác.

31. Các Bề Trên, các tu sĩ nam nữ các Hội Dòng và Tu hội Ðời, cùng các Chủng sinh.

32. Anh chị em giáo dân của giáo phận mới Bà Rịa.

Tiếp đến, Linh mục quản hạt niên trưởng Giuse Hoàng Ðức Thịnh mời Ðức Hồng Y Sepe công bố tông sắc. Sau đó, Ðức Ông Barnaba Nguyễn Văn Phương công bố tông hiến thành lập giáo phận và tông sắc bổ nhiệm giám mục tiên khởi giáo phận Bà Rịa. Và giây phút quan trọng nhất đã đến: Ðức Hồng Y Sepe thay mặt Ðức Thánh Cha hướng dẫn Ðức Giám mục Tôma Nguyễn Văn Trâm lên ngai tòa và trao gậy mục tử. Một lần nữa, mọi người vỗ tay hoan hô nồng nhiệt kéo dài như không thể dứt. Từ giây phút lịch sử này, giáo phận mới Bà Rịa chào đời và bắt đầu cuộc sống mới.

Niềm hân hoan này không chỉ của giáo phận mới Bà Rịa, nhưng còn là của cả Giáo hội Công giáo Việt Nam. Trong bài chúc mừng, Ðức Cha Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam Phaolô Nguyễn Văn Hòa đã nói: "Giáo phận Bà Rịa tuy mới thành lập, nhưng đã mang tầm vóc của một giáo phận lớn, với 224,474 giáo dân, 67 linh mục giáo phận, 35 linh mục dòng, gần 600 tu sĩ, được xếp vào một trong 10 giáo phận đông giáo dân nhất tại Việt Nam".


Ðức Hồng Y Sepe chủ tế thánh lễ cầu nguyện cho giáo phận mới Bà Rịa trong tâm tình tạ ơn Chúa và tri ân Ðức Thánh Cha. Thánh lễ cử hành với hai thứ tiếng Latinh và Việt Nam. Cùng đồng tế với Ðức Hồng Y Sepe gồm có 25 Ðức Giám Mục, 3 Viện phụ, các cha Tổng đại diện và 300 linh mục thuộc giáo phận Bà Rịa và các giáo phận khác.


Tiếp theo, với kiểu nói đầy hình tượng dí dỏm, Ðức Hồng Y Trưởng giáo tỉnh Saigòn Gioan B. Phạm Minh Mẫn đã kết thúc bài chúc mừng: " Từ góc độ gia đình xã hội, chúng tôi cảm nhận được niềm vui này: người "Mẹ Xuân Lộc" chuyển bụng 4 năm nay và sinh ra đứa con, mẹ tròn con vuông, nên chúng tôi xin chúc mừng. Từ góc độ đức tin: đất tổ Bà Rịa đã sinh ra 3 vị Giám Mục và nay lại thêm một giáo phận mới nữa, chúng tôi xin chúc mừng. Giáo phận Saigòn hãnh diện vì hôm nay đã có một người cháu kêu mình bằng "bà ngoại". Và ngày sinh nhật này vinh hạnh vì có người "đỡ đẻ" từ Vatican tới, nên niềm vui càng tăng thêm lên".

Ðức Giám Mục giáo phận Xuân Lộc, với tư cách là Giám Mục của "giáo phận mẹ" đã nói lời cảm tạ Thiên Chúa và Ðức Mẹ Bãi Dâu, vì Mẹ đã cầu cùng Chúa che chở phù trì cả giáo phận và dẫn đưa đến niềm vui này. Và cuối cùng, linh mục quản hạt niên trưởng giáo phận mới Bà Rịa chào mừng Ðức Giám Mục giáo phận với lời hứa vâng phục: "Giáo phận mới Bà Rịa dâng lên Ðức Cha lời chúc mừng chân thành và trọng đại nhất vì hồng ân cao cả Ðức Cha lãnh nhận hôm nay: được bổ nhiệm làm Giám Mục Giáo Phận Bà Rịa. Ðức Cha được vinh dự trở thành vị mục tử đầu tiên của đoàn chiên giáo phận Bà Rịa. Tuy nhiên, cũng kể từ hôm nay, Ðức Cha gánh lấy một trách nhiệm lớn lao và nặng nề trên đôi vai mình. Nhưng với lòng mong ước trở thành vị mục tử "Hiền Lành và Khiêm Nhường", chắc hẳn Ðức Cha sẵn sàng mang lấy ách của Chúa và sẽ được Chúa nâng đỡ bổ sức từng ngày (Mt 11, 28 - 30). Chúng con nguyện hết lòng yêu mến, cộng tác và nhất là tuân phục Ðức Cha trong mọi sự, để Ðức Cha nhẹ gánh âu lo trên bước đường mục tử. Chúng con hứa luôn vâng lời và tin tưởng vào Ðức Cha, như vị Cha Chung hằng thương yêu dìu dắt chúng con".

Ngay sau đó, đại diện các thành phần gồm các linh mục, tu sĩ, chủng sinh, ban hành giáo và giáo dân quỳ trước mặt Ðức Giám Mục để hôn nhẫn như dấu hiệu biểu lộ lòng kính trọng và vâng phục.

Phần cuối nghi lễ, Ðức Giám Mục tiên khởi giáo phận Bà Rịa ngỏ lời với cộng đồng dân Chúa và cuối cùng Ðức Hồng Y Sepe huấn dụ cộng đoàn. Nghi lễ công bố tông sắc thành lập giáo phận và bổ nhiệm giám mục tiên khởi giáo phận Bà Rịa kết thúc.


Các thành phần gồm các linh mục, tu sĩ, chủng sinh, ban hành giáo và giáo dân quỳ trước mặt Ðức Giám Mục để hôn nhẫn như dấu hiệu biểu lộ lòng kính trọng và vâng phục.


Ðức Hồng Y Sepe chủ tế thánh lễ cầu nguyện cho giáo phận mới Bà Rịa trong tâm tình tạ ơn Chúa và tri ân Ðức Thánh Cha. Thánh lễ cử hành với hai thứ tiếng Latinh và Việt Nam. Cùng đồng tế với Ðức Hồng Y Sepe gồm có 25 Ðức Giám Mục, 3 Viện phụ, các cha Tổng đại diện và 300 linh mục thuộc giáo phận Bà Rịa và các giáo phận khác. Linh mục Giuse Ðặng Cao Trí điều khiển ca đoàn tổng hợp của giáo xứ Chánh Tòa Bà Rịa với những bài ca du dương trầm bổng, giúp cộng đoàn cầu nguyện trong bầu khí thánh thiện trang nghiêm.

Vào lúc 1g30 chiều, phái đoàn Tòa Thánh gồm Ðức Hồng Y Sepe và Ðức Ông Barnaba Nguyễn Văn Phương cùng với Ðức Hồng Y Phó chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, Ðức Giám Mục tiên khởi giáo phận Bà Rịa cùng với các linh mục quản hạt đã đến thăm các vị lãnh đạo chính quyền tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Sau đó phái đoàn đi tham quan thành phố Vũng Tàu và Ðền Thánh Ðức Mẹ Bãi Dâu.

Lúc 4g chiều, tất cả phái đoàn cùng với Ðức Giám Mục Xuân Lộc, các linh mục Ban Tư Vấn và các linh mục quản hạt Xuân Lộc đến chào thăm các vị lãnh đạo chính quyền tỉnh Ðồng Nai. Sau đó, phái đoàn Tòa Thánh đi thành phố Saigon để kịp chuyến bay lúc 9g tối, trở về Roma.

(TGM Bà Rịa)