Thứ Tư, 24 tháng 6, 2009

Chúc mưng nhân ngày sinh nhât Thánh Gioan Baotixita

Hôm nay ngày 24 tháng 6 toàn thê Giáo hôi Công giáo toàn câu hân hoan mưng kính trọng thê sinh nhât thánh Gioan Tây giả. Boyvut@ xin chúc tât cả mọi ngươì đã nhân thánh Gioan Tây giả làm quan thây của mình. Câù chúc qua lơi câu bâu của thánh Gioan, mọi ngươì chúng ta sẽ biêt noi gương Thánh nhân làm chưng cho chúa Ki tô trươc mọi ngươì, luon sông thánh thiên và đẹp lòng Chúa.
Gioan Baotixita Hoàng Mạnh Dũng.

Lễ Sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả


Trong niên lịch Phụng vụ, nếu không nói đến ngày lễ Giáng Sinh của Con Thiên Chúa, thì chỉ có hai đấng được nhắc đến ngày sinh của mình: một là Mẹ Maria, được mừng sinh nhật vào ngày 8/9, và người thứ hai là thánh Gioan Tiền Hô được toàn thể Giáo Hội mừng trọng thể ngày sinh nhật của ngài vào ngày hôm nay.

Tuy nhiên, không phải chỉ có Mẹ Maria và thánh Gioan mới có ngày sinh nhật, nhưng tất cả mỗi người trong chúng ta đây, ai cũng có một ngày sinh. Chúng ta đã được sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ và sự quan phòng của Thiên Chúa. Việc chúng ta xuất hiện trên cõi đời này không phải là một sự ngẫu nhiên, nhưng cũng giống như thánh Gioan Tiền Hô, mỗi người chúng ta đã được Thiên Chúa gọi vào đời và giao cho một nhiệm vụ phải chu toàn.
Do đó, nhân ngày lễ Sinh nhật của thánh Gioan Tiền Hô, chúng ta cùng suy nghĩ về hai điểm: bổn phận của cha mẹ trong việc giáo dục con cái, và ơn gọi của mỗi người kitô hữu.

1. Bổn phận giáo dục con cái của cha mẹ:

Điều đầu tiên mà các bậc làm cha mẹ là giúp cho con cái mình can đảm sống theo hướng dẫn của Lời Chúa, cho dù điều đó có đi ngược lại với thói quen của mình, đòi hỏi chúng ta một sự cố gắng hy sinh. Chúng ta phải can đảm sống đúng với giáo huấn của Chúa trong mọi việc lớn nhỏ.

Các bậc cha mẹ cần giáo dục cho con cái một lương tâm ngay thẳng, để rồi trong bất cứ hoàn cảnh nào, gặp bất cứ điều gì, cho dù là một việc nhỏ và có được sự ủng hộ của nhiều người, nhưng nếu không đúng với Lời Chúa thì chúng ta vẫn không làm.

Tất cả những điều trên, các bậc phụ huynh chỉ có thể làm được không phải bằng lời nói mà bằng chính đời sống gương mẫu của cha mẹ. Chúng ta có thể học được bài học này từ cha mẹ của thánh Gioan Tiền Hô. Tin mừng thuật lại, khi con trẻ đã được tám ngày, bà con đến để chúc mừng và “cắt bì cho con trẻ, và họ đã lấy tên Giacaria của cha nó mà đặt cho nó. Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: “Không được tên nó là Gioan”. Cả ông Giacaria, dù không nói được, nhưng cũng đã ra hiệu đồng ý như vậy. Cả hai ông bà đã đặt tên con trẻ theo như ý của Thiên Chúa, chứ không phải theo phong tục tập quán hay ý riêng mình.

Sống đúng theo ý Chúa, chu toàn mọi bổn phận của mình, đó chính là lúc chúng ta đang sống trọn vẹn ơn gọi của người kitô hữu.

2. Ơn gọi của người kitô hữu

Trong nghi thức diễn giải sau khi đã được rửa tội, người đỡ đầu thay mặt cho em nhỏ đã nhận cây nến sáng được thắp lên từ cây nến Phục Sinh của Chúa Kitô, để rồi từ đây, theo dòng thời gian, em nhỏ này phải dùng chính cuộc sống của mình để chiếu tỏa ánh sáng Tin mừng của Chúa Kitô Phục Sinh cho mọi người. Trong bài đọc một, trích từ sách ngôn sứ Isaia nhắc lại lời của Giavê Thiên Chúa nói về người tôi tớ của Người rằng: “Con là tôi tớ Ta, để tái lập các chi họ Giacob, để dẫn đưa các nười Israel sống sót trở về; nầy đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc”.

Như thế, nhiệm vụ của mỗi người kitô hữu là phải trở nên ánh sáng để dẫn đưa mọi người đến với Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta phải chiếu giãi ánh sáng của yêu thương và tha thứ vào trong thế giới đang đầy dẫy những hận thù, ganh tỵ. Thông thường, chúng ta vẫn thường thích để người khác đến với mình, khen ngợi mình, nhưng đây không phải là mục đích cuối cùng của người kitô hữu. Một người kitô hữu chân chính phải luôn ý thức mình chỉ là người dọn đường để dẫn đưa con người đến với Thiên Chúa. Chúng ta phải hãm dẹp cái tôi ích kỷ, phải dùng chính cuộc sống tự hạ, khiêm tốn của mình để dẫn đưa mọi người đến gặp gỡ Thiên Chúa. Nhiệm vụ của chúng ta là dẫn đưa con người đến gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với Thiên Chúa, chứ không phải dừng lại ở nơi chúng ta.

Về điều này, thánh Gioan Tiền Hô mà chúng ta mừng kính hôm nay là một mẫu guơng hết sức sống động cho chúng ta. Lúc ấy, sau khi bắt đầu cuộc rao giảng của mình, toàn dân đã kéo nhau đến với thánh nhân rất đông. Nhiều người trong số họ, kể cả Chúa Giêsu cũng đã bước vào dòng sông Giođan để được ngài thanh tẩy. Danh tiếng của ngài đã vang dội khắp nơi. Mọi người đều coi ngài là một vị ngôn sứ đến từ Thiên Chúa. Thậm chí, họ còn lầm tưởng thánh nhân chính là Đấng Messia mà Thiên Chúa đã báo trước. Lúc đó, thánh nhân chỉ cần im lặng thôi là có thể tận hưởng bao vinh dự dân chúng dành cho ngài. Thế nhưng, thánh nhân đã không làm như vậy. Ngài ý thức rõ vai trò của mình. Mình chỉ là người dọn đường, chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế. Thánh nhân đã can đảm nói lên sự thật: “Tôi không phải là người anh chị em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi, mà tôi không đáng cởi dây giày dưới chân Người”.

Đây quả là bài học hữu ích cho mỗi người chúng ta. Trong cuộc sống thường ngày, nhiều khi chỉ vì để chứng tỏ mình, để biện hộ cho mình, chúng ta thường ngụy biện để che đậy lỗi lầm, lôi kéo mọi người về phe mình để chống đối người khác. Và chính những điều đó đã gây ra biết bao hiềm khích, chia rẽ trong cộng đoàn.

Bài học thánh Gioan để lại là mỗi người phải tự xóa mình, để cho Chúa lớn lên. Nhờ đó cộng đoàn được hiệp nhất. Thiên Chúa được tôn vinh. Hay nói theo cách nói của ngôn sứ Isaia trong bài đọc một, nhiệm vụ của người kitô hữu, đó là “đem Giacob về cho Người, và quy tụ Israel chung quanh Người” chứ không phải quy tụ mọi người chung quanh chúng ta. Chính vì sống như vậy, thánh Gioan đã được “vinh hiển trước mặt Chúa” và đã nhận được phần thưởng muôn đời “ở nơi Thiên Chúa”.

Thánh Gioan đã sinh ra trong niềm vui của cha mẹ và mọi người, thánh nhân đã sống trọn vẹn ơn gọi của mình, để rồi lúc ra đi, thánh nhân đã để lại một mẫu gương khiêm nhường, thánh thiện cho muôn đời. Phần mình, mỗi người chúng ta đã có một ngày được sinh ra. Trong ngày đó, chúng ta khóc, còn mọi người cười vui. Vậy thì giờ đây, chúng ta hãy sống thế nào để khi Chúa gọi chúng ta về, chúng ta có thể hân hoan mỉm cười, còn mọi người phải khóc vì thương, vì nhớ chúng ta. Amen.


Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2009

SINH NHẬT THÁNH GIO-AN TẨY GIẢ Ngày 24.6


"Mọi người tự hỏi : "Đứa trẻ nầy rồi sẽ thế nào đây ?" Và quả thật có bàn tay Chúa phù hộ em" (Lc 1:66)

Điểm 1.- Gio-an Tẩy Giả đã là thánh ngay từ lúc chào đời.

Thánh Gio-an Tẩy Giả đã được đặc ân nầy là người ta mừng kính ngày sinh của ngài trong Giáo Hội, cũng như người ta mừng kính sinh nhật Đức Giê-su Ki-tô, vì theo lời thánh Bê-na-đô ngài đã là thánh ngay từ lúc chào đời, bởi lẽ ngài đã được Đức Giê-su tác thánh trong lòng mẫu thân ngài khi Đức Trinh Nữ rất thánh đến thăm bà Ê-li-sa-bét. Vì ngài thuộc về Đức Giê-su Ki-tô một cách rất gần gũi khi được Thiên Chúa Cha chọn làm người Tiền hô cho Con của Người, thì việc ngài được nâng cao lên trên những người khác trong ân sủng, và sự thánh thiện của ngài ngay lúc chào đời cũng là điều thật hợp lý. Vì thế mà Đức Giê-su đã nói : "trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả" (Mt 11:11).

Cùng với Giáo Hội chúng ta hãy mừng kính sinh nhật thánh Gio-an Tẩy Giả, như là cội nguồn của sự thánh thiện của ngài và của sự thánh hóa cho nhiều người. Và vì chúng ta không được sinh ra trong thánh thiện, chúng ta hãy nguyện xin cho sự sinh ra lần thứ hai của chúng ta khi chúng ta rời bỏ thế gian, được là nguyên lý của sự thánh thiện của chúng ta. Và để nói theo thánh Lê-ô, chớ gì chúng ta đừng rơi vào lại trong tình trạng hèn hạ của chúng ta khi chúng ta sinh ra lần thứ nhất, do cách ăn ở không tương xứng với bậc sống mà chúng ta đã đảm nhận.

Điểm 2.- Gio-an Tẩy Giả đã thánh thiện trong đời sống của ngài.

Gio-an Tẩy Giả cũng thánh thiện trong chính lối sống của ngài. Vừa biết đi là ngài đã đi vào hoang địa (Lc 1:80), ở đó ngài sống cách ly với mọi liên hệ với người đời. Và mặc dù các thân sinh của ngài cũng là những người rtấ thánh thiện, dù hai ông bà sống cách biệt với thế gian đến mức nào đi nữa, thì Gio-an Tẩy Giả cũng xem đạo đức của hai ông bà dường như chưa đủ để nên gương mẫu cho ngài, như Chúa đòi hỏi ngài. Vì vậy ngài phải thụ giáo nơi Thiên Chúa, trong sự cô tịch và nguyện gẫm, để biết mình phải sống như thế nào, và - để đạt tới mức thánh thiện mà Thiên Chúa đòi hỏi ngài – ngài đã sống khổ hạnh một cách khác thường, chỉ bằng "châu chấu và mật ong rừng" (Mc 1:6). Ngài đã chuẩn bị việc rao giảng sự sám hối như vậy đó : phương pháp không thể sai lầm để rao giảng cách hữu hiệu, đó là thực thi điều mình rao giảng. Trong kinh phụng vụ ngày lễ của thánh nhân, Giáo Hội còn nêu thêm một lý do khác cho nếp sống cô tịch và khắc khổ của ngài, đó là ngài lo sợ linh hồn ngài bị ra ô uế bởi tội lỗi.

Cũng chính vì những lý do nầy mà Anh Em phải quyết tâm sống xa lánh thế gian, và có một nếp sống khôn ngoan và có quy củ.

Điểm 3.- Gio-an Tẩy Giả đã thực thi và rao giảng sự sám hối.

Trong hoang địa, Gio-an Tẩy Giả đã theo một nếp sống ăn năn sám hối cho tới năm ba mươi tuổi, nhờ đó ngài có đủ khả năng rao giảng cách thánh thiện. Khi ấy, theo lời sách Tin Mừng, Thiên Chúa đặt lời Người vào miệng Gio-an, "ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội". Đám đông lũ lượt kéo đến, những người thu thuế, và cả những binh lính nữa (x. Lc 3:2-3 tt), và ông dạy cho họ những điều họ phải làm để được cứu rỗi. Số đông những người đến với ông đã nghe theo lời khuyên bảo của ông, và đã ăn năn trở lại với Thiên Chúa. Chính gương sống cô tịch và khắc khổ của ông đã dễ dàng thu phục lòng người, và cổ vũ người ta ăn năn đền tội.

Do bậc sống của Anh Em, ngày ngày Anh Em phải rao giảng những chân lý của Tin Mừng : Anh Em hãy thực thi ít nhất các chân lý thích hợp với mọi Ki-tô hữu, trước khi giảng dạy cho họ. Nếu Anh Em không có được đặc ân làm người tiền hô của Đức Giê-su, như thánh Gio-an, thì Anh Em cũng có được đặc ân làm những người thừa kế thừa tác vụ của ông. Nhưng Anh Em cũng phải tin chắc rằng đặc ân ấy chỉ hữu hiệu đối với kẻ khác là trong chừng mực nó sinh ra những hiệu quả trong Anh Em. Vậy Anh Em hãy làm thế nào để được như vậy, không chậm trễ.

Bó hoa thiêng liêng : "Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến" (Mt 11:10).

Sư Huynh Francois Trần văn Ánh

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2009

Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận


WHĐ (19.06.2009) – Hôm nay lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khai mạc Năm Linh mục cho toàn Giáo Hội Công giáo. ĐTC đề cao tấm gương thánh thiện của Cha thánh Gioan Maria Vianney cho các linh mục noi theo và đã đặt thánh nhân làm bổn mạng của các linh mục. Đồng thời, ngài khuyến khích các Giáo Hội địa phương cũng nêu cao những tấm gương linh mục trong đất nước của mình. Theo đó, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã quyết định trong Năm Linh mục, mỗi giáo phận sẽ giới thiệu ít là hai mẫu gương linh mục và phổ biến rộng rãi cho mọi tín hữu được biết. Trong suốt Năm Linh mục, kể từ hôm nay, mỗi tuần WHĐ sẽ giới thiệu một chân dung linh mục Việt Nam. Và xin được bắt đầu với Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

Đức Hồng y PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN VĂN THUẬN,

con người của Hoà bình, Niềm vui và Hy vọng .
Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được nhiều người biết đến như là con người của hoà bình, niềm vui và hy vọng bởi gương sống đức tin, cuộc đời mục tử với phong thái bình dị, lạc quan, xác tín và hy vọng của ngài trong mọi cảnh huống.

Đức Hồng y sinh ngày 17-04-1928, tại Phủ Cam, Huế. Ông cố thân sinh là cụ Tađêô Nguyễn văn Ấm, Bà cố là Elizabeth Ngô thị Hiệp. Ngài là người con cả trong gia đình có 8 anh chị em. Sinh trưởng trong gia đình Công giáo có truyền thống đạo đức, tổ tiên từng bị bách hại vì đạo Chúa, lại được thân mẫu thường kể cho nghe hạnh các Thánh, nhất là các chân phúc Tử đạo Việt Nam, cậu bé Thuận sớm có ước muốn dâng mình cho Chúa.

Gia đình cậu Thuận khá giả, thân phụ e ngại sức khoẻ kém của cậu không kham nổi cuộc sống kỷ cương chủng viện nên lúc đầu không đồng ý. Cậu phải nhờ thân mẫu can thiệp và được chấp thuận để tu học tại Tiểu Chủng viện An Ninh – Quảng Trị, sau đó học triết và thần học tại Đại chủng viện Kim Long – Huế.

Ngày 11-06-1953 thầy Thuận lãnh chức linh mục tại Nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam, Huế, do Đức cha Jean Baptiste Urruthia Thi, Đại diện Tông Tòa Giáo phận Huế chủ phong. Ngài được bổ nhiệm làm cha phó xứ đạo Tam Tòa (Đồng Hới, Quảng Bình). Sau đó, làm cha phó xứ đạo Phanxicô Xaviê, ở Huế.

Sau 3 năm mục vụ, cha Thuận được cử đi du học tại Đại học Giáo hoàng Urbaniana, Roma – Italia. Trong thời gian theo học, ngài có dịp tiếp xúc với các phong trào Đạo binh Đức Mẹ, Hướng Đạo, Cursillo, Focolare và điều đó đã ảnh hưởng đến đường lối hoạt động mục vụ của ngài sau này. Năm 1959, ngài đậu bằng tiến sĩ Giáo luật với luận án “Tuyên úy Quân đội trên thế giới”. Về nước, ngài dạy học tại Tiểu Chủng viện Phú Xuân, sau đó đổi tên là Tiểu Chủng viện Hoan Thiện – Huế. Là cha giám đốc nhưng ngài luôn hỏi han, tươi cười với các chú, thông cảm cho sai sót tuổi trẻ. Không thấy ngài to tiếng hay quở mắng ai bao giờ, đến nỗi cha quản lý thốt lên “Cha bề trên hiền quá, chẳng có chú nào sợ…” Thật ra, ngài chủ trương giáo dục đặt nền tảng trên yêu thương và gương sáng chứ không phải lề luật và trừng phạt. Ngài làm Tổng đại diện Tổng giáo phận Huế từ năm 1964 – 1967.

Ngày 13-04-1967, cha Thuận được Đức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Nha Trang, kế vị Đức Cha Marcel Piquet Lợi (1888-1966). Ngài chọn khẩu hiệu “Vui mừng và Hy vọng” (Gaudium et Spes) là tên Hiến chế Mục vụ của Công đồng Vatican II. Phương châm và huy hiệu giám mục của ngài không chỉ nói lên niềm tin yêu, hy vọng của ngài đối với Mẹ Giáo Hội mà còn cho thấy tâm hồn thanh thoát, tươi trẻ, hoà bình, vị tha và hướng thượng, đã được diễn tả trong suốt cuộc đời sứ vụ mục tử của ngài. Ngày 24-06-1967, Ngài được tấn phong Giám mục tại Huế do Đức Khâm sứ Tòa thánh Angelo Palmas chủ phong và về nhậm chức ở Giáo phận Nha Trang ngày 10-07-1967.

Tám năm trong cương vị chủ chăn giáo phận Nha Trang và một số chức vụ khác trong Hội đồng Giám mục Việt Nam , cũng như thành viên của Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân, tâm hồn mục tử của ngài trải rộng trên mọi thành phần dân Chúa. Ngài quan tâm đặc biệt đến việc phát triển nhân sự, đặt nền tảng hy vọng cho giáo phận nhà và Giáo hội địa phương. Ngài quan tâm mở mang hoặc thành lập các chủng viện, dòng tu, tu hội; tổ chức tu nghiệp và huấn luyện cho hàng giáo sĩ, giáo dân; đẩy mạnh các phong trào, hội đoàn Thanh lao công, Công lý - Hoà bình, Hướng đạo, Cursillo, Focolare… Các thư mục vụ của ngài đầy ắp tâm tình tạ ơn, hy vọng và tín thác nơi Chúa, cũng như thúc đẩy đời sống đức tin cho đoàn chiên giáo phận: “Tỉnh thức và cầu nguyện” (1968); “Vững mạnh trong đức tin, tiến lên trong an bình” (1969); “Công lý và hòa bình” ( 1970); “Sứ mạng của Chúa Kitô là sứ mạng của chúng ta” (1971); “Kỷ niệm 300 năm” (1971); “Năm thánh canh tân và hòa giải” (1973). Dù bề bộn công việc, ngài vẫn luôn vui vẻ, lạc quan, khôn ngoan và khéo léo an ủi, nâng đỡ những người đang gặp phiền muộn đến với ngài.

Ngày 24-04-1975, ĐGH Phaolô VI bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám mục Phó Tổng giáo phận Sài Gòn, hiệu toà Vadesi. Tuy nhiên, thể chế chính trị Việt Nam thay đổi (30-04-1975) và cuộc đời mục tử của ngài cũng sang trang, một trang bi hùng như Người Tôi Tớ của Chúa: tín trung, hoà bình và hoá giải màn đen của ngục tù thành ánh sáng của tha thứ, yêu thương và hy vọng.

Ngày 15-08-1975, Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, ngài được chính quyền mới mời và bắt giữ tại Dinh Độc Lập, bị giam cầm nhiều nơi từ Nam chí Bắc của đất nước và được trả tự do ngày 21-11-1988, nhằm ngày lễ Đức Mẹ Dâng Mình trong Đền Thờ. Thời gian 13 năm lao tù, trong đó có 9 năm biệt giam, ngài đã viết lại đường hướng tu đức và kinh nghiệm sống đức tin qua các tập sách: Đường Hy Vọng, Đường Hy Vọng dưới ánh sáng Lời Chúa và Công Đồng Vatican II, Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng như là di chúc tinh thần của Ngài.

Quản tù ngạc nhiên về sự bao dung của ngài, ngài trả lời: “Cho dù các anh giết tôi, tôi vẫn yêu thương các anh. Tại vì Chúa Kitô đã dạy tôi phải yêu thương tất cả mọi người, cả những kẻ thù. Nếu tôi không làm như vậy, tôi không đáng được gọi là Kitô hữu”.

Trong tù, có những lúc, mỗi ngày, ngài cử hành Thánh lễ với 3 giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay. Đó là Bàn thờ của ngài, là Nhà thờ Chính Toà của ngài. Ngài kể lại: “Mỗi lần như thế, tôi được dịp giang tay ra và chịu đóng đinh bản thân trên Thánh Giá với Chúa Giêsu, được uống chén đắng với Chúa. Mỗi ngày khi đọc lời truyền phép, tôi hết lòng củng cố một giao ước mới, giao ước đời đời giữa tôi với Chúa Giêsu, nhờ Máu của Chúa hoà lẫn với máu của tôi”.

Trong lần thứ hai sang Rôma viếng thăm và chữa bệnh năm 1991, Đức cha Phanxicô Xaviê bị ngăn trở, không thể trở về quê hương; nhưng Thánh ý Chúa nhiệm mầu đã dọn con đường mới cho người Tôi Tớ tín trung của Chúa.

Ngày 09-04-1994, Toà Thánh bổ nhiệm Đức Cha làm Phó Chủ Tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công Lý và Hoà Bình và ngày 24-06-1998, ngài được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng. Ngày 21-02-2001, ngài được vinh thăng Hồng y. Trước và sau khi nhận chức vụ của giáo triều Rôma, ngài đã liên tục đi đến các cộng đoàn của nhiều nước trên thế giới, các đại học, các cơ quan quốc tế để giảng tĩnh tâm, giúp đào tạo và xây dựng cộng đoàn mới. Ngài luôn khơi lên lòng tôn sùng Đức Mẹ, Thánh Giuse và nhất là yêu mến Bí tích Thánh Thể, tâm tình cầu nguyện và sống giây phút hiện tại trong tinh thần phó thác. Đến đâu, ngài cũng chiếu tỏa sự an bình, bao dung, tha thứ, niềm vui và hy vọng.

Đặc biệt, mùa xuân Năm Thánh 2000, ngài được mời giảng tĩnh tâm Mùa Chay cho Giáo triều Rôma khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói với ngài: “Năm đầu tiên của ngàn năm thứ III, một người Việt Nam sẽ giảng tĩnh tâm cho Giáo triều Rôma. Hãy kể lại cho chúng tôi những chứng tá của Đức cha”.

Ngài còn là tác giả của những đầu sách được ưa chuộng, chứa đầy sứ điệp của tình thương, công lý và hoà bình, xây dựng và hy vọng: Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá, Cầu Nguyện, Hãy Trao Tặng Tuổi Trẻ Nụ Cười, Niềm Vui Sống Đạo, Sứ Điệp Đức Mẹ La Vang, Chứng Nhân Hy Vọng.

Ngài vẫn thanh thản, vui tươi cả trong thời gian điều trị lâu dài và đau đớn tại bệnh viện. Trong những ngày cuối đời, khi không còn nói được nữa, ngài nằm đó, mắt nhìn chăm chăm vào Thánh Giá Chúa chịu đóng đinh trước mặt. Ngài cầu nguyện trong thinh lặng để nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô trên Thánh Giá và chuẩn bị giây phút quyết liệt ra đi gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh.

Ngài được Chúa gọi về chiều ngày 16-09-2002 tại Rôma. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói trong bài giảng Thánh lễ an táng ngài: “Trong lúc chào vĩnh biệt người sứ giả anh hùng của Tin Mừng Chúa Kitô, chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã cho chúng ta, nơi con người của Đức Hồng y, một tấm gương sáng ngời về đời sống tín hữu Kitô, phù hợp với đức tin, cho đến độ tử đạo”.

Về phần mình, Đức Hồng y từng nói đơn sơ: “Trong vực thẳm những đau khổ của tôi, tôi không bao giờ ngừng yêu mến tất cả mọi người, tôi không hề loại trừ một ai khỏi tâm hồn tôi”.


Thống kê linh mục Công giáo trên thế giới và tại Việt Nam

WHĐ (19.06.2009) – Trên thế giới và tại Việt Nam có bao nhiêu linh mục? Bao nhiêu người mới có một linh mục? Bao nhiêu giáo dân có một linh mục? Niên giám của Giáo Hội Công giáo toàn cầu và Niên giám của Giáo Hội Việt Nam cho biết như sau:

Thống kê linh mục Công giáo trên thế giới

(Theo Niên giám của Giáo Hội Công giáo, 31-12-2007)

Châu lục

Linh mục

Giáo phận

Dòng

Châu Phi

34.658

23.154

11.504

Châu Mỹ

121.495

79.654

41.841

Châu Á

52.802

30.991

21.811

Châu Âu

194.393

135.971

58.422

Châu Đại dương

4.676

2.661

2.015

TỔNG CỘNG

408.024

272.431

135.593

Châu lục

Số dân / 1 linh mục

Số giáo dân / 1 linh mục

Châu Phi

27.230

4.759

Châu Mỹ

7.469

4.680

Châu Á

50.432

2.290

Châu Âu

3.636

1.457

Châu Đại dương

7.312

1.931

Bình quân

12.879

2.810


Thống kê linh mục tại Việt Nam

(Theo số liệu thống kê của các giáo phận, ngày 31-12-2007)

Giáo phận

Số
linh mục

Số dân /
1 linh mục

Số giáo dân /
1 linh mục

Hà Nội

117

58.455

2.838

Hải Phòng

52

92.395

2.303

Vinh

157

32.353

3.066

Bùi Chu

224

6.378

1.732

Bắc Ninh

44

167.648

2.903

Hưng Hóa

60

114.684

3.617

Phát Diệm

69

14.217

2.219

Thanh Hóa

61

60.164

2.508

Thái Bình

70

52.143

1.713

Lạng Sơn

8

198.000

790

Huế

119

18.950

570

Quy Nhơn

85

43.940

800

Kon Tum

70

22.630

3.482

Nha Trang

179

9.218

1.086

Đà Nẵng

83

27.482

769

Ban Mê Thuột

118

22.464

2.933

Tp. HCM

610

10.024

1.067

Vĩnh Long

174

23.920

1.039

Cần Thơ

195

25.498

961

Mỹ Tho

99

43.212

1.126

Đà Lạt

194

6.258

1.609

Long Xuyên

218

19.330

1.097

Phú Cường

134

21.271

903

Xuân Lộc

366

6.521

2.230

Phan Thiết

115

10.136

1.350

Bà Rịa

100

10.529

2.321

TỔNG CỘNG

3.721

Bình quân

23.881

1.634