Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2009

Đức Thánh Cha vừa bổ nhiệm Giám mục cho 4 Giáo phận tại Việt Nam

VATICAN. Hôm 25-7-2009, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết ĐTC Biển Đức 16 đã tiến hành việc bổ nhiệm GM cho 4 giáo phận tại Việt Nam: Thái Bình, Phát Diệm, Phan Thiết và Xuân Lộc.

- Trước hết ĐTC nhận đơn từ chức vì lý do tuổi tác của Đức Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Sang, 77 tuổi (1932), GM giáo phận Thái Bình và bổ nhiệm người kế nhiệm là Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đ , 63 tuổi, thuộc dòng Don Bosco, cho đến nay là GM Phụ tá giáo phận Bùi Chu.

- Thứ hai là ĐTC bổ nhiệm Cha Giuse Nguyễn Năng làm tân GM giáo phận chính tòa Phát Diệm. Đức tân GM năm nay 56 tuổi, sinh ngày 24-11 năm 1953 tại Phúc Nhạc, Phát Diệm, học tiểu chủng viện Sàigòn từ năm 1962 đến 1970, rồi lên Đại chủng viện Thánh Piô 10 Đà Lạt từ năm 1975 đến 1978. Trong thời gian thụ huấn, thầy Giuse Năng phục vụ trong Tu Hội Tông Đồ Nhỏ ở Bạch Lâm, Thống Nhất, Đồng Nai (1977-1988) rồi tại giáo xứ Thuận Hoa, Biên Hòa (1988-1990) cho đến khi thụ phong Linh mục ngày 9-6-1990 thuộc giáo phận Xuân Lộc.
Sau khi thụ phong, cha Giuse Năng làm cha sở và quản hạt Thuận Hoa, Biên Hòa trong 8 năm trời (1990-1998) cho đến khi được gửi sang Roma du học tại Đại học Giáo Hoàng Urbaniana và đậu tiến sĩ thần học tín lý năm 2002. Trở về nước, Cha Giuse Năng làm Giám đốc đại chủng viện Xuân Lộc.

Giáo Phận Phát Diệm có 152 ngàn tín hữu Công Giáo trên tổng số 920 ngàn dân cư, với 69 giáo xứ, 55 LM, 34 đại chủng sinh và 140 nữ tu. Giáo phận trống tòa từ hơn 2 năm nay sau khi Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến năm nay 67 tuổi (1942), xin từ chức ngày 14-4 năm 2007.

- Bổ nhiệm thứ ba ĐTC quyết định cho Giáo Hội tại Việt Nam là ngài nhận đơn từ chức vì lý do của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, 77 tuổi, GM giáo phận Phan Thiết và cử người kế nhiệm là Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống , 57 tuổi (1952) cho đến nay là GM Phụ tá Tổng giáo phận Thành Phố Hồ chí Minh.

- Sau cùng, ĐTC bổ nhiệm Cha Tôma Vũ Đình Hiệu làm tân GM Phụ tá giáo phận Xuân Lộc. Đức tân GM năm nay 55 tuổi, sinh ngày 30 tháng 10 năm 1954 tại Ninh Mỹ, giáo phận Bùi Chu, theo học tại tiểu chủng viện Xuân Lộc, trước khi lên Đại chủng viện thánh Piô 10 Đà Lạt. Do tình trạng chính trị khó khăn của đất nước, Thầy Tôma Hiệu phục vụ tại giáo xứ Tân Mai trong 10 năm trời (1977-1988) trước khi về Tòa GM Xuân Lộc làm bí thư của Đức Cha Nguyễn Minh Nhật từ năm 1988 đến 1999 là năm thầy thụ phong Linh Mục (22-1-1999).

Sau khi thụ phong, Cha Tôma Hiệu tiếp tục phục vụ tại tòa GM rồi được gửi sang Pháp năm 2000 học thần học luân lý tại Học viện Công Giáo Toulouse, đậu cao học thần học tại đây năm 2006 rồi trở về nước, làm Chưởng ấn tòa GM Xuân Lộc. (SD 25-7-2009)



Lm.Trần Đức Anh.OP (Theo Radio Vatican)

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2009

Đức Thánh Cha chủ sự kinh Truyền tin tại Bắc Italia


ROMANO CANAVESE. Với cánh tay bị bó bột, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đến viếng thăm và chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 19-6-2009 tại làng Romano Canavese, quê hương của Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Tarcisio Bertone, SDB. Ngài khích lệ dân chúng địa phương trong tình trạng khó khăn hiện nay về kinh tế.

Làng Romano Canavese có gần 3000 dân cư thuộc tỉnh Torino, và thuộc giáo phận Ivrea, cách làng Les Combes, nơi Đức Thánh Cha đang nghỉ hè khoảng 95km. Làng này đón nhận đức tin Kitô từ những thế kỷ đầu tiên. Ngài đến đây theo lời mời của Đức Hồng y Tarcisio Bertone Quốc vụ khanh, nhân vật thứ hai tại Tòa Thánh sau Đức Thánh Cha và là cộng tác viên thứ nhất của ngài.

Sau vụ Đức Thánh Cha bị ngã gãy cổ tay phải trong đêm 16 rạng ngày 17-7 vừa qua, nhiều người sợ rằng cuộc viếng thăm của ngài tại làng Romano Canavese bị hủy bỏ, nhưng dân địa phương thở phào nhẹ nhõm, khi được biết Đức Thánh Cha vẫn giữ nguyên chương trình viếng thăm.

Trong những ngày trước đó, xã trưởng Romano Canavese đã nói với giới báo chí: ”Lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng dừng lại tại lãnh thổ chúng tôi. Trong quá khứ, khi viếng thăm giáo phận Ivrea, xe của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đi qua đây nhưng không dừng lại. Lần này thì khác, Đức Giáo hoàng đích thân đến đây, cũng nhờ người đồng hương nổi bật của chúng tôi là Đức Hồng y Bertone, người đã tổ chức cuộc viếng thăm này.. Cơ hội này làm cho chúng tôi cảm thấy vinh dự và biết ơn Đức Hồng y Bertone, một người tuy giữ những vai trò rất quan trọng, nhưng vẫn luôn gắn bó với đất tổ của mình. Ngài vẫn thường trở về đây khi công việc của ngài cho phép”.

Ban sáng, trước khi Đức Thánh Cha đến, Đức Hồng y Bertone đã chủ sự thánh lễ vào lúc 9h30' tại quảng trường Ruggia trước thánh đường giáo xứ, cùng với Đức Cha Arrigo Miglio, Giám mục Ivrea sở tại, 5 Giám mục khác, trong đó có Đức Tổng Giám mục Giuseppe Bertello, Sứ thần Tòa Thánh tại Italia, cũng là người xuất thân từ miền này, và một số linh mục trong giáo phận.

Lúc 11h30', máy bay trực thăng chở Đức Thánh Cha đã đáp xuống khu vực trước kia là hãng chế tạo máy chữ Olivetti. Dọc theo những con đường dẫn tới quảng trường Ruggia, có đông đảo tín hữu và dân chúng đứng hai bên để chào đón Đức Thánh Cha, vì số chỗ ở quảng trường nơi hành lễ có giới hạn, nên chỉ có ai có vé mới được vào khu vực này.

Đến nơi, Đức Thánh Cha đã được các tín hữu tiếp đón nồng nhiệt. Ông trưởng làng tặng ngài một bức tranh và ông Franco Barnabé, chủ tịch hãng Telecom, tặng Đức Thánh Cha một máy vi tính nhỏ, với hy vọng ngài có thể dùng máy này để viết sách, vì bàn tay bị bó bột 1 tháng, nên ngài không thể viết bằng tay được.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha vào bên trong thánh đường kính viếng Mình Thánh Chúa và bắt tay chào thăm đông đảo tín hữu tụ tập tại đây, trước khi tiến ra lễ đài bên ngoài để chủ sự buổi đọc kinh truyền tin.

Kinh Truyền Tin

Trong lời chào mừng, Đức Giám mục giáo phận Ivrea sở tại, Arrigo Miglio gọi cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha như một món quà quí giá, và nói rằng: ”Chúng con ở đây là những người thừa kế và trách nhiệm về một truyền thống Kitô lâu dài, vốn để lại cho chúng con những giá trị đã bén rễ sâu, như gia đình, tình liên đới, sự tiếp đón những người di cư, những giá trị này ngày nay vẫn còn sinh động trong cộng đoàn chúng con. Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha mang lại vinh dự cho truyền thống đức tin và lao động vẫn luôn là đặc tính của cộng đoàn thuộc giáo phận chúng con”.

Về phần Đức Thánh Cha, trong lời đáp từ ngài đặc biệt bày tỏ niềm vui lớn lao vì được đến viếng thăm làng này, ”trong nhà thờ đẹp đẽ, nơi sinh trưởng của người cộng tác đầu tiên của tôi là Đức Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh, đã từng làm việc với tôi trong nhiều năm tại Bộ giáo lý đức tin”. Ngài giơ cánh tay phải đang bị bó bột và nói thêm rằng:

”Như anh em thấy, vì tai nạn, tôi hơi bị giới hạn trong cử động, nhưng sự hiện diện tâm hồn của tôi ở đây vẫn trọn vẹn, tôi rất vui mừng được ở với anh chị em!

”Trong lúc này đây, tôi muốn hết lòng cám ơn tất cả mọi người: bao nhiêu người trong thời gian này đã bày tỏ sự gần gũi, thiện cảm, lòng quí mến đối với tôi và đã cầu nguyện cho tôi, như thế mạng lưới cầu nguyện liên kết chúng ta tại mọi nơi trên thế giới.

”Trước tiên tôi muốn cám ơn các bác sĩ và nhân viên y tế tại bệnh viện Aosta đã ân cần chữa trị cho tôi, với tất cả khả năng chuyên môn và tình thân hữu, và như anh chị em thấy, chúng ta hy vọng sự thành công chung kết!” Vừa nói, Đức Thánh Cha vừa giơ cao cánh tay bị bó bột trước những tiếng vỗ tay của mọi người.

”Tôi cũng muốn cám ơn chính quyền quốc gia, giáo quyền và tất cả những người dân thường đã viết thư hoặc bày tỏ với tôi lòng quí mến và sự gần gũi của họ...

Đi vào bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nhắc đến bài Tin Mừng của Chúa nhật 16 thường niên trong đó Chúa mời gọi các môn đệ rời ra một nơi riêng để nghe ngài trong vòng thân mật. Ngài cũng đề cập đến tình trạng kinh tế khó khăn vì thiếu công ăn việc làm tại miền Ivrea này, và nói rằng:

”Về vấn đề này, như Đức Cha Miglio đã nói, tôi đã lên tiếng nhiều lần và tôi muốn bàn về vấn đề ấy một cách sâu rộng hơn trong thông điệp mới đây ”Caritas in veritate”, Bác ái trong sự thật. Tôi hy vọng Văn kiện này có thể động viên những sức mạnh tích cực để đổi mới thế giới!

”Các bạn thân mến, các bạn đừng nản chí! Chúa Quan phòng luôn giúp đỡ những ai làm điều thiện và dấn thân cho công lý: Chúa giúp đỡ những người không phải chỉ nghĩ đến mình, nhưng còn nghĩ đến những ngừơi kém may mắn hơn. Và các bạn biết rõ điều ấy, vì tiền nhân các bạn đã từng phải di cư vì thiếu công ăn việc làm, nhưng rồi sự phát triển kinh tế đã mang lại sung túc và những người khác từ Italia và nước ngoài đã nhập cư đến đây. Các giá trị căn bản là gia đình và sự tôn trọng sự sống con người, sự nhạy cảm về công bằng xã hội, khả năng chấp nhận vất vả và hy sinh, sự gắn bó chặt chẽ với đức tin Kitô qua đời sống giáo xứ và nhất là sự tham dự thánh lễ, qua bao thế kỷ đã là sức mạnh đích của các bạn. Cũng chính các giá trị ấy sẽ làm cho các thế hệ ngày nay kiến tạo tương lai trong niềm hy vọng, kiến tạo một xã hội thực sự liên đới và huynh đệ, trong đó tất cả các lãnh vực, các tổ chức và nền kinh tế đều được thấm nhiễm tinh thần Tin Mừng.

”Đặc biệt tôi ngỏ lời với những người trẻ, cần phải nghĩ đến họ trong viễn tượng giáo dục. Nhất là ở đây cần phải tự hỏi cần phải đề nghị cho họ loại văn hóa nào; đâu là những gương mẫu cần trình bày cho họ và khuyến khích họ bước theo những con đường của Tin Mừng và tự do đích thực. Tuổi trẻ đầy nghị lực, nhưng cần giúp đỡ họ chiến thắng cám dỗ đi theo những con đường dễ dàng và ảo tưởng, để tìm được con đường sự sống sung mãn và chân thật.”

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Anh chị em thân mến, tại miền đất của anh chị em, phong phú nhờ các truyền thống Kitô và các giá trị nhân bản, đã nảy sinh nhiều ơn gọi nam nữ, đặc biệt là Gia đình Salésien, như ơn gọi của Đức Hồng y Bertone, đã sinh ra tại giáo xứ và được rửa tội trong thánh đường này, và lớn lên trong một gia đình đã hấp thụ đức tin chân thành. Giáo phận của anh chị em chịu ơn nhiều của con cái nam nữ của thánh Bosco, nhờ sự hiện diện đông đảo và phong phú trong toàn vùng ngay từ những năm Thánh Tổ Phụ còn sống. Ước gì điều này cũng là một sự khích lệ cộng đoàn giáo phận của anh chị em ngày càng dấn thân hơn trong lãnh vực giáo dục và tháp tùng ơn gọi. Chúng ta hãy cầu xin sự bảo vệ của Mẹ Maria, Đức Mẹ Mông Triệu bổn mạng giáo phận, là Ơn Phù Hộ các tín hữu Kitô, là người Mẹ được kính mến đặc biệt trong nhiều Đền thánh dâng kính Mẹ trên các ngọn núi ở rặng Gran Paradiso và bình nguyên sông Po... Với lòng tín thác con tháo, chúng ta hãy phó thác cho Mẹ qua lời kinh Truyền Tin.

Sau kinh Truyền Tin, mặc dù tay phải bị bó bột, Đức Thánh Cha vẫn dùng tay này để ban phép lành cho các tín hữu.

Rời quảng trường nhà thờ giáo xứ, ngài đã đến dùng bữa trưa đơn sơ tại nhà gia đình Đức Hồng y Bertone. Tham dự bữa này có em trai Valeriano và em gái Mariaucci cùng với một số người lớn trong gia đình, Đức Giám Mục sở tại và một số vị tháp tùng. Bầu không khí thật thoải mái và thân thiện.

Sau bữa ăn, toàn gia đình thân nhân Đức Hồng y Bertone, tổng cộng là 50 người lớn nhỏ đã chụp hình chung với Đức Thánh Cha ở sân nhà và tiếp đó, ngài đã đáp trực thăng lúc 2h15' để trở lại làng Les Combes.

Trên tường nhà Bertone có treo một tấm bảng ghi nhớ cuộc viếng thăm có một không hai của Đức Thánh Cha tại đây: "Các phần tử gia đình Bertone và những người phối ngẫu của họ hết sức vui mừng và biết ơn Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đến viếng thăm họ tại nhà tổ”.


Lm. G. Trần Đức Anh, OP

Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Vatican hiện nằm ở phía chính quyền Việt Nam


Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Vatican hiện nằm ở phía chính quyền Việt Nam - Chủ tịch Nguyễn Minh Triết sẽ hội kiến với Đức Giáo Hoàng.

(UCAN) - Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn của Tổng Giáo phận Tp.HCM cho hay cuộc đàm phán thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh Vatican và Việt Nam hiện nằm ở phía chính quyền Việt Nam: "Tòa Thánh đã sẵn sàng để thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam trong một thời gian dài. Những vấn đề then chốt hiện nay nằm ở chính quyền Việt Nam".

Đức Hồng y Gioan Baotixita đã có cuộc phỏng vấn với Thông Tấn Xã UCA khi ngài trở về Sài Gòn, sau khi cùng 28 giám mục Việt Nam có chuyến viếng thăm Tòa Thánh Vatican ad limina - năm năm một lần từ ngày 22/6 đến 04/7. Đức Hồng y cho hay ngài biết về tình hình hiện giờ trong các đàm phán đang diễn ra giữa hai bên qua chuyến đi vừa rồi, và từ các nguồn tin trong nước. Ngài cũng cho biết phái đoàn chính quyền Việt Nam được dự trù sẽ đến thăm Vatican vào tháng Mười Một và xúc tiến thảo luận các vấn đề. Đức Hồng y lưu ý thêm là vào tháng Mười Hai, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết dự trù sẽ đến thăm nước Ý, và sẽ có cuộc hội kiến với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI hoặc các viên chức Tòa Thánh Vatican, khi đó sẽ là một dấu hiệu của hy vọng.

Đức Hồng y cũng nói rằng bầu khí thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai phía là khá tích cực trong vài năm qua. Hai năm trước đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có một chuyến thăm bước ngoặc hội kiến Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và các viên chức Vatican. Thủ tướng Dũng là vị lãnh đạo Việt Nam đầu tiên hội kiến Đức Thánh Cha kể từ khi những người cộng sản thống nhất đất nước năm 1975.

Vào tháng Sáu 2008 tại Hà Nội, trong thời gian phái đoàn Vatican thăm và làm việc, cả hai bên đã quyết định thành lập các nhóm chuyên gia để thảo luận vấn đề về quan hệ ngoại giao.

Từ 16 đến 22 tháng Hai năm nay, phái đoàn Tòa Thánh Vatican gồm 3 thành viên, do Đức Ông Pietro Parolin, thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh Vatican dẫn đầu đã có chuyến viếng thăm làm việc với Việt Nam. Trong cuộc gặp này, hai bên đã họp phiên đầu tiên Nhóm Công tác Hỗn hợp Việt Nam - Vatican để thúc đẩy quan hệ ngoại giao.

Đức Hồng y cho hay, các viên chức trong Ban Tôn Giáo chính phủ cũng "đã nhắc" Đức Tổng Gíam Mục Giuse Ngô Quang Kiệt của Hà Nội mời Đức Thánh Cha đến viếng thăm Việt Nam trong chuyến đi của các giám mục mới đây. Đức Tổng Giám Mục Giuse hiện là Tổng thư ký của Hội đồng Giám Mục Việt Nam.

Hôm 27/6, khi đến triều yết Đức Thánh Cha, Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn của Giáo phận Đà Lạt, Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Việt Nam đã mời Đức Giáo Hoàng đến thăm Việt Nam. Nhưng Đức Hồng y Gioan Baotixita cho hay: "Đức Thánh Cha đã không trả lời trực tiếp", và cho biết thêm rằng chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng đòi hỏi phải có lời mời chính thức từ chính phủ Việt Nam. Ngài nói thêm các giám mục hy vọng Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Việt Nam vào ngày 06/01/2011, khi Giáo Hội Việt Nam bế mạc Năm Thánh đánh dấu kỷ niệm 350 năm thành lập hai giáo phận Tông Tòa đầu tiên tại Việt Nam và kỷ niệm 50 thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam. Việc cử hành Năm Thánh sẽ khai mạc vào ngày 24/11/2009, Lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam.

Đức Hồng y Gioan Baotixita, Chủ tịch Ban Tổ Chức Năm Thánh cho hay Ban Tổ Chức sẽ tổ chức Đại Hội Dân Chúa Việt Nam ở Sài Gòn vào tháng Mười Một, 2010 như là một phần của việc cử hành Năm Thánh. Đại Hội sẽ quy tụ 200 giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, một số người từ nước ngoài.


Nguyễn Hoàng Thương

Hội nghị Thường niên các Đại Chủng viện Việt Nam

Hội nghị Thường niên Các Đại Chủng viện Việt Nam
Tại Xuân Lộc (từ 13-18/07/2009)
1. Năm nay, Hội nghị Thường niên Các Đại Chủng viện Việt Nam nhóm họp tại Tòa Giám mục Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) từ 13–18/07/2009. Trong bầu khí vui tươi cầu nguyện và mặn nồng tình huynh đệ, Hội nghị khai mạc vào chiều thứ Hai, 13/07/2009, dưới sự chủ tọa của Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục Hưng Hóa, Chủ tịch Ủy ban Giáo sĩ – Chủng sinh, trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Về phía các Chủng viện, thành phần tham dự thật phong phú và trẻ trung, gồm 40 linh mục đại diện cho các Đại Chủng viện tại Việt Nam: Hà Nội, Vinh-Thanh, Huế, Nha Trang, Cần Thơ và Tp. HCM (gồm cơ sở I tại Tp. HCM và cơ sở II tại Xuân Lộc).



2. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Hội nghị diễn ra xoay quanh 4 chiều kích: nhân bản (tình huynh đệ), thiêng liêng (cầu nguyện chung), tri thức (chia sẻ và học tập về việc đào tạo linh mục), mục vụ (những tương quan, sáng kiến khi thi hành nhiệm vụ đào tạo).

a) Điểm đầu tiên mà mọi thành viên Hội nghị đều cảm nhận là tình huynh đệ linh mục giữa những người lãnh nhận nhiệm vụ đào tạo linh mục tại Việt Nam. Đây là một dịp quí báu để biết nhau, nâng đỡ nhau và chia sẻ với nhau những kinh nghiệm cũng như những thao thức trong việc đào tạo linh mục tương lai. Thật là cảm động, khi thấy những cha giáo sư lớn tuổi cũng sinh hoạt chung, học hỏi và chia sẻ thật thân tình với những học trò của các ngài, giờ đây đang cùng với các ngài thực hiện nhiệm vụ đào tạo linh mục.

b) Toàn thể Hội nghị luôn được nhắc nhở chính Chúa Thánh Thần là nhà đào tạo chính, còn các nhà đào tạo chỉ là cộng tác với Chúa Thánh Thần. Vì thế, Hội nghị diễn ra trong bầu khí cầu nguyện, cùng lắng nghe Chúa Thánh Thần qua những giờ học tập, trao đổi. Hiệp nhất với nhau trong Chúa Thánh Thần và hiệp thông với nhau trong Giáo Hội, mọi thành viên đều cảm nhận sâu xa sự nâng đỡ bổ dưỡng của ân sủng Thiên Chúa tuôn đổ trong những giờ Kinh Phụng Vụ chung, giờ dâng Thánh Lễ và trong giờ chầu Thánh Thể vào cuối ngày trước cơm tối.

c) Về mặt trí thức, sinh hoạt của Hội nghị xoay quanh 3 điểm:

- Trong buổi sáng đầu tiên, các cha Giám đốc của mỗi Chủng viện báo cáo về sinh hoạt, nhất là những khó khăn cũng như những sáng kiến tích cực trong việc đào tạo linh mục.

- Tiếp đến, Hội nghị dành một ngày rưỡi để nghe giới thiệu và thảo luận về Bản thảo “Đào tạo linh mục- định hướng và chỉ dẫn” được gọi tắt là Bản Ratio (Ratio Institutionis Sacerdotalis). Phác thảo đầu tiên đã được trình bày vào tháng 8/2005, trong Đại hội Thường niên của các Đại Chủng viện tại Vinh. Tiếp đến Phần 1 của Ratio “Công cuộc đào tạo linh mục” (phần lý thuyết, định hướng) đã được trình bày, thảo luận, góp ý trong Đại hội Thường niên vào tháng 8/2007 tại Nha Trang. Sau đó, Phần 1 này đã được trình bày tại Đại hội Lần X của Hội đồng Giám mục Việt Nam, dịp tháng 10 năm 2007. Với sự khích lệ và góp ý của các Đức Giám mục, Ban Soạn thảo Ratio tiếp tục soạn thảo Phần 2 “Tổ chức việc đào tạo linh mục” (phần áp dụng), và đã giới thiệu trong Hội nghị Thường niên năm 2009 này, để các Đại Chủng viện cùng thảo luận và góp ý. Ban Soạn thảo ghi nhận những góp ý và sẽ soạn lại Bản thảo cuối cùng để trình cho Hội đồng Giám mục vào tháng 10/2009 sắp tới. Hội nghị dự định: sau khi được Hội đồng Giám mục Việt Nam chấp thuận, Bản Ratio này sẽ được gởi qua Toà Thánh để xin phê chuẩn với hy vọng sẽ ban hành vào dịp Năm Thánh 2010, kỷ niệm 50 thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam.

- Trong 2 ngày cuối, Hội nghị đã học hỏi và thảo luận về đề tài “Tâm lý và Tu đức trong tiến trình đào tạo linh mục”. Đề tài này đã được chọn từ gợi ý của văn kiện mới nhất liên quan đến việc đào tạo linh mục: “Hướng dẫn việc sử dụng những phương pháp tâm lý trong việc thu nhận và đào tạo những ứng sinh chức linh mục”, do Bộ Giáo dục Công giáo ban hành tại Roma, ngày 29/06/2008.

d) Về mặt mục vụ liên quan đến các chủng viện, Hội nghị đã đón tiếp phái đoàn của Ban Tôn giáo Chính phủ và Ban Tôn giáo tỉnh Đồng Nai do ông Nguyễn Đức Thịnh, Vụ Phó Vụ Công Giáo, làm trưởng đoàn. Trong một giờ đồng hồ, phái đoàn và Hội nghị đã trao đổi với nhau về một vài điểm cụ thể liên quan đến cơ sở và tổ chức sinh hoạt các Đại chủng viện (thủ tục chiêu sinh, thủ tục gởi các chủng sinh đi thực tập mục vụ tại các giáo xứ, việc nhận những tài liệu sách báo từ nước ngoài gởi về liên quan đến việc đào tạo và học tập tại chủng viện…)

Trong dịp này, Hội nghị có dịp tham quan cơ sở mới xây dựng của giáo phận Xuân Lộc, gồm Toà Giám Mục, Nhà Mục vụ và Đại Chủng viện. Với thao thức lo cho việc đào tạo linh mục và những sinh hoạt mục vụ nhằm phát triển giáo phận, Đức cha Đaminh, các linh mục và cộng đoàn Dân Chúa giáo phận Xuân Lộc đã hoàn thành được một cơ sở thật khang trang với những tiện nghi tốt nhất trong điều kiện có thể. Những nỗ lực xây dựng và những sáng kiến trong cách tổ chức cơ sở này cũng là một bài học sống động cho các thành viên Hội nghị.

Hội nghị kết thúc vào sáng thứ Bảy 18/07/2009, với tâm tình yêu mến và phó thác cho Đức Mẹ, Mẹ của Chúa Giêsu Linh mục Thượng phẩm và Mẹ của các linh mục.


Ban Thư Ký Hội Nghị
UB Giáo sĩ - Chủng sinh HĐGMVN

Thông cáo của Tòa Giám Mục Vinh gởi các thành phần Dân Chúa

TOÀ GIÁM MỤC XÃ ĐOÀI

Số 12/09 TB.TGM

Xã Đoài, ngày 21 tháng 7 năm 2009






THÔNG BÁO


Kính gửi: Quý Cha, quý tu sỹ, chủng sinh, anh chị em giáo dân trong toàn Giáo phận và mọi người có thiện chí.

Sáng ngày 20 tháng 7 năm 2009, giáo dân Tam Toà với sự giúp đỡ của giáo dân một số giáo xứ đã dựng một nhà tạm trên nền nhà thờ Tam Toà để cử hành Thánh Lễ.

Công việc vừa hoàn thành thì Công an tỉnh Quảng Bình đã tới phá đổ nhà tạm, đánh đập và bắt giữ nhiều giáo dân.

Trước tình cảnh đau thương của giáo xứ Tam Toà, Toà giám mục khẩn thiết kêu gọi:

1. Các giáo hạt, giáo xứ, giáo họ hiệp thông cầu nguyện cho giáo xứ Tam Toà, cách riêng cho những anh chị em bị đánh đập và đang bị bắt giữ.

2. Mọi thành phần dân Chúa hãy thể hiện tình liên đới, giúp đỡ giáo xứ Tam Toà và anh chị em giáo dân đang bị bắt giữ, bằng mọi mặt về tinh thần cũng như vật chất.

3. Giáo xứ Tam Toà đã chịu nhiều thiệt thòi mất mát, nay lại chịu cảnh đau thương, hơn lúc nào hết Tam Toà đang cần đến sự hiệp thông, giúp đỡ và chia sẻ của chúng ta.

Tổng Đại diện Giáo phận Vinh

Lm. Phanxicô Xaviê Võ Thanh Tâm

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2009

Vài nét về Tam Tòa nơi hàng trăm công an đánh đập dã man giáo dân


SỰ THẬT LỊCH SỬ (*)
Giáo xứ Tam Tòa ( có nhà thờ tọa lạc tại đường Nguyễn Du, thành phố Đồng Hới hiện nay) được thành lập khoảng năm 1631 với tên gọi xứ đạo Đông Hải, còn gọi là Họ Lũy.

Năm 1774 (có tài liệu ghi là năm 1798), sau khi lực lượng Chúa Trịnh chiếm được Đàng Trong và san bằng lũy Thầy, nhà thờ này được chuyển về khu vực Cầu Ngắn, nay thuộc phường Phú Hải, và được gọi là giáo xứ Sáo Bùn. Khoảng năm 1886, Sáo Bùn có khoảng 200 nóc nhà với khoảng 1200 giáo hữu. Ở đây có Viện Dục Anh để giúp nuôi trẻ em nghèo và có tu viện dòng Mến Thánh Giá phục vụ từ thiện và giáo dục.

Năm 1886, Quân Văn Thân đột kích giáo xứ Sáo Bùn, giết chết 52 giáo dân, đốt phá nhà thờ Sáo Bùn, nên số giáo dân chạy về Đông Hới lánh nạn. Sau khi được sự cho phép của chính quyền bảo hộ và các cơ quan hữu trách, Cha sở lúc này là cố Claude Bonin và giáo dân Tam Tòa chuyển nhà thờ về ở rẻo đất bên bờ sông Nhật Lệ sát cửa thành thuộc đất làng Mỹ Lệ và đổi tên thành giáo xứ Tam Tòa, cho đến hôm nay. Năm 1850, khi giáo phận Huế được thành lập, Tam Tòa thuộc sự quản lý của Giáo phận Huế.

Nhà thờ Tam Tòa lần đầu tiên được xây dựng năm 1887, do linh mục Clause Bonin (cố Ninh). Đến năm 1940, linh mục René Morineau (cố Trung) tái thiết lại khang trang và hoàn chỉnh hơn.

Năm 1954, sau hiệp định Genève, hầu hết giáo dân Tam Tòa, cùng với rất nhiều dân cư ở đây và giáo dân các xứ thuộc hạt Nam Quảng Bình di cư vào Đà Nẵng sinh sống; thành lập giáo xứ Tam Toà ở Đà Nẵng. Từ đó, số giáo dân còn lại ở đây được coi sóc bởi 2 linh mục Trần Quang Nghiêm và Lương Minh Thể. Đến năm 1962, cha Thể qua đời, và năm 1964, chiến tranh lại bùng phát, cha Nghiêm rời Tam Tòa cho đến nay không có linh mục coi sóc.

Năm 1968, nhà thờ Tam Tòa bị máy bay Mỹ oanh kích, đổ nát và duy trì như vậy cho đến ngày nay. Mặc dầu số giáo dân còn lại quá ít ỏi, không đủ khả năng tái thiết, nhưng Tổng giáo phận Huế cũng như bà con Tam Tòa vẫn luôn ước mong tái thiết nhà thờ mà Cha Ông họ đã dày công xây dựng.

Ngày 26/3/1997, UBND tỉnh Quảng Bình tự động ra quyết định đưa nhà thờ Tam Tòa vào danh mục di tích lịch sử, là một di chứng tội ác chiến tranh, không thông qua ý kiến của chủ sở hữu là Tổng giáo phận Huế và bà con giáo dân giáo xứ Tam Tòa.

Đến ngày 15/5/2006, Tổng giáo phận Huế chuyển giáo hạt Nam Quảng Bình cho giáo phận Vinh, trong đó có giáo xứ Tam Tòa. Ngay sau đó, Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, giám mục giáo phận Vinh bổ nhiệm linh mục Phêrô Lê Thanh Hồng về quản xứ Làng Sen, kiêm xứ Tam Tòa, có hơn 1000 giáo dân sinh sống tại địa bàn thành phố Đồng Hới, quanh nhà thờ Tam Toà.

Hiện nhà thờ cũ đổ nát, mọi sinh hoạt tôn giáo đang phải nhờ nhà của một giáo dân tại đường Nguyễn Du, cách nền nhà thờ Tam Tòa khoảng 100m về phía Tây Bắc.

Vì thế, giáo phận Vinh đang làm thủ tục lấy lại đất này, xây dựng nhà thờ Tam Tòa, đảm bảo quyền lợi thực tế chính đáng của công dân. Đây là điều hoàn toàn có căn cứ lịch sử và cơ sở pháp lý.
CƠ SỞ PHÁP LÝ
Trước hết, chúng ta phải khẳng định việc Giáo phận Vinh tái thiết giáo xứ Tam Tòa là cần thiết và hợp pháp, đáp ứng nhu cầu thực tế của công dân, không cần phải xin cấp phép lại. Theo nội dung trên, giáo xứ Tam Tòa được thành lập và hoạt động hợp pháp từ rất sớm, năm 1631. Ngay cả khi vì hoàn cảnh lịch sử, giáo dân phải di cư đi nơi khác, nhà thờ bị chiến tranh tàn phá, số còn lại không đủ điều kiện tái thiết, Tam Tòa vẫn luôn luôn là một giáo xứ thuộc Tổng giáo phận Huế, nay thuộc giáo phận Vinh.

Theo hiến pháp Việt Nam: "Công dân có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, theo hay không theo một tôn giáo nào" (Điều 70). Điều đó được cụ thể hóa tại điều 5 pháp lệnh tôn giáo 2005 "Nhà nước bảo đảm quyền hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo theo quy định của Pháp luật". Điều này hiện nay đã được chính quyền tỉnh Quảng Bình, thành phố Đồng Hới tạo điều kiện thuận lợi cho bà con giáo dân sinh hoạt tôn giáo tại nhà riêng của một giáo dân, chờ xây dựng lại nhà thờ mới. Đặc biệt, ngày 13/2/2008,và gần nhất là ngày 2/2/2009, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuân lợi cho Đức giám mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, cha tổng đại diện Phanxico Xavier Võ Thanh Tâm và đông đảo các linh mục cùng với hàng ngàn giáo dân tổ chức thánh lễ cầu bằng yên đầu năm mới trên nền nhà thờ Tam Tòa này.

Thứ hai, việc Giáo phận Vinh yêu cầu UBND tỉnh Quảng Bình trả lại khuôn viên nhà thờ Tam Tòa, để xây dựng lại, phục vụ nhu cầu của đông đảo giáo dân ở đây là điều chính đáng, đúng pháp luật. Tại sao?

Bộ giáo luật 1983 quy định: Tòa giám mục, đứng đầu là Giám mục giáo phận, là người trực tiếp đứng chủ, quản lý, sử dụng mọi tài sản của Giáo hội tại địa phương (Điều 1279). Theo đó, đất và nhà thờ Tam Tòa là tài sản của Giáo hội Công Giáo Việt Nam, do tòa tổng giám mục Huế trực tiếp đứng chủ, quản lý và sử dụng, trước sau không thay đổi.

Địa bàn quản lý của tổng giáo phận Huế trước và sau hiệp định Senève (1954) vẫn bao gồm cả hạt Nam Quảng Bình. Trong đó, nhà thờ Tam Tòa cũng thuộc sự quản lý đó cả trên lý thuyết và thực tiễn. Việc giáo dân Tam Tòa, vì hoàn cảnh lịch sử phải di cư đi nơi khác làm ăn sinh sống, nhà thờ bị chiến tranh tàn phá nặng nề, số còn lại không có khả năng tái thiết để đưa vào sinh hoạt, hoàn toàn không làm thay đổi chủ sở hữu nhà thờ và đất đó, là tòa tổng giám mục Huế. Điều này cũng giống như một người cha có một thửa đất rộng. Ông ta xây nhiều ngôi nhà, giao cho các con của mình quản lý, sử dụng. Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, một trong số người con đó phải chuyển chỗ ở, ngôi nhà của người cha để trống. Cho dù thời gian có làm cho nó hư hỏng, xuống cấp, mặc cho người cha có sửa chữa hay không thì quyền sở hữu nhà đất đó vẫn thuộc về người Cha đó, không ai có quyền xâm phạm, pháp luật tôn trọng và bảo vệ.

Điều 70 hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định rõ ràng rằng: "Những nơi thờ tự của các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ, không ai được xâm phạm". Điều đó đã được quy định chi tiết và cụ thể hơn tại Pháp lệnh tôn giáo năm 2005: "Tài sản hợp pháp thuộc cơ sở tín ngưởng tôn giáo được pháp luật bảo hộ, nghiêm cấm mọi việc xâm phạm tài sản đó" (Điều 26). Và "Đất có các công trình do cơ sở tôn giáo sử dụng gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường..." (Điều 27). Nội dung này cũng đã được quy định rất chi tiết tại các Điều 220 Bộ luật dân sự và điều 9 Luật đất đai 2003.

Chính vì thế, năm 1996, UBND tỉnh Quảng Bình tự tiện chia cắt đất và đưa khuôn viên nhà thờ Tam Tòa vào danh mục di tích tội ác chiến tranh mà không thông qua ý kiến của chủ sở hữu là Tòa tổng giám mục Huế là vi phạm nghiêm trọng các quy tắc trên của pháp luật, đi ngược lại lịch sử.
Trên thực tế thì đất nhà thờ Tam Toà có từ năm 1886, cho đến năm 1997 bị UBND tỉnh Quảng bình chiếm dụng trái phép thì diện tích đất này chưa bao giờ thuộc diện bị cải tạo theo luật cải cách ruộng đất và thông tư số 73/TTg ngày 7/7/1962, cũng không hề có quyết định trưng dụng, trưng thu hay trưng mua nào hết. Do đó nó không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị quyết này.

Từ những nhận định trên, chúng tôi cho rằng khuôn viên đất và nhà thờ Tam Tòa là tài sản thuộc Giáo hội công giáo Việt Nam do tổng giáo phận Huế (nay đã chuyển giao cho giáo phận Vinh) trực tiếp quản lý và sử dụng. Việc UBND tỉnh Quảng Bình đang quản lý khuôn viên này theo danh mục đất có di tích lịch sử là điều bất hợp pháp, cần áp dụng Điều 98 Luật đất đai 2003 để xử lý chuyển mục đích sử dụng, trả lại cho Giáo hội Công Giáo Việt Nam, trực tiếp là giáo phận Vinh.

Giáo phận Vinh và bà con giáo dân giáo xứ Tam Tòa có quyền đòi lại toàn bộ đất và tài sản trên đất theo hiện trạng ban đầu. Điều 256 Luật đất đai 2003 quy định: "Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật đối với tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu hợp pháp của mình phải trả lại tài sản đó...".

Chúng tôi hy vọng rằng trong tinh thần đổi mới, khép lại quá khứ để hướng đến tương lai, UBND tỉnh Quảng Bình cũng như các cơ quan ban ngành liên quan, sớm trao trả khuôn viên nhà thờ Tam Tòa cho giáo phận Vinh, đảm bảo pháp chế và quyền lợi hợp pháp của công dân, phù hợp chính sách tự do tôn giáo của Nhà nước.

Chú thích:(*) Số liệu này chúng tôi thu thập từ các bài "Kỷ niệm 120 năm giáo xứ Tam Tòa Đồng Hới và Giáo hạt Nam Quảng Bình" của tác giả Dương Kim Sơn. Và Nguyễn Đức Cung, Quảng Bình chín trăm năm nhìn lại (1075-1975), tập I, Nhật Lệ 2006.

Tân Lập

TOÀ GIÁM MỤC VINH

VĂN PHÒNG THƯ KÝ
TOÀ GIÁM MỤC XÃ ĐOÀI
CẤP BÁO

Văn Phòng thư ký Toà Giám mục Xã Đoài, Giáo phận Vinh cấp báo:

Sáng nay (ngày 20 tháng 7 năm 2009) giáo dân xứ Tam Toà dựng nhà tạm trên nền nhà thờ Tam Toà, Tp. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Hàng trăm công an, cảnh sát tới ngăn cản, đánh đập tàn nhẫn nhiều giáo dân rồi bắt lên xe cảnh sát và mang đi. Có trên 20 người đã bị công an cảnh sát đánh đập tàn nhẫn, nay đang bị giam giữ.

Toà Giám mục xin mọi người có lương tri hiệp ý cầu nguyện cho giáo dân Tam Toà, nhất là những anh chị em giáo dân đã bị công an Quảng Bình đánh đập tàn nhẫn và nay đang bị giam giữ.

Kính báo

Chánh văn phòng TGM
Lm. Antôn Phạm Đình Phùng

Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2009

Giáo xư Vũng Tàu mưng kính lê quan thây Giacobe và 120 năm ngày thành lâp Giáo xư


Đươc thành lâp năm 1889.Là môt trong ba giáo xư đâu tiên ơ vùng Baria: Phươc Lê, Đât Đỏ & Vũng Tàu. Hiên nay giáo xư có khoảng gân 7000 nhân khâu trải dài trên địa bàn các phương 1, 2, 3, 4, Thăng Tam đươc chia làm bôn giáo họ Teresa, Phero, Vo nhiêm, Thánh Tâm.Giáo xư đã đóng góp cho giáo hôi nhiêu ngươì con ưu tú trong đó có Đưc cha Giacobe Nguyên Văn Mâu. Đúng ngày 25.7.2009 giáo xư sẽ dâng thánh lê đaị trào vào lúc 8 giơ do chính Đưc cha Toma Nguyên Văn Trâm, giám mục Giáo phân chủ tê cùng vơi các cha trong giáo phân nhân ngày lê kính thánh quan thây Giacobe và 120 năm thành lâp Giáo xư. BBT blog Giáo phân Baria xin đươc chia vui cùng cha chính và cha phó cùng toàn thê bà con giáo dân trong Giáo xư.

THÁNH GIACÔBÊ, TÔNG ĐỒ, (St. James, Apostle)


Đọc lại ơn gọi của các thánh tông đồ, nhân loại không khỏi ngạc nhiên vì tính cách huyền nhiệm và diệu kỳ của Thiên Chúa trên từng con người, trên từng cá nhân. Tin Mừng của thánh Matthêu viết:” Đang đi dọc theo biển hồ Galilê, Chúa Giêsu thấy ông Giacôbê, con ông Dê-bê-đê, và ngươi em là ông Gio-an, cả hai đang vá lưới”( Mt 4, 18.21 ).

ƠN GỌI CỦA THÁNH GIACÔBÊ:

Chúa muốn gọi ai là tùy ý Chúa, không ai có quyền buộc Chúa phải làm thế này, phải làm thế khác. Ơn gọi là một ơn huệ nhưng không của Chúa. Thánh Giacôbê là anh của thánh Gioan, con của ông Dêbêđê. Thánh nhân là bạn đồng nghiệp với thánh Phêrô và thánh Anrê, tất cả đều làm nghề chài lưới và là những tay chài thiện nghệ. Các Ngài đã làm nghề cổ truyền này từ đời cha ông và nay họ vẫn tiếp tục sống bằng nghề đánh cá ở biển hồ Giênêsarét. Thánh Matthêu đã tường thuật lại việc Chúa Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên như sau:” Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông:” Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo người. Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người”( Mt 4, 18-22 ). Tin Mừng nói: Chúa gọi và lập tức họ bỏ tất cả mà theo Chúa Giêsu. Đó là một sự lạ lùng vì chỉ một tiếng gọi, các môn đệ đã bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu. Thánh Giacôbê dù rằng có bị mang tiếng vì bà mẹ của hai người con ông Dêbêđê đã suy nghĩ theo ý trần gian xin cho một ông ngồi bên tả, một ông ngồi bên hữu Chúa trong vương quốc của Ngài, nhưng với sự tác động của Chúa Thánh Thần và với sự thay đổi của ơn Chúa, thánh Giacôbê và thánh Gioan đã hy sinh đến giọt máu cuối cùng để làm chứng cho Chúa.

THÁNH GIACÔBÊ TRỞ THÀNH NGƯỜI THÂN THIẾT CỦA CHÚA:

Được Chúa yêu thương, cải hóa, biến đổi, thánh Giacôbê đã trở nên người thân cận của

Chúa, cùng với thánh Phêrô và thánh Gioan. Thánh nhân đã được chứng kiến con ông Zairô Chúa làm cho sống lại, việc chúa biến hình trên núi Tabôrê, và cơn hấp hối của Chúa Giêsu trong vườn cây dầu. Tất cả những điều đó nói lên con người đặc biệt và vô cùng thân tín của Ngài đối với Chúa Giêsu. Chính vì được yêu mến tin tưởng, thánh Giacôbê đã được phước trở thành người tử đạo tông đồ đầu tiên đã đổ máu ra để minh chứng choChúa Giêsu phục sinh dưới thời vua Hêrôđê Agrippa I năm 43 hoặc 44 trước lễ phục sinh. Chúa đã trao chén đắng cho Ngài và Ngài đã chấp nhận uống chén đắng Thầy trao. Chúa đã thưởng công và trao mũ triều thiên cho Ngài. Thánh nhân đã được tôn kính đặc biệt trên thế giới từ thế kỷ IX và lòng tôn kính thánh nhân toả lan khắp thế giới.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã ban cho thánh Giacôbê vinh dự là tông đồ đầu tiên đã chết để làm chứng cho Tin Mừng. Xin cho Hội Thánh tìm được sức mạnh nhờ gương tử đạo của thánh nhân, và nhờ Người cầu thay nguyện giúp, Hội Thánh được luôn nâng đỡ phù trì( Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Giacô-bê tông đồ ).

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT