Thứ Hai, 26 tháng 4, 2010

Khâm Phục Một Nhân Cách Lớn Khâm Phục Một Nhân Cách Lớn



Lạy Chúa tôi con người không đạo
Nhưng tin có Chúa ngự trên cao

“Nếu cầu nguyện mà phải đi tù, thì ai bị bắt tôi xin đi tù thay”
Câu nói khảng khái đầy trách nhiệm của Đức TGM Hà Nội Ngô Quang Kiệt với giáo dân Ngài dẫn dắt, không chỉ gây xúc động với người Công Giáo, mà còn khiến cả những người bên ngoài phải tỏ lòng ngưỡng mộ, thán phục bởi sự quả cảm, bất chấp nguy hiểm cùng gắn bó, sát cánh chia sẻ với giáo dân.
Lạy Chúa tôi con người không đạo
Nhưng tin có Chúa ngự trên cao
Như trong lời bài hát, kẻ viết bài này hoàn toàn không có đạo. Chỉ thấy được ĐTGM Ngô Quang Kiệt qua những gì Ngài nói, và cảm nhận về Ngài bằng tình cảm cá nhân mình, trên những nền tảng đạo đức được tiếp thu, giáo dục từ một môi trường hoàn toàn không tôn giáo.
Vì là kẻ ngoại đạo, nên suy luận rất đỗi bình thường. Đến cái ngày nghe ĐTGM Kiệt nói với giáo dân, tôi ngẩn người suy nghĩ theo lối trần gian. Sao Ngài nói vậy? Nói thế được tình cảm của giáo dân nhưng thế nào cũng bị những kẻ có thế lực thù hận Ngài. Như các quan chức trong nhà nước hay những nhân vật đứng đầu tổ chức nào đó ở Việt Nam sẽ chẳng bao giờ nói câu nào bộc lộ quan điểm chia sẻ của mình đến vậy, tất cả họ sẽ im lặng coi như không biết, không nghe.
Dân chúng không phải là đối tượng để họ phải bộc lộ tình cảm, quan điểm nếu như ảnh hưởng đến vị trí họ nắm giữ. Nhìn bao nhiêu chuyện như ngư dân bị bắn giết, người dân bị lấy đất, hàng đoàn người dân đội nắng mưa, cơm nắm, muối trắng đi đòi công lý ngày lại qua ngày trong hy vọng mịt mù… có vị chức sắc nào lên tiếng chia sẻ với dân trong những cảnh đau lòng đó đâu. Họ còn lo củng cố ghế ngồi vững chắc bằng những lời nói vu vạ, xuyên tạc đám người khốn khổ đó. Phải làm thế họ mới có chắc ngôi vị xa hoa, nhiều bổng lộc, có quyền thế tiếp tục tha hồ hưởng và phán xét người dân đen.
Vậy mà ĐTGM Kiệt lại nói câu nói nặng ngàn cân ấy.
Biết nói vậy sẽ nguy hiểm cho chính bản thân mình, có thể phải ra đi bỏ lại chiếc ghế TGM mà bao nhiêu giám mục khác đang khát khao. Phải chăng giữa lúc phải chọn cái ghế và lòng dân, ĐTGM đã chọn một điều mà không phải cá nhân nào trên cương vị ấy có thể dám chọn?
Thực sự là như thế, bởi trong lúc HĐGM Việt Nam lặng thinh làm ngơ, khiến bao nhiêu con cái Chúa hoang mang, tủi thân như bị bỏ rơi, câu nói Đức Tổng Kiêt như một cơn mưa lớn xuống cánh đồng niềm tin khô hạn trong những ngày cầu nguyện nóng bỏng hôm nào.
Có nhiều người thẫn thờ nghe tin ĐTGM Hà Nội ra đi. Một nhân cách như Ngài quá hiếm hoi và đơn lẻ trong cái xã hội băng hoại từ trên xuống dưới này.
Rồi đây sẽ có ai xắn quần lội nước đi thăm giáo dân trong những ngày lụt lội lạnh giá, sẽ có ai đây đến thăm và ban phước cho những giáo dân đang bị nhà nước chuẩn bị đưa ra tòa khởi tố. Sẽ có ai cam đảm khẳng định quyền con người cho giáo dân với những thế lực đen tối hùng mạnh?
Trong lá thư chúc mừng người thay thế ĐTGM Ngô Quang Kiệt, HĐGMVN bày tỏ sự hân hoan vui mừng trước sự kiện đó, khẳng định rằng: “Một trang sử mới cho Tổng Giáo Phận Hà Nội và Giáo Hội Việt Nam đã được mở ra”. (!?)
Đúng rồi!
Thưa HĐGMVN và bà con Công Giáo, “trang sử mới” tới đây là “trang sử” mà HĐGMVN mở ra sẽ không có những con người có tấm lòng quả cảm, có tấm lòng yêu thương giáo dân, không có vị chủ chăn dám nhận đi tù thay cho giáo dân, không có con người giản dị, nhân hậu như ĐTGM Ngô Quang Kiệt.
Hình ảnh những người giáo dân cầm nến đứng trong đêm đông giá lạnh, mưa dầm hôm nào để đòi công lý - sự thật để đất đai giáo hội không biến thành đất của bọn gian tà chắc chắn là trang sử đáng nhớ nhất của đồng bào Công Giáo trong suốt hơn 60 năm qua ở Việt Nam.
Cho dù bị HĐGM VN làm ngơ không biết, hay sẽ cố quên đi trong thời gian tới để có một trang sử được tô đỏ vẽ vàng thế nào đi nữa. Thì hình ảnh của giáo dân cầm nến và hình ảnh ĐTGM Ngô Quang Kiệt mãi mãi để trong tâm trí nhiều người một trang sử về tinh thần khảng khái bất diệt.
Không ai cướp được chiên của Ngài
Tinh thần và nhân cách của ĐTGM Ngô Quang Kiệt đã khiến bao nhiêu người ngoài Công Giáo chứng kiến trong sự cảm phục, ngưỡng mộ. Sự ra đi của ĐT Kiệt là nỗi xót xa của hàng triệu con người đang khát khao sự thật, công lý hiện diện trên quê hương Việt Nam yêu thương.
Những người ngoại đạo còn như vậy, chắc hẳn trong lòng giáo dân Hà Nội, những người được Đức Ngài chăm sóc, yêu thương còn xót xa, đau đớn đến bội phần. Chắc hẳn trong lòng giáo dân TGP Hà Nội, ĐTGM Ngô Quang Kiệt mãi mãi là vị chủ chăn muôn đời đáng kính nhất.
Trong những ngày chia tay với một nhân cách lớn, một huyền thoại về lòng dũng cảm, bác ái như ĐTGM Ngô Quang Kiệt đang đến rất gần. Đến một cách vội vã bởi những suy tính trần gian hối thúc. Xin cho những người ngoại đạo ngỏ lời chia sẻ chân thành nhất với nỗi bi thương, mất mát bởi biệt ly mà những người anh em thuộc TGP Hà Nội đang đau đáu trong lòng.
Xin cho tình yêu thương, kính trọng của tất cả chúng ta đối với Ngài được tồn tại và thể hiện mãi mãi trong hàng ngày, hàng giờ mà chúng ta đang sống.
Thưa Đức Tổng Giám mục NGÔ QUANG KIỆT
Dù Ngài có phải đi đến bất cứ phương trời góc bể nào, thì Ngài luôn ở trong trái tim chúng tôi, những người bất kể tôn giáo nào biết yêu sự thật, hòa bình và công lý. Tên Ngài xứng đáng được viết hoa, kẻ bằng chữ vàng hơn bất cứ chữ vàng ghi tên ai khác.
Một người ngoại đạo.
Hà Nội, Ngày 25/4/2010
Bằng Phong

Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2010

Tin vui Tân Vương Cung Thánh Đường Sở Kiện và tin liên quan đến Đức TGM Ngô Quang Kiệt

HÀ NỘI -- Sáng hôm nay Đức TGM Hà Nội đã đi Sở Kiện để thăm nhà thờ giáo xứ này nơi cử hành khai mạc Năm Thánh Việt Nam vào tháng 11 vừa qua, vì vừa được tin mừng là Tòa Thánh đã báo cho biết sẽ nâng cấp nhà thờ Sở Kiện thành Vương Cung Thánh Đường.

Đây thực sự là một niềm vui và là niềm hãnh diện không những riêng cho giáo xứ Sở Kiện mà còn chung cho Giáo hội Việt Nam. Chính tại Sở Kiện mà Giáo hội Việt Nam đang lưu giữ một kho tàng vô giá các hài cốt và các chứng tích tử đạo của các Anh hùng Tử đạo Việt Nam.

Say khi đi thăm Sở Kiện Đức TGM Giuse lại lên đường đi Châu Sơn để nghỉ ngơi mấy ngày. Phải thành thật mà nói tình trạng sức khoẻ về chứng bệnh mất ngủ của Đức Tổng Hà Nội cũng không hơn gì trước đây. Mọi người yêu mến Đức Tổng xin tiếp tục cầu nguyện cho Ngài.

Chiều hôm qua, các Đức Giám mục thuộc Giáo Tỉnh Hà Nội cũng đã có cuộc gặp gỡ và dùng bữa tối với Đức Tổng. Các vị đến thăm và tỏ tình liên kết và qúi mến với vị chủ chăn đứng đầu Giáo khu Hà Nội.

Gần đây có những tin đồn thổi và dự đoán về việc đổi thay nhân sự tại Tổng giáo phận Hà nội làm cho nhiều người Công giáo trong và ngoài nước rất hoang mang nhất là đối với những người không hiểu biết đường lối làm việc của Giáo hội thì lại càng có những phản ứng rất là bi quan và có tác hại lớn cho tình liên đới đoàn kết của Giáo hội tại Việt Nam.

Sự kiện theo chúng tôi biết được diện biến như sau: Một tuần khi Hội đồng Giám Mục Việt Nam có kì họp vừa qua ở Vũng Tầu thì chính VietCatholic có nhận được một email của một nhân vật có vai vế làm việc trong chính quyền CSVN (và đây cũng nguồn tin mà trong quá khứ đã đôi lần cung cấp tin tức đáng tin về các biến cố tôn giáo ở Việt Nam - và chúng tôi thường kiểm chứng rất kĩ lưỡng!). Tuy nhiên khi nhận được tin này chúng tôi không đăng trên VietCatholic vì cho rằng đây chỉ là tin bong bóng CS cho tung ra để lung lạc dư luận. Nhưng tiếc thay một vài trang mạng khác đã đăng tin này đang khi Hội Đồng Giám Mục VN họp làm cho bầu khí lên "cơn sốt" ngay. VietCatholic vẫn không đả động gì đến tin này vì:

1. Việc bổ nhiệm hay thay đổi giám mục không bao giờ Tòa Thánh lại cho hỏi ý kiến công khai hay chỉ thị cho bất cứ Hội đồng Giám mục nào được bàn tán không khai cả. Nếu có cần hỏi thì Tòa Thánh đã có những đường giây chính thức như Khâm Sứ Tòa Thánh. Riêng Việt Nam không có Khâm Sứ Tòa Thánh thì việc liên quan bổ nhiệm thường do các vị trong Ban Á Châu Vụ thuộc Bộ Truyền Giáo tìm hiểu hồ sơ và báo cáo trực tiếp lên Bộ Giám Mục. Nếu như có những trường hợp đặc biệt tế nhị liên quan tới chính trị hay ngoại giao thì đôi khi Tòa Thánh có thể hỏi một vài vị thế giá am hiểu về tình hình Việt Nam và Tòa Thánh có những đường giây ngầm để trắc nghiệm thâu nhận ý kiến của một vài người khả tín để xem phản ứng. Một tỉ dụ mới nhất là việc bổ nhiệm cho chức vụ Tổng giám mục vô cùng quan trọng thay thế ĐHY Mahony của Los Angeles có bao giờ công khai bàn bạc hỏi ý kiến đâu! Và cho đến khi Tòa Thánh tuyên bố thì cũng là bất ngờ cho mọi người. Nhưng hồ sơ tại Tòa Thánh về vị Tân Tổng giám mục phó với quyền thế vị ngai Tổng Giám Mục Los Angeles thì không bất ngờ chút nào cả.

2. Tin dự đoán là Đức Cha Đà Lạt ra Hà Nội thay thế Đức TGM Hà Nội cũng là tin không logic về xét nhiều khía cạnh. Thứ nhất khi chưa bổ nhiệm vị tân giám mục nào hay chức vụ nào thì Tòa Thánh không bao giờ tung tin ra trước dư luận bao giờ cả. Đó là bí mật ngàn năm của Tòa Thánh: chỉ khi nào công bố tên thì công chúng mới biết và ngay cả vị được bổ nhiệm cũng chỉ biết chính thức khi được công bố (trước đó có hỏi là hỏi vậy mà thôi). Vậy nếu trước đó những người này vị nọ nói là mình là tay trong có thẩm quyền biết được tin nọ tin kia, thì chỉ là những tin dự đoán lung tung. Chính họ không biết họ nói gì! Ngay cả những nhân vật làm việc liên hệ điều tra các ứng viên bên Tòa Thánh bao giờ cũng tuyệt đối im lặng. Một khi tin đồn mà có nguồn từ các vị này là sẽ bị thôi chức lập tức!

Thứ đến, trong tình trạng hiện nay tại Giáo hội ở Việt Nam thì 3 Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, Huế, Saigòn thường thì Tòa Thánh sẽ cử một vị thuộc nguyên gốc tại miền đó nắm chức vụ này, không những gì danh dự của Miền và còn vì những yếu tố sâu xa về văn hóa, xã hội, nếp sống và tâm thức khác nhau của 3 Miền Trung Nam Bắc. Do vậy thường sẽ không cử một vị gốc Bắc làm TGM Saìgòn, và sẽ không cử người Nam làm TGP Huế, hay người Trung làm TGP Hà nội!

Hơn thế, nếu Tòa Thánh mà làm việc theo đơn đặt hàng dù của bất cứ một quốc gia, phe nhóm hay thế lực nào, Tòa Thánh sẽ lập tực mất thế giá chủ động của mình. Nguyên việc Đức Tổng Hà Nội tuy dù chữa bệnh chưa có tiến triển gì nhưng việc Ngài lập tức được Tòa Thánh cho về Hà Nội ngay là một câu trả lời hùng hồn và cương quyết về vai trò của vị TGM Hà Nội đương nhiệm.

3. Giả như về tình trạng sức khỏe Đức Tổng Giám Mục Hà Nội không tiến triển khả quan thêm thì Tòa Thánh có thể biết đâu sẽ cử một vị giám mục phó hay phụ tá để giúp Ngài. Trong trường hợp này Đức TGM Ngô Quang Kiệt vẫn là Giám mục toàn quyền, các giám mục phó hay phụ tá phải làm theo sự điều hành của Đức Cha chính. Tổng giáo phận Los Angeles có 1 giám mục phó và 7 giám mục phú tá!

4. Nếu giả như điều này xẩy ra trong tương lai thì chúng ta không cần phải dự đoán. Hãy nhìn vào những việc Tòa Thánh mới làm để thấy phần nào bước kế tiếp. Mới đây một địa phận rất ít người là Hưng Hóa, nhưng đùng một cái Tòa Thánh bổ nhiệm thêm giám mục phụ tá. Vậy nếu như có giám mục phụ tá hay giám mục phó cho Tổng giáo phận Hà Nội thì có phải là Đức Cha Vũ Huy Chương không? hay có thể là một vị giám đốc Đại chủng viện thế giá nào đó? Hay là một vị giám mục nào khác?

5. Một tin dự đoán khác là sắp tới đây ĐHY Saigòn sắp đến tuổi hưu dưỡng và đã có vị được sắp xếp thay thế cũng là một tin rất giật gân. Thông thường khi đến tuổi 75 tất cả các giám mục đều phải làm đơn xin từ chức. Còn việc chấp nhận cho từ chức hay không thì là chuyện khác. Tại các nước Tây phương có thể khi nhận được đơn từ chức thì sau đó được nghĩ ngay, hay muộn lắm là 1 hay 2 năm sau khi kiếm được người thay thế. Cũng có những vị trí quan trọng như ơ Los Angeles để tránh mội diễn biến đồn thổi thì Tòa Thánh còn bổ nhiệm vị thay thế ngay trước khi đến tuổi hưu để vị đó làm quen và khi sự việc xẩy ra sẽ có sự chuyển tiếp trơn tru và thích hợp. Tại các nước Cộng Sản Tây phương trước đây, các hồng y đến tuổi xin hồi hưu, Tòa Thánh có khi lưu nhiệm lại 10 cho đến 15 năm nữa!

Mới đây, chúng tôi cũng có dịp hỏi trực tiếp về phản ứng Đức TGM Ngô Quang Kiệt trước tin đồn sẽ có người thay thế ra sao thì Ngài trả lời như sau: "Mình cứ làm việc cho tốt, chu toàn trách nhiệm Chúa trao phó. Còn những chuyện khác hãy tin tưởng vào sự hướng dẫn của Chúa Quan Phòng...".

Dựa vào những tin tức không có bằng chứng xác thực và đưa ra những cái nhìn rất "trần tục" như muốn tranh giành ngôi vị, ảnh hưởng, và quyền lực là những yếu tố không bao giờ chính đáng cho những suy luận về khả năng bổ nhiệm các vị chủ chăn trong Giáo hội. Những nhận định và phán đoán sai lệch có khi quá khích thì không những chúng làm tổn thương tập thể Công giáo phải âu lo và buồn phiền mà còn có thể làm hại cho thanh danh, tính cách linh thiêng của Ơn gọi làm chủ chăn là do Chúa kêu gọi, và làm mất tình đoàn kết chung của Giáo hội tại Việt Nam.

Hy vọng mỗi người Công giáo Việt nam chúng ta cũng hãy chấp nhận được một thái độ sống phó thác và an bình như thái độ của Đức Tổng Hà Nội. Trong Giáo hội, chúng ta hãy sống phó thác và tin tưởng và quyền năng hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
VietCatholic

Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2010

Ý nghĩa Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa


Trải qua lịch sử, Chúa nhật sau lễ Phục sinh đã được gọi bằng nhiều danh xưng khác nhau: Chúa nhật tám ngày sau lễ Phục sinh, Chúa nhật “Áo trắng” (in Albis), bởi vì các tân tòng cởi chiếc áo trắng mà họ đã lãnh nhận khi lãnh các bí tích khai tâm vào đêm Vọng Phục sinh, đánh dấu việc kết thúc giai đoạn huấn giáo khai tâm.

Tại vài Giáo hội bên Ấn độ (tục truyền do thánh Tôma tông đồ thành lập), Chúa nhật sau lễ Phục sinh được gọi là chúa nhật thánh Tôma, bởi vì bài Phúc âm thuật lại cuộc gặp gỡ của Người với Chúa Kitô.

Gần đây, Đức Gioan Phaolô II muốn thêm một danh xưng nữa, đó là “Chúa nhật kính Lòng Chúa Thương Xót”.

Trong Năm Thánh 2000, Đức Gioan Phaolô II đã ấn định rằng trong toàn thể Hội thánh, Chúa nhật sau lễ Phục sinh, ngoài danh hiệu Chúa Nhật Áo trắng, sẽ còn được đặt tên là Chúa nhật kính Lòng Chúa Thương Xót. Việc này đã xảy ra trùng với lễ phong thánh cho chị Faustina Kowalska, một nữ tu khiêm tốn người Ba lan, sinh năm 1903 và qua đời năm 1938, một người nhiệt thành truyền bá lòng sùng kính Chúa Giêsu Thương xót.

Thực ra lòng thương xót là cốt lõi của sứ điệp Tin mừng, và chính là danh tính của Thiên Chúa, dung mạo đã được mặc khải trong Cựu ước và một cách sung mãn ở nơi Đức Giêsu Kitô, là Tình thương tạo dựng và cứu chuộc nhập thể.

Lòng thương xót của Chúa cũng làm sáng tỏ dung mạo của Hội thánh, và được biểu lộ qua các bí tích, cách riêng là bí tích Hoà giải, cũng như qua các hoạt động bác ái, tập thể hay cá nhân. Tất cả những gì mà Hội thánh nói và thực hiện, đều nhằm bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người. Mỗi khi Hội thánh nhắc nhớ một chân lý đã bị bỏ sót hay một điều tốt đã bị méo mó, thì Hội thánh làm do lòng thương xót thúc đẩy, ngõ hầu nhân loại được sống và sống dồi dào (xc Ga 10,10). Lòng thương xót của Thiên Chúa mang lại bình an cho tâm hồn, phát sinh bình an chân chính trên thế giới, bình an giữa các dân tộc, văn hoá, tôn giáo.

Cũng như chị Faustina, Đức Gioan Phaolô II đã trở thành một tông đồ của Lòng Chúa Thương xót. Vào buổi tối ngày thứ bảy, mồng 2 tháng 4 năm 2005, Người nhắm mắt lìa trần vào ngày áp Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương xót, và nhiều người đã nhận ra sự trùng hợp đặc biệt đó, liên kết chiều kích Thánh mẫu, ngày thứ 7 đầu tháng, với Lòng Chúa Thương xót. Thực vậy, đây là trung tâm của triều đại giáo hoàng lâu dài của Người: trót sứ mạng của Người để phục vụ chân lý về Thiên Chúa và về con người, về hoà bình trên thế giới được tóm lại trong lời loan báo lòng Chúa thương xót, như Người đã có lần nói tại Cracovia-Lagiewniki năm 2003 vào dịp khánh thành thánh điện kính Lòng Chúa Thương xót: “ngoài lòng Chúa Thương xót ra, không còn nguồn hy vọng nào khác cho nhân loại,”. Như vậy sứ điệp của Người, cũng như của chị Faustina đã nhắc đến dung mạo của Chúa Kitô, Đấng mặc khải lòng thương xót của Thiên Chúa. Chiêm ngắm Dung nhan của Chúa Kitô: đó là gia sản mà Người để lại cho chúng ta, và chúng ta hoan hỉ đón nhận.

Lòng thương xót Chúa kèm theo chúng ta mỗi ngày. Chỉ cần biết để cho trái tim tỉnh thức thì ta có thể nhận ra. Chúng ta thường dễ cảm nhận gánh nặng hàng ngày mà chúng ta phải gánh vác. Nhưng nếu chúng ta biết mở rộng trái tim thì chúng ta có thể nhận rõ rằng Thiên Chúa tốt lành như thế nào đối với chúng ta. Ngài chăm lo từ những chuyện nhỏ nhặt đời ta, nhờ đó giúp chúng ta đạt đến những chuyện lớn lao. Với việc đặt thêm gánh nặng của trách nhiệm, Thiên Chúa cũng tăng thêm sự giúp đỡ cho ta.

Giáo phận Bà Rịa: Đại lễ cung hiến Nhà thờ Chánh toà, ngày 10 tháng 4 năm 2010

Nhà thờ Chánh toà Bà Rịa, kết quả của 32 tháng xây dựng và cũng là thành quả của hơn 230.000 tấm lòng của cộng đồng giáo phận và của rất nhiều ân nhân xa gần, hôm nay như đang phô diễn trọn vẹn vẻ đẹp độc đáo, nét đẹp hoành tráng của một công trình xây dựng và nhất là nét đẹp cao quý của một ngôi giáo đường. Hai ngọn tháp vút cao như có từ tính cực mạnh đang thu hút cả dòng xe cộ từ các hướng tấp nập di chuyển trên các nẻo đường dẫn về thị xã. Mọi ánh nhìn và bao con tim đều hướng vào ngôi Nhà thờ Chánh toà, dưới ánh nắng mai giữa mùa xuân mới, đang rực sáng như chứng từ của một sức sống mãnh liệt đang bừng lên trong cộng đồng Dân Chúa giáo phận Bà Rịa.

Hoà chung trong nỗi háo hức của làn sóng người đang hân hoan tiến về Nhà Chúa, cung điệu rộn rã của những bản nhạc kèn vang lên liên tục đón tiếp đoàn con của cả giáo phận, sau tuần tam nhật sốt sắng cầu nguyện, hôm nay tưng bừng trẩy hội lên Đền giữa đoàn người đang dần dần lấp kín các khoảng sân và cả những con đường chung quanh Nhà thờ.


Chương trình lễ khánh thành được khởi sự vào lúc 8 giờ với nghi thức làm phép tượng đài Đức Mẹ giữa quảng trường sân trước, và tượng hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô đặt ở đầu bậc thang dẫn lên cửa chính. Giáo phận xin đặt vào đôi tay từ mẫu của Mẹ ngôi thánh đường sắp được cung hiến để tôn vinh Thiên Chúa và kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, chính là Bổn mạng Giáo phận.

Đúng 8 giờ 12 phút, Đức Giám mục Giáo phận, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam và Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, cùng cắt dải băng màu đỏ sẫm giăng ngang tiền sảnh như nghi tiết khánh thành ngôi Nhà Thờ mới, và mảnh khăn che trên tấm bia lưu niệm mang dòng chữ “LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ CHÁNH TOÀ BÀ RỊA DO ĐỨC CHA TÔMA NGUYỄN VĂN TRÂM, GIÁM MỤC GIÁO PHẬN BÀ RỊA CHỦ SỰ NGÀY 10-4-2010” cũng được mở ra trong âm thanh hoà điệu tuyệt vời từ sáu quả chuông trên cả hai tháp Nhà thờ, vừa trang trọng như lời chúc mừng vọng xuống từ trời cao, lại vừa rộn rã như để loan đi thật xa niềm vui trước một công trình vừa được hoàn tất trong tình liên kết của toàn giáo phận.

Với chiếc chìa khoá tượng trưng cho trách nhiệm được Đức Giám mục uỷ thác, cha sở Nhà thờ Chánh toà mở rộng cửa chính đón đoàn tín hữu bước vào Thánh đường trong khi ca đoàn tổng hợp gồm 136 ca viên của hai giáo xứ Chánh Toà và Long Tâm cùng cất vang lời Thánh vịnh 23 “Cửa ơi hãy cất đầu lên, mau vươn cao lên nữa để Vua vinh hiển ngự vào”.


Khi đoàn đồng tế đã yên vị trên lễ đài, Đức cha Tôma ngỏ lời chào mừng và giới thiệu với Hội đồng Giám mục các thành phần dân Chúa tham dự thánh lễ, và giới thiệu các Đức Giám mục với cộng đoàn dân Chúa.

Trong ngày trọng đại đầy hồng phúc hôm nay, ngôi Nhà thờ Chánh toà mới nhất tại giáo phận trẻ nhất Việt Nam được vinh dự trở thành biểu tượng của tình hiệp thông Giáo Hội qua sự hiện diện của 32 giám mục thuộc 25 giáo phận khác trên khắp đất nước, đang cùng chia sẻ tình yêu, ân sủng và sự thông hiệp trong thánh lễ đồng tế với Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, giữa 189 linh mục thuộc giáo phận Bà Rịa và nhiều giáo phận khác, với cộng đoàn phụng vụ đông đảo gồm khoảng 8000 tín hữu thuộc tất cả mọi thành phần Dân Chúa.

Trong Thánh lễ, niềm hân hoan trong ngày cung hiến thánh đường như càng được dâng cao khi hoà chung vào niềm vui Phục sinh đang được cử hành trong tuần Bát nhật mừng Chúa sống lại.


Trong bài diễn giảng Tin mừng, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục giáo phận Phan Thiết đã chia sẻ về ý nghĩa phong phú của Nhà thờ Bà Rịa. Trước tiên, cũng như các nhà thờ khác, đây là “nhà của Chúa”, Đấng phép tắc vô cùng dựng nên trời đất không nơi nào chứa nổi, nhưng lại là Cha yêu thương vui thích ở giữa dân Ngài. Đặc biệt hơn, đây là “nhà thờ chánh tòa” vì là nơi đặt ngai tòa Giám mục giáo phận, là nhà thờ “mẹ” của các nhà thờ khác trong giáo phận, dù hôm nay mẹ mới chính thức khai sinh, là “trung tâm” giáo phận, điểm xuất phát mục vụ và cũng là điểm qui tụ hiệp thông. Sau cùng, đây là “Nhà thờ Chánh tòa Bà Rịa”, một địa danh độc đáo, một địa điểm thân quen, làm thành điểm quy chiếu khả tín trên lộ trình đi Cap Saint-Jacques Vũng Tàu, đồng thời cũng rất khả ái trên nẻo đường hiệp thông và phát triển của giáo phận với “công ơn” Chúa ban, “công sức” của mọi người và “công đức” của những ân nhân quảng đại.

Những lễ nghi trọng thể trong nghi thức cung hiến nhà thờ và thánh hiến bàn thờ rõ ràng đang ghi lại nhiều ấn tượng sâu đậm nơi tâm tư cộng đoàn phụng vụ. Giờ phút này, cả triều thần thiên quốc chắc hẳn đều hướng về giáo phận Bà Rịa, một chấm nhỏ trên thế giới nhưng lại là tiêu điểm đang rực sáng mầu nhiệm Giáo Hội qua biểu tượng là ngôi thánh đường đang được cung hiến.


Lời khẩn nguyện của đoàn con dương thế xin được dâng lên qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, thánh cả Giuse và toàn thể các thánh trên trời, nhất là của ba vị chứng nhân đức tin, đại diện cho ba thành phần Dân Chúa trên ba miền đất nước, mà hài cốt được đặt vào bàn thờ hôm nay, đó là thánh Matthêô Lê Văn Gẫm, giáo dân, sinh sống tại Long Điền, Bà Rịa, tử đạo tại Sài Gòn, thánh linh mục Phêrô Hoàng Khanh, chịu xử trảm tại Vinh, và thánh nữ Anê Lê Thị Thành, chết rũ tù tại Nam Định.

Từng nghi thức, từng lời nguyện đã làm sáng lên ý nghĩa sâu xa của phụng vụ lễ cung hiến, đồng thời cũng làm nổi bật nét linh thiêng của ngôi nhà từ nay đã trở thành nơi thánh, của khối đá đã trở nên bàn thánh để cử hành hy tế thập giá, nơi được xức dầu để vĩnh viễn dành riêng cho Thiên Chúa, nơi được thắp sáng bởi chính Chúa Kitô, và cũng là nơi ngào ngạt hương trầm cầu nguyện của đoàn Dân thánh.

Kinh nguyện Thánh Thể III đã dành lời cầu nguyện đặc biệt cho toàn thể Giáo Hội trong lễ cung hiến thánh đường hôm nay: “Xin cho nơi đây vang lên lời Tin mừng bình an và cử hành các mầu nhiệm thánh, nhờ đó các tín hữu Chúa được Lời hằng sống và ơn thánh bổ dưỡng, sẽ đi qua thành trì tạm bợ trần gian mà đạt tới Giêrusalem vĩnh cửu, nơi mà, lạy Cha nhân từ, xin thương đoàn tụ mọi con cái Cha đang tản mác khắp nơi về với Cha”.


Cuối lễ, Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chia sẻ tâm tình với cộng đoàn qua ba chủ điểm: hãy yêu mến Nhà Chúa, hãy tôn kính và cộng tác với Đức Giám mục giáo phận và hãy đồng tâm hiệp lực tiếp tục phát triển giáo phận mới đang còn nhiều công trình phải thực hiện.

Trong bài phát biểu sau đó, Đức Hồng y Gioan Baotixita nêu lên hai nét độc đáo của Nhà thờ Bà Rịa, mà ngài chưa hề thấy ở nơi nhà thờ nào trên thế giới: - 20 tranh kính màu về các mầu nhiệm Mân Côi làm sáng rõ con đường “hội nhập” (Vui), “Dấn thân” (Sáng), “Hy sinh” (Thương), “Vinh Thắng” (Mừng) của Chúa Giêsu – một giáo phận mới thành lập chưa tròn 5 năm mà đã xây dựng xong Nhà thờ Chánh tòa.


Sau cùng, cha Tổng Đại diện Phaolô Nguyễn Hữu Thời dâng lời cám ơn Hội đồng Giám mục Việt Nam và mọi thành phần Dân Chúa, đặc biệt những người đã góp phần trong việc thực hiện xây dựng Nhà Chúa và tổ chức đại lễ cung hiến hôm nay.

Trong phần kết lễ, tất cả các Đức Giám mục đồng tế đã cùng ban phép lành trọng thể cho cộng đoàn.

Bài ca trong Mùa Hồng ân Năm Thánh 2010 đã nên như lời tạ ơn cho những ân phúc đã lãnh nhận, đồng thời cũng mở ra niềm hy vọng cho cả quãng đường trước mặt của cộng đồng giáo phận Bà Rịa.


GP Bà Rịa

Lược sử Nhà thờ Chánh toà Bà Rịa

Dấu ấn thời gian

Với vị thế địa lý vừa là cửa ngõ hướng ra biển Đông, lại vừa nằm trên trục vương lộ giữa kinh đô và vùng đất mới phương Nam, Bà Rịa là nơi thuận lợi để các vị thừa sai lập cứ điểm truyền giáo, đồng thời cũng là nơi dừng chân của một số tín hữu miền Bắc miền Trung trên đường Nam tiến. Lịch sử truyền giáo Bồ Đào Nha cho biết năm 1550, cha Gaspar da Cruz dòng Đaminh đã đến tận vùng Bà Rịa. Vào năm 1747, giáo điểm Bà Rịa có 140 tín hữu, do các cha Dòng Tên phụ trách.

Năm 1837, triều đình lập phủ Phước Tuy, Bà Rịa trở thành trung tâm hành chính, từ đó, cộng đoàn tín hữu Bà Rịa đổi tên thành Họ Phước Dinh, hoặc gọi tắt là Họ Dinh, cùng tên với ngọn núi và dòng sông chảy ngang qua khu vực đặt dinh quan tri phủ. Lúc đó, họ Đất Đỏ có khoảng 1.100 giáo dân, trong khi Phước Dinh chỉ có hơn 400 tín hữu. Tuy nhiên, vào cuối thời bách hại dưới triều vua Minh Mạng, các tín hữu lại tập trung về Bà Rịa, một địa bàn dân cư đang trên đà phát triển, và năm 1862 có thể được xem là thời điểm phục hưng cộng đoàn Bà Rịa, như vừa hồi sinh với sức sống vươn mạnh từ chính cái chết hy tế toàn thiêu của 288 vị tử đạo trong vụ đốt ngục Phước Lễ đêm 07-01-1862.

Phước Dinh từ đây trở thành Họ Đạo chính trong địa hạt Phước Tuy, luôn có các linh mục thường xuyên coi sóc.

Ngôi nhà thờ đầu tiên của Họ Đạo được dựng lên bên cạnh bờ sông Dinh, gần chợ cũ, trong khu vực các công sở hành chánh quận lỵ Phước Tuy. Vào năm 1865, Cha Errard đến nhậm sở Bà Rịa. Cha xây huyệt mộ chôn cất các vị tử đạo ngay trên chính nền ngục thất trước đây và dựng một ngôi nhà nguyện cho đến nay vẫn được gọi là “Nhà Thờ Mồ”. Cha cũng dời nhà cha sở về địa điểm hiện nay và dựng một nhà nguyện nhỏ dâng kính Đức Mẹ. Ngày thường, các giáo hữu đọc kinh dâng lễ tại đây, còn Chúa nhật thì cộng đoàn lại qui tụ về nhà thờ cũ.

Năm 1874, khi trở lại Bà Rịa lần thứ hai sau sáu năm làm cha sở Biên Hoà, cha Errard cùng với cha phụ tá Boutier tiến hành việc xây nhà thờ mới. Sau một thời gian chuẩn bị, lễ đặt viên đá đầu tiên được tổ chức vào ngày lễ Đức Mẹ dâng mình vào Đền thánh 21-11-1877. Giáo dân rất nhiệt thành dâng công góp của, hằng ngày mỗi gia đình đều có người luân phiên đến góp sức vào việc chung. Đến tháng 10 năm 1878, cộng đoàn đã có thể dâng lễ tạm trong nhà thờ mới.

Ngày 14-05-1879, Đức Cha Colombert cùng với Đức Cha Pontvianne cử hành lễ làm phép trọng thể thánh đường Bà Rịa dâng kính hai thánh Tông đồ Giacôbê và Philipphê, lưu giữ kỷ niệm địa danh truyền giáo “Cap Saint-Jacques” trực thuộc địa hạt Bà Rịa-Vũng Tàu.


Nhà thờ Bà Rịa được xây dựng theo kiểu dáng roman, với vật liệu đơn sơ, trang trí tao nhã nhưng được thiết kế vững chắc và tiện lợi, phù hợp với điều kiện khí hậu của vùng ven biển. Ba quả chuông được đưa về Nhà thờ trong thời gian cha Cagnon làm chánh sở (1887-1890).

Ngôi thánh đường suốt hơn thế kỷ đã nên như mái gia đình ấm cúng thân thương đón nhận bao thế hệ tín hữu Bà Rịa, được sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa và của cả cộng đoàn. Ngôi thánh đường đã nhiều lần được tu sửa, nới rộng, nhưng vào thời điểm năm 2005, khi Giáo phận mới Bà Rịa được thiết lập, ngôi nhà thờ hơn trăm năm tuổi thực sự đã trở thành quá nhỏ bé trước vóc dáng cứ ngày thêm tăng trưởng của Họ đạo, nay đã thành Giáo xứ Chánh toà trong trang sử mới vừa được mở ra.

Trên trang sử mới

Từng bước phát triển hướng về tương lai, nhưng giáo phận trẻ Bà Rịa vẫn ý thức mình đang kế thừa cả một gia sản quí giá của tiền nhân. Ngày 15-08-2007, Đức Giám mục tiên khởi Tôma Nguyễn Văn Trâm đặt viên đá đầu tiên xây dựng Nhà thờ Chánh toà mới.

Kiến trúc thánh đường hiện đại hơn nhưng vẫn muốn giữ lại nét dáng thân thương của ngôi nhà thờ cũ đầy ắp kỷ niệm. Núi đá Đức Mẹ Lộ Đức xây từ năm 1952 cũng được giữ lại nguyên vẹn như dấu tích của một thời đã qua.

Trong tầm nhìn toàn cảnh Thị xã Bà Rịa, Nhà thờ Chánh toà giáo phận nổi bật hẳn với hai ngọn tháp cao 45 mét trong màu đá hoa cương trang trọng, mang hình ảnh không thể nhầm lẫn của ngôi thánh đường công giáo giữa bối cảnh kiến trúc đa dạng của một vùng dân cư đông đúc. Toạ lạc trên địa bàn trung tâm của địa hạt Bà Rịa-Vũng Tàu, ngôi đền thờ vươn cao vừa để chứng tỏ tấm lòng của các tín hữu muốn dành cho Thiên Chúa những gì tốt đẹp nhất, vừa nên như dấu chỉ hiệp nhất của cả cộng đoàn giáo phận. Từ trên ngọn tháp, sáu quả chuông với đường kính từ 60 cm đến 114 cm từ nay sẽ ngân vang tiếng gọi qui tụ đoàn dân Chúa.

Vừa khi bước qua cổng sân tiền đình, đến trước tượng đài Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Bổn mạng Giáo phận và là Tước hiệu của Nhà Thờ Chánh Tòa, người tín hữu như đã cảm nhận được ngay lời mời gọi nâng tâm hồn lên cao hướng về Thiên Chúa tình yêu, qua Mẹ để đến với Chúa và nhờ Mẹ để đón nhận tràn đầy ân phúc.

Toàn bộ sân nền và tường nhà thờ đều được ốp đá hoa cương, tạo nên ấn tượng vững bền của Giáo Hội, dấu chỉ hữu hình cho công trình ngàn đời mà Chúa Kitô muốn xây dựng trên nền đá Phêrô. Ấn tượng đó như thêm rõ nét hơn với hình ảnh hai Thánh Tông Đồ trụ cột của Giáo Hội đặt ngay trước cửa chính diện thánh đường, nhắc nhở mỗi người vào ra luôn ý thức mình phải nhiệt thành xây dựng và làm tăng trưởng Giáo Hội Chúa Kitô.

Bên trong ngôi nhà cầu nguyện, khu vực Cung thánh được thiết kế theo dạng thức hình tròn liên cấp, tạo nên ý nghĩa của tình hiệp thông trọn vẹn giữa đoàn Dân Thiên Chúa được qui tụ để làm nên ngôi Đền Thờ của Chúa Thánh Thần và cùng nhau cử hành hy tế Con Chiên Thiên Chúa. Bàn tiệc Thánh Thể làm bằng cẩm thạch trắng với kích thước 4 mét dài và 1 mét 20 rộng đặt tại vị trí trung tâm, mặt trước là bức phù điêu khắc hoạ lại khung cảnh bữa tiệc thiết lập Bí tích tình yêu, mặt sau là nơi niêm ấn thánh tích của ba vị chứng nhân đức tin đến từ ba miền đất nước: miền Nam với thánh Matthêô Lê Văn Gẫm, tín hữu thuộc xứ Long Điền, Bà Rịa, tử đạo ngày 11-05-1847 tại Chợ Đũi, giáo phận Sài Gòn; miền Trung với thánh Phêrô Hoàng Khanh, tử đạo ngày 12-07-1842 tại Hà Tĩnh, giáo phận Vinh; miền Bắc với thánh nữ Anê Lê Thị Thành, tử đạo ngày 12-07-1841 tại Phúc Nhạc, giáo phận Phát Diệm. Di cốt của ba vị thánh tử đạo được cẩn khảm trong một tấm phù điêu ghi khắc chân dung của 117 hiển thánh tử đạo, kết thành hy lễ tình yêu của toàn thể Giáo Hội Việt Nam tiến dâng lên Thiên Chúa.

Bệ đài Thánh Kinh và Nhà Tạm Thánh Thể được đặt hai bên tượng Chúa chịu nạn, trở thành biểu tượng của hai nguồn mạch Sự Thật và Sự Sống trên con Đường cứu rỗi là chính Chúa Giêsu Kitô.

Đặc biệt, trong Nhà thờ Chánh toà, nhà thờ Mẹ của các thánh đường trong giáo phận, nơi đặt ngai toà của Đức Giám mục, ý nghĩa sâu xa của Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền được làm nổi bật qua hình ảnh mười hai Thánh Tông Đồ rực sáng trong các khung kính màu bao quanh Cung thánh như đang ân cần đón nhận ngai toà và huy hiệu của người kế vị các Ngài được đặt sau bàn thờ, ngay dưới chân Thánh Giá của Chúa Kitô, là Thủ lãnh tối cao của toàn thể Giáo Hội và là Mục Tử nhân lành luôn yêu thương hy sinh mạng sống vì đoàn chiên.

Riêng những giáo dân Bà Rịa chắc chắn sẽ gặp lại bao kỷ niệm mỗi khi nhìn thấy tượng hai thánh bổn mạng Giacôbê và Philipphê vẫn đứng tại vị trí quen thuộc hai bên cửa chính nhà thờ, và đặc biệt hơn nữa là hai toà giải tội đã có từ rất lâu, nay được phục chế theo đúng hình dáng cũ.

Từ các khung cửa sổ kính màu đặt dọc suốt hai bên tường nhà thờ, ánh sáng mặt trời soi rõ hai mươi mầu nhiệm Mân côi, hoà với những đường nét nghệ thuật của mười bốn chặng đàng Thánh Giá, vừa nâng cao tâm hồn các tín hữu trong giờ cầu nguyện, vừa tô đậm nét thẩm mỹ cho khung cảnh thánh thiêng đang bao trùm toàn thể cộng đoàn phụng vụ.

Dù là một ngôi nhà đơn sơ bé nhỏ hay là một công trình đồ sộ nguy nga, dù là nơi tập họp một cộng đoàn địa phương hay là nơi Chánh toà của giáo phận, dù trong âm thầm thường nhật hay khi toả sáng trong lễ khánh thành như hôm nay, ý nghĩa ngàn đời của từng ngôi thánh đường vẫn mãi là dấu chỉ của Mầu Nhiệm, tụ điểm của Hiệp Thông và khởi điểm của Sứ Vụ Giáo Hội. Riêng Nhà Thờ Chánh Toà sẽ mãi mãi là biểu tượng của tình hiệp nhất nơi mọi thành phần Dân Chúa. Quả thật, đây là công trình chung của toàn Giáo phận, là thành quả chung từ bao công sức, và đây cũng sẽ là lời gọi trường kỳ về trách nhiệm chung để xây dựng Giáo phận trên cả hai bình diện đạo đức tâm linh và cơ sở vật chất.

Ngôi nhà thờ hữu hình chỉ thật sự có ý nghĩa khi cùng lúc Giáo phận xây dựng được những đền thờ thiêng liêng trong từng tâm hồn tín hữu. Chiếc bàn thờ cố định chỉ trọn vẹn có giá trị khi mỗi người trở thành chi thể sống động của Đức Kitô. Mỗi chiếc ghế sẽ thật sự hữu dụng khi cộng đoàn phụng vụ biết cầu nguyện và cử hành bí tích trong sâu lắng nội tâm. Tiếng chuông ngân sẽ thêm tác dụng khi mỗi giáo dân có thể nói với Chúa và nói về Chúa cho mọi người. Các khung kính màu sẽ thêm rực rỡ khi ánh sáng Tin Mừng chiếu xuyên qua từng chi tiết của đời sống nơi mỗi gia đình công giáo. Ngọn tháp nhà thờ sẽ vút cao hơn khi mỗi người con của Giáo phận trở thành dấu chỉ tuyệt hảo của tình yêu Thiên Chúa trước mặt muôn người.

Giữa lòng Giáo Hội tại Việt Nam, Giáo phận Bà Rịa đã được khai sinh và tăng trưởng để Nước Trời ngày thêm toả sáng. Giữa lòng Giáo phận, Nhà thờ Chánh toà đã được dựng xây để nên tâm điểm yêu thương cho Dân Chúa ngày thêm hợp nhất, làm cứ điểm mục vụ để đoàn chiên luôn mãi được sống và sống dồi dào, thành cao điểm tâm linh để đoàn con Chúa ngày thêm thánh đức giữa cung lòng Giáo Hội và Giáo phận thân yêu.


GP Bà Rịa