Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Lễ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô: CỦNG CỐ NIỀM TIN & XÂY DỰNG TINH THẦN HIỆP NHẤT



Không hẹn mà gặp nhau tại Rôma, không phải để phô trương thanh thế, nhưng là để chứng tỏ lòng trung thành bất khuất của niềm tin giữa lòng một Giáo Hội đang bị bách hại dồn dập. Qua tù ngục và cực hình, các ngài càng thêm kiên quyết hơn trong niềm tin.

Và cuối cùng bằng cái chết: Phêrô bị đóng đinh ngược đầu xuống đất, còn Phaolô bị xử trảm, các ngài đã gặp nhau trong tình yêu cao cả là đã hy sinh mạng sống vì người mình yêu mến, để mãi mãi liên kết với nhau trong cùng một triều thiên tử đạo.





Lễ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô

(Cv 3,1-10; Gl 1,11-20; Ga 21,15-19)

CỦNG CỐ NIỀM TIN
VÀ XÂY DỰNG TINH THẦN HIỆP NHẤT

Cứ 5 năm một lần, mỗi Giám mục Công giáo trên thế giới đều phải về Rôma trong một chuyến đi chính thức được gọi là Ad limina.

Đó có thể là chuyến đi công vụ để gặp gỡ và trình bày công việc giáo phận với những cơ quan liên hệ. Đó cũng có thể là chuyến đi để tĩnh tâm và bồi dưỡng sau những năm làm việc bận rộn tại địa phương. Nhưng bao giờ cũng là chuyến đi để kính viếng mộ hai thánh Phêrô và Phaolô, để tìm lại sức sống mới cho những ngày tháng sắp tới.

Đối với các tín hữu, thì mỗi năm một lần, lễ thánh Phêrô và Phaolô cũng là dịp thực hiện một chuyến đi thiêng liêng, ôn lại niềm tin hôm qua của hai cột trụ Giáo Hội để củng cố niếm tin cho mình ngày nay.

Phêrô và Phaolô là hai vị tông đồ rất khác nhau về nhiều phương diện. Khi đến với Chúa, Phêrô là một ngư dân, còn Phaolô là một người trí thức. Bước vào ơn gọi, Phêrô được đào tạo chính quy, còn Phaolô chỉ là "đứa con đẻ non". Và trong đường lối phục vụ Giáo Hội, nếu Phêrô là người bám trụ gắn bó với những tín hữu gốc Do thái, thì Phaolô là người đi tiên phong đem Tin Mừng đến với các dân tộc.

Thế nhưng giữa hai vị luôn có những điểm gặp gỡ. Chúng ta hãy nhìn vào những điểm gặp gỡ ấy qua góc độ của niềm tin.

Trước hết, đó là một niền tin tuyên xưng.

Thực vậy, qua đoạn Tin Mừng đọc trong Thánh lễ, chúng ta thấy Phêrô tuyên xưng cho mình cũng như cho nhóm muời hai: "Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống" (Mt 16,16).

Còn Phaolô, sau biến cố ngã ngựa trên đường đi Đamas, thì một bước ngoặt mới đã mở ra. Đấng mà trước kia Phaolô bắt bớ thì nay lại trở thành Đấng Cứu độ, và không ai có thể tách Phaolô ra khỏi lòng mến của ngài.

Tiếp đến, đó là một niềm tin rao giảng.

Thực vậy, cuộc đời Phêrô là một tổng hợp kỳ lạ giữa đỉnh cao và vực thẳm trong niềm tin. Vừa được khen tặng là đá tảng xây dựng Hội Thánh, thì liền bị quở trách là Satan hãy xéo đi. Phút trước ung dung đi trên sóng nước, phút sau đã bị sa chìm vì nghi hoặc. Vừa mới thề sống thề chết với Thầy, nhưng một giờ sau đã chối bỏ Thầy.

Thế nhưng, sau biến cố Phục Sinh, nơi Phêrô chỉ còn đỉnh cao của một niềm tin chân thành. Thay vì những nhút nhát là một dạ can trường. Thay vì những chao đảo là một lòng xác tín rao giảng Tin Mừng. Thay vì những co cụm là những bước chân lên đường xây dựng Hội Thánh. Ngài đã trở nên là cột trụ củng cố niềm tin cho anh em mình.

Cuộc đời của Phaolô cũng vậy, nếu trước kia là một người biệt phái nhiệt thành với truyền thống của cha ông đến nỗi tự nguyện đi lùng bắt các tín hữu, thì sau biến cố Damas, cuộc đời ấy đã thay đổi hẳn.

Với lòng nhiệt thành ngài đã từng nói: "Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng" (1Cr 9,16).

Sau cùng, đó là một niềm tin chứng tá.

Thực vậy, nếu dám sống và dám chết cho niềm tin là một chứng tá mạnh nhất thì đây cũng là điểm gặp gỡ giữa hai vị tông đồ cột trụ.

Không hẹn mà gặp nhau tại Rôma, không phải để phô trương thanh thế, nhưng là để chứng tỏ lòng trung thành bất khuất của niềm tin giữa lòng một Giáo Hội đang bị bách hại dồn dập. Qua tù ngục và cực hình, các ngài càng thêm kiên quyết hơn trong niềm tin.

Và cuối cùng bằng cái chết: Phêrô bị đóng đinh ngược đầu xuống đất, còn Phaolô bị xử trảm, các ngài đã gặp nhau trong tình yêu cao cả là đã hy sinh mạng sống vì nguời mình yêu mến, để mãi mãi liên kết với nhau trong cùng một triều thiên tử đạo.

Ôn lại niềm tin của Phêrô và Phaolô, như chúng ta đã nói, đó là một chuyến đi thiêng liêng vừa củng cố niềm tin, vừa xây dựng tinh thần hiệp nhất cho mọi tín hữu.

Trước hết là để củng cố niềm tin.

Thực vậy, nơi hai vị, chúng ta thấy cũng có những điểm yếu, có những sa ngã, có những phản bội, thế nhưng Chúa đã không kêu gọi những người trong trắng tốt lành, nhưng đã gọi Phêrô, một kẻ đã chối bỏ Ngài làm đầu Giáo Hội. Và Phaolô, một kẻ đã từng bắt bớ cấm cách Giáo Hội làm sứ giả Tin Mừng cho muôn dân.

Từ đó chúng ta hãy yên tâm vững dạ bước theo Chúa. Bởi vì sa ngã vấp phạm chỉ là chuyện thường tình của số kiếp con người, miễn là chúng ta biết sám hối ăn năn. Mỗi lần sám hối là một lần tìm lại niềm tin của mình một cách chân thành với ước vọng sẽ được vững mạnh hơn và trung thành hơn.

Tiếp đến là xây dựng tinh thần hiệp nhất.

Hai vị tông đồ, mặc dù có những khác biệt, nhưng đã gặp gỡ nhau trong một niềm tin. Chính sự gặp gỡ nhau trong một niềm tin đã dẫn các ngài tới tinh thần hiệp nhất mà mọi người chúng ta phải noi theo.

Thế nhưng, chúng ta đã thực sự hoà giải với Chúa, và với anh em hay chưa? Phêrô và Phaolô, mặc dù mãi mãi vẫn là hai, nhưng chỉ có một nỗi lo là loan truyền Phúc Âm và xây dựng Giáo Hội.

Nhân ngày lễ kính thánh Phêrô và Phaolô, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta biết gặp nhau trong niềm tin, để rồi từ đó, nỗ lực xây dựng tinh thần hợp nhất trong lòng Giáo Hội.


Nguyệt san Mục vụ

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

Thánh Gioan Tẩy Giả, con người kỳ diệu



Trong năm phụng vụ chỉ có 3 lễ mừng sinh nhật. Đó là Giáng Sinh của Đức Giêsu ( 25.12), Sinh nhật của Đức Maria ( 8.9) và Sinh nhật của Gioan Tẩy Giả (24.6).

Cuộc đời và sứ mạng của Gioan gắn liền với cuộc đời và sứ mạng của Chúa Giêsu nên Giáo hội có lý do để sắp đặt việc mừng Sinh nhật của Vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế trở thành một Lễ Trọng trong niên lịch phụng vụ.

Gioan được sinh ra kỳ diệu và ơn gọi cũng kỳ diệu trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

1. Sinh nhật kỳ diệu

Thánh Luca đã nói tới ngày sinh với những dấu hiệu kỳ diệu của Gioan " Nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời" ( Lc 1,14).

a. Dacaria bị câm

Thân phụ của Gioan bị câm vì nghi ngờ lời Truyền tin của Sứ Thần đang khi ông dâng hương trong đền thờ theo phiên của mình ( Lc 1,5- 23)

b. Khỏi Tội Nguyên tổ

Bà Isave có thai được 6 tháng, Đức Maria đã đến viếng thăm,vừa nghe lời của Đức Maria chào thì thai nhi Gioan đã nhảy mừng trong dạ mẹ ( Lc 1,41) và được đầy tràn Thánh Thần(Lc1,15).Hồng ân này được Giáo hội hiểu là Gioan đã khỏi tội nguyên tổ, một ân huệ cao cả mà ngoại trừ Đức Maria, cả nhân loại không ai có được.

c. Son sẻ mà có con

Hai ông bà Dacaria và Isave là người công chính trước mặt Thiên Chúa,nhưng họ lại không con,vì Bà Isave là người hiếm hoi,cả hai đều đã cao niên ( Lc 1,6- 7).

Vậy mà Bà đã sinh con " Bà sinh hạ một con trai,nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy,láng giềng và thân thích đều chia vui với bà" (Lc 1,57-58). Trong Cưụ ước cũng có những bà mẹ sinh con kỳ diệu như vậy.Bà Sara mẹ Isaac ( St 11,30;21,1- 7).Bà Rebecca mẹ của Esau và Giacop ( St 25,21- 26).Bà Rakhel mẹ của Giuse ( St 29,21; 30,22- 24).Bà Anna mẹ của Samuel ( 1Sm 1,2- 20).

d. Tên Gioan và hết câm

Gioan sinh được tám ngày, chịu cắt bì và đặt tên là Dacaria nhưng bà mẹ lên tiếng "Không, phải đặt tên cháu là Gioan". Một tên gọi thật lạ lùng khiến mọi người kinh ngạc vì trong họ hàng của bà không có ai tên đó cả.Khi Dacaria viết tên Gioan trên tấm bảng tức thì miệng lưỡi ông được mở ra,ông hết câm và nói lại được như trước kia ( Lc 1,59- 65).

Mọi biến cố đều kỳ diệu từ khi cưu mang cho đến lúc sinh ra của Gioan vì " Quả thật,có bàn tay Chúa phù hộ em" ( Lc 1,66).

Sinh nhật Gioan kỳ diệu cũng đúng thôi vì Gioan sẽ lãnh nhận một ơn gọi kỳ diệu là làm Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế.

2. Ơn gọi kỳ diệu

a. Ngôn sứ Isaia loan báo

"Có tiếng hô từ nơi hoang địa: hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa,sửa lối cho thẳng để Ngài đi.Mọi thung lũng phải lấp cho đầy,mọi núi đồi phải bạt cho thấp,khúc quanh co phải uốn cho ngay,đường lồi lõm phải san cho phẳng.Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa" ( Is 40,3- 5; Mc 1,3; Lc 3,4-6; Mt 3,3) . Isaia đã giới thiệu về Gioan như một vị Tiền Hô dọn đường cho Đấng Thiên Sai đến.

b. Ngôn sứ Malakia tiên báo

"Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt con,người sẽ dọn đường cho con đến để làm lòng cha ông quay về với con cháu" ( Ml 3,1- 24; Mt 1,10; Lc 1,17;7,27).Lời Ngôn sứ Malakia nhắc nhở cho người đương thời và hậu thế về ơn gọi của Gioan như vị sứ giả dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến .

c. Sứ Thần Truyền Tin xác nhận

Sứ Thần của Chúa hiện ra với Dacaria,đứng bên phải hương án,xác nhận với ông rằng người con trai của ông sắp chào đời là Gioan Tẩy Giả " Sẽ đi trước mặt Chúa và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa"( Lc1,17).

e. Thân phụ Dacaria

Dưới tác động của Thánh Thần, Dacaria đã hát lên bài ca chúc tụng "Benedictus" về ơn gọi của người con trai mình "Hài Nhi hỡi,con sẽ đi trước mặt Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết, Người sẽ cứu độ và tha thứ cho họ hết mọi tội khiên" (Lc 1,76- 77).

f. Gioan khẳng định

Trong một cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và một người Do thái về việc thanh tẩy,tại Enon,gần Salem thuộc miền Giuđê,chính Gioan đã xác nhận ơn gọi của mình: "Chính anh em làm chứng cho Thầy là Thầy đã nói: Tôi đây không phải là Đấng Kitô mà là kẻ được sai đi trước mặt Ngài" (Ga 3,28).

Qua sinh nhật và ơn gọi kỳ diệu của Gioan, Thiên Chúa đã đặt Gioan làm gạch nối giữa Cựu ước và Tân ước với sứ vụ đặc biệt đó là Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế.

Là một ngôn sứ trong một đất nước đang thời nhiễu nhương,bị đế quốc Roma cai trị hà khắc, nhiều phe nhóm trong dân nổi loạn,dân chúng lầm than,Gioan cũng mang nặng những ưu tư những trăn trở yêu nước thương dân.

Vị vua Hêrôđê, một hôn quân bạo chúa, sống loạn luân, lấy vợ của anh mình là Hêrôđiađê. Lương tâm ngôn sứ đã thúc đẩy Gioan lên tiếng can ngăn và tố cáo những hành vi sai trái của nhà vua,kêu gọi vua trở về nẻo chính đường ngay.Vì thế Gioan đã bị vua chém đầu.

Trước mặt người đời, Gioan là kẻ thất bại. Sứ mạng của ông không hoàn thành,bị những kẻ gian ác ghen ghét hãm hại, cuối cùng chịu chết chém trong tù.Thế nhưng Đức Giêsu đã nói về ông: " Trong các con cái người nữ sinh ra,chưa từng một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy giả"(Lc 7,28). Như vậy điều quan trọng trước mặt Thiên Chúa chẳng phải là danh giá hay thành tích mà là thái độ sống.Thái độ sống của Gioan là bất khuất trước bạo lực, dám nói sự thật bảo vệ công lý, cho dù sự thật đó dẫn đến tù đày và cái chết.

Sứ mạng ngôn sứ thời nào cũng thế.Đức Giêsu, vị ngôn sứ làm chứng cho sự thật cũng bị bắt bớ, bị hành hạ và bị đóng đinh thập giá. Các Thánh Tử Đạo cũng đã làm chứng cho sự thật, tiếp nối con đường Thầy mình đã đi,cũng gánh lấy tù tội và cái chết. Bởi lẽ "Nếu thế gian đã ghét Thầy,thì thế gian sẽ ghét các con vì các con sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian" (Ga 15,18 - 19)

Được sinh ra và lớn lên trong bàn tay phù hộ của Thiên Chúa.Gioan đã sống vai trò ngôn sứ dọn đường cho Chúa Cứu Thế và đã chết vì chân lý.

Người Kitô hữu chúng ta không cần phải làm được những chuyện kỳ vĩ như Gioan hay như các Thánh Tử Đạo, nhưng với tư cách ngôn sứ chúng ta có thể làm chứng cho chân lý, cho công lý, cho tình yêu.Với tư cách là Tẩy Giả, chúng ta có thể góp một chút bột giặt tình yêu tha thứ để làm sạch tấm chăn môi trường đang bị ô nhiễm trầm trọng bởi những thứ bụi bẩn rác rưới ích kỷ, vụ lợi, hưởng thụ sa đoa, ghen ghét hận thù, dối trá lọc lừa. Và như thế chính là góp phần mở đường dọn lối cho Chúa đến.

Cuộc đời Gioan Tẩy Giả luôn mãi là tấm gương cho chúng ta. Không chỉ rao giảng bằng lời nói mà bằng cả cụôc sống.Chúng ta được mời gọi sống lý tưởng của Gioan: Ngài phải lớn lên,còn tôi phải lu mờ đi.

Nguồn:
tonggiaophanhanoi

Ngày 24/6: Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả

Ngoại trừ Đức Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria, chỉ còn có thánh Gioan Tẩy giả là vị thánh được mừng vào ngày sinh nhật thật của mình, ngày sinh ra trong trần thế ; các đấng thánh khác đều mừng vào ngày sinh nhật trên trời, tức là ngày chết. Lễ này đã có từ thế kỷ thứ V và đặt vào ngày 24.6, có nghĩa là sáu tháng trước ngày sinh của Chúa Cứu Thế.

Theo tường trình của Phúc Âm thánh Luca, Gioan Tẩy Giả đã được thánh hiến từ trong dạ mẹ, khi Trinh Nữ Mẹ Chúa Cứu Thế chào bà Êlisabét, mẹ của Gioan. Sự kiện đặc biệt ở ngày sinh ra hướng ý cho chúng ta thấy ý nghĩa của Gioan trong lịch sử cứu độ.

So với Tân Ước, Gioan vẫn còn thuộc về Cựu Ước ; ngài được Thiên chúa gọi để chuẩn bị dân chúng đón Đức Giêsu đến bằng các bài giảng nói về nước Thiên Chúa và lời kêu gọi sám hối. Chính Đức Giêsu lãnh nhận phép rửa thống hối từ tay ông ta và những môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu cũng xuất thân từ đám môn đệ của Gioan. Chính Gioan tự giới thiệu mình là tiếng kêu trong hoang mạc, người Tiền Hô cho Đấng vĩ đại đang đến. Còn Đức Giêsu gọi ông là kẻ lớn nhất do người nữ sinh ra trong thời Cựu Ước và là ngôn sứ Êlia đã trở lại (Mt 11,8.11.14).

Nguyện xin thánh Gioan Baotixita cầu bầu cùng Chúa giúp chúng ta cũng biết sống như Ngài đã sống: khiêm tốn trong lời nói và trong cung cách sống. Vì đó là bằng chứng sống động để Chúa được lớn lên trong ta và trong mọi người.

(tổng hợp)