Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

Thư kêu gọi giúp đỡ trùng tu Tiểu Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Sở Kiện

logo_tgm_phero

TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI

40 Phố Nhà Chung – Hà Nội

THƯ KÊU GỌI GIÚP ĐỠ TRÙNG TU

TIỂU VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM SỞ KIỆN

Hà Nội, ngày 14 tháng 7 năm 2011

Kính gửi: Toàn thể Cộng Đoàn Dân Chúa TGP Hà Nội

Kính thưa các cha và anh chị em thân mến!

Trước hết, tôi xin kính gửi đến các cha và anh chị em lời chào bình an trong Chúa Kitô.

Chúng ta vừa kết thúc Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam, mừng kỷ niệm 350 năm thành lập 2 Giáo Phận Tông Tòa đầu tiên: Đàng Trong và Đàng Ngoài, và 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm tại Việt Nam. Khi nhìn lại chặng đường phát triển của Hội Thánh tại đất nước thân yêu của chúng ta với lòng cảm tạ Thiên Chúa và tri ân cha ông trong đức tin, chúng ta không thể không dừng lại ở những công trình mang dấu ấn lịch sử của cha ông, đặc biệt là nhà thờ Sở Kiện, một trong những nhà thờ quan trọng nhất của TGP Hà Nội nơi đã diễn ra các Nghi Thức và Thánh Lễ Khai Mạc Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam.

Sở Kiện là nơi có Tòa Giám Mục được xây dựng đầu tiên cho Giáo Phận Tây Đàng Ngoài sau khi di chuyển từ Vĩnh Trị. Trung Tâm Sở Kiện gồm có: nhà thờ Chính Tòa, Tòa Giám Mục và Chủng Viện. Nhà thờ Sở Kiện được Đức Cha Puginier (Phước) khởi công xây dựng ngày 23 tháng 10 năm 1877 và hoàn thành vào năm 1882. Nhà thờ dài 67.2m, rộng 31.2m, cao 23.2m và được mang tước hiệu Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Trong nhà thờ Chính Tòa cổ này còn lưu giữ nhiều hài cốt các Thánh Tử Đạo Việt Nam, các thánh tích, xiềng xích và dụng cụ tra tấn các ngài.

Vì sự phát triển của giáo phận, nhà thờ Chính Tòa đã được đặt ở thủ đô Hà Nội năm 1936 và nhà thờ Sở Kiện không còn là nhà thờ Chính Tòa. Chủng viện và Tòa Giám Mục cũng rời về Hà Nội. Trải qua những năm tháng khó khăn với nhiều năm không có linh mục coi sóc, Trung tâm Sở Kiện bị xuống cấp trầm trọng. Riêng nhà thờ Sở Kiện đã được trùng tu năm 1990 để tránh bị sụp đổ sau nhiều thập niên không được sửa chữa. Ngày 5 tháng 12 năm 2002, Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng đã cung hiến nhà thờ với tước hiệu Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Năm 2008, Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt chỉ định Sở Kiện là Trung Tâm Hành Hương Các Thánh Tử Đạo của TGP Hà Nội. Đặc biệt ngày 24 tháng 6 năm 2010, Tòa Thánh với sắc lệnh của Bộ Phụng Tự đã nâng nhà thờ Sở Kiện thành Tiểu Vương Cung Thánh Đường Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đây thật là một tin vui mừng cho cả giáo phận!

Để chuẩn bị cho lễ công bố quyết định nói trên của Tòa Thánh vào Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (8-12-2011), TGP Hà Nội đang gấp rút trùng tu giai đoạn 1 của nhà thờ Sở Kiện bao gồm việc sửa mái nhà thờ, tường bên trong, chỉnh trang cung thánh và lát nền nhà thờ. Việc trùng tu đòi hỏi nhiều công sức và giúp đỡ của mọi thành phần Dân Chúa trong cũng như ngoài TGP Hà Nội.

Vì vậy, tin tưởng vào lòng yêu mến Hội Thánh và sự quảng đại của anh chị em, tôi viết thư này xin anh chị em giúp đỡ TGP có đủ phương tiện trùng tu nhà thờ Sở Kiện để bảo tồn di sản quí giá của cha ông và để nhà thờ này xứng đáng là Vương Cung Thánh Đường diễn tả sự hiệp thông bền chặt của Giáo Hội địa phương với Tông Tòa Thánh Phêrô.

Cụ thể, chúng ta sẽ dành ngày Lễ Đức Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời sắp tới (15-8-2011) là ngày cầu nguyện và giúp đỡ trùng tu đợt 1 nhà thờ Sở Kiện. Xin các cha khuyến khích kêu gọi giáo dân của mình từ những Chúa Nhật trước. Số tiền thu được trong tất cả các thánh lễ vọng và chính ngày Lễ Đức Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời sẽ được chuyển về cho Tòa TGM để dùng vào mục đích trên.

Sau cùng, tôi nài xin Thiên Chúa, qua lời khẩn cầu của Đức Maria Vô Nhiễm và các Thánh Tử Đạo Việt Nam, ban cho anh chị em bình an và tràn đầy ơn phúc. Xin Chúa chúc lành cho sự quảng đại và lòng yêu mến Hội Thánh của anh chị em.

Thân ái trong Chúa Kitô.

+ Phêrô Nguyễn Văn Nhơn

Tổng Giám Mục Hà Nội

*Ghi chú: Xin các cha đọc thư này trong các thánh lễ Chúa Nhật 24 hay 31 tháng 7 hoặc 7 tháng 8 sắp tới.

* Một vài hình ảnh về Trung Tâm Sở Kiện:

So_kien_1

So_kien_2

So_kien_3

So_kien_4

So_kien_5

So_kien_6

So_kien_7

So_kien_8

Ảnh: Vp Tòa TGM Hà Nội

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Bắc Ninh: Những thách đố dành cho vị Giám Mục của người cùi

Bản tiếng Ý: Aborto, pastorale e repressione: le sfide del “vescovo dei lebbrosi”

Luôn đeo trên ngực một cây thánh giá lớn bằng gỗ do chính những người phong cùi làm ra, ngài hiện đang lãnh đạo một giáo phận với 4 trại phong rộng lớn sau khi đã sống với người cùi được 16 năm.

Đức Cha Cosma cử hành thánh lễ cho một giáo xứ Úc tại Lockridge
Đức Cha Cosma với bệnh nhân phong
Thoạt nhìn vị giám mục nói năng từ tốn, vóc dáng nhỏ nhắn thậm chí theo tiêu chuẩn Việt Nam, người ta không thể tự hỏi sinh hoạt hàng ngày của ngài ra sao trong tư cách người đứng đầu của một giáo phận đã từng phải chống chọi với cả chính sách tôn giáo theo đường lối cứng rắn của những người cộng sản lẫn các cuộc oanh tạc của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Tuy nhiên, ba năm sau khi ngài được bổ nhiệm về đây, thực sự đã có những thay đổi đáng kể trong đời sống của giáo phận, quê hương của 12 vị tử đạo Việt Nam đã hy sinh mạng sống mình cho việc rao giảng đức tin Kitô giáo vào một trong các thời điểm khó khăn nhất của lịch sử Giáo Hội.

Số tín hữu trong giáo phận Bắc Ninh, nằm khoảng ba mươi cây số về phía Đông Bắc của Hà Nội, đã đạt tới mức 125 ngàn. Một con số tuy khiêm tốn so với dân số 8 triệu người trong khu vực, nhưng đã tăng gấp bốn lần so với dân số giáo phận tại thời điểm cộng sản tiếp quản miền Bắc vào năm 1954.

Trong toàn bộ thời gian từ năm 1954 đến 1963, giáo phận chỉ có 1.5 linh mục (một linh mục được phép dâng Thánh Lễ và cử hành các phép bí tích trong khi vị kia là một linh mục "hầm trú" chỉ được hoạt động mục vụ với nguy cơ không biết lúc nào sẽ bị bắt và bỏ tù). Ngày nay, số lượng các linh mục trong giáo phận đã gia tăng đến con số 57 người.

Từ hầu như không còn ai sau cuộc di cư vĩ đại năm 1954 của người Công giáo vào trong miền Nam, hiện nay đã có 300 nữ tu đang giảng dạy giáo lý cho trẻ em và chăm sóc dân chúng trong bốn trại phong cùi tại Bắc Ninh.

Giáo phận cũng đã gửi được 4 linh mục, 2 chủng sinh, và 3 nữ tu để theo học và nghiên cứu ở châu Âu.

Mặc dù có những dấu hiệu thành công tỏ tường, Đức Giám Mục Cosma Hoàng Văn Đạt, vị "giám mục của người cùi" (như nhiều người vẫn gọi ngài), thường phủ nhận, cho rằng cải thiện của giáo phận là nhờ ơn Chúa Quan Phòng.

"Tôi đâu có biết cách lãnh đạo một giáo phận. Tôi chỉ có kinh nghiệm làm việc với những người phong cùi từ các hoạt động mục vụ trong nhiều thập niên mà thôi. Tôi chỉ làm những gì thấy là cần thiết phải thực hiện", vị giám mục nói lưu loát tiếng Anh đã phát biểu một cách khiêm tốn như thế với Asia-News, sau khi dângThánh Lễ tại giáo xứ Chúa Chiên Lành (Good Shepherd) ở Lockridge, Perth, Úc Đại Lợi, vào ngày 11 tháng 7 vừa qua, trong chuyến viếng thăm gần đây của ngài tại Úc. Với tư cách là tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, ngài đã được chỉ định để đại diện cho các Giám mục Việt Nam trong buổi lễ tấn phong Đức Giám Mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Long, vị giám mục Việt Nam đầu tiên tại Úc.

Giản dị, khiêm nhường, cởi mở đối với Thiên Chúa, Giáo Hội và với những người phong cùi là những nét đặc trưng mô tả Đức Cha Cosma Hoàng (Văn Đạt). Tuy nhiên, ngài cũng là một giám mục trực tính. Vào ngày 9/9/2008, dù lễ tấn phong giám mục của ngài dự tính sẽ được tiến hành sau đó một tháng có thể bị nhà nước gây khó khăn hay thậm chí không thể diễn ra, ngài vẫn quyết dẫn 39 linh mục và hàng trăm giáo dân tới xứ Thái Hà để bày tỏ sự ủng hộ của mình với Dòng Chúa Cứu Thế tại Hà Nội. Khi vừa đến nơi, ngài bảo họ: "Tôi đã cầu nguyện cho anh em từ tuốt ngoài ấy, và hôm nay tôi muốn được ở đây với anh em, ở nơi mà tôi mỗi lần được đi lễ là vui như một đứa trẻ được đi ăn cỗ, để bày tỏ tình liên đới của tôi với anh em". Một tuần trước đó ngài đã đến Tam Đảo để dâng lễ thánh hiến một nhà thờ đã bị nhà nước cộng sản lấy mất trong suốt 54 năm. Kết quả là, ngài trở thành tâm điểm trong trận bão của truyền thông nhà nước trong suốt mấy tuần lễ.

Mặc dù còn nhiều hạn chế của chính quyền địa phương, vị giám mục ấy đã thực hiện được 251 cuộc thăm viếng mục vụ tại các giáo xứ trong giáo phận trải rộng suốt vùng trung du rộng lớn khoảng 24 ngàn cây số vuông. Ngài tự tay chăm sóc những sinh hoạt tôn giáo của hơn 125 ngàn tín hữu, hơn hẳn người tiền nhiệm kém may mắn của mình là Đức Hồng Y Phạm Đình Tùng lúc đó chỉ có thể thực hiện được 5 chuyến thăm viếng do hầu như bị quản thúc tại Tòa Giám Mục trong hầu hết 31 năm tại chức giám mục của ngài.

Trong chiến tranh Việt Nam, tỉnh Bắc Ninh đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những cuộc oanh tạc do vị trí quá gần với thủ đô Hà Nội. Số phận của Giáo Hội vào thời điểm đó thật ảm đạm với 80% các nhà thờ bị phá hủy hoặc bị hư hại, dân chúng bị phân tán, và hầu hết các linh mục bị bỏ tù (trong số đó có những linh mục hiện đang làm việc trong toà giám mục Bắc Ninh, một người đã đi tù 15 năm, người khác bị 12 năm, một người bị 10 năm và một người bị 4 năm). Một số cộng đoàn không có một nơi để thờ phượng hay cầu nguyện, đã sử dụng những chòi trữ thóc làm nơi tụ tập để cầu nguyện hoặc đọc Kinh Thánh cho nhau nghe.

Ưu tiên hàng đầu của vị giám mục là phải xây dựng lại các địa điểm thờ phượng. Giáo phận hiện có 336 điểm truyền giáo (200 người trong số này đã có nhà thờ hoặc nhà nguyện, phần còn lại chỉ có ngôi nhà tạm cho việc thờ phượng). Mỗi tuần, 57 linh mục và đức giám mục phải chia nhau vượt hàng trăm cây số qua các con dốc, đường xá lầy lội và các khu rừng rậm để cử hành Thánh Lễ và các phép bí tích. Những nỗ lực to lớn này đã cho phép người Công Giáo được tham dự Thánh Lễ và chịu các phép bí tích thường xuyên hơn.

Điều đáng chú ý là tại Việt Nam, nơi có tỷ lệ phá thai cao nhất trên thế giới, việc phá thai được thấy như là một biện pháp được chính quyền áp dụng cho công tác kế hoạch hóa gia đình. Vì càng ngày càng có nhiều phụ nữ tìm kiếm giải pháp này để nhanh chóng giải quyết việc riêng, Giáo Hội hiện đang phải đối mặt với một trận chiến thật khó khăn để chiến đấu chống lại xu hướng ủng hộ quyền chọn lựa (phá thai). Các giáo chức trong Giáo Hội thừa nhận các linh mục Công Giáo có khi cũng cảm thấy mệt mỏi trong những nỗ lực phò sinh (chống phá thai) của họ. Thế nhưng hy vọng chưa bao giờ bị dập tắt trong giáo phận Bắc Ninh. Để thực hiện nhiệm vụ này, các nữ tu trong giáo phận đã nhận cưu mang những phụ nữ nghèo để cung cấp nơi cư trú và hỗ trợ tài chính cho họ cho đến khi sinh con. Họ thậm chí còn đi xa hơn một bước là nhận nuôi những trẻ cha mẹ quá nghèo không thể tiếp tục nuôi dưỡng và giáo dục con mình.

Bắc Ninh, được thế giới biết đến như một trong những cái nôi của các nền văn minh Việt Nam, nơi những khúc hát Quan Họ đã được ra đời và yêu thích bởi nhiều người, đã không hổ danh là nơi có những tài năng địa phương hàng năm vẫn múa các điệu múa truyền thống vào tháng Năm hoặc "Tháng Hoa ", như người Công Giáo Việt Nam vẫn thường gọi thế. Tính cách đặc biệt này, nét độc đáo của Bắc Ninh, là một cống hiến đặc biệt dành cho Đức Mẹ. Màn này có các cô gái trẻ trong các điệu múa theo nghi lễ dâng hoa trong mỗi nhà thờ vào suốt tháng Năm trên toàn giáo phận. Nhiều người trong số các cô bé không phải người Công giáo, ban đầu gia nhập vì tình yêu dành cho nghệ thuật biểu diễn, sau đó là để tìm hiểu về Giáo Hội và giáo lý.

Dưới sự lãnh đạo của Đức Giám Mục Cosma Hoàng, giáo phận Bắc Ninh từ một nơi mà dân số người ngoại giáo vẫn chiếm ưu thế, hiện đang phát triển từ từ nhưng vững chắc. Một số linh mục đã được gởi đến các vùng sâu vùng xa với mục đích tiếp cận với những người chưa biết Chúa. Cha Giu se Nguyễn Văn Tĩnh là một trong những người được chọn lựa cho công tác này. Ngay sau khi thụ phong linh mục vào ngày 16 tháng 4 năm nay, cha đã đến vùng cực bắc của Ngân Sơn với một nhiệm vụ là chăm sóc mục vụ cho một giáo xứ với 33 người với hầu như không có gì: không nhà thờ, không cung thánh, cũng chẳng cả hội đồng giáo xứ. Tuy nhiên ngài lại được lòng biết ơn của đàn chiên.

Như phương châm của ngài gợi ý, Đức Giám Mục Cosma Hoàng Văn Đạt đã cống hiến cả đời mình cho những gì với ngài là quan trọng nhất: tình yêu và cuộc sống.

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

HÌNH ẢNH NGUYÊN TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI GIUSE NGÔ QUANG KIỆT THĂM NHÀ THỜ TAM ĐẢO - BẮC NINH

Cuộc đời một Nữ tu Đa Minh Việt Nam 107 tuổi

BẮC NINH - Năm 1904 bé Maria Nguyễn Thị Nga đã chào đời tại Ngọc Bảo - Sơn Lôi – Bình Xuyên – Vĩnh Phúc là con thứ 4 trong số 7 người con của cụ cố Nguyễn Văn Dị và cụ bà Nguyễn Thị Thính.

Sống trong một gia đình đạo dức và thấm nhuần tinh thần phục vụ của song thân, nên năm 14 tuổi thiếu nữ Nguyễn Thị Nga đã có ý hướng dâng mình cho Chúa; nhưng vì dáng vóc của chị quá nhỏ nên đã bị từ chối; mãi năm 20 tuổi chị mới được nhận vào Nhà Mụ Xuân Hoà (Hiện nay là Tu Viện Nữ Đaminh Miền Bắc Ninh)

Năm 1954: Làn sóng người di cư vào Miền Nam, cùng với 11 nữ tu khác, chị đã quyết tâm ở lại Nhà Mụ Xuân Hoà, chị đã nhẫn nại, cần cù mưu sinh đễ gìn giữ từng tấc đất của Nhà Chúa và tiếp tục sống ơn gọi tận hiến cho đến ngày nay.

Trong những năm tháng Tuổi Xuân của đời tận hiến, chị đã được bổ nhiệm đến nhà thương Trung Lai (Bắc Giang) để phục vụ trong vòng năm năm; sau đó chị được mời về Xuân Hoà để phục vụ nhà thương Đồng Kê (Xuân Hoà - Bắc Ninh).

Tuổi xuân của chị chưa dừng lại nơi đây, bởi lẽ ai ai cũng nhìn thấy sự hy sinh miệt mài của chị trong thời bấy giờ, các nơi các chỗ mọi người đều di cư hết, đâu đâu cũng cần những người giữ nhà; đó là lý do mà cha xứ Mỹ (Kẻ Sặt) đã tha thiết xin chị về Kẻ Sặt để giữ nhà (đó là khu nhà mà hiện nay các chị em trong Hội Dòng Đaminh Rosa Lima Miền Hải Phòng đang phát triển).

Khi có người về Kẻ Sặt thay thế, chị lại được trở về Xuân Hoà là cái nôi đầu tiên chị đã chọn để sống đời Tận Hiến.

Cuộc đời của nữ tu thể hiện sự đơn sơ, âm thầm phục vụ. Nơi nữ tu phục vụ lâu nhất là Xuân Hoà, chị em đã học được nơi nữ tu sự bình an, không ca thán, và chấp nhận mọi khó khăn vất vả, chị luôn tỏ ra lạc quan và vui tươi trong mọi hoàn cảnh và bất chấp tuổi tác.

Hơn 80 năm sống trong Nhà Chúa, nữ tu sống trong cộng đoàn như hạt lúa được vùi sâu vào lòng đất, nữ tu chung vai chia sẻ hết tất cả sướng khổ, thăng trầm của cộng đoàn. Sự xả thân quên mình của nữ tu là tấm gương sáng cho tất cả những ai được diễm phúc sống bên chị.

Những năm tuổi già, tuy vóc dáng nhỏ bé và sức khoẻ không dồi dào cho lắm, nhưng ngày qua ngày nữ tu nhẫn nhục dâng những hy sinh, khổ đau lên Thiên Chúa, cầu nguyện cho mọi người và cho tất cả chị em đang dấn thân phục vụ.

Trang sử đời người nữ tu thật đơn sơ khiêm nhường. Nhưng trang sử đó thật tuyệt vời vì chính Thiên Chúa toàn năng đã khởi sự và Ngài còn tiếp tục kiện toàn trong những năm tháng của cuộc đời người nữ tu 107 tuổi vẫn đang hiện diện và đồng hành cùng với mỗi người chúng ta trong tràng chuỗi Mân Côi liên lỉ.

Theo người viết được biết Nữ tu Maria Nguyễn Thị Nga là tu sĩ lớn tuổi nhất trong các tu sĩ ở Việt nam. Chúng ta cùng tạ ơn Chúa với người nữ tu 107 tuổi, với chị em Đaminh và với tất cả các Nữ Tu Việt Nam về sự hãnh diện cùng với ”Cây Cổ Thụ” còn tràn đầy sức sống của đời Dâng Hiến.

Côn Đảo có một họ đạo đang hồi sinh

Côn Đảo, điểm du lịch nổi tiếng thu hút du khách thập phương. Tham quan và tìm hiểu một thời quá khứ vang bóng của những nhà tù “địa ngục trần gian” và hành trình đến với thiên nhiên biển đảo với những bãi biển tuyệt đẹp, sạch sẽ, trong xanh, sóng nhẹ sẽ là thời gian đáng nhớ cho một kỳ nghỉ.

Côn Đảo có Hang Đá Đức Mẹ trên núi khá cao đã có gần 80 năm lịch sử, tham dự buổi phụng vụ “nghe lễ” của cộng đoàn giáo dân quy tụ mỗi sáng Chúa nhật, tham quan Nhà nguyện (nay thành kho củi) trong trại tù Phú sơn, tìm hiểu nguồn cội Nhà thờ Côn Lôn (nay là quán càphê) chỉ cách biển một vườn cây xanh ngát, lên núi Thánh giá và núi Chúa sẽ là những khám phá kỳ thú và những cảm nhận về hồng ân diệu vợi xuyên suốt dọc dài lịch sử của người Công Giáo sống trên Côn Đảo.

Kể từ năm 1976, Lm Ngô Gia Thụy, Dòng Chúa Cứu Thế về đất liền tham dự kỳ tĩnh tâm, rồi không được phép trở lại Côn Đảo. Từ đó, suốt 33 năm, trên đảo không có linh mục, không có thánh lễ, bà con giáo dân giữ đạo âm thầm bằng kinh hạt riêng tư. Nhà thờ bị biến thành rạp chiếu phim, chuông nhà thờ bị tháo gỡ và đem đi bán. Những người trên đảo không được phép theo một tôn giáo nào khác, những nhà Công giáo không được để bàn thờ Chúa nên việc đọc kinh chung không còn thực hiện được nữa, giáo dân sống trong hoang mang lo âu sợ hãi. Giáo dân như đàn chiên không người chăn dắt và không biết khi nào mới được có thánh lễ cũng như việc lãnh nhận các Bí tích. Từ năm 1976 đến năm 1999 cha Thụy vẫn âm thầm lo lắng hướng dẫn họ đạo từ xa qua điện thoại như an ủi, cầu nguyện và có lúc cần kíp thì giải tội cho những trường hợp nguy kịch. Năm 1999 Côn Đảo thuộc Giáo Phận Xuân Lộc. Từ năm 2005 cho đến nay, Côn Đảo thuộc Giáo phận Bà rịa.

Theo lời mời của Lm Phêrô Đặng Duy Linh (bạn cùng lớp K3 ĐCV Sài Gòn), Quản xứ Đất Đỏ, Giáo Phận Bà Rịa Vũng Tàu, tôi cùng với Lm Nguyễn Văn Thuần và 4 Thầy ĐCV Xuân Lộc, 4 vị HĐGX Đất Đỏ làm một chuyến đi mục vụ và du lịch Côn Đảo. Huyện Đất Đỏ chỉ có 1 Giáo xứ Đất Đỏ. Huyện Côn Đảo chỉ có 1 họ đạo Côn Đảo.

Kể từ tháng 6 năm 2009, cha Phêrô Linh ra đảo tham quan tìm hiểu. Buổi đầu xa lạ, rụt rè. Lân la làm quen, “miếng trầu mở đầu câu chuyện” trao đổi, hỏi han, mục tử và đàn chiên dần dà nhận ra nhau và thân tình kể lễ. Nhờ tính tình vui vẻ, trẻ trung năng động, lòng nhiệt thành và đức ái mục tử, cha Linh lần lượt đến thăm các gia đình, ân cần gặp gỡ từng người. Bà con giáo dân từ lạ lẫm đến thân quen rồi yêu mến gắn bó vị mục tử. Nhiều người tuyên xưng đức tin sau mấy mươi năm âm thầm sống đạo. Cha Linh lập nên ban điều hành Giáo họ, dâng lễ “chui” tại tư gia một vài gia đình “can đảm”. Thánh lễ đã nối kết mọi người lại trong đức tin và lòng mến. Chúa Giêsu Thánh Thể hiện diện giữa cộng đoàn non trẻ như nguồn mạch ơn phúc và sức mạnh đỡ nâng. Vài tháng cha Linh lại ra vài ngày thăm họ đạo Côn Đảo một lần, dâng lễ, giải tội, ban bí tích hôn phối, giúp các em thiếu nhi Xưng Tội Rước Lễ lần đầu… Chúa Giêsu Thánh Thể hiện diện nơi Nhà Tạm trong phòng nguyện nhỏ. Hàng ngày luôn có người đến viếng Thánh Thể. Mỗi sáng Chúa nhật, bà con giáo dân quy tụ, đọc kinh lần chuỗi rồi “nghe lễ”. Anh Nam “chuyên viên tin học” của đảo thu âm phần “Rao lịch”, “Thánh Lễ”, “Suy niệm Lời chúa”, “Chuyện tử tế”…từ trang web của đài phát thanh Chân Lý Á Châu (Veritas) và trang: tinvui.org, thánh lễ tại Nhà thờ đá Vĩnh hòa, lần lượt phát lại cho bà con “nghe lễ”. Con cái Chúa nơi phương xa cách trở được nuôi dưỡng bằng lương thực thiêng liêng nhờ các phương tiện truyền thông như thế đó. Trải qua hai năm, nhiều khó khăn vất vả, đời sống đạo của giáo dân trên đảo đang từng bước hồi sinh.

Chính vì thế, tôi phấn khởi đến thăm họ đạo Côn Đảo lần đầu. Từ phi trường Tân sơn nhất, máy bay lên cao vòng xuống miền Tây rồi ra biển lớn. Chỉ 45 phút bay là đến Côn Đảo. Trên cao nhìn xuống, Côn Đảo như một dãi núi ngút màu xanh tuyệt đẹp giữa đại dương bao la. Máy bay hạ thấp dần trên mặt biển, nước trong xanh thấy rõ san hô và đàn cá bơi lội. Phi công lượn điêu luyện giữa hai dãy núi rồi đáp xuống sân bay sát bờ biển. Mỗi ngày có 4 chuyến bay Sài gòn – Côn đảo và 1 chuyến bay Cần thơ – Côn đảo. Mỗi tháng có 12 chuyến tàu nối Vũng tàu – Côn đảo.

Ban hành giáo Họ Đạo Côn Đảo niềm nở đón anh em chúng tôi tại sân bay. Xe chạy 16km trên đường dốc uốn lượn như đèo ngoạn mục về đến thị trấn. Sau khi nghỉ ngơi tại tư gia một vị ban hành giáo, chúng tôi thuê mấy chiếc xe honda hồ hởi đi thăm Hang đá Đức Mẹ trên núi. Đường lên núi ghập ghềnh đá khó đặt bước chân, phải bám từng bước mà leo. Khá vất vả và ướt đẫm mồ hôi để lên đến Hang đá. Khung cảnh hoang sơ tựa thưở xưa lắm. Hai vách đá dựng đứng,tảng đá to có một hang nhỏ, tượng Đức Mẹ trên cao, có hoa tươi và mấy ngọn nến nhỏ. Chúng tôi thắp nến, ánh sáng lung linh xua tan bóng tối bên trong, hang đá ấm dần lên qua lời kinh chuỗi hạt Mân Côi. Chúng tôi sốt mến hát ca dâng kính Mẹ rồi thinh lặng cầu nguyện. Chung quanh vách đá có những bảng tạ ơn bằng tiếng Pháp ghi từ năm 1941, có những hàng chữ không đọc được mờ mịt dấu thời gian. Trước Hang Đá có một khối đá lớn với 3 chữ được khắc sâu vào đá N.D.L. Hỏi han những vị cao niên, tôi nghe kể từ những năm 1930, có một người Pháp đã khám phá ra hang đá này, ông đã đặt tượng Đức Mẹ và có thể 3 chữ N.D.L là Notre - Dame De Lourdes?. Tôi có hành hương đến Đức Mẹ Lộ Đức. So sánh hai nơi, thấy có nét giống nhau từ khung cảnh đến hang đá. Lộ Đức nằm dưới chân dẫy núi Pyrénées, miền Tây Nam nước Pháp là một điểm hành hương kính Đức Mẹ nổi tiếng nhất thế giới. Xa xưa nơi đây chỉ là một ngôi làng nhỏ bé hẻo lánh thuộc địa phận Tarbes. Từ ngày 11 tháng 2 đến ngày 16 tháng 7 năm 1858, Đức trinh nữ Maria đã hiện ra với Bernadette tất cả 18 lần. Mỗi lần Đức Mẹ hiện ra, Người đều khuyên Bernadette hãy siêng năng lần hạt và làm việc đền tội thay cho các người tội lỗi, yếu đuối. Đức Mẹ còn yêu cầu người ta hãy xây cất cho Ngài một ngôi thánh đướng ở Lộ Đức để dâng kính Mẹ.

Theo lời kể của ông Ba Hương, trưởng ban hành giáo, ngày xưa nơi đây nhiều người đến hành hương, vẫn thường có kiệu tượng Đức Mẹ. Sau 1975, tượng bị phá bỏ, nơi đây bị quên lãng hơn 20 năm. Đến năm 1997, anh Nghĩa và anh Tân tìm đến, sau hai tháng dọn dẹp mới có lối đi lên, một mặt bằng nhỏ trước hang đá. Bà con giáo dân đặt tượng mới. Từ đó nơi Hang Đá Đức Mẹ Côn Lôn, hàng ngày có người lên viếng Mẹ dâng lời kinh hạt. Những ngư dân thường lên kính viếng và cầu nguyện. Những ngư dân đi đánh cá xa từ Phú Yên Bình Định, từ Vinh Tân Thanh Xuân vùng Lagi, Thanh Hải Phú Hài vùng Phan Thiết thường vào Bến Đầm tránh bão tố mua lương thực và nhiên liệu, họ tìm đến khấn xin với Đức Mẹ. Bà con giáo dân trên đảo cũng thường xuyên lên núi viếng Mẹ dù gặp những cấm cách của chính quyền.

Tôi thầm nguyện xin với Đức Mẹ cho tương lai nơi đây là nơi Mẹ chọn như một địa chỉ thân thương để trở thành điểm hành hương dâng kính Mẹ.

Ban tối chúng tôi dâng lễ tại phòng nguyện nhỏ do một gia đình tốt lành dành riêng đặt Mình Thánh Chúa. Có thêm Cha Đởm từ xứ đạo Thala, Giáo phận Phú cường cùng đồng tế. Bà con giáo dân vui mừng quy tụ về dự lễ. Cửa đóng kín, không dám hát lớn.Thánh lễ thật sốt sắng, thiêng liêng và huyền diệu. Chúa Giêsu Thánh Thể đang hiện diện ấm áp thân thương giữa cộng đoàn nhỏ bé của chúng tôi.

Những ngày ở Côn Đảo chúng tôi đi thăm nhiều nơi, gặp gỡ nhiều bà con giáo dân. Các gia đình mời dùng cơm với những đặc sản biển. Ai cũng hiếu khách, hàn huyên câu chuyện kể. Anh em chúng tôi dâng lễ tại tư gia vài gia đình, ban bí tích giải tội, dạy giáo lý… Những ngày ở đảo cho tôi niềm xác tín: sự hiện diện của linh mục mang lại sức sống mãnh liệt cho giáo dân; có linh mục là có thánh lễ, có nhà thờ với nhiều sinh hoạt đạo đức của các hội đoàn để làm nên một cộng đoàn đức tin sống động.

I. Những thao thức và đề nghị

1. Khách du lịch tham quan Côn Đảo được hướng dẫn viên giới thiệu: có hai vị “nữ thần” thiêng liêng phù hộ dân đảo là bà Phi Yến và liệt sĩ Võ Thị Sáu. “Nghĩa trang Hàng Dương”, nơi chôn cất hàng vạn binh sĩ cách mạng qua nhiều thế hệ bị tù đày, kéo dài từ năm 1862 đến năm 1975, ở đây có phần mộ chị Võ Thị Sáu. “Miếu bà Phi Yến” còn có tên là An Sơn Miếu, nơi thờ bà Phi Yến, thứ phi của chúa Nguyễn Ánh.

Trên đảo còn có Đức Trinh Nữ Maria hiện diện nơi Hang Đá Đức Mẹ tự thưở nào. Đức Mẹ là người phụ nữ diễm phúc nhất thế gian. Đức Mẹ là Đấng “Đầy Ơn Phúc”, là Nữ Vương Hòa Bình, ban muôn ơn lành và phù trợ cho dân chúng trên cù lao xinh đẹp này. Ước mong chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để nơi đây được tôn tạo, mọi người đến hành hương với lòng thành kính.

2. Nhà Thờ Côn Lôn được xây cất chắc chắn khang trang từ khoảng những thập niên 1940, nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh của người tín hữu. Nay nhà nước cho thuê làm quán càphê nhạc xập xình suốt ngày. Nơi thánh thiêng tôn nghiêm lại náo nhiệt làm đau lòng đến quặn thắt. Đề nghị chính quyền trả Nhà thờ và các công trình phụ khác lại cho giáo dân và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các Linh mục đến chăm sóc mục vụ cho hơn 400 tín hữu nơi đây. Nhà thờ là một ngôi nhà nhưng không phải là nhà của riêng ai mà là nhà chung của tất cả mọi người trong giáo xứ. Nơi đây, hàng ngày, nhất là Chúa nhật và những ngày lễ lớn, mọi người gặp gỡ nhau. Trong nhà thờ, trẻ mới sinh được rửa tội. Trong nhà thờ, những đôi tân hôn cử hành hôn lễ. Trong nhà thờ, những ai qua đời sẽ được đưa đến để cử hành lễ an táng trước khi đưa ra nghĩa trang. Nhà thờ là nơi để thờ phượng Chúa bằng việc đọc kinh cầu nguyện, bằng các cử hành phụng vụ qua các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Nhà thờ là nhà chung nên mọi người và mỗi người tín hữu luôn quý chuộng, gìn giữ, tu bổ và thường xuyên đến đây để gặp gỡ và sinh hoạt với nhau. Đó cũng là tâm tư tha thiết và là đề nghị chân thành của bà con giáo dân trên đảo.

II. Thiên nhiên Côn Đảo (xem Lịch sử nhà tù Côn Đảo)

Côn Lôn là một trong những quần đảo tiền tiêu của nước ta, “nguy nga đứng trấn giữa biển Đông” (Đại Nam nhất thống chí), bao gồm 14 hòn đảo lớn nhỏ, với tổng diện tích 72,18km2, trải ra trên một vùng biển có tọa độ địa lý từ 106045’ kinh độ đông; từ 8034’ đến 8049’ vĩ độ bắc.

Đường biển từ Côn Lôn đến Vũng tàu dài 179 km, đến thành phố Hồ Chí Minh 230 km, đến cửa sông Hậu 83 km, đến thành phố Cần Thơ 165 km.

Sử sách nước ta xưa nay gọi hòn đảo lớn nhất là đảo Côn Lôn (gọi tắt là Côn Đảo), cả quần đảo này cũng gọi chung bằng địa danh ấy – quần đảo Côn Lôn. Người ta cũng thường gặp những biến dạng gần gũi của từ đó như: Côn Lôn Sơn, Côn Sơn, Côn Nôn. Từ ngày thành lập đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo (30-5-1979), Côn Đảo là địa danh chính thức của hòn đảo lớn nhất cũng như của cả quần đảo.

Đảo Côn Lôn là một hòn đảo lớn từ Đông sang Tây, dài 15 km, chỗ rộng nhất là 9km, chỗ hẹp nhất khoảng 1 km. Với diện tích 51,52 km2, đảo Côn Lôn chiếm gần 2-3 tổng diện tích quần đảo. Trên đảo có thị trấn Côn Đảo nằm ở tọa độ 8040’57” vĩ độ bắc, 106036’10” kinh độ đông. Nói đến quần đảo Côn Lôn là nói đến hòn đảo này, vì đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của cả quần đảo tập trung ở đây. Từ khi Pháp thiết lập nhà tù, Côn Đảo không còn dân thường. Không kể tù nhân, bộ máy cai trị (kể cả vợ con họ) trước Cách mạng tháng Tám (1945) không đến 500 người.

Hòn Bà tiếp giáp với hòn Côn Lôn về phía Tây Nam, hai đảo chỉ cách nhau bằng khe nước Họng Đầm không quá 20m. Giữa hai đảo này là Vũng Đầm, còn gọi là vịnh Tây Nam, giống hình cái quạt mở về hướng Tây Bắc. Vũng Đầm sâu, lại ở vào nơi khuất gió, thuận tiện cho việc xây dựng một bến cảng tốt.

Hòn Bảy Cạnh nằm trước mặt thị trấn Côn Lôn, trên đó có ngọn Hải Đăng Côn Đảo, rọi đường cho tàu bè quốc tế đi lại.

Hòn Bông Lan nằm sát Hòn Bảy Cạnh, từ xa trông giống như nửa chiếc bánh bông lan.

Hòn Cau cách Côn Lôn chừng 12km về hướng Đông Bắc, nơi chim yến hay làm tổ. Dưới thời phong kiến, người dân ở đây phải thu lượm tổ yến (yến sào) để dâng nộp cho triều đình sản vật đặc biệt này. Đất đai Hòn Cau phì nhiêu, cây cỏ tươi tốt. Xưa kia ở đây có loại cau quả to, vỏ hồng, vị ngon, người Gia Định rất ưa chuộng, mua với giá cao (Gia Định thành thông chí).

Hòn Tài Nhỏ, Hòn Tài Lớn, Hòn Trách Nhỏ, Hòn Trác Lớn, họp thành một chuỗi đảo nhỏ nối tiếp Hòn Bảy Cạnh, kéo dài từ Đông Bắc xuống Tây Nam, che chắn cho đảo Côn Lôn.

Hòn Trọc, còn gọi là Hòn Trai vì ở đó có nhiều trai ốc biển. Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ tiếp nối nhau che chắn phía Tây và Tây Bắc đảo Côn Lôn.

Hòn Trứng, còn gọi là Hòn Đá Bạc nằm xa đảo Côn Lôn về hướng Đông Bắc. Ở đây không có cây cối nhưng lại là nơi trú chân, làm tổ, đẻ trứng của các loài chim biển, biến đảo này thành một trong những “sân chim” của miền Nam nước ta.

Hòn Vung trông giống như chiếng vung nồi úp chụp xuống mặt biển xanh, là một hòn đảo nhỏ ở phía Tây Nam quần đảo.

Diện tích 13 hòn đảo kể trên cộng lại chỉ bằng nửa diện tích đảo Côn Lôn. Đất canh tác ở đây không đáng kể, trừ mấy hòn đảo lớn như Hòn Bà, Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau, các đảo khác trông như những trái núi đá vượt lên khỏi mặt biển với những bãi cát nhỏ, chói lòa ánh nắng trong những ngày đẹp trời.

Địa hình quần đảo Côn Lôn chủ yếu là đồi núi. Diện tích núi đồi là 6.328 hecta, chiếm 88,4% tổng diện tích tự nhiên, đá lộ tương đối nhiều. Những ngọn núi cao nhất đều ở đảo Côn Lôn, như núi Chúa cao tới 515m. Ngọn núi phía Nam thị trấn Côn Đảo cao 577m.

Thị trấn Côn Đảo nằm trên một thung lũng hình bán nguyệt, dài từ 8 đến 10km, rộng từ 2 đến 3km, ba bề có núi bao bọc, mặt trông ra vịnh Côn Lôn (còn gọi là vịnh Đông Nam hay vịnh Đề Lao). Khu vực tương đối bằng phẳng thứ hai là làng Cỏ Ống. Hai thung lũng này đất đai bằng phẳng, có nhiều chỗ trũng tạo thành hồ nước và ruộng trồng lúa. Côn đảo không có sông mà chỉ có những dòng suối cạn, hai con suối đáng kể đều ở trong khu vực thị trấn. Dòng suối thứ nhất bắt nguồn từ phía Sở Tiêu, Sở Lò Gạch chảy vòng phía sau thị trấn và đổ ra vịnh Đông Nam gần Sở Muối An Hội. Dòng suối thứ hai bắt đầu từ khu vực Sở Ruộng dưới chân núi Chúa và chảy ra cống Lò Bò gần mũi Lò Vôi. Đất đai nông nghiệp chiếm 3,2% tổng diện tích, chủ yếu tập trung ở hai khu vực này và ở Hòn Cau.

Khí hậu Côn Đảo là loại khí hậu đại dương. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 26,90C. Lượng mưa trung bình là 2.200mm. Côn Đảo có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4. Tháng một là tháng khô nhất nhất trong năm. Mùa khô thời tiết mát mẻ hơn, nhiệt độ trung bình là 24C, tháng 2 là tháng mát nhất, nhiệt độ trung bình là 22C. Oi bức nhất là tháng 5, có lúc tới 34C. Độ ẩm trung bình hàng năm trên đảo là 80%.

Gió mùa Đông Đông Bắc ở Côn Đảo thường rất mạnh, từ cấp 6 đến cấp 7, người dân thường gọi là gió chướng, gây nhiều trở ngại cho sinh hoạt. Người tù thường lợi dụng mùa gió này để thả bè vượt ngục trở về đất liền.

Nhìn chung, khí hậu Côn Đảo trong lành, thuận lợi cho sức khỏe con người. Nhưng điều này còn tùy thuộc rất nhiều ở vị trí cụ thể, nơi ở cao hay thấp, có chướng ngại che chắn gió nhiều hay ít. Nước ngầm là nguồn nước ngọt chủ yếu ở đảo để dùng trong sinh hoạt cũng như trong mọi hoạt động kinh tế.

Về thực vật, Côn Đảo có những loài đại diện cho những vùng khác nhau trên đất nước Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ, Côn Đảo có các cây thuộc 22 bộ, 71 họ, 191 chi, 285 loài. Quăng và găng là hai thứ gỗ quý ở Côn Đảo. Ở đây cũng có nhiều cây thuốc có giá trị như thiên niên kiện, ngũ gia bì, sâm nam, hà thủ ô, cam thảo, đỗ trọng, hương nhu, ngải cứu ở Hòn Bảy Cạnh nổi tiếng là tốt, người dân gọi là ngải Bảy Cạnh dùng chữa các chứng bệnh đường ruột.

Chim và thú ở Côn Đảo có tới 100 loài thuộc 50 bộ, 22 họ. Sóc mun và chim gầm ghì trắng chỉ ở Côn Đảo mới có. Những sản vật quý như tổ yến đồi mồi, vích (loại rùa biển khổng lồ có con dài tới 1,5m, nặng cả tạ), cá heo, cá mập, rau câu, rong mơ, hải sâm,… với trữ lượng đáng kể.

Côn Đảo có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Riêng đảo Côn Lôn đã có 24 bãi biển lớn nhỏ.

III. Một vài địa danh tham quan

- Dinh chúa Đảo: Trước đây là nơi ở và làm việc của các đời chúa đảo, tìm hiểu lịch sử hình thành Côn Đảo thông qua các hiện vật, cổ vật, hình ảnh và các tư liệu được lưu lại từ thời Pháp đến nay.
- Trại tù Phú Sơn, Phú Hải: Nơi ghi dấu bước chân lưu đày của hàng trăm nghìn tù nhân các thời với các truyền thuyết về Hầm Xay Lúa, phòng tra tấn mang tên Phòng Tối,.. .
- Biệt Giam Chuồng Cọp: Bao gồm 40 "chuồng giam" và 60 phòng tắm nắng (phòng giam không có mái che), nơi các hình thức tra tấn và cực hình dã man nhất được áp dụng đối với tù nhân chính trị.
- Khu biệt lập Chuồng Bò: Vốn từng là nơi chăn nuôi bò, nuôi heo với 9 phòng biệt giam, 24 hộc chứa heo, 2 chuồng nhốt bò và 1 hầm chứa phân bò. Năm 1930, Pháp biến chuồng bò thành một trại giam các tù nhân nữ. Năm 1963, để mở rộng nhà tù, Mỹ sửa 24 hộc nuôi heo thành 24 phòng giam.
- Nghĩa trang Hàng Dương
- Miếu bà Phi Yến
- Cảng Bến Đầm: Từ trung tâm thị trấn đướng sá rất tốt về bến Đầm, có những cảnh đẹp thiên nhiên như Bãi Đá Trắng, Mũi Cá Mập, Đỉnh Tình Yêu. Tại bến Đầm, từ cầu cảng, thấy vẻ đẹp hoang sơ của hòn Bà và hòn Vung cách đó không xa.
- Tắm biển bãi Nhát: Sau 4 giờ chiều, khi thủy triều xuống, bãi Nhát lộ dần với bãi cát trắng phẳng lì sóng nhẹ.
- Bãi Đầm Trầu: là bãi biển hoang sơ và đẹp như bãi biển Tân lý, Cam Bình ở Lagi Bình thuận. Cách Sân bay mấy trăm mét có lối rẽ vào Miếu Cậu nơi thờ hoàng tử Cải, con của chúa Nguyễn Ánh và bà Hoàng Phi Yến là đến bãi tắm.
- Vườn quốc gia Côn Đảo có những hệ sinh thái rừng nguyên sinh Côn Đảo với nhiều loại động thực vật quý hiếm. Khi thủy triều xuống, bơi lặn ngắm san hô tại bãi Ông Đụng.

***
Cù lao bắt nguồn từ Poulo, tiếng Mã Lai là hòn đảo. Cù Lao Côn Đảo (Poulo Condor) với Cù Lao Chàm là những điểm dừng quan trọng trên hải trình Đông Tây. Hai hòn đảo này luôn được ghi chú cẩn thận qua các câu chuyện kể cũng như các bản đồ hàng hải những thế kỷ qua.Từ xa xưa các thuyền trưởng và thủy thủ đã lưu ý đến các vùng đá ngầm và san hô của quần đảo Paracels (Hoàng Sa) Và Spartley (Trường Sa). Đi vào vùng biển đó mà gặp bảo tố, tàu rất dễ tan vỡ nếu sống sót cũng chẳng có ai cứu và tìm thấy thực phẩm. Trái lại họ biết rất rõ lộ trình dọc duyên hải Champa và Đại Việt với những lạch nước sâu, nhiều cảng sông biển có thể trú ẩn khi gặp giông bão, nơi có nhiều dân cư sinh sống, giúp đỡ khi cần thiết hoặc cung cấp nước ngọt, thực phẩm và chất đốt như củi, than đốt.

Nếu đi từ phía Nam lên phía Bắc, tức từ Malacca, các thuyền buồm hướng đến Côn Đảo rồi tiếp tục hướng Tây Bắc áp sát vùng biển từ Vũng Tàu đến Touron (Đà Nẵng). Núi Đá Bia (Varella, Vũng Rô) là một địa điểm mà ngoài khơi rất dễ thấy. Họ tiếp tục qua các đảo Cambir (Cù lao Xanh), rồi Falso Campello (Cù lao Chàm Giả, tức Cù Lao Ré) ngày nay gọi là Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi, để tiến về Cù lao Chàm thật. Tại đây họ lấy nước ngọt, thực phẩm, mua hàng hóa rồi quay mũi thuyền về hướng Đông Bắc đi Macau.

Trong hành trình Nam tiến, các triều đại phong kiến Việt Nam đã mở mang, khai thác, xây dựng và bảo vệ quần đảo Côn Lôn, thực hiện chủ quyền của mình một cách thường xuyên liên tục để biến quần đảo Côn Lôn thành một nơi trù phú.

Côn Đảo ngày nay có nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan nghỉ dưỡng mỗi ngày một đông đảo. Khung cảnh thiên nhiên lý tưởng. Đặc sản biển phong phú. Những địa danh lịch sử một thời ghi dấu chiến tranh. Có một Ngôi Chùa đang xây rất lớn lưng chừng núi. Cơ sở hạ tầng được tỉnh Bà rịa – Vũng tàu đầu tư nên rất khang trang như thị xã Bà rịa.

Tôi được biết đảo Phú Quốc đã có ngôi Nhà thờ mới, đảo Phú quý đã có giấy phép xây dựng Nhà thờ mới. Tôi hy vọng với sự đổi mới của đất nước, một ngày gần đây, giáo dân toàn cầu cũng sẽ biết đến hòn đảo xinh đẹp mang tên Cù lao Côn Lôn sẽ có một Ngôi Thánh Đường, người dân trên đảo sẽ đến cầu nguyện dâng thánh lễ và có những sinh hoạt tôn giáo bình thường như bao nhiêu nơi khác trên thế giới này.

Côn Đảo 13.7.2011
theo Vietcatholic

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

ĐAN VIỆN XITO THÁNH MẪU CHÂU SƠN ( NHO QUAN, NINH BÌNH)

Nhắc đến nhà thờ Ninh Bình, người ta hay nghĩ tới nhà thờ đá Phát Diệm, cố đô Hoa Lư, ít người biết được rằng, sâu trong các vùng hẻo lánh, còn có các nhà thờ nho nhỏ nằm dưới chân những ngọn núi



Nhà thờ (Đan viện) Châu Sơn là một trong những điểm đến ít người biết tới bởi ngôi thánh đường này nằm ẩn sâu sau trục đường chính, trong một khoảng không gian hữu tình có núi, có sông và cây cối bao quanh. Theo Kỷ yếu của Đan viện, ngôi thánh đường theo dòng Khổ Tu này được xây dựng vào năm 1939, cung hiến năm 1945 bởi sự khấn nguyện và tiền cúng của cha Phêro Trần Đức Trưởng. Hiện tại có tấm bia khắc ngay dưới chân nhà thờ ghi nhận ca ngợi công đức của cha Phêro.
Cùng tham gia xây dựng Đan viện còn có kiến trúc sư chính là một vị linh mục trong Đan viện. Cha Placiđô Trương Minh Trạch chưa từng học qua trường lớp kiến trúc hay xây dựng nhưng ông tự mình nghiên cứu và mày mò thiết kế xây dựng nhà thờ.

Ông không thiết kế cụ thể trên bản vẽ như những kiến trúc sư khác mà tất cả chỉ hình dung trong trí óc. Từng đường nét, từng viên gạch đã được hình thành dần dần trong trí tưởng tượng và ông đã chỉ bảo rất chi tiết cho những người thợ xây dựng nên. Trong cuộc đời cha Placiđô (khi đó là một vị tu sĩ trẻ), ngôi nhà thờ Châu Sơn là kiệt tác đã được ông dồn hết tâm huyết để kiến tạo nên.

Nhìn từ xa đã thấy Đan Viện giống như đang nằm dựa lưng vào núi. Với phong cách kiến trúc Gothic, lại được xây bằng gạch mộc, không hề trát vữa quét vôi như các nhà thờ hoặc các công trình khác (do những nguyên nhân khách quan) nhưng chính sự để thô, để mộc bề ngoài tạo cho nhà thờ có một vẻ đẹp khác biệt. Trông giống như một sự tối giản nhưng lại rất ấm áp sắc đỏ của gạch mộc giữa những tán cây đại thụ. Phía xa ngoài sân là tượng Chúa đứng dưới mưa nắng thời gian...



Khi được biết đây là nhà thờ của dòng Khổ Tu, tự nhiên bước chân người khách phiêu bạt bỗng bâng khuâng da diết hơn. Màu thời gian đã nhuốm phong trần, nhuốm cả màu gạch.

Ngước lên phía nóc nhà thờ có những tầng tháp nhỏ xinh xắn nhưng tỉ mỉ chi tiết, chính giữa là ngôi thập giá màu trắng sừng sững trên nền trời xanh. Bề mặt và những khung cửa sổ chính là những nét duyên dáng trang điểm cho ngôi nhà thờ những nét riêng chẳng giống nơi nào.

Bước vào trong ngôi thánh đường, phải một lúc khách mới thấy những hàng ghế nằm im lìm trong bóng tối. Phía đằng trước chính điện là Đức Chúa Giêsu với ánh sáng mờ mờ màu xanh nhạt. Ngoảnh lại phía trước cửa, chỉ thấy hé một vài tia sáng lọt qua khe cửa. Thật thú vị khi được biết rằng điểm khác biệt tại Đan viện này chính là trên mỗi khung cửa ra vào của thánh đường đều có ghi những chữ La tinh như lời nguyện tắt, nhằm giúp các vị tu sĩ hướng lòng tới đức Chúa.Người khách như đang lạc vào một thế giới khác. Thế giới của thánh đường, của những đứa trẻ mặc váy trắng muốt đang ngước mắt lên nghe lời kinh với đôi mắt màu nâu mơ màng tuyệt đẹp. Ngoài các tượng thánh còn có các bức phù điêu chân dung các thiên thần, các hoa văn quanh cửa sổ của thánh đường. Những tưởng không có ai trong ngôi thánh đường, vậy nên khách đường xa đã chợt giật mình khi thấy bóng áo trắng của vị tu sĩ trong tư thế quỳ xuống ở một góc thánh đường. Giữa hàng ghế mênh mông, trong bóng tối và Chúa ở trên cao, bóng áo trắng ấy mới nhỏ nhoi làm sao. Khách càng không dám làm kinh động nên đứng nép vào một góc.
Tuy vô tình nhưng thật hữu duyên, khách cảm thấy hạnh phúc khi được cùng lặng im, cùng đứng trong một không gian im ắng, không tiếng động, không lời kinh cầu, không tiếng.



Sau thời gian cầu nguyện trong tĩnh lặng, vị tu sĩ khoan thai bước ra khỏi thánh đường. Khách lại lặng theo sau, trong lòng đầy kính trọng cõi riêng của người linh mục.
Khách tự hỏi có nên tiếp tục công việc khám phá, hay mặc kệ cho bước chân đưa đẩy? Khách đường xa lại lạc bước tới hang Đức Mẹ Maria nằm phía sau nhà thờ, trên ngọn núi mà nhà thờ áp lưng vào. Muốn tới hang đá phải trèo lên 299 bậc cầu thang và dọc đường có rất nhiều thánh giá. Ở đây còn có nhiều ngôi mộ của các vị linh mục già mất đi được chôn cất tại đây.



Từ trên cao nhìn xuống, thấy ngôi nhà thờ thắm màu gạch nằm giữa vùng mây nước núi non cây cối um tùm mà trong lòng thầm nghĩ về những người theo dòng Khổ Tu. Khách cõi trần như học được cái sự thong dong, thong thả, lại kệ cho bước chân vô định đưa đẩy. Lúc này, trên ngọn núi bắt đầu có tiếng chuông ngân thoang thoảng và dường như vang vọng đâu đây tiếng hát sâu lắng của Khánh Du: "Gác chuông cao vời vợi/ Tiếng chuông ngân xa vời/ Tiếng chuông nói với người nỗi niềm Giáng sinh".



Chỉ dẫn tới nhà thờ Châu Sơn, dòng Khổ tu:
- Lịch trình cho 1-2 ngày
- Vị trí: Tòa thánh đường Đan viện Châu Sơn thuộc xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, cách rừng Quốc gia Cúc Phương 17km, cách Tòa Giám mục Phát Diệm 70km, cách Hà Nội 97km.
- Điều đặc biệt: Nơi này luôn mở rộng cửa cho những người muốn tĩnh tâm.
- Điểm đến kết hợp: Nên kết hợp tới nhà thờ Châu Sơn cùng các điểm đến khác của Ninh Bình - nơi vốn được coi là một trong những trung tâm du lịch của đồng bằng Bắc Bộ. Nhà thơ Cao Bá Quát đã từng viết về Ninh Bình: "Sông tựa dải là cô gái đẹp/ Núi như chén ốc khách làng say/ Trăng non gió mát kho vô tận/ Chỉ sợ nhà thơ mãi ở đây".
- Ẩm thực: Nếu là khách du lịch, hãy nên thưởng thức chớ bỏ quên các món được coi là đặc sản của Ninh Bình như thịt dê, cơm cháy, rượu Kim Sơn...



Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm

Nói tới giáo phận Phát Diệm người ta thường nhớ tới những tên tuổi đã đi vào lịch sử, như Cụ Sáu Trần Lục, đức cha Nguyễn Bá Tòng, đức cha Lê Hữu Từ...và đặc biệt là quần thể nhà thờ Phát Diệm, một công trình kiến trúc được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, từ lâu đã thu hút rất đông khách thập phương tới chiêm ngưỡng. Nhưng Phát Diệm không phải chỉ có thế. Phát Diệm còn có biết bao người khác, tuy không được nhắc tên, nhưng trong dòng thời gian đã âm thầm góp phần không nhỏ kiến tạo lên Phát Diệm và làm cho giáo phận tiếp tục phát triển. Trong số những con người âm thầm đó phải kể tới các nữ tu Mến Thánh Giá Phát Diệm.

SƠ LƯỢC LỊCH SỬ HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ PHÁT DIỆM

Năm 1901, khi giáo phận Phát Diệm được thành lập, Dòng Mến Thánh Giá đã có 3 nhà; các nhà đều đứng biệt lập, sống như những Tu hội và chỉ có lời khấn tư: Nhà Bạch Cát (Bạch Liên) thành lập năm 1749, nhà Phúc Nhạc thành lập năm 1788, nhà Thành Đức thuộc xứ Cách Tâm thành lập năm 1823 (1).

Năm 1902, một năm sau khi giáo phận được thành lập, đức cha Alexandre Marcou Thành đã cho 9 chị từ nhà Phúc Nhạc xuống Phát Diệm lập nhà mới tại xã Lưu Phương (bên cạnh giáo xứ chính tòa Phát Diệm) (2). Kể từ đó, Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm được khai sinh và nhà Lưu Phương này chính thức trở thành nhà mẹ của Hội Dòng.

Năm 1912, thành lập nhà tập. Năm 1916, đức cha Marcou Thành trao cho cha Louis de Cooman Hành, Tổng Đại Diện Giáo Phận Phát Diệm (sau sẽ làm Giám Mục Phó giáo phận Phát Diệm), quyền coi sóc Hội Dòng.

Với trách nhiệm mới, đức cha de Cooman Hành bắt đầu cải tổ Hội Dòng: Thống nhất các cộng đoàn trong giáo phận, soạn hiến pháp mới và quy định việc khấn dòng theo giáo luật (1917), sửa đổi tu phục: nữ tu mặc áo dài đen, đầu đội lúp đen, đeo Thánh Giá trước ngực, sửa đổi tên gọi các chức vụ cho thích hợp với dòng tu: Bà Mẹ: Bề Trên chung cho cả Hội Dòng trong giáo phận, Bà Nhì: Phụ Tá của Bà Mẹ, Tổng Quản Lý: Chị giữ việc; tại các cộng đoàn nhỏ: Bà đứng đầu gọi là Bà Nhất, Chị Cai gọi là Quản Lý.

Hai đức cha giáo phận chuẩn bị cho các nữ tu thực sự đi vào tinh thần đời sống thánh hiến bằng một thời gian dài học hỏi, tập sống đời tu và thực hành các lời khấn theo giáo luật. Ngày 02 tháng 02 năm 1925 các ngài đã long trọng chủ sự lễ khấn tạm lần đầu cho 61 nữ tu tại Lưu Phương, Phát Diệm. Đây là lễ khấn tạm lần thứ I của các nữ tu Mến Thánh Giá trên đất nước Việt Nam theo giáo luật mới được ban hành năm 1917 (3), sau 255 năm (1670-1925) kể từ khi đức cha Phêrô Maria Lambert de La Motte nhận lời khấn của hai nữ tu A-nê và Pao-la tại Phố Hiến (Hưng Yên ngày nay) ngày 19 tháng 02 năm 1670 (4). Sáu năm sau, ngày 01 tháng 02 năm 1931, 61 nữ tu này đã tuyên khấn trọn đời và đây cũng là một biến cố lịch sử quan trong: lần đầu tiên các nữ tu mến Thánh Giá khấn trọn đời tại Việt Nam.

Năm 1932, giáo phận Thanh Hoá được tách rời từ giáo phận Phát Diệm, Hội Dòng Mến Thánh Giá cũng được tách đôi. Các cộng đoàn nằm trong lãnh thổ giáo phận Thanh Hoá thuộc về Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hoá (5).

Trong tinh thần chia sẻ ơn Chúa, năm 1942 các nữ tu Mến Thánh Giá Phát Diệm đã giúp cải tổ Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá. Năm 1946: giúp thành lập Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi (Bùi Chu). Năm 1951: giúp cải tổ Dòng Mến Thánh Giá Bùi Chu, sau đổi thành Dòng Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương (6).

Ngay từ khi bắt đầu thành lập (1902) Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm vẫn không ngừng phát triển. Vào năm 1954 Hội Dòng có 191 nữ tu đã khấn, 25 tập sinh, 17 đệ tử và 14 cộng đoàn hoạt động trong 14 giáo xứ của giáo phận Phát Diệm: Cộng đoàn Bạch Liên thiết lập 1749, Phúc Nhạc 1788, Cách Tâm (Thành Đức) 1823, Phát Diệm (Lưu Phương) 1902, Ninh Bình 1919, Văn Hải 1927, Khiết Kỷ 1937, Hướng Đạo 1938, Tôn Đạo 1940, Vô Hốt 1940, Dưỡng Điềm 1940, Quyết Bình 1950 (7), Như Tân 1952 và Tân Khẩn 1953.

CHIA LY VÀ TANG TÓC

Sau Hiệp định Genève chia đôi lãnh thổ ngày 02 tháng 7 năm 1954, diễn ra cuộc di cư vĩ đại từ miền Bắc vào miền Nam, cuốn hút theo Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm. Ngày 11 tháng 07 năm 1954, cùng với đức cha Lê Hữu Từ và đa số linh mục Phát Diệm, khoảng 183 nữ tu, gồm cả khấn sinh, tập sinh và đệ tử di cư vào Nam. Những tưởng đây là cuộc lánh nạn tạm thời, ngờ đâu đó là cuộc ra đi không hẹn ngày về. Chỉ còn 30 nữ tu đã lớn tuổi ở lại miền Bắc, chia nhau trông coi 9 nhà, còn 4 nhà phải đóng cửa vì không có người ở (8).

Và thử thách dồn dập xẩy tới. Bà mẹ bề trên A-nê Nguyễn Thị Toàn bị bắt đi tù cải tạo 3 năm (1954-1957), nữ tu Vũ Thị Sáng bị tù 2 năm (1961-1963). Năm 1956 nhà nước tịch thu hoàn toàn nhà cửa và đất đai của các cộng đoàn Bạch Liên, Phúc Nhạc, Ninh Bình, Văn Hải, Khiết Kỷ, Tôn Đạo, Vô Hốt, Dưỡng Điềm, Quyết Bình, Như Tân và Tân Khẩn. Chỉ còn lại 3 cộng đoàn: Lưu Phương (bị chiếm một phần đất), Thành Đức và Hướng Đạo. Cả ba cộng đoàn đều bị kiểm soát thường xuyên ngày cũng như đêm.

Năm 1957, Bà A-nê Nguyễn Thị Toàn trở về sau 3 năm tù. Mặc dầu gặp muôn vàn cản trở, nhưng với sự hỗ trợ của đức cha Bùi Chu Tạo và quý cha, Hội Dòng đã nhận 30 thỉnh sinh, chia làm 3 lớp đào tạo trong những năm 1958, 1959 và 1960. Ngày 01 tháng 01 năm 1963 Đức cha Bùi Chu Tạo nhận lời khấn tạm của 30 tập sinh này (9).

Năm 1966-1967, viện lí do chiến sự, chính quyền đã buộc 12 nữ tu phải về gia đình (đợt một). Nhưng ý Chúa nhiệm mầu, trong thời gian này giáo phận đang thiếu linh mục trầm trọng, rất cần người phục vụ các xứ đạo. Vì thế, các nữ tu trở thành những trợ tá rất đắc lực trong công việc mục vụ tại các giáo xứ: Tân Khẩn (3 nữ tu), Trì Chính (2 nữ tu), Mông Hưu (2 nữ tu), Phương Thượng (2 nữ tu), Cồn Thoi (1 nữ tu), Phát Diệm (1 nữ tu), Dưỡng Điềm (1 nữ tu) (10).

Rồi tang tóc đau thương đã đổ xuống. Ngày 11 tháng 03 năm 1968, 6 quả bom đã rơi trúng khu vực nhà mẹ Lưu Phương làm tan nát 24 nóc nhà, trong đó có nhà nguyện, nhà tập và nhà đệ tử, chỉ còn sót lại nhà hội chung và một tháp chuông, chôn vùi luôn mẹ bề trên A-nê Nguyễn Thị Toàn và 4 nữ tu khác (3 chị mới khấn tạm). Ngày 20 tháng 03 năm 1968 chính quyền lại ra lệnh cho 10 nữ tu trẻ phải về gia đình (đợt hai), trừ lại 3 chị lớn tuổi và 3 cô hộ tu mù, què (11). Nhà mẹ lúc này trở nên điêu tàn, hoang vắng. Đức cha Bùi Chu Tạo xót xa, cám cảnh và tỏ lòng quan tâm đặc biệt tới những người con đau khổ. Cứ mỗi 3 tháng ngài gọi các chị về Nhà chung để tĩnh tâm, an ủi và nâng đỡ tinh thần các chị. Rồi mỗi năm đức cha cho khấn tạm lại; khi nào hoàn cảnh cho phép thì khấn chung, lúc khó khăn thì khấn tư.

Trong số 30 chị đã khấn tạm năm 1963, 3 chị chết vì trúng bom, 3 chị khác chết vì bệnh, 2 chị chuyển hướng, còn lại 22 chị. Năm 1973, đức cha làm đơn xin chính quyền cho các nữ tu đã phải về nhà đợt một vào năm 1966-1967 (còn lại 10 trong số 12) được trở lại nhà dòng. Các chị tiếp tục nhận ơn gọi và xây dựng lại Hội Dòng. Không ai trong số 22 nữ tu này đã khấn trọn đời (11)

DẤU HIỆU HỒI SINH

Năm 1991 hoàn cảnh xã hội có chút đổi thay, các nữ tu phải về nhà đợt hai (1968), được trở lại nhà dòng. Với sự giúp đỡ của đức cha Bùi Chu Tạo, nữ tu An-na Đinh Thị Hiền được gửi vào Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp (gốc Phát Diệm di cư), để làm kì chuẩn bị khấn trọn đời theo giáo luật, và chị đã khấn trọn đời tại đây ngày 12 tháng 06 năm 1991. Sau đó chị trở về Phát Diệm nhận trách nhiệm Đại Diện. Ngày 14 tháng 09 năm 1991, bà Đại Diện An-na Hiền đã nhận lời khấn cho 7 chị cùng lớp tại nhà nguyện toà giám mục Phát Diệm (vì nhà nguyện của Hội Dòng đã bị bom tàn phá). Ngày 24.10.1991 một số ơn gọi mới được gửi vào nhà mẹ Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp để được huấn luyện ở các lớp đệ tử (1 năm), tiền tập viện (1 năm) và tập viện (2 năm), vì lúc này Hội Dòng tại miền Bắc còn thiếu thốn nhiều mặt, nhất là chưa có đủ nhân sự.

Cùng năm này, với sự giúp đỡ của đức cha Bùi Chu Tạo, một nhà nguyện tạm thời được cất lên trên chính nền nhà nguyện cũ đã bị bom tàn phá. Thánh lễ khánh thành nhà nguyện được tổ chức ngày 01 tháng 01 năm 1992. Tại nhà nguyện này, ngày 14.9.1992, đức cha Bùi Chu Tạo đã chủ sự lễ khấn trọn đời cho 8 chị còn lại, sau 29 năm khấn tạm (1963-1992), một kỷ lục chờ đợi, vượt ra ngoài qui định tối đa 9 năm theo giáo luật.(13).

Năm 1993, Hội Dòng tái thiết khu trường đệ tử cho tập sinh ở. Và từ đó dần dần tái thiết các nhà khác, cũng như tái lập các cộng đoàn mà ngày trước đã bị đóng cửa. Lớp khấn lần đầu ngày 11 tháng 08 năm 1995, sau 32 năm kể từ lớp khấn năm 1963, đã khởi sắc lại sức sống trẻ của Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm. Từ đó đến nay, hằng năm vẫn có đều đặn các lớp tiếp nối vào nhà thử, nhà tập, khấn tạm, và khấn trọn.

SỐ CỘNG ĐOÀN VÀ NHÂN SỰ

Mặc dầu trải qua bao gian khổ, Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm vẫn tồn tại và tiếp tục phát triển. Hiện nay Hội Dòng đã có 14 Cộng đoàn, và số nhân sự mỗi năm gia tăng.

1991 - Tổng số: 22 nữ tu
• khấn trọn: 8
• khấn tạm: 14
• tập sinh: không có
4.9.2009 – Tổng số: 293 nữ tu, 14 cộng đoàn.
• khấn trọn: 81
• khấn tạm: 92
• tập sinh: 33
• tiền tập sinh: 49
• đệ tử: 58

BỀ TRÊN ĐƯƠNG NHIỆM

Bà Tổng Phụ Trách Maria Phan Thị Mai

ĐỊA CHỈ:

Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm,
Xóm 5, Lưu Phương, Kim Sơn, Ninh Bình, Việt Nam.
ĐT. 0084-303-862321

CÁC HOẠT ĐỘNG HIỆN NAY CỦA HỘI DÒNG.

1. Phục vụ theo nhu cầu giáo hội địa phương: Dậy giáo lý trẻ em tại các giáo xứ; phụ trách ca đoàn; phục vụ phòng thánh; đem Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân tại nhà, cũng như giúp họ trong những giờ sau hết; khuyên bảo, giúp đỡ những gia đình mắc rối và những người sống xa lìa Thiên Chúa; thăm viếng các bệnh nhân ở các bệnh viện và các gia đình nghèo khó, cô đơn…

2. Hoạt động giáo dục: mở ba trường mầm non tư thục từ thiện tại ba cộng đoàn Lưu Phương, Cách Tâm và Hướng Đạo để nuôi dạy các cháu thuộc gia đình nghèo.

3. Hoạt động y tế: Mở một trung tâm khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền dân tộc tại nhà mẹ Lưu Phương để giúp đỡ các bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo.

4. Ngoài ra, các nữ tu làm vườn, làm ruộng (số ruộng trên 50 mẫu trước biến cố chia đôi đất nước năm 1954 đã bị tịch thu, chỉ còn lại 2 mẫu !), làm thêu, làm may, dệt chiếu, làm bánh lễ, nuôi heo, gà, vịt. Số thu nhập rất khiêm tốn, không đủ nuôi sống các nữ tu, Hội Dòng buộc lòng phải xin gia đình các em mới nhập tu đóng góp trong 3 năm đầu, mỗi năm khoảng 50 Mỹ kim. Tất cả các dự án tốn kém chỉ có thể thực hiện nhờ hảo tâm của những tấm lòng quảng đại.

Hiện có 20 nữ tu học y khoa và sư phạm giáo dục tại Hà Nội, 2 nữ tu học thần học và tu đức tại Roma, 7 nữ tu học thần học tại trung tâm huấn luyện Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam tại sài Gòn, 2 nữ tu học y tá tại Mỹ. Trong tương lai dự định mở trung tâm nhận và săn sóc các người khuyết tật và bệnh nhân tâm thần, mở lớp dậy Anh ngữ và vi tính cho học sinh nghèo và mở thêm nhà mầm non cho con em thuộc gia đình nghèo (chi phí bằng một nửa so với các nhà mầm non của chính quyền)…


























Nguồn: gpphatdiem