Thứ Năm, 25 tháng 2, 2010

Công Nghị Hồng Y sắp tới sẽ có tân Hồng Y Việt Nam không?

Như trong bài trước chúng tôi đã có dịp trình bày, hiện có đến 30 Tòa Hồng Y đang trống do các vị Hồng Y khắp thế giới qua đời trong những năm gần đây, mà chưa có một Công Nghị mới để bổ sung các tân chức kể từ năm 2007, Công Nghị tấn phong Hồng Y sau cùng cho tới giờ, đã 3 năm.

Từ trước đến nay, Hà Nội đã có truyền thống là Tòa Hồng Y, và vị nào ngồi vào chiếc ghế Tổng Giám Mục thủ đô thì nghiễm nhiên sẽ có tương lai được phong làm Hồng Y, chỉ là vấn đề thời gian sớm hay muộn. Sẽ cực kỳ khó, nếu không muốn nói là gần như không thể, để thay đổi một Tòa vốn truyền thống có Hồng Y trở lại thành một tòa bình thường. Điển hình như Giáo phận Mainz (nước Đức), nơi đây từ nhiều năm đã là Tòa Hồng Y dù Mainz chỉ là một giáo phận trực thuộc TGP Freiburg im Breisgau.

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến việc Hà Nội với vị thế là Thủ đô một nước có cộng đồng Công giáo lớn thứ hai tại Đông Nam Á, chỉ sau Philippines, nên xứng đáng có một Tòa Hồng Y.

Khác với Hà Nội, Sài Gòn chỉ mới có Hồng Y từ năm 2003 nhờ nhiều yếu tố như tăng trưởng hàng giáo sĩ, giáo dân và tốc độ phát triển kinh tế dẫn đầu cả nước cũng tập trung ở khu vực phía Nam mà thủ phủ là Sài Gòn, và đặc biệt là hoàn cảnh rất phức tạp vào thời điểm 2003 đang khi đương kiêm ĐHY Phạm Đình Tụng đã đến tuổi hồi hưu và sức khoẻ lại không được khả quan, thêm vào đó sự phát triển và tăng tiến về mọi mặt -- khi so sánh giữa hai miền Bắc và Nam -- vẫn còn có những mức không đồng đều, ngay cả về con số linh mục, tu sĩ và giáo dân thì trong Nam vẫn đông hơn miền Bắc nhiều, đấy là chưa nói tới sự khác biệt về cách thế nhập thế và hội nhập ảnh hưởng từ các trào lưu, văn hóa, tài liệu... do sự tiếp cận gần gũi hơn với thế giới bên ngoài mang lại. Thế nên việc có thêm một vị hồng y ở tại Miền Nam trong thời điểm đó là một giải pháp tuyệt vời như một món quà tặng vô giá từ Vatican hầu tiếp tục tiến trình hiệp thông, trao đổi và hiện đại hóa trong chính lòng Giáo hội tại Việt Nam.

Còn Huế thì có lẽ chưa đủ tầm “chiến lược” để được vinh dự có một vị Giáo chủ áo đỏ đàng khác nếu có một Tòa hồng y nữa thì cho Việt Nam thì không biết sẽ phải nói sao với các quốc gia lân cận hay các quốc gia có dân số Công giáo ngang hàng với Việt Nam mà từ trước tới nay cũng chỉ có một Tòa hồng y.

Hà Nội, trung tâm chính trị của cả nước, thế nên giả như khi mà Việt Nam có ngoại giao với Vatican thì Tòa Thánh sẽ đặt Tòa Sứ Thần ở nơi này. Nên Tòa Tổng giám mục Hà Nội dĩ nhiên luôn là ưu tiên cao nhất nếu Đức Giáo Hoàng tính đến chuyện bổ nhiệm một Hồng Y cho Việt Nam thay cho Đức cố Hồng Y Phạm Đình Tụng.

Có nhiều dư luận thắc mắc tại sao Đức cha Ngô Quang Kiệt đã về làm Tổng Giám Mục Hà Nội từ năm 2005, và trước đó nữa làm Giám quản thủ đô từ 2003, thậm chí khi đó chưa có những căng thẳng với chính quyền và Đức Giáo Hoàng đã triệu tập 3 Công Nghị trong suốt thời gian này để bổ nhiệm các tân Hồng Y như Công Nghị tháng 10-2003, Công Nghị tháng 03-2006 và Công Nghị gần đây nhất vào tháng 11-2007, nhưng Đức TGM Ngô Quang Kiệt vẫn chưa được chọn để lãnh mũ đỏ?

Cần một lý giải

Thắc mắc trên có thể phần nào giải tỏa khi người ta nhìn vào trường hợp tương tự ở Tổng Giáo Phận Washington D.C., thủ đô Hoa Kỳ, nơi đây đang được coi sóc bởi Đức TGM Donald William Wuerl từ năm 2006, nhưng Công Nghị Hồng Y lần trước cũng bỏ qua việc nâng TGM Wuerl lên tước vị Hoàng Tử Giáo Hội. Phải chăng vì ĐHY Theodore Edgar McCarrick (nguyên TGM Washington) vẫn còn sống? Rồi TGP Los Angeles (Hoa Kỳ) cũng tương tự như vậy nhưng đi lùi hơn một chút về quá khứ, khi Đức TGM Roger Michael Mahony lên cai quản giáo phận này năm 1985 thì vị nguyên TGM Los Angeles lúc ấy là Đức cố Hồng Y Timothy Manning vẫn còn sống, và trải qua 2 Công Nghị năm 1985 và 1988 nhưng Đức cha Mahony vẫn chỉ là Tổng Giám Mục. Mãi cho đến khi Hồng Y Manning qua đời năm 1989 thì Công Nghị năm 1991 mới đưa TGM Mahony lên tước Hồng Y. Tuy vậy, dường như đây vẫn chưa phải là câu trả lời thỏa đáng, vì cùng một lúc, một TGP lớn vẫn có thể có 2 Hồng Y, ví dụ như Philadelphia (Hoa Kỳ) do ĐHY Justin Francis Rigali dẫn dắt và vị nguyên TGM nơi đây vẫn còn sống là ĐHY Anthony Joseph Bevilacqua. Nhưng quả thực, trường hợp một giáo phận có đến 2 Hồng Y như Philadelphia thì cả thế giới chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Một lý luận khác đó là Việt Nam khó có thể có 3 Hồng Y trong nước cùng một thời điểm (nếu giả sử như Đức cha Kiệt được vinh thăng Hồng Y khi vừa làm TGM Hà Nội và lúc ấy ĐHY Tụng còn sống). Nhưng, với sự qua đi của ĐHY Phạm Đình Tụng đầu năm 2009, Việt Nam chỉ còn 1 Hồng Y ở Sài Gòn, và từ đó đến nay chưa có Công Nghị tấn phong tân Hồng Y nào, nên trong Công Nghị sắp tới, hoàn toàn có thể lạc quan về việc Đức TGM Ngô Quang Kiệt được vinh thăng, để giữ số Hồng Y ở Việt Nam tại mức độ “ổn định”.

Thế nào là mức độ “ổn định”? Nếu trong nước, xét theo tình hình Việt Nam, cùng lúc có 2 Hồng Y ở hai đầu Bắc - Nam thì như thế là vừa phải, nếu Bắc 2 - Nam 1 hoặc Nam 2 - Bắc 1 thì như vậy là không “cân đối”. Có lúc Việt Nam đã có 3 Hồng Y, nhưng đó là trường hợp đặc biệt vì ĐHY Nguyễn Văn Thuận ở Rôma chứ không ở quê nhà. Giờ đây Việt Nam chỉ còn 1 Hồng Y duy nhất (chưa tính đến thế ưu tiên Hà Nội truyền thống là Tòa Hồng Y), nên có thể xem việc này là sự “mất cân đối”, mở đường cho Đức TGM Ngô Quang Kiệt trở thành Hoàng Tử Giáo Hội với cơ hội cao hơn bao giờ hết.

Một số nước ở Châu Á khác vẫn “ghen tị” vì Việt Nam có số người Công giáo không cao hơn nước họ, nhưng trong quá khứ đã có những lúc Việt Nam nhiều Hồng Y hơn họ xét theo tỷ lệ giáo dân.

Theo Niên Giám Tòa Thánh số liệu mới nhất, tại Á châu, Philippines có số người Công giáo đứng đầu, vào khoảng 73 triệu, chiếm 80% dân số nước này, nhưng hiện chỉ có 3 Hồng Y, và cả 3 vị này đều quá cao tuổi. Tiếp đó, nước xếp thứ nhì châu Á là Ấn Độ, với khoảng 17 triệu người Công giáo so với hơn 1.1 tỷ toàn dân số, và Ấn Độ có 7 Hồng Y đang còn sống, trong đó 3 vị đã nghỉ hưu. Kế nữa là Indonesia với khoảng 7.2 triệu người Công giáo trên tổng số 240 triệu dân, và chỉ có 1 Hồng Y đang giữ chức TGM Jakarta. Việt Nam xếp thứ tư châu Á với khoảng 6.5 triệu người Công giáo so với hơn 88 triệu dân (chiếm khoảng 7.3%), và chỉ còn 1 Hồng Y giữ chức TGM Sàigòn.

Nếu so với toàn châu Á thì số dân Công giáo của Việt Nam đứng thứ 4 sau Philippines, Ấn Độ, Indonesia; và đứng thứ ba Đông Nam Á sau Philippines, Indonesia. Nhưng nếu gộp chung khoảng 1 triệu người Công giáo Việt Nam tại hải ngoại nữa thì Việt Nam xếp thứ 3 châu Á sau Philippines, Ấn Độ; và đứng thứ nhì khu vực Đông Nam Á chỉ sau Philippines.

Như vậy, yếu tố Hà Nội có truyền thống là Tòa Hồng Y cộng thêm sự mất “cân đối” giữa Hồng Y hai miền Bắc - Nam là một viễn tượng về tân Hồng Y tại Hà Nội đã rất gần.

Thêm vào đó, Hồng Y Đoàn trên thế giới hiện nay tuyệt đại đa số các vị đều đã hơn tuổi 60, chỉ duy nhất có ĐHY Péter Erdõ (sinh: 25-06-1952) của Hungary là 57 tuổi và ĐHY Philippe Xavier Ignace Barbarin (sinh: 17-10-1950) của Lyon (Pháp) năm nay 59 tuổi. Hồng Y Đoàn cần một vài vị trẻ trung dưới tuổi 60, như đợt ĐHY Péter Erdõ được vinh thăng tại Công Nghị 2003 ở tuổi 51 và bây giờ vẫn là Hồng Y trẻ nhất thế giới. Tính về yếu tố tuổi tác, Đức TGM Ngô Quang Kiệt (sinh: 04-09-1952) của Hà Nội, Việt Nam cũng sẽ là một trong những ứng cử viên sáng giá nhất cho mũ đỏ Hồng Y, vì ngài cùng tuổi với ĐHY trẻ nhất hiện nay. Hơn nữa, các gương mặt nắm giữ những vị trí quan trọng tại Giáo triều, được báo chí “điểm danh” sẽ lãnh mũ Hồng Y vào đợt tới, đều đã trên 60 tuổi. Còn những TGP lớn trên thế giới như New York của TGM Timothy Dolan (60 tuổi), Washington D.C của TGM Donald Wuerl (69 tuổi) cũng như các vị Tổng Giám Mục đang giữ một số Tòa Hồng Y trống cần điền khuyết đều đã trên tuổi 60, ngoại trừ Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt của Hà Nội. Như vậy, trong hơn 30 ứng viên có thể (hoặc chắc chắn) làm Hồng Y sắp tới, Việt Nam góp được một vị trẻ tuổi nhất.

Viễn tượng Rôma

Hiện tại trong tuần này Đức TGM Ngô Quang Kiệt đang nghỉ dưỡng sức tại Dòng Châu Sơn. Trong những tháng ngày qua hầu như mỗi đêm Ngài chỉ ngủ được vài tiếng đồng hồ, do vậy nó ảnh hưởng rất nhiều tới sức khoẻ và sinh hoạt của Ngài. Về căn nguyên bệnh lý và cách chữa trị tại Việt Nam hiện tại còn chưa đủ phương tiện nghiệm xét, do vậy có lẽ trong vòng thời gian rất gần, có thể Ngài sẽ qua Roma để nghỉ ngơi và điều trị dứt căn bệnh mất ngủ. Một số vị chức trách thẩm quyền rất quan tâm tới sức khỏe cho Ngài và đó là ưu tiên hàng đầu trong lúc này. Việc quyết định đi chữa trị bệnh là hoàn toàn do Đức Tổng Hà Nội tự định đoạt và nếu một khi quyết định được đưa ra thì mọi thành phần Dân Chúa Việt Nam cũng như Tòa Thánh sẽ hết lòng ủng hộ và cầu nguyện cho Ngài.

Trước viễn tượng có thể Đức Tổng Giám Mục Hà Nội sẽ đi Roma chữa bệnh, một số người sẽ thắc mắc liệu rồi đây việc ra đi như vậy có thể là chuyến đi với vé máy bay một chiều hay không? Việc đi chữa bệnh và viễn tượng về chiếc mũ hồng y cho Tòa Giám Mục Hà Nội sẽ bị ảnh hưởng ra sao? Chính quyền Hà Nội có làm áp lực được gì với Tòa Thánh hay không? Có cần can thiệp và vận động hành lang gì hay không?

Ngày họp mặt sinh viên giáo phận Bà Rịa

BÀ RỊA, 18-02-2010 -- Nhân dịp đầu năm Canh Dần 2010, Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm - Giám mục Giáo phận Bà Rịa - đã quy tụ các bạn sinh viên của toàn giáo phận lại bên nhau tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu, thành phố Vũng Tàu để họp mặt mừng năm mới. Dịp này cũng là cơ hội để các bạn trẻ sống xa nhà chúc tết Đức Giám Mục giáo phận và cùng nhau thảo luận, trao đổi những vấn đề của đời sống sinh viên. Đây là lần thứ hai các bạn trẻ sinh viên của giáo phận quy tụ bên nhau. Lần đầu tiên là vào tháng 5-2009.

Ngày họp mặt sinh viên giáo phận Bà Rịa lần này diễn ra xoay quanh chủ đề: "Bạn là ai? Bạn đang làm gì?"

Họp Mặt - Chúc Xuân

Sáng ngày Mùng 5 Tết (18-02-2010), 1223 sinh viên của giáo phận Bà Rịa đã tề tựu về Nhà Thờ Mẹ Thiên Chúa thuộc Trung Tâm Hành Hương Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu để tham dự cuộc họp mặt chung do Đức cha và các linh mục trong ban sinh viên giáo phận tổ chức.

Từ 8h đến 8h30 sáng, các đoàn sinh viên đến từ mọi giáo xứ trong giáo phận tập trung ở phần sân dưới để ghi danh, lấy số thứ tự. Sau đó, các bạn được tiếp đón tại lối đi lên Đền Thánh và được giúp ổn định chỗ ngồi theo giáo hạt trên nhà thờ. Một đoạn phim về cuộc đời Chúa Giêsu cũng được trình chiếu.

Từ 8h30 đến 8h45, linh mục Lê Quang Tấn và các anh linh hoạt viên trong ban sinh viên giáo phận đã cho 1223 sinh viên chơi một số trò tập thể và đố vui có thưởng.

Từ 8h45 đến 9h45 là phần thuyết trình về Năm Thánh 2010 với sự hướng dẫn của hai linh mục Tấn và Tiến. Các bạn sinh viên được chia sẻ, và nêu lên những đóng góp trong khả năng của mình như thế nào cho Giáo hội trong Năm Thánh này. Cuối những chia sẻ của các bạn, linh mục đặc trách đã giúp giới sinh viên tổng kết ý nghĩa về mầu nhiệm Năm Thánh 2010 và mời gọi các bạn: "Đừng hỏi Giáo hội đã làm gì cho ta, nhưng hãy tự hỏi ta đã làm gì cho Giáo hội hôm nay?"

Đúng 9h52 phút, Đức Giám Mục giáo phận Tôma Nguyễn Văn Trâm đã tiến vào nhà thờ trong tiếng vỗ tay của các bạn trẻ. Đại diện toàn thể sinh viên đã có lời chúc xuân Đức cha và cha phụ trách tổng quát sinh viên giáo phận, các lãng hoa tươi thắm được dâng lên như sự bày tỏ tình cảm của những người con đi học xa nhà dành cho vị mục tử.

Huấn dụ

Trong phần đáp từ, Đức cha Nguyễn Văn Trâm đã huấn dụ và trao đổi với các bạn sinh viên về một xã hội tiêu thụ, thực dụng, vật chất, một xã hội đầy những mưu toán cá nhân và lòng thù hận, một xã hội cần nhiều lòng quảng đại và phục vụ. Ngài mời gọi các bạn sinh viên chịu chấp nhận thua thiệt khi không sống gian trá, tôi đòi theo những xu hướng và nhịp sống đương đại. Đức Giám Mục giáo phận cũng kêu gọi các bạn sinh viên phải ý thức trau rèn cho mình cái nhìn biện phân, biết phân biệt đâu là thật giả và trá hình của những điều dữ, hấp dẫn và đam mê sa đọa ẩn mình dưới sự thánh thiện trong xã hội.

Đức cha Tôma mạnh dạn và tha thiết trình bày phương thế khả dĩ mà các bạn trẻ sinh viên có thể sống để làm chứng cho Chúa Kitô trong thế giới hôm nay. Vị Giám mục 68 tuổi của Bà Rịa gợi lại cuộc họp mặt đức tin của các bạn trẻ Công giáo trên toàn thế giới quy tụ bên Đức Thánh Cha Benedict XVI tại Đại hội Giới trẻ Thế giới 2008 tại Sydney, Australia. Đâu đó qua lời vị cha chung giáo phận Bà Rịa, các bạn sinh viên như nghe âm vang lại những lời của Đức Giáo Hoàng nói tại Sydney: “Các con có đang sống đời mình trong một cách thế mở ra không gian cho Thánh Thần Chúa giữa lòng một thế giới muốn quên đi Thiên Chúa, hay thậm chí phủ nhận Ngài dựa trên một cảm nhận sai lầm về tự do?! Các con để lại cho thế hệ tương lai di sản nào? Các con tạo nên được sự khác biệt nào? Trong lòng nhiều người sống trong xã hội chúng ta, bên cạnh sự thịnh vượng vật chất là sự lan rộng của sa mạc tâm linh, một sự trống rỗng nội tâm, nỗi sợ không tên và...một cảm thức lặng lẽ của tuyệt vọng.”

Đồng hồ điểm 10h30 cũng là lúc bài huấn dụ cho các sinh viên được khép lại, Đức Giám Mục giáo phận và đoàn đồng tế gồm các linh mục đặc trách sinh viên ở các giáo hạt thay phẩm phục để tiến lên bàn thờ trong điệu nhạc trầm hùng của bài "Tiến Vào Thánh Cung". Linh mục Giuse Nguyễn Công Luận đọc bài Tin Mừng theo Thánh Luca. Trong bài giảng lễ, Đức cha Tôma lại một lần nữa nhấn mạnh về cuộc sống chứng nhân mà mỗi sinh viên phải thực hành trong cuộc sống mỗi ngày, các bạn phải "vác thập giá mình hằng ngày mà theo Thầy" vì chưng "được lời lãi cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống, thì được ích gì?". Ngài tha thiết mong các bạn sinh viên đừng sợ cho người khác biết mình là Kitô hữu; nhưng ngược lại phải mạnh dạn bày tỏ niềm tin ấy, như các bạn trẻ đã thay nhau vác Thập Giá trong ngày thứ sáu của các kỳ Đại hội Giới trẻ Thế giới.

Đức cha Tôma lập lại lời của Đấng Đáng Kính Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: "Giáo hội cần những chứng nhân hơn là thầy dạy". Ngài mời gọi các bạn sinh viên làm chứng nhân đích thực cho Tin Mừng của Chúa. Vì người Á châu có xu hướng tự nhiên dễ bị thuyết phục bởi gương sáng hơn là bởi lập luận thuần lý, nên người Kitô hữu, mà ở đây là các bạn sinh viên, phải trình diện với người anh em của mình, không phải như những vị thầy, mà là như những chứng nhân, hay tốt nhất như những vị thầy đồng thời là chứng nhân.

Giao lưu và Chia sẻ

Thánh lễ kết thúc vào lúc 11h15 trong cái nắng xuân gay gắt kèm theo những làn gió biển nhẹ tràn về.

Các bạn sinh viên được hướng dẫn di chuyển từ khu vực nhà thờ xuống nhà vòm để dùng cơm trưa và giao lưu văn nghệ.

Buổi giao lưu của các bạn trẻ đầy ắp không khí vui tươi và tràn ngập tiếng cười trong sự điều khiển dí dỏm, hài hước và không ít phần tinh nghịch của anh Minh phụ trách sinh viên.

Phần giao lưu ca hát được các bạn trẻ đến từ nhiều giáo xứ thể hiện trong sự cổ vũ nồng nhiệt của các khán giả đồng trang lứa, và sự góp mặt đặc biệt của linh mục Giuse Nguyễn Công Luận. Vị linh mục trẻ mới được thụ phong vào 06-2009 đã trình bày hai nhạc phẩm do chính mình sáng tác với chất giọng trầm ấm, khỏe khoắn.

Nhiều phần quà đã được trao trong phần rút thăm trúng thưởng và xổ số lô tô do...giáo phận Bà Rịa "tài trợ".

Sau phần cơm trưa do Đức Giám Mục khoản đãi, 1223 sinh viên quy tụ trong ngày hội được hướng dẫn trở lên nhà thờ để cùng nhau chia sẻ và thảo luận theo nhóm từng giáo hạt về đời sống sinh viên và những hỗ trợ mục vụ mà các bạn cần có khi phải ở xa nhà, dưới sự hướng dẫn của các linh mục đặc trách sinh viên từng giáo hạt.

Tổng kết và Bế mạc

Chiều đến cũng là thời điểm mà ngày họp mặt sinh viên kết thúc. Các bạn được cha phụ trách sinh viên giáo phận đúc kết lại nội dung của những buổi sinh hoạt bắt đầu từ sáng.

Kế đến là những khoảnh khắc bình yên khi các bạn trẻ được thinh lặng trong cầu nguyện để tìm gặp và trò chuyện với Giêsu - Thầy Chí Thánh.

Mọi người trao cho nhau những lời chúc xuân đầy tâm tình trước khi chia tay ra về. Thay mặt các mục tử trong giáo phận, cha phụ trách sinh viên đã chúc toàn thể các bạn sinh viên Bà Rịa có một mùa xuân hạnh phúc và một năm mới thành công với những hoài bão, ước vọng không tàn lụi.

Chia tay và Tái ngộ

Buổi gặp gỡ nào cũng tới lúc chia tay, cuộc vui nào cũng đến hồi kết thúc. Trong tâm tình ấy, các bạn sinh viên vui vẻ chào nhau để lên đường trở về hành trình sống thường nhật của mình. Trở về nhưng các bạn được sai đi và nhận lời mời gọi ra khơi thả lưới trong niềm vui sống chứng nhân Tin Mừng, làm muối ướp đời, làm men thấm đất, làm ánh sáng chiếu soi gian trần...trong chính giảng đường đại học, cao đẳng mà các bạn đang theo học. Để từ đời sống ấy, các bạn lôi cuốn được những sinh viên chưa tin nhận Giêsu có một cái nhìn tích cực và muốn tìm hiểu về Hội Thánh Chúa.

Đức Giám Mục và các linh mục đặc trách sinh viên của giáo phận mong muốn mỗi cuộc họp mặt về sau thì số lượng các bạn sinh viên tham dự ngày càng đông với cả lòng nhiệt thành và hăng say. Cuộc quy tụ lần này tuy có đến 1223 bạn tham dự (gấp gần 3 lần so với cuộc gặp mặt đầu tiên vào năm ngoái, khoảng gần 500 bạn) nhưng cũng mới chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số các sinh viên Công giáo Giáo phận Bà Rịa. Ước ao những cuộc gặp gỡ lần sau sẽ có nhiều hơn nữa số lượng sinh viên của giáo phận tham gia, để cùng nhau chúng ta chia sẻ, giao lưu và nâng đỡ nhau cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần.

Trước khi chia tay và trong buổi thảo luận, các linh mục đặc trách đã đưa cho các bạn sinh viên thông tin liên lạc của mình để các bạn tiện liên hệ trong trường hợp cần hỏi. Nhóm trưởng, phụ tá trưởng nhóm về vấn đề thông tin sinh viên cho từng giáo xứ và các giáo hạt cũng đã được lập. Những người này có trách nhiệm giữ liên lạc thông suốt cho nhóm mình và là cầu nối nối kết các sinh viên, thông báo những thông tin cần thiết để các bạn nắm.

Chia tay ra về nhưng các bạn trẻ vui mừng vì sẽ được tái ngộ một ngày gần đây. Các bạn ra đi nhưng lòng vẫn ở lại trong nhau, trong Thánh Thần.

Thông tin - Liên hệ

Cha phụ trách sinh viên đã thông báo thời điểm họp mặt từ nay về sau cho giới sinh viên giáo phận Bà Rịa.

- Sinh viên thuộc Giáo phận Bà Rịa và sinh viên thuộc các giáo phận khác trên toàn quốc đang học tập tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ gặp nhau vào Chúa nhật thứ nhất của các tháng lẻ (tháng 1, 3, 5, 7, 9, 11) tại Giáo xứ Gioan Baotixita (Địa chỉ: Số 01 Trần Bình Trọng, Phường 8, Thành phố Vũng Tàu). Cuộc gặp gỡ tiếp theo của nhóm này sẽ diễn ra vào lúc 17h thứ bảy ngày 01-05-2010. Có thể trong tương lai nhóm này sẽ họp mặt ở Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu (đường Trần Phú, Vũng Tàu) để thuận tiện hơn cho việc đi lại.

Những bạn nào chưa có cơ hội tham dự "Đại hội" Sinh viên Giáo phận Bà Rịa kỳ vừa rồi và cũng chưa biết rõ các thông tin mà các bạn cho là cần thì có thể liên hệ cha đặc trách sau đây:

- Linh mục Đaminh Vũ Duy Hùng (Chánh xứ Hải Sơn, đặc trách sinh viên Long Hương, Giáo phận Bà Rịa) - Số điện thoại: 0919.353.896 - Email: domivuduyhung@yahoo.com

- Sinh viên thuộc Giáo phận Bà Rịa và sinh viên thuộc các giáo phận khác trên toàn quốc đang học tập tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ gặp nhau vào Chúa nhật thứ nhất của các tháng lẻ (tháng 1, 3, 5, 7, 9, 11) tại Giáo xứ Gioan Baotixita (Địa chỉ: 01 Trần Bình Trọng, Phường 8, Thành phố Vũng Tàu). Cuộc gặp gỡ tiếp theo của nhóm này sẽ diễn ra vào lúc 17h thứ bảy ngày 01-05-2010. Có thể trong tương lai nhóm này sẽ họp mặt ở Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu (đường Trần Phú, Vũng Tàu) để thuận tiện hơn cho việc đi lại.

Những bạn nào chưa có cơ hội tham dự "Đại hội" Sinh viên Giáo phận Bà Rịa kỳ vừa rồi và cũng chưa biết rõ các thông tin mà các bạn cho là cần thì có thể liên hệ cha đặc trách sau đây:

- Linh mục Đaminh Vũ Duy Hùng (Chánh xứ Hải Sơn, đặc trách sinh viên Long Hương, Giáo phận Bà Rịa) - Số điện thoại: 0919.353.896 - Email: domivuduyhung@yahoo.com

Peter Nguyễn Minh Trung

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2010

Thư Mục vụ Mùa Chay 2010 của Đức Giám mục giáo phận Bà Rịa



THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY NĂM THÁNH 2010
HOÁN CẢI VÀ HOÀ GIẢI

Bà Rịa, ngày 02 tháng 02 năm 2010
Kính gởi : Quý Cha
Quý Tu sĩ nam nữ, các Chủng sinh
và Anh Chị Em tín hữu
Giáo phận Bà Rịa
Anh Chị Em thân mến,
Năm nay, chúng ta bước vào Mùa Chay trong hồng ân ngập tràn của Năm Thánh. Chặng đường bốn mươi ngày chay tịnh và cầu nguyện sẽ đưa chúng ta đến với Đức Kitô, Đấng đã yêu thương chúng ta đến cùng, Đấng đã chết và sống lại để giao hoà chúng ta với Thiên Chúa. Trong Mùa Chay Năm Thánh này, tôi xin gửi đến quý Cha và anh chị em đôi điều suy tư về lời mời gọi muốn đưa chúng ta quay về với Chúa để hoán cải trong tâm tình yêu mến, và hướng đến anh chị em chung quanh để hoà giải trong bác ái thứ tha, để được sống mãi trong tình hiệp thông với Chúa và với mọi người.
1. Hoán cải
Cuộc Khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu đã cho chúng ta nhận ra tình yêu vô biên của Chúa Cha, Đấng đã yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban chính Con Một của mình, và khi chịu treo trên Thánh Giá, Đấng Cứu Thế đã muốn kéo tất cả chúng ta lên cao với Người (x. Ga 12,32), để đưa chúng ta quay về với Thiên Chúa Tình yêu. Đường Mùa Chay phải là con đường hoán cải, đường thống hối của những người con quyết định đứng lên trở về với lòng Cha nhân hậu đang mòn mỏi đợi chờ. Dụ ngôn người con hoang đàng là lời Chúa dạy về một hoán cải thực sự. Từ trong vũng lầy của đau khổ và bị khinh miệt, anh hồi tâm và nhận ra cha anh vẫn thương anh như cha đang thương những người làm công, anh nhận ra tội của anh là làm tổn thương đến tình cha, anh nhận ra tội lỗi của anh là hậu quả của việc chối bỏ tình cha. Anh trỗi dậy vì anh muốn dứt khoát với tội, với hiện trạng tội lỗi và nhất định trở về với cha.
Anh trở về vì xác tín cha anh vẫn thương anh và tha thứ cho anh. Chúa là Cha giàu lòng nhân ái luôn chờ đợi chúng ta là tội nhân. Hãy hồi tâm, hãy đứng dậy, hãy trở về với cha để được ơn tha thứ tội lỗi và hoán cải đời sống. Hơn nữa Chúa đang đợi chờ tất cả chúng ta, không chỉ để tha thứ và ban lại nhẫn đẹp áo mới của ân sủng cho những đứa con hoang đàng hư hỏng, mà còn để dạy dỗ cách thế yêu thương trọn vẹn cho những ai nghĩ mình vẫn đang thảo hiếu ngoan hiền, nhưng không phải như vậy, như người anh cả ganh tỵ vì cha đối xử tốt với em (x. Lc 15,11-31).
Như thế, ai trong chúng ta cũng cần hoán cải, và việc hoán cải phải bắt đầu từ trái tim của chúng ta. Vì thiếu lửa yêu mến, nên trái tim có khi đang nguội lạnh dần trong các việc đạo đức thường làm theo thói quen, hay vì quên lãng tình yêu, nên trái tim có thể đã trở thành chai đá trên nẻo đường tội lỗi. Mùa Chay chính là thời gian thuận lợi để tất cả chúng ta quay trở về với tình yêu Thiên Chúa. Hãy nhìn lên Thánh Giá để hiểu rõ Chúa đã yêu chúng ta thế nào, đồng thời cũng để biết chúng ta phải yêu Chúa sao cho cân xứng. Từ trái tim đã được hoán cải, chúng ta sẽ tích cực đổi mới tư tưởng, lời nói, việc làm theo ý Chúa, sẽ biến những điều quyết tâm và những lời dốc lòng trở thành hiện thực trong cách sống thường ngày.
Khởi đầu Mùa Chay Thánh, Giáo Hội đã nhắc nhở chúng ta không chỉ xức tro như một nghi thức bên ngoài, nhưng hãy khiêm nhường “thống hối và tin vào Tin Mừng”, “hãy xé lòng chứ đừng xé áo” để thành tâm tránh xa lỗi lầm sai phạm. Và trong suốt Mùa Chay, chúng ta được khích lệ gia tăng những hy sinh hãm mình và sốt sắng cầu nguyện, vì đây là những phương thế bên ngoài rất hữu hiệu để có được sức mạnh cho cuộc hoán cải thật sự từ bên trong.
Vì thế, mỗi người hãy chân thành nhìn lại bản thân, để từ đó chuyên chăm thực hành thêm một đôi việc đạo đức, dùng ý chí nghị lực để sửa đổi một vài tật xấu và chừa bỏ những lỗi lầm quen phạm.
2. Hoà giải
Được mời gọi hoán cải để trở về với Thiên Chúa Tình yêu, chúng ta cũng được thúc đẩy để hoà giải với mọi người. Cây Thánh Giá không những là ân sủng tuyệt vời nhất để giao hoà chúng ta với Thiên Chúa, đó còn là cảm nghiệm tế nhị nhất đòi buộc chúng ta phải sống yêu thương với những người chung quanh, phải xoá tan những xung khắc hận thù, đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng, chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn, nhưng phải yêu thương tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta trong Đức Kitô (x. Ep 2, 16; 4, 26-32). Hoà giải cũng là trách nhiệm của mỗi người chúng ta đối với gia đình, xóm làng, hội đoàn hay giáo xứ, những nơi mà tình hiệp thông có khi vẫn chưa trọn vẹn vì còn bất hoà chia rẽ, hoặc do sai lỗi thiếu sót hoặc chỉ bởi thành kiến hay hiểu lầm.
Việc hoà giải cũng phải khởi sự từ trong trái tim người kitô hữu. Chính tình yêu và mối ưu tư hiệp thông sẽ xây dựng nên những nhịp cầu hoà giải. Trước tiên chúng ta muốn học với Đức Kitô hiền lành và khiêm nhường, Đấng đã thinh lặng và tha thứ trước những sỉ nhục, xúc phạm trong suốt cả quãng đường khổ nạn thập giá. Chúng ta cũng muốn thực hiện điều mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã khởi đầu trong ngày khai mạc Năm Thánh, đó là can đảm và khiêm nhường nói lên lời xin lỗi vì đã bao lần vô tình hay cố ý xúc phạm đến nhau, chưa đối xử với nhau như lời Chúa dạy: chủ chăn xin lỗi con chiên, giáo dân xin lỗi linh mục, bề trên xin lỗi bề dưới, bề dưới xin lỗi bề trên, vợ chồng con cái và thành viên cộng đoàn xin lỗi về những gì đã làm buồn lòng nhau.
Xin cho đức ái theo Tin Mừng giúp chúng ta biết mau chóng trở về làm hoà với người anh em đang có chuyện bất bình với mình, sẵn sàng tha thứ dù phải đến bảy mươi lần bảy, cũng như biết sống nhẫn nhục bao dung, không nóng nảy giận hờn, không tự ái ích kỷ, không nuôi hận thù, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả (x. Mt 18, 21-35; 1Cr 13, 1-13).
3. Sống Mùa Chay hoán cải và hoà giải
Trong ơn phúc tràn đầy của Năm Thánh và với tâm tình sốt sắng của Mùa Chay, tất cả chúng ta hãy dành nhiều hy sinh và lời cầu nguyện cho việc hoán cải và hoà giải nơi mỗi cá nhân, gia đình, thôn xóm, giáo xứ và giáo họ trong giáo phận.
Đặc biệt, tại các cộng đoàn tu sĩ, các giới, các hội đoàn trong các giáo xứ giáo họ, nên thực hiện cách hữu ích các giờ chia sẻ kinh nghiệm hoà giải, cử hành nghi thức thống hối chung trước khi lãnh nhận bí tích giao hoà.
Anh Chị Em thân mến,
Mầu nhiệm Vượt Qua đòi hỏi chúng ta phải đóng đinh con người cũ, phải chết đi cho tội lỗi để cùng sống lại với Đức Kitô trong đời sống mới. Nguyện xin tình yêu từ Thánh Giá Chúa Kitô nên sức mạnh cho quyết tâm hoán cải và hoà giải của mỗi người chúng ta, để từ đó nối kết tất cả chúng ta trong tình hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa và với mọi người.
Thân mến chào Anh Chị Em.
+ Tôma NGUYỄN VĂN TRÂM
Giám mục giáo phận Bà Rịa