Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

Mỹ: Phương châm "In God We Trust: Chúng tôi tín thác vào Chúa” được tái khẳng định

Nguồn gốc của phương châm này

ROMA - Tuần trước, Hạ viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết tái khẳng định việc sử dụng phương châm của Mỹ "Chúng tôi tín thác vào Chúa” (In God We Trust), được in trên tất cả các tờ giấy bạc của ngân hàng quốc gia.

Các dân biểu Hạ Viện Mỹ, nơi đảng Cộng hòa chiếm đa số, đã thông qua nghị quyết với 396 phiếu thuận và 9 phiếu chống, theo nhật báo L'Osservatore Romano của Toà thánh.

Bản văn, do nữ dân biều Cộng hoà Virginia Randy Forbes đề xuất, "ủng hộ và cổ vũ việc trưng công khai phương châm này, trong các trường học, các tổ chức và các trụ sở công cộng".

Một năm trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, biện pháp này không khỏi tạo ra thêm các cuộc tranh cãi mới giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.

Đảng Dân chủ đã chỉ trích mạnh mẽ sáng kiến này của Đảng Cộng hòa, mà họ xét là vô ích, - nhật báo L'Osservatore Romano bình luận. Theo họ, sáng kiến này là việc lãng phí thời giờ cho Quốc Hội, khi Quốc hội Mỹ cần quan tâm đến nhiều vấn đề cấp thiết hơn.

Nadeam Elsham, phát ngôn viên của thủ lĩnh đảng Dân chủ trong Hạ viện Nancy Pelosi, nói mỉa mai: “Theo tin mới nhất, phương châm “Chúng tôi tín thác vào Chúa” (In God We Trust) là phương châm của Mỹ được chọn vào năm 1956".

Đó là sự xác nhận phương châm, vốn xuất hiện trên các đồng bạc xanh của Mỹ kể từ cuộc nội chiến năm 1861. Và sau sự xác nhận phương châm hồi năm 1956, phương châm lại được khẳng định lần nữa bởi một đạo luật năm 2002, vốn ngăn cấm bất kỳ sự thay đổi nào trong qui định trước đó. Và rồi cách đây năm năm, năm 2006, Thượng viện đã tái khẳng định phương châm.

Ngoài mọi cuộc tranh cãi, các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa cho rằng nghị quyết, vốn kêu gọi một sự tín thác vào Chúa, có thể là một vectơ "của ‘hy vọng và sự cảm hứng’ cho dân Mỹ, trong thời kỳ có các khó khăn kinh tế lớn", nguồn tin kết luận. (Zenit.org 8-11-2011)

Nguyễn Trọng Đa

Tháng Các Linh Hồn – Suy Gẫm Và Ưu Tư

Chuyện kể rằng có một vị thương gia giàu có và đạo đức kia đột ngột qua đời và sau đó trình diện trước mặt Chúa. Ông ta tỏ vẻ buồn rầu và phàn nàn với Chúa. “Lạy Chúa, con không phàn nàn về chuyện Chúa gọi con đi. Nhưng con chỉ bực mình Chúa là sao Ngài không báo cho con biết trước để con có thể chuẩn bị hậu sự và trăn trối vài điều với vợ con của con”. Chúa ôn tồn trả lời với vị thương gia ấy rằng : “Con ơi, Ta đã thông báo với con nhiều lần mà con đâu có nghe!”. Vị thương gia khó chịu hỏi Chúa : “Ngài nói là đã thông báo với con! Làm gì có chuyện đó, sao con không biết!”. Chúa lại từ tốn đáp lời : “Lần thứ nhất, Ta báo với con là lúc con tổ chức sinh nhật lần thứ 50 với đông đủ gia đình, người thân. Lúc đó, mọi người chúc mừng con sống lâu trăm tuổi và gặp nhiều may mắn. Tại sao lúc đó con không biết chuẩn bị cho tương lai mình vì con biết rằng đời sống trên trần gian này chỉ là tạm bợ? Lần thứ hai Ta đã cảnh báo cho con khi con gặp một tai nạn. Vậy mà con cũng đâu có quan tâm gì đến chuyện đó. Và lần cuối cùng là năm vừa qua khi con bị cơn đột quỵ nhưng gặp thầy, gặp thuốc nên con đã bình phục nhanh chóng. Sao con không lo chuẩn bị trước cho cuộc sống vĩnh cửu mà bây giờ con lại vội trách Ta?”. Vị thương gia chợt hiểu ra và thôi không dám phàn nàn với Chúa nữa.

Tháng 11, đối với người Công giáo, đó là tháng nhớ về những người đã khuất, về những bậc tổ tiên, ông bà cha mẹ, còn được gọi là Tháng Các Linh Hồn. Đây cũng là tháng để nhắc nhở những người đang sống biết lo và nghĩ đến hậu sự của mình, đừng để nước đến chân rồi mới chạy rồi lại phàn nàn như vị thương gia giàu có vừa kể trên.

Ngày Chúa Nhật vừa qua tôi sau khi dâng lễ tại họ đạo tôi phụ trách vào buổi sáng. Buổi chiều tôi dâng lễ cho giới trẻ tại một giáo xứ của Dòng. Người ta báo cho tôi là bà thủ quỹ của giáo xứ vừa bị tai nạn giao thông cùng với người cha, người em và con trai của bà. Tất cả đều thiệt mạng. Tai nạn thảm khốc đã cướp đi sinh mạng của 4 người trong cùng một gia đình. Cả giáo xứ người nào cũng có bộ mặt như đưa đám khiến tôi cũng không khỏi mủi lòng. Trong bài chia sẻ Tin Mừng Chúa Nhật XXXII thường nhiên A hôm ấy thật trùng hợp với nỗi ưu tư lo lắng của những người tham dự, tôi đã chia sẻ về sứ điệp mà Chúa Giê-su đã cảnh báo : “Vậy anh em hãy biết canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào” (Mt 25, 13).

Tôi còn nhớ những ngày ở Việt Nam khi tham dự các nghi thức tiễn biệt người quá cố, ca đoàn thường tấu lên bài hát được phổ từ Thánh Vịnh 102 nghe thật buồn : “Đời sống con người giống như hoa cỏ. Như bông hoa nở trên cánh đồng. Một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi. Nơi nó mọc không còn mang vết tích…” (TV 102).

Thật vậy, con người luôn mong muốn được sống lâu trăm tuổi, được cải tử hoàn sinh nhưng không ai thoát khỏi cái chết dù điều đó không ai thật sự mong muốn. Bản án Chúa đã ghi: mọi người đều phải chết. Thánh Âu-tinh từng nói: “Mọi sự dầu hay, hay dở, đều không chắc chắn, chỉ sự chết là chắc chắn sẽ xảy đến.” Người Hồi giáo cũng có một câu kinh để nhắc nhở mọi người về sự chết : “Tất cả mỗi người đều phải nếm cái chết, cái chết là vị khách bước vào nhà của mỗi người dù lớn hay nhỏ, dù giàu hay nghèo... cũng không cần phải xin phép gia chủ…”. Bởi thế cuộc sống thật mong manh, mỏng dòn nhưng sao con người cứ mải mê thế sự mà không biết chuẩn bị cho hậu sự để rồi cái ngày oan nghiệt xảy đến với mình thì mình trở tay không kịp!

Người Công giáo có Tháng Các Linh Hồn để nhớ về những người đã khuất và cầu nguyện đặc biệt cho họ. Người Phật giáo có tháng Xóa Tội Vong Thân mà cao điểm là ngày Rằm Tháng Bảy âm lịch. Hồi còn nhỏ tôi có được xem bộ phim “Mục Liên Thanh Đề” hay “Mục Liên tìm mẹ”, một phim truyện Phật giáo thật hay nhưng lúc đó trí khôn của tuổi thơ tôi chẳng hiểu được bao nhiêu. Sau này có thời gian tìm hiểu, tôi mới biết được nhân vật Mục Liên, hay còn gọi là Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ vì mẹ của Mục Liên kiếp trước đã từng gây nhiều nghiệp ác. Dù Bồ tát Mục Kiền Liên rất thần thông quảng đại nhưng không đủ sức cứu mẹ mình khỏi ngạ quỷ nên Đức Phật mới khuyên Mục Liên là hãy biết hợp lực các chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Và cũng từ đó, ngày lễ Vu-lan ra đời vào rằm tháng 7 hàng năm như là dịp để chúng sanh báo hiếu cha mẹ.

Tôi được sinh ra trong một gia đình mà bên nội là Công giáo còn bên ngoại là Phật giáo. Cũng vì điều đó mà tôi phải cố gắng tìm hiểu để không làm phật lòng hai bên nội ngoại vào những dịp tang lễ và cúng kiếng. Tôi còn nhớ có lần về thăm nhà tổ bên ngoại để ăn giỗ, vị trưởng tộc mà tôi gọi bằng Cậu ruột sau khi cúng bái đã gọi tôi thắp hương cho ông ngoại. Má tôi đứng đó xem tôi phản ứng thế nào vì lúc ấy tôi đã là một tu sĩ Công giáo. Tôi đã không ngần ngại thắp nén hương cho ông ngoại mình. Sau khi khấn vái cho ông ngoại tôi xong, vị trưởng tộc đã vỗ vai tôi bốp bốp và nói với tôi rằng ông cứ tưởng là những người Công giáo ăn đồ mặn, đặc biệt là những người đi tu quên mất nguồn cội tổ tiên, nhưng giờ đây ông không còn thành kiến đó nữa. Tôi có giải thích với ông Cậu tôi rằng người Công giáo chẳng những không quên tổ tiên, những người đã khuất mà còn giành riêng một tháng để cầu nguyện cho họ nữa dù họ không cúng kiếng như người Phật giáo.

Trước đây, ông Cậu trưởng tộc của tôi luôn tỏ ra là người nghiêm khắc và độc đoán. Ngay cả Má tối cũng không dám tự tiện nói chuyện hay đôi co gì với ông vì Má đã phạm phải sai lầm là theo đạo Công giáo, và theo gia đình phía ngoại của tôi thì Má tôi đã can tội bất hiếu. Nhiều lần Má tôi muốn nói muốn giải thích cho phía bên ngoại nhưng chẳng ai chịu nghe. Tuy nhiên, ngày hôm ấy tôi đã đại diện cho Má tôi để tranh luận cách bình đẳng và sòng phẳng với những bậc trưởng thượng phía bên ngoại tôi về những khuất mắt và hiểu lầm giữa đôi bên. Cũng từ đó, ông Cậu trưởng tộc và những người phía bên ngoại tôi dần dần hiểu ra và quí mến người Công giáo hơn. Má tôi cũng được dịp lên nước để bào chữa những gì mà lâu nay bà không được nói ra.

Tôi muốn nói lên điều này vì Việt Nam và các nước vùng châu Á có một nền văn hóa rất đặc sắc mà hiếm Châu lục nào có được. Bởi thế, nếu mà chúng ta không tìm hiểu, không cảm thông thì rất dễ rơi vào thành kiến hay kết án. Tôi là người đang nghiên cứu văn hóa và rất thích về nhân chủng học, là khoa học nghiên cứu về con người. Ngày nay người ta dùng nhiều hạn từ như hội nhập, ứng nhập văn hóa hay là tương tác văn hóa đế ám chỉ đến việc thích ứng với nền văn hóa mà mình đang sống và hoàn chỉnh nền văn hóa đó. Tôi đang sống ở một đất nước mà văn hóa cũng như phong tục tập quán hoàn toàn khác biệt với nơi chôn nhau, cắt rốn của mình nên phải cố gắng để hòa mình vào nền văn hóa này nhưng không đánh mất đi văn hóa của dân tộc mình. Nhiều lúc tôi cũng cảm thấy hơi shock về cách sống và cách hành xử văn hóa nơi mà mình đang sống vì nó chưa hoàn toàn thuộc về mình. Một cú shock văn hóa nhiều khi cũng tạo cho mình nhưng trăn trở, âu lo.

Tôi không phải là người quá đam mê âm nhạc nhưng lại rất thích các nhạc phẩm của nhạc sĩ họ Trịnh về triết lí sống của ông. Những ngày này tôi thường nghe bài hát “Trở về cát bụi” để suy gẫm thêm về cái điều mà không ai muốn nói đến-Sự chết : “Sống trên đời này người giàu sang cũng như người nghèo khó. Trời đã ban cho ta cám ơn trời dù sống thương đau. Mai kia chết rồi trở về cát bụi giàu khó như nhau. Nào ai biết trước số phận ngày sau ông trời sẽ trao…”. Tôi cũng như bao người luôn mong được sống lâu trăm tuổi và gặt hái nhiều thành công nhưng tôi cũng cần phải học biết một điều quan trọng hơn là chuẩn bị cho hậu sự của mình.

Paraguay, ngày 7 tháng 11 năm 2011,

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

Thánh Martinô Porres -Bạn thân của người nghèo khổ và của loài vật vô tri. (1579-1639)


Martinô Porres sinh ngày 09-12-1579 tại thành phố Lima, nước Peru, Nam Mỹ châu. Trong sổ Rửa tội tại Lima còn ghi "Martinô, con trai người cha ẩn danh". Thật ra cha của cậu là Gioan Porres, một người gốc Tây Ban Nha sau làm thị trưởng tại Panama. Ông không nhận con khi thấy nó là con lai da mầu. Do đó, suốt nhiều năm, Martinô phải sống cảnh nghèo với người mẹ không hôn thú, bà Anna Velasquez, một phụ nữ da đen. Tuy nhiên, xã hội Nam Mỹ "lai căng" thời đó chẳng những không làm cho cậu đau khổ, mà còn giúp cậu đạt tới đức khiêm hạ hơn, đây là đặc tính nổi bật nhất đời cậu.

Mẹ con cậu Martinô tuy nghèo, nhưng lại rộng lòng bác ái với những người cùng cảnh ngộ. Một hôm bà mẹ gọi hai anh em Martinô và Gioanna, trao cho mấy đồng xu và sai chúng ra chợ mua rau. Bà đã cặn kẽ bảo em giữ tiền cẩn thận đi thẳng đến chợ, không nên nhìn hai bên đường. Vì bà nghĩ nếu con mình thấy kẻ nghèo khó thì sẽ thương mà tặng cho họ những đồng tiền mẹ con đang cần cho bữa tối nay. Hai anh em vâng dạ và mau mắn ra đi. Đang đi, mắt cô em đã bắt gặp người ăn xin mặc đồ rách rưới bên kia đường. Ý nghĩ là sẽ không nói, nhưng tự nhiên cô bé bật miệng kêu "Kìa!" Thế là Martinô nhìn theo em.

Nghĩ đến lời mẹ căn dặn, hai anh em đã cố gắng đi tiếp. Nhưng cậu lại nghĩ chắc mẹ cũng không nỡ để người hành khất này chết đói. Thế là hai anh em quay lại bên người hành khất, cậu lấy tiền ra và nói: "Nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, ông hãy cầm lấy số tiền này!" Ông nhận quà, miệng rối rít cám ơn và xin Chúa chúc lành cho hai em. Thế là hết tiền, hai anh em đâm lo, không biết phải nói với mẹ làm sao. Vừa tới ngang nhà thờ chính toà thành Lima, hai anh em liền vào, lên tận bao lơn cung thánh. Quỳ ở đó, Martinô đã cất lời cầu nguyện: "Lạy Chúa Giêsu yêu dấu, xin ban của ăn cho chúng con. Con mới cho người hành khất số tiền duy nhất của mẹ con rồi. Chúng con không còn gì cho bữa tối nay. Xin Chúa đừng để mẹ con buồn giận chúng con. Cám ơn Chúa!" Em Gioanna thưa: "Amen".

Martinô và Gioanna đứng dậy, bái Chúa rồi ra về, lòng đầy tin cậy Chúa biết rõ những gì gia đình các em cần. Vừa thấy hai con, bà không thấy chúng cầm gì thì biết ngay chúng đã gặp ai và hành động thế nào rồi. Bà cũng suy nghĩ có đánh, có la mắng chúng lúc này cũng chẳng ích gì. Vả lại, bà cũng từng bảo các con phải thương giúp người nghèo. Bà quay vào và liên tưởng đến người chồng, với lời cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin cho ba tụi nhỏ sớm nghĩ lại, để chúng con có của nuôi thân, và có thể làm phúc cho cả những người nghèo nữa!"

Khi Martinô được 8 tuổi, tức năm 1587, ông Gioan Porres, một sĩ quan Tây Ban Nha, đã hồi tâm và trở về chăm sóc mẹ con bà Anna Velasquez. Ông đã đem hai con gửi trọ học ở nhà ông chú tên là Giacôbê tại Equador. Ở đây các em được chú thương yêu và thuê người giám hộ tốt để dạy về chữ nghĩa và đức tính. Martinô là cậu học sinh ngoan và thông minh. Sau hai năm, cha cậu để Gioanna ở lại tiếp tục học, còn Martinô, ông bắt về ở bên mẹ tại Lima. Ông căn dặn Martinô: "Con phải học nghề hớt tóc. Cha hy vọng con sẽ cố gắng học, và cố gắng trở nên người Công giáo tốt". Martinô đã vâng lời cha và cố gắng học cũng như sống đạo tốt.

Thời đó và trong hoàn cảnh sống tại Lima, thợ hớt tóc đồng thời cũng là "thầy lang". Họ phải học biết các kiến thức y học phổ thông, như biết bắt mạch chẩn bệnh, biết băng bó vết thương, biết chữa các bệnh cảm cúm, sốt rét, biết nắn khớp xương và pha thuốc. Martinô rất thích nghề này. Cậu thưa với mẹ: "Mẹ ơi, tập nghề hớt tóc là một nghề cao cả, mẹ ạ. Học nghề này con có thể giúp đỡ những người nghèo khó được nhiều, mẹ nhỉ!" Mẹ cậu khích lệ con: "Martinô, con là một đứa trẻ tốt. Xin Chúa chúc lành và luôn gìn giữ con tốt mãi như vậy!" Martinô thưa lại: "Thưa mẹ, đó là điều con hằng cầu nguyện mỗi sáng trong Thánh lễ, và Chúa đã giúp con. Ngài biến đổi con, giúp con học nghề này cho đạt kết quả tốt".

Sau hai năm học nghề, lúc 12 tuổi, Martinô vui vẻ và hăng say hành nghề. Mỗi sáng, cậu tham dự Thánh lễ, có khi giúp lễ, nhiều bao nhiêu có thể, tại nhà thờ Thánh Ladarô. Sau đó, mang đồ nghề đi rảo quanh khắp xóm dân nghèo, tới đến với những người già yếu, tàn tật để săn sóc bệnh tật cho họ mà không lấy công. Nhiều đêm cậu cũng phải thức để chăm sóc các con bệnh đang cần đến cậu. Nhất là những người hấp hối cần cậu ở bên khích lệ họ tin tưởng vào Chúa, và giúp họ dâng lên Ngài những bệnh tật đau khổ.

Năm lên 15, Martinô xin mẹ dẫn đến tu viện Mân Côi của các cha Dòng Đaminh tại Lima để xin đi tu. Tuy mẹ mong muốn con làm linh mục hay ít là làm thầy Dòng, nhưng Martinô xin mẹ ưng thuận để cậu chỉ xin làm người giúp việc trong Dòng mà thôi. Bà hỏi con: "Tại sao con không muốn làm linh mục hoặc thầy Dòng, mà lại chỉ muốn làm người giúp việc thôi?" Cậu thưa: "Vì con không muốn trở nên người quan trọng. Con chỉ muốn chu toàn những việc tầm thường vì yêu mến Chúa. Xin mẹ vui lòng chấp nhận ước nguyện của con!" Bà quyết định: "Được rồi, xin Chúa chúc lành cho con; còn trong tu viện, con muốn ở bậc nào tùy ý con chọn, mẹ chỉ xin con nhớ cầu nguyện cho mẹ". Trước đây cha Tu viện trưởng cũng đã nhiều lần nghe biết về cậu Martinô, nên người đã ưng nhận. Thế là Martinô được gia nhập tu viện, mang y phục người giúp việc trong Dòng Đaminh. Cậu cảm thấy mình đã được thuộc trọn về Chúa và Đức Mẹ.

Trong bậc giúp việc, Martinô đảm nhận nhiều công tác, như hớt tóc, coi nhà giặt, phụ trách phòng y tế. Martinô rất vui trong việc phục vụ tha nhân. Bệnh nhân đầu tiên trong Dòng mà Martinô săn sóc, đó là Cha Phêrô. Một chân cha bị thương và lại bị nhiễm trùng, cần phải giải phẫu và cưa chân để cứu sinh mạng. Vì quá đau nên Cha Phêrô có phần bất nhẫn. Tới bữa, Martinô dọn một đĩa rau tươi với những trái ôliu thật ngon mang tới Cha. Đến phòng, Martinô gõ cửa. Có tiếng từ trong đáp ra: "Đi chỗ khác, để cho tôi yên!"

Bất kể tiếng la quát cứng cỏi của Cha, cậu cứ điềm tĩnh đẩy cửa bước vào. Với giọng săn sóc cậu hỏi: "Cha Phêrô ơi, Cha có thích dùng chút rau tươi tuyệt ngon này không?"

Cha Phêrô mở to đôi mắt ngạc nhiên: "Sao lại không? Tôi đang thèm rau tươi đây. Sao cậu đoán được ý tôi?" Cha Phêrô ngồi dậy và dùng một cách ngon lành, "Cám ơn Martinô nhé!" Cậu mỉm cười thưa: "Bây giờ để con thay băng cho Cha nhé?" Cha cũng mỉm cười đồng ý.

Thế là vừa thay băng Martinô vừa nói với Cha, "Thưa Cha, chắc Cha tin rằng Chúa sẽ chữa lành vết thương của Cha chứ?" "Martinô, con hãy cầu nguyện, để Chúa chữa lành vết thương của Cha! Còn Cha, dù có chết Cha cũng không muốn giải phẫu!"

Vừa ra khỏi phòng Cha Phêrô, Martinô lên ngay nhà nguyện, quỳ cầu nguyện trước Nhà Tạm: "Lạy Chúa chí ái, xin chữa lành chân Cha Phêrô. Chúa đã từng chữa nhiều người khác, xin Chúa cũng chữa ngài. Chẳng có gì mà Chúa không làm được. Con tin Chúa". Tối hôm đó, khi Martinô trở lại thăm Cha Phêrô, cậu đã thấy Cha đang đi đi lại lại trong phòng! Vừa thấy cậu, Cha kêu lên: "Martinô, Martinô! con đã chữa lành vết thương của Cha rồi! Cha không biết phải cám ơn con thế nào. Con rời khỏi đây chừng nửa giờ, thì chỗ bị sưng xẹp xuống và cơn đau cũng biến mất. Con vừa làm một phép lạ đó!" Martôn thưa lại, "Xin Cha đừng nói như vậy, con chỉ thay băng cho Cha thôi, chính Chúa mới làm cho vết thương Cha lành". "Đúng rồi, nhưng nếu con không cầu nguyện, chắc chân Cha cũng chưa khỏi!

Không những Martinô hết lòng thương yêu giúp đỡ mọi người, cậu còn săn sóc và bảo vệ sự sống của các con vật nữa. Các chú chim đến với cậu để kiếm ăn, các con mèo hoang cũng vậy. Cậu luôn dự trữ sẵn đồ ăn cho chúng. Một hôm, đàn chuột cắn đồ lễ tại Cung thánh, thầy phụ trách đã trình Cha Bề trên và xin để cậu Martinô diệt chúng. Đứng trước việc này, Martinô nghĩ không thể giết hại chúng, cậu bèn cầu nguyện, rồi đi lên phòng thánh. Vừa bắt gặp một chú chuột, Martinô gọi nó, nó đã ngoan ngỗn chạy lại bên cậu, Martinô nói: "Bây giờ chú hãy nghe cho kỹ... chú và các chuột khác phải rời khỏi phòng thánh này ngay, vì các chú đã cắn áo lễ. Chúa không hài lòng với các chú về việc này. Vậy các chú bảo nhau thu dọn ra ở chuồng bò. Tôi sẽ đem đồ ăn đến cho các chú. Hiểu chưa?"

Con chuột gật đầu rồi chạy mất. Một lát sau, nó dẫn một đàn chuột theo, nhắm thẳng hướng tay Martinô chỉ ra chuồng bò. Thầy phụ trách Cung thánh cũng hết sức ngạc nhiên khi chứng kiến đàn chuột đang đi theo hướng tay Martinô chỉ. Thầy đã lên trình Cha Bề trên về hiện tượng lạ lùng ấy. Và từ đó, không còn thấy lũ chuột cắn đồ lễ nữa.

Chín năm Martinô ở bậc giúp việc; đến năm 1603, khi anh đã 24 tuổi, các Bề trên nhận thấy ơn Chúa thương Martinô nhiều. Anh đã khiêm nhượng xin ở bậc giúp việc chứ không dám xin ở bậc các thầy. Các Bề trên và tất cả nhà Dòng đều nhận thấy anh sống đời cầu nguyện, khiêm nhượng thống hối và bác ái gương mẫu, nên đã quyết định cho anh lên bậc Tu sĩ thực thụ. Bề trên gọi Martinô và bảo: "Martinô, từ nay con không còn là người giúp việc nữa. Con sẽ là một Thầy Dòng". Martinô thưa lại, "Thưa Cha, con bất xứng!" "Việc đó Cha chịu trách nhiệm. Con hãy mời mẹ con lên đây dự lễ Mặc áo Dòng!"

Khi được tin, mẹ cậu đã hết sức vui mừng.

Sau ngày Mặc áo Dòng, Martinô đã nhận thêm những trách vụ mới, như việc săn sóc những người nghèo khó xin ăn tại cổng tu viện. Trước khi phân phát của ăn, thầy Martinô chúc lành cho những người nghèo khó bằng những lời: "Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành, gia tăng lương thực này, và xin Người thánh hoá tất cả những ai dùng của ăn này". Lời nguyện này luôn luôn thấy hiệu lực. Bất kể người được ít kẻ được nhiều, không một ai đến xin ăn mà phải về tay không. Ai nấy đều được no đủ và hài lòng với thầy Martinô.

Một hôm, lúc thầy Martinô đem những ổ bánh cuối cùng trong kho nhà Dòng phát cho người nghèo, làm ông giúp việc nấu bếp lo lắng. Ông chạy đến thưa Cha Bề trên, nhưng ngài điềm tĩnh đáp: "Ông đừng lo, thầy Martinô không phát hết đâu, bánh sẽ còn đủ cho cả chúng ta nữa".

Quả đúng như lời Cha Bề trên, vì hằng ngày, không rõ số bánh thầy Martinô đã cho đi bao nhiêu, nhưng các thầy vẫn luôn luôn có đủ bánh dùng.

Thầy Martinô luôn làm các việc bình thường trở nên những việc khác thường bằng tình yêu mến Chúa "hết lòng, hết sức, hết linh hồn" và phục vụ "yêu thương" anh em đồng bào theo giới răn bác ái của Chúa. Thầy thể hiện hai giới răn này suốt từ khi có trí khôn. Suốt hơn 45 năm sống đời khiêm hạ và bác ái trong Dòng Thánh Đaminh tại Lima, Martinô tận tâm phục vụ Chúa nơi các bệnh nhân, những người nghèo khó và các trẻ em mồ côi. Thầy sống rất đẹp lòng Chúa, nên Ngài đã làm bao nhiêu điều lạ lùng qua lời cầu nguyện của Thầy: như các lần thị kiến, xuất thần, đánh tội nhiệm nhặt, ở hai nơi một trật, thông hiểu thần học, làm phép lạ chữa lành bệnh nhân, cảm thông hiểu biết cũng như sai khiến được các con vật vô tri.

Thầy sống thật xứng đáng là một tu sĩ gương mẫu trong đức vâng lời trọn hảo, đức khiêm nhượng thẳm sâu, và lòng thương yêu đối với các thụ tạo của Thiên Chúa. Vị Thánh hai dòng máu Tây Ban Nha và Pêru da mầu này đã thể hiện tình yêu thương với mọi người không phân biệt chủng tộc, màu da hay quốc tịch. Thầy phục vụ Chúa Kitô trong mọi người, vô điều kiện và vô giới hạn. Trong những đêm dài cầu nguyện và thống hối, Martinô được đói khát tình yêu Thiên Chúa, và trong những ngày dài Thầy dành để săn sóc các bệnh nhân, nuôi dưỡng người nghèo, thi hành các công việc lao tác của nhà Dòng với một lòng khao khát cứu rỗi các linh hồn. Đời sống thánh thiện của Thầy khiến cho các Bề trên và cả tu viện coi Thầy như một vị linh hướng gương mẫu của họ. Chính Thầy đã khiêm nhượng tự xưng mình là "người nô lệ hèn mọn" hoặc là "con chó lai = Mulatto dog". Nhưng người đương thời gọi Martinô là "Cha bác ái" và "Cha của người nghèo".

Đầu tháng 11 năm 1639, gần ngày sinh nhật thứ 60, Thầy ngã lâm trọng bệnh, suốt ba ngày chịu đau khổ cách can đảm. Trong khi đó, những người từng được Thầy săn sóc giúp đỡ, đã cầu nguyện và khóc thương Thầy bên ngoài tu viện. Đến ngày thứ tư, bệnh tình của thầy có phần thuyên giảm. Đức Mẹ và Thánh Đaminh đã hiện ra để yên ủi Thầy. Martinô đã mời Bề trên và mọi anh em trong tu viện tới. Họ đến để cầu nguyện cho Thầy trong cơn hấp hối. Cha Bề trên hỏi: "Thầy Martinô, Thầy muốn chúng tôi hát bài ca nào để tiễn đưa Thầy?" Thầy đáp lại, "Xin hát kinh Tin kính".

Thế là toàn thể anh em cao giọng cất lên bài ca tuyên xưng Đức Tin. Tới câu "Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình" thì Thầy nhắm mắt lìa trần, linh hồn bay về với Đấng mà các tu sĩ đang tung hô ca ngợi. Hôm đó là ngày 4 tháng 11 năm 1639.

Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã phong thánh cho Thầy Martinô đệ Porres ngày 6 tháng 5 năm 1962, và gọi người là "Martinô Bác Ái". Lễ kính Thánh nhân trong toàn thể Giáo hội được ấn định vào ngày 3 tháng 11 hằng năm.