Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Lễ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô: CỦNG CỐ NIỀM TIN & XÂY DỰNG TINH THẦN HIỆP NHẤT



Không hẹn mà gặp nhau tại Rôma, không phải để phô trương thanh thế, nhưng là để chứng tỏ lòng trung thành bất khuất của niềm tin giữa lòng một Giáo Hội đang bị bách hại dồn dập. Qua tù ngục và cực hình, các ngài càng thêm kiên quyết hơn trong niềm tin.

Và cuối cùng bằng cái chết: Phêrô bị đóng đinh ngược đầu xuống đất, còn Phaolô bị xử trảm, các ngài đã gặp nhau trong tình yêu cao cả là đã hy sinh mạng sống vì người mình yêu mến, để mãi mãi liên kết với nhau trong cùng một triều thiên tử đạo.





Lễ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô

(Cv 3,1-10; Gl 1,11-20; Ga 21,15-19)

CỦNG CỐ NIỀM TIN
VÀ XÂY DỰNG TINH THẦN HIỆP NHẤT

Cứ 5 năm một lần, mỗi Giám mục Công giáo trên thế giới đều phải về Rôma trong một chuyến đi chính thức được gọi là Ad limina.

Đó có thể là chuyến đi công vụ để gặp gỡ và trình bày công việc giáo phận với những cơ quan liên hệ. Đó cũng có thể là chuyến đi để tĩnh tâm và bồi dưỡng sau những năm làm việc bận rộn tại địa phương. Nhưng bao giờ cũng là chuyến đi để kính viếng mộ hai thánh Phêrô và Phaolô, để tìm lại sức sống mới cho những ngày tháng sắp tới.

Đối với các tín hữu, thì mỗi năm một lần, lễ thánh Phêrô và Phaolô cũng là dịp thực hiện một chuyến đi thiêng liêng, ôn lại niềm tin hôm qua của hai cột trụ Giáo Hội để củng cố niếm tin cho mình ngày nay.

Phêrô và Phaolô là hai vị tông đồ rất khác nhau về nhiều phương diện. Khi đến với Chúa, Phêrô là một ngư dân, còn Phaolô là một người trí thức. Bước vào ơn gọi, Phêrô được đào tạo chính quy, còn Phaolô chỉ là "đứa con đẻ non". Và trong đường lối phục vụ Giáo Hội, nếu Phêrô là người bám trụ gắn bó với những tín hữu gốc Do thái, thì Phaolô là người đi tiên phong đem Tin Mừng đến với các dân tộc.

Thế nhưng giữa hai vị luôn có những điểm gặp gỡ. Chúng ta hãy nhìn vào những điểm gặp gỡ ấy qua góc độ của niềm tin.

Trước hết, đó là một niền tin tuyên xưng.

Thực vậy, qua đoạn Tin Mừng đọc trong Thánh lễ, chúng ta thấy Phêrô tuyên xưng cho mình cũng như cho nhóm muời hai: "Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống" (Mt 16,16).

Còn Phaolô, sau biến cố ngã ngựa trên đường đi Đamas, thì một bước ngoặt mới đã mở ra. Đấng mà trước kia Phaolô bắt bớ thì nay lại trở thành Đấng Cứu độ, và không ai có thể tách Phaolô ra khỏi lòng mến của ngài.

Tiếp đến, đó là một niềm tin rao giảng.

Thực vậy, cuộc đời Phêrô là một tổng hợp kỳ lạ giữa đỉnh cao và vực thẳm trong niềm tin. Vừa được khen tặng là đá tảng xây dựng Hội Thánh, thì liền bị quở trách là Satan hãy xéo đi. Phút trước ung dung đi trên sóng nước, phút sau đã bị sa chìm vì nghi hoặc. Vừa mới thề sống thề chết với Thầy, nhưng một giờ sau đã chối bỏ Thầy.

Thế nhưng, sau biến cố Phục Sinh, nơi Phêrô chỉ còn đỉnh cao của một niềm tin chân thành. Thay vì những nhút nhát là một dạ can trường. Thay vì những chao đảo là một lòng xác tín rao giảng Tin Mừng. Thay vì những co cụm là những bước chân lên đường xây dựng Hội Thánh. Ngài đã trở nên là cột trụ củng cố niềm tin cho anh em mình.

Cuộc đời của Phaolô cũng vậy, nếu trước kia là một người biệt phái nhiệt thành với truyền thống của cha ông đến nỗi tự nguyện đi lùng bắt các tín hữu, thì sau biến cố Damas, cuộc đời ấy đã thay đổi hẳn.

Với lòng nhiệt thành ngài đã từng nói: "Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng" (1Cr 9,16).

Sau cùng, đó là một niềm tin chứng tá.

Thực vậy, nếu dám sống và dám chết cho niềm tin là một chứng tá mạnh nhất thì đây cũng là điểm gặp gỡ giữa hai vị tông đồ cột trụ.

Không hẹn mà gặp nhau tại Rôma, không phải để phô trương thanh thế, nhưng là để chứng tỏ lòng trung thành bất khuất của niềm tin giữa lòng một Giáo Hội đang bị bách hại dồn dập. Qua tù ngục và cực hình, các ngài càng thêm kiên quyết hơn trong niềm tin.

Và cuối cùng bằng cái chết: Phêrô bị đóng đinh ngược đầu xuống đất, còn Phaolô bị xử trảm, các ngài đã gặp nhau trong tình yêu cao cả là đã hy sinh mạng sống vì nguời mình yêu mến, để mãi mãi liên kết với nhau trong cùng một triều thiên tử đạo.

Ôn lại niềm tin của Phêrô và Phaolô, như chúng ta đã nói, đó là một chuyến đi thiêng liêng vừa củng cố niềm tin, vừa xây dựng tinh thần hiệp nhất cho mọi tín hữu.

Trước hết là để củng cố niềm tin.

Thực vậy, nơi hai vị, chúng ta thấy cũng có những điểm yếu, có những sa ngã, có những phản bội, thế nhưng Chúa đã không kêu gọi những người trong trắng tốt lành, nhưng đã gọi Phêrô, một kẻ đã chối bỏ Ngài làm đầu Giáo Hội. Và Phaolô, một kẻ đã từng bắt bớ cấm cách Giáo Hội làm sứ giả Tin Mừng cho muôn dân.

Từ đó chúng ta hãy yên tâm vững dạ bước theo Chúa. Bởi vì sa ngã vấp phạm chỉ là chuyện thường tình của số kiếp con người, miễn là chúng ta biết sám hối ăn năn. Mỗi lần sám hối là một lần tìm lại niềm tin của mình một cách chân thành với ước vọng sẽ được vững mạnh hơn và trung thành hơn.

Tiếp đến là xây dựng tinh thần hiệp nhất.

Hai vị tông đồ, mặc dù có những khác biệt, nhưng đã gặp gỡ nhau trong một niềm tin. Chính sự gặp gỡ nhau trong một niềm tin đã dẫn các ngài tới tinh thần hiệp nhất mà mọi người chúng ta phải noi theo.

Thế nhưng, chúng ta đã thực sự hoà giải với Chúa, và với anh em hay chưa? Phêrô và Phaolô, mặc dù mãi mãi vẫn là hai, nhưng chỉ có một nỗi lo là loan truyền Phúc Âm và xây dựng Giáo Hội.

Nhân ngày lễ kính thánh Phêrô và Phaolô, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta biết gặp nhau trong niềm tin, để rồi từ đó, nỗ lực xây dựng tinh thần hợp nhất trong lòng Giáo Hội.


Nguyệt san Mục vụ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét