Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2009

Lễ khai mạc Năm Thánh 2010 tại giáo phận trẻ nhất Việt Nam







WHĐ (28.11.2009) – Sáng nay, 28-11, tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu (TP Vũng Tàu), đã diễn ra lễ Khai mạc Năm Thánh 2010 của giáo phận Bà Rịa.

Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, giám mục giáo phận, đã chủ sự Thánh lễ. Đồng tế với ngài có gần 100 linh mục đến từ 5 giáo hạt trong giáo phận: Bà Rịa, Vũng Tàu, Long Hương, Bình Giã, Xuyên Mộc và các dòng tu hoạt động tại giáo phận. Đồng thời có sự tham dự của hơn 400 tu sĩ nam nữ, chủng sinh và 7000 giáo dân.


Trước khi dâng lễ, Đức cha Tôma đã dành gần nửa giờ nói chuyện với cộng đồng Dân Chúa.

Trong bài nói chuyện, Đức cha Tôma đã nêu ý nghĩa của cử hành Năm Thánh trong lịch sử Giáo Hội. Năm Thánh, hay Năm Toàn xá, là dịp đặc biệt dành riêng để tạ ơn Chúa. Năm Thánh 2010 ngoài mục đích này còn nhằm “ôn cố tri tân”. Ôn lại lịch sử của Giáo Hội tại Việt Nam từ hai cột mốc lịch sử thành lập hai giáo phận Tông tòa Đàng Ngoài, Đàng Trong và thiết lập các giáo phận chính tòa tại Việt Nam. Từ “ôn cố” đến “tri tân”. Tri tân là thêm nhiều sáng kiến để yêu thương và phục vụ.


Nhân dịp này, Đức cha Tôma đã thuật lại Đại lễ Khai mạc Năm Thánh của toàn thể Giáo Hội tại Việt Nam vừa diễn ra long trọng và đầy ấn tượng, trong hai ngày 23 và 24-11 vừa qua, tại giáo xứ đồng thời cũng là di tích lịch sử Sở Kiện (Hà Nam) thuộc Tổng giáo phận Hà Nội.

Nếu Hà Nội là một trong hai giáo phận cố cựu, thì Bà Rịa lại là giáo phận trẻ tuổi nhất của Giáo Hội tại Việt Nam, mới được thành lập cách nay 4 năm (11/2005 - 11/2009). Đức cha Tôma kêu gọi các thành phần Dân Chúa giáo phận Bà Rịa cùng đánh dấu Năm Thánh 2010 bằng tâm tình tạ ơn 5 năm thành lập giáo phận (2005–2010).

Sau bài nói chuyện của Đức cha Tôma, Thánh lễ khai mạc Năm Thánh được bắt đầu vào lúc 9g.

Trong Nghi thức thống hối mở đầu Thánh lễ, đại diện cộng đoàn phụng vụ gồm một linh mục, một tu sĩ và một giáo dân, đã chân thành nêu lên những lỗi lầm thiếu sót “đối với Chúa, đối với mọi người và đối với xã hội, trong quá khứ cũng như trong hiện tại”.

Trong bài giảng Thánh lễ, Đức cha chủ tế Tôma chia sẻ tâm tình của năm Toàn xá là hướng đến “niềm vui tạ ơn vì Chúa đã ban mùa màng sung túc” cho Giáo Hội Việt Nam trong dòng lịch sử, một “lịch sử đầy ân sủng và được Thiên Chúa chúc lành”.


Đức cha cũng nhắc lại những thông điệp được gửi đi từ lễ Khai mạc tại Sở Kiện, gồm Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Thư của Đức Hồng y Bộ trưởng bộ Phúc âm hóa các dân tộc (Bộ Truyền giáo), lời chia sẻ về “hòa giải và niềm hy vọng” của Đức Hồng y Roger Etchégaray, phó Niên trưởng Hồng y đoàn.

Đức cha Tôma mời gọi cộng đồng Dân Chúa tại giáo phận Bà Rịa hãy sống Năm Thánh 2010 với “tâm tình tạ ơn Chúa, tri ân tiền nhân, các Thánh Tử đạo Việt Nam và 400 vị tử đạo tại Bà Rịa”. Ngài cũng kêu gọi Dân Chúa trong giáo phận Bà Rịa “sống tinh thần hiệp thông và tham gia, hòa giải và hy vọng, có những dấn thân mới trong việc Loan báo Tin Mừng”.

Nhân đây Đức cha Tôma cũng bày tỏ sự hiệp thông của vị mục tử trong lễ khai mạc Năm Thánh sẽ được tổ chức tại các giáo xứ và cộng đoàn trong ngày mai, Chúa nhật I mùa Vọng.


Trước khi Đức cha chủ tế ban phép lành cuối lễ, cha Tổng đại diện giáo phận đã thay mặt cộng đồng dân Chúa bày tỏ lòng tri ân đối với Đức cha đã hướng dẫn dân Chúa cử hành Năm Thánh 2010 một cách có ý nghĩa, để Năm toàn xá vừa được khai mạc sẽ trở thành “thời điểm ân sủng”. Suy nghĩ về lịch sử của Giáo Hội tại Việt Nam, cha Tổng đại diện nhấn mạnh “không một giọt máu, một giọt mồ hôi nào đổ xuống vô ích”. Cha cũng nói lên tâm tình của toàn thể giáo phận “luôn noi gương tiền nhân, sống theo Tin Mừng của Chúa Kitô”. Đặc biệt, cha không quên trong suốt 5 năm qua, Đức cha và mọi thành phần dân Chúa cùng quây quần bên nhau trong ngôi nhà giáo phận ấm cúng, và cùng lên đường xây dựng giáo phận trong những ngày đầu mới được thành lập.

Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 2010 tại giáo phân Bà Rịa kết thúc vào lúc 10g20 sáng cùng ngày, khơi lên cho mọi người tham dự Thánh lễ “không phải những khoảnh khắc lễ hội, nhưng là thời điểm ân sủng ghi dấu vào lịch sử, là cột mốc ý thức đặt vào giữa quá khứ và tương lai” như tinh thần được khơi lên trong bài dẫn vào thánh lễ.

Lễ khai mạc Năm Thánh tại giáo phận Đà Nẵng

WGPĐN (27.11.2009) – Bầu khí hân hoan trang trọng của Năm Thánh 2010 từ Sở Kiện đang lần lượt lan toả khắp nơi. Hôm nay, ngày 27 tháng 11 năm 2009 đến với Giáo phận Đà Nẵng, với Thánh Lễ Khai Mạc Năm Thánh tại Nhà thờ Chính Toà, với sự tham dự đông đảo của linh mục, tu sĩ chủng sinh, đại biểu giáo dân từ khắp giáo phận và tín hữu từ các giáo xứ nội thành. Dịp này, ĐGM giáo phận cũng công bố Chương trình Giáo Lý Cộng Đồng chu kỳ 3 năm cho mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận.

Lễ nghi Khai Mạc Năm Thánh bắt đầu lúc 10g, trước tiền sảnh Nhà thờ Chính Toà dưới ánh nắng chói chang đặc biệt của một ngày mùa đông miền Trung vốn mưa lạnh với gió mùa Đông Bắc. Mọi người chăm chú lắng nghe công bố Thư Khai Mạc Năm Thánh 2010 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam như tiếng vang vọng từ Sở Kiện xa xôi của Đàng Ngoài đất Bắc.



Sau lời tuyên bố khai mạc của Đức Giám mục Giáo phận, biểu ngữ được hạ xuống, biểu tượng Năm Thánh 2010 xuất hiện trên tháp chuông cao, tròn xoe như Vầng Thái Dương của Mùa Hồng Ân chiếu toả trên Dân Chúa. Tiếng vỗ tay, tiếng kèn đồng hoà quyện với tiếng chuông Thánh Đường vang xa báo tin cho Thành Phố Sông Hàn biết Mùa Hồng Ân của Giáo Hội Việt Nam đã đến.

Đức Giám mục mở cửa Nhà thờ Chính Toà tượng trưng cho việc khai mở Kho Tàng Ân Phúc Đức Tin của Năm Thánh. Và ngài cũng là người đầu tiên bước vào Thánh Đường, như mục tử đi trước đàn chiên. Tiếp bước ngài là Linh mục đoàn giáo phận, những mục tử của các đàn chiên giáo xứ.



Tiếp sau bàn kiệu Các Thánh Tử Đạo, là đoàn đại biểu của các giáo xứ trong toàn Giáo phận, trong quốc phục Việt Nam trang nghiêm và lộng lẫy. Tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam - các bậc tiền nhân hết lòng yêu mến quê hương và Giáo hội, người tín hữu hôm nay muốn tuyên xưng: Đức Tin công giáo được bén rễ sâu trên nền văn hoá dân tộc Việt Nam. Họ dấn thân để phục vụ Giáo Hội, Đất Nước và con người Việt Nam. Lời chuyển cầu của các Thánh Tử Đạo sẽ là một bảo đảm cho hành trình của Giáo Hội.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức cha Giuse nhắc lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: “xuất phát lại từ Chúa Kitô”, khởi đi từ Tin Mừng, để khuyến khích mọi người “vác lấy Tin Mừng”, “ôm trọn Tin Mừng”, yêu mến và sống theo Tin Mừng. Đó chính là vác thánh giá theo Chúa Giêsu để trở nên hạt giống âm thầm chịu nát tan trong lòng đất cuộc đời như hạt lúa mì, để hoa trái của Tin Mừng sinh sôi nẩy nở.

Trước khi Đức giám mục ban phép lành trọng thể với Ơn Toàn Xá, đại diện các giáo xứ lên nhận pa-nô Năm Thánh và Bản Toát Yếu sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo từ chính tay Đức giám mục. Các Dòng tu đang hoạt động trong giáo phận cũng được mời gọi tích cực tham gia Chương trình Giáo Lý Cộng Đồng. Chương trình này theo sát Bản Toát Yếu Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, do Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin của HĐGMVN chuyển dịch và ấn hành. Để sống Năm Thánh trong tinh thần hiệp thông và sứ vụ, giáo phận Đà Nẵng đã huy động “tổng lực” và quyết tâm thực hiện chương trình này.



Kết thúc thánh lễ, Đức cha Giuse mời gọi cộng đoàn đến tham dự Thánh lễ hành hương hằng tuần của từng giáo xứ và cộng đoàn theo phiên thứ của mình lúc 15 giờ mỗi chiều Chúa Nhật tại Nhà thờ Chính Toà trong suốt Năm Thánh này.

Thánh lễ kết thúc, nhưng mọi người đều muốn nán lại như luyến tiếc bầu khí hiệp thông sốt mến với nguồn Ơn Thiêng vừa lãnh nhận. Hình ảnh mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng trước sân Nhà thờ như gợi lên chủ đề của Năm Thánh: Giáo Hội Việt Nam: Mầu nhiệm - Hiệp Thông - Sứ Vụ.

Sau thánh lễ là bữa tiệc đứng gọn nhẹ để mừng đón Năm Thánh 2010, mừng 20 năm linh mục của Đức cha Giuse, giám mục giáo phận, mừng sinh nhật thứ 70 của cha Tổng Đại diện Phanxicô Xaviê, và cũng mừng cho Thánh Lễ Khai mạc Năm Thánh đã diễn ra tốt đẹp.

Mọi người hân hoan ra về với một kỷ niệm nhỏ, là tấm phù hiệu đại biểu họ mang có hình logo Năm Thánh 2010 gắn trên tháp chuông Nhà thờ Chính Toà. Hơn là một kỷ niệm, nó còn biểu trưng cho sự hiệp nhất của Giáo Hội địa phương: giáo phận Đà Nẵng thân yêu.

(theo: giaophandanang.org)

Tổng Giáo phận TP.HCM: Khai mạc Năm Thánh 2010

I. Lời mở

Bầu khí linh thiêng, trang trọng của việc cử hành Năm Thánh tại Việt Nam đã trào dâng đến cao điểm vào tối 23.11.2009 và Thánh Lễ Khai mạc ngày 24.11.2009 tại giáo xứ Sở Kiện. Sở Kiện được xem như điểm khai mở kho tàng Ơn Thánh của Thiên Chúa, rồi từ đó chảy tràn đến 26 Giáo phận, len lỏi đến các giáo xứ, vào trong tâm hồn mỗi người con Chúa.

Trong tinh thần hiệp thông với 25 Giáo phận khác tại VN, Tổng Giáo phận TP.HCM hân hoan đón mừng sự kiện lịch sử này.

Với những chuẩn bị công phu của nhiều thành phần trong TGP, hôm nay mọi sự đã sẵn sàng cho lễ Khai Mạc Năm Thánh. Bao con tim đang hướng về Trung tâm Mục vụ để chờ đón giây phút trọng đại của Lễ Khai mạc Năm Thánh TGP nhà.

Ngay từ khi trời chưa tắt nắng, quang cảnh Trung tâm Mục vụ đã nhộn nhịp khác thường. Những dòng người trong trang phục lễ hội đang tuôn đổ về địa điểm cử hành Lễ Khai mạc Năm Thánh.

Trời tối dần. Đèn điện thắp sáng đường phố. Đặc biệt, khuôn viên TTMV bừng lên ánh sáng khác thường: sáng ngoại cảnh. sáng nội tâm; sáng linh thiêng, sáng vật chất. Trong trật tự mọi người đã được mời vào vị trí, đang tập trung đón chờ thời điểm trang trọng sắp đến.

II. Khởi đầu

Ban kèn đồng nổi lên báo hiệu giờ đã điểm. Tiếp theo là lời chào mừng của Nhóm Lửa Hồng gởi đến toàn thể cộng đoàn dân Chúa: Nguyện xin MƯA HỒNG ÂN NĂM THÁNH tuôn đổ trên mỗi người. Một sự trùng hợp thật bất ngờ, lời chào mừng trên được phụ họa bằng những hạt nước mưa lấm tấm rơi.

Tiếng hát vút cao, mời gọi cộng đoàn bày tỏ niềm tin vào Cha trên trời, nối gót Tiền Nhân can đảm sống chứng tá Tin Mừng giữa trần gian; cùng chung tay xây dựng Giáo Hội và thế giới.

Băng reo “Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta” vang lên trong không gian để đón chào Đức Hồng y TGM, Đức Cha Phụ Tá, Cha Tổng Đại diện và toàn thể cộng đoàn. Nơi đây không phải chỉ có hai ba người họp lại nhân danh Chúa Giêsu, nhưng là hàng vạn người. Do đó, chắc chắn Thiên Chúa đang ở cùng cộng đoàn, hôm nay, giờ phút này.



III. Diễn Nguyện

Diễn nguyện bắt đầu với hoạt cảnh “Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian”. Lời hát, cử điệu của các diễn viên mời gọi mỗi người nhận thức sứ vụ của mình: Loan báo Tin Mừng cho muôn dân.

Qua video clip, cộng đoàn có dịp đọc lại trang sử Giáo Hội Việt Nam, từ khởi đầu cho đến hôm nay. Trang sử này đã được viết bằng máu, được tô điểm bằng những giọt mồ hôi của những bậc Tiền Nhân anh dũng. Là con cháu, chúng ta có nhiệm vụ viết tiếp trang sử hào hùng này.

Lời hát tiếp nối, ca ngợi những bước chân loan báo Tin Mừng, đem ơn cứu độ của Chúa đến cho dân tộc Việt Nam; đồng thời nói lên lòng biết ơn của thế hệ hôm nay đối với những người gieo hạt giống đức tin.

Tạ ơn Nghĩa nặng tình sâu.

Muôn phương lời nối nhịp cầu tin vui.

Tháng năm xuôi ngược dòng đời,

Có trời, có đất, có người, có ta.

IV. Nghi thức Tôn vinh các Bậc Tiền Nhân

Ba hồi chín tiếng trống-chiêng nổi lên mở đầu nghi thức Tôn vinh các Bậc Tiền Nhân. Trong khi đoàn đồng tế cung nghinh xương Thánh Philipphê Minh lên khán đài, cộng đoàn cất tiếng hát những bài ca tôn vinh các Thánh Tử đạo Việt Nam. Lời hát vang xa, cao vút tưởng như thấu tận Thiên cung. Khói trầm nghi ngút, hoa thơm ngào ngạt cùng những hội trống, trắc tạo nên một vẻ thật trang trọng cho cuộc cung nghinh xương Thánh Tử Đạo và việc rước đoàn đồng tế lên lễ đài.

V. Thánh Lễ

Để chuẩn bị tâm hồn cho việc cử hành Thánh Lễ khai mạc Năm Thánh, cộng đoàn được mời gọi “Thanh tẩy ký ức” bằng những lời xin lỗi Thiên Chúa, xin lỗi nhau và xin lỗi mọi người.

Tiếp theo, Đức Hồng y long trọng công bố Khai mạc Năm Thánh tại TGP TP.HCM. Đồng thời ngọn lửa được thắp lên, cùng với tiếng trống và lời hát ALLELUIA của cộng đoàn đón nhận Năm Hồng Ân.

Thánh lễ tiếp tục. Lời Chúa hôm nay mời gọi cộng đoàn chiêm ngưỡng đức tin của những vị làm chứng cho Đức Kitô, không sợ gian truân, cùng khốn, ngay cả cái chết cũng không làm các ngài lùi bước.



Trong bài giảng, Đức cha Phụ tá Phêrô giải thích ý nghĩa của Năm Thánh. Có thể tóm gọn như sau: Năm Thánh là năm để Chúa làm chủ thực sự đời sống cá nhân, gia đình, xã hội. Ngài ước mong rằng với ơn Chúa, chúng ta có thể biến những suy nghĩ này thành hiện thực trong đời sống của chúng ta.

Trước khi Đức Hồng y ban Phép lành trọng thể mở đầu cho Năm Thánh, Cha Tổng Đại diện, trưởng Ban Tổ chức Năm Thánh của TGP công bố những ngày lễ đặc biệt sẽ cử trong năm Thánh này.

Thánk lễ kết thúc bằng Phép Lành trọng thể của Đức Hồng y chủ tế Thánh Lễ hôm nay. Chắc chắn mọi người hiện diện nơi đây đã hân hoan mở lòng đón nhận ơn Chúa, qua vị Chủ Chăn của TGP TP.HCM.

VI. Âm hưởng

Lễ Khai Mạc Năm Thánh tại TGP TP.HCM kết thúc nhưng không chấm dứt, vì qua đó Mùa Hồng Ân được khai mở. Hơn nữa, âm hưởng buổi lễ hôm nay chắc chắn sẽ ghi sâu in đậm trong tâm hồn mỗi người, để lại một ấn tượng linh thiêng không thể phai mờ.

Xin cảm tạ Thiên Chúa vô vàn, Ngài đã thông ban cho Giáo Hội Việt Nam nguồn suối ân sủng chan chứa của Ngài.

Xin tri ân Mẹ Giáo Hội, Người hằng quan tâm săn sóc đến nhu cầu thiêng liêng cho đoàn con.

Xin ghi ơn những Vị Mục tử, các Ngài đã, đang và sẽ chăm lo cho đoàn chiên Chúa với trái tim chan chứa tình thương của những người Cha dưới đất.

Xin cám ơn tất cả những ân nhân, những người đã đóng góp tài lực, vật chất trong dịp này.

Trong mối dây liên kết là con một Cha Trên Trời, xin được cùng chung chia niềm vui hôm nay và suốt Năm Thánh Hồng Phúc của Giáo Hội Việt Nam.

Ngọn Lửa Đức Tin đã thắp lên tại Sở Kiện trong ngày Khai Mạc, giờ đây đang lan toả đi khắp nơi, bừng lên trong 26 Giáo phận, chiếu soi vào tâm hồn những ai đang khao khát Ánh Sáng. Phải chăng đây là ngọn lửa mà Chúa Giêsu đã nói đến: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49).

Nguyện xin cho mỗi người biết mở lòng đón nhận Lửa mà Con Thiên Chúa đã mang vào thế gian để rồi mỗi người dám sống chứng tá cho Ánh Sáng trong môi trường sống của mình, để ngọn lửa bùng lên, lan toả đi muôn hướng như lòng Chúa ước mong.

(Nguồn: tgp-tphcm.net)

Ban Biên tập WGPSG

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2009

Thánh Lễ Khai Mạc Năm Thánh Tại Sở Kiện



Sở Kiện, 25/11/2009, Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam đã long trọng cử hành Thánh lễ Khai Mạc Năm Thánh 2010 tại Sở Kiện giữa bầu trời nắng đẹp và cả trăm ngàn giáo dân.

Cuộc rước đoàn đồng tế bắt đầu lúc 8h30 ngày 24/11/2009. Đoàn đồng tế gồm 950 linh mục, 28 Giám mục, 3 Tổng Giám mục và 3 Hồng Y. Trong đó có ĐHY André Vingt-Trois, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, ĐHY Roger Etchégaray, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, đương kim Phó chủ tịch Hội đồng Hồng y, ĐHY Bernard Law, nguyên Tổng giám mục giáo phận Boston (Hoa Kỳ), đương kim Tổng quản Đền thờ Đức Bà Cả Rôma, Đức cha David Todd Brown, giám mục giáo phận Orange County (Hoa Kỳ), linh mục Jean-Baptiste Etcharen, Bề trên Tổng quyền Hội Thừa sai Paris (Pháp).

Rước đoàn đồng tế là 100 em lễ sinh và 15 thầy Phó tế thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội. Dọc hai bên đường rước đoàn đồng tế có 500 chị em trong trang phục áo dài đỏ cầm dải vải đỏ.

Đoàn đồng tế tiến vào quảng trường có chiều dài 400m và chiều rộng 300m. Mặc dù quảng trường rộng lớn thế nhưng anh chị em giáo dân đã ngồi chật hết, tràn ra cả bên ngoài dọc suốt con đê bao quanh một mặt của quảng trường. Ước tính có khỏang 100 ngàn giáo dân tham dự tại quảng trường. Chạy dọc theo bên trái lễ đài, phía tây của quảng trường, là 26 cột cờ đại diện cho 26 giáo phận của Giáo hội tại Việt Nam. Mỗi cột cờ cách nhau 4m. Mỗi lá cờ có diện tích 16m2 và có hình nhà thờ chính tòa của mỗi giáo phận ở giữa.

Bên phải lễ đài là ca đoàn, dàn trống và dàn kèn đồng với tổng cộng lên tới 2000 anh chị em. Ca đoàn được điều khiển bởi nhạc sỹ Giuse Phạm Đức Huyến từ Hoa Kỳ về.

Khối gần 2000 Tu Sỹ nam nữ với rất nhiều sắc màu tu phục khác nhau ngồi phía trước lễ đài.

Hơn 300 chủng sinh của Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội mặc áo trùng đen đứng dải khắp quảng trường để giúp anh chị em tham dự lễ được trật tự.

Tại lễ đài, Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt giới thiệu các Đức Hồng Y, các Đức Giám mục và các vị khách quý. Tiếp theo, Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Giám mục phó giáo phận Nha Trang, phó tổng thư ký HĐGMVN đọc sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và sứ điệp của Bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc gửi HĐGMVN. Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, giám mục giáo phận Đà Lạt, chủ tịch HĐGMVN đọc diễn văn khai mạc Năm Thánh.

Trước khi bước vào Thánh lễ, Đức Hồng Y Roger Etchégaray đã bày tỏ tâm tình của Ngài với cộng đoàn. Ngài đã không quên nhắc lại lần viếng thăm lịch sử của Ngài tại đây 20 năm trước.

Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, trưởng ban tổ chức Năm Thánh, đã chủ sự Thánh Lễ.

Chia sẻ trong Thánh lễ là bài chia sẻ của Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, giám mục giáo phận Thanh Hóa, phó chủ tịch HĐGMVN. Nhưng vì lý do Ngài bị khản tiếng nên Đức Cha Giuse Vũ Duy Thiên, giám mục giáo phận Hải Phòng đã đọc bài chia sẻ này trong Thánh Lễ.

Quang cảnh Thánh Lễ thật đẹp, trang nghiêm và sốt sắng dưới bầu trời nắng vàng rực rỡ. Bộ lễ tiếng Latinh De Angelis II được hát trong Thánh lễ.

Phần cho anh chị em Rước lễ, mặc dù đã có tới 200 linh mục phục vụ nhưng vẫn chưa đủ.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, trưởng ban tổ chức lễ Khai Mạc Năm Thánh, đã cảm ơn mọi thành phần tham gia và có liên hệ tới Thánh lễ.

Trong Thánh Lễ cũng có sự hiện diện của đại diện các tòa đại sứ quán Anh, Áo, Ba lan, Bỉ, Đan mạch, Đức, Hoa kỳ, Pháp, Thụy sĩ, Úc, Ý ...

Sau Thánh Lễ, đoàn đồng tế tiến về khuôn viên trưng bày di tích các Thánh Tử Đạo để cắt băng khánh thành. Tại 3 dãy nhà của Tòa Giám Mục Tây Đàng Ngoài năm xưa mới được trùng tu lại này có trưng bày di tích của các Đấng Tử Đạo, những bức tranh quý hiếm được vẽ vào thời các Đấng Tử Đạo, và đặc biệt có xương sọ của Cha Thánh Ven.

Thánh Lễ Khai Mạc Năm Thánh đã mở ra một Năm Hồng Phúc đầy hứa hẹn. Thánh lễ mang đậm hình ảnh mầu nhiệm về một Giáo Hội của Chúa Kitô trong tình hiệp thông huynh đệ sâu sắc của Giáo hội Toàn cầu và truyền đi một sức điệp mạnh mẽ về hình ảnh của Đức Kitô.

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2009

Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam Đã Chính Thức Khai Mạc


SỞ KIỆN – Hôm nay toàn thể giáo hội Việt Nam hướng về Sở Kiện – nơi chuẩn bị diễn ra những nghi thức và thánh lễ khai mạc Năm Thánh 2010 kỷ niệm 350 năm thành lập hai giáo phận tông tòa Đàng Trong – Đàng Ngoài và 50 năm thành lập hàng Giáo phẩm Việt nam.

Từ khoảng 10 giờ sáng, quý linh mục, tu sỹ nam nữ và bà con giáo dân từ khắp các giáo phận trong cả nước đã tuốn về Sở Kiện, tạo nên cho nơi đây một bầu khí thực sự sôi động, hào hứng của ngày đại lễ.

Trên lễ đài và quảng trường, các công tác chuẩn bị cuối cùng của các ban chuyên môn đang được tiến hành một cách cẩn thận nhưng hết sức khẩn trương. Cờ của 26 giáo phận đã tung bay trên lễ trường.

Đến đầu giờ chiều, lượng người đổ về Sở Kiện mỗi lúc một đông đảo, các con đường dẫn về đây đều trở nên tắc nghẽn.

Sự kiện được chờ đợi nhất – nghi thức khai mạc Năm Thánh - được cử hành trọng thể vào lúc 17h30, khởi đầu bằng nghi thức rước kiệu tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Tham dự cuộc rước kiệu và nghi thức khai mạc có Đức Hồng y Etcheygaray, Đức Hồng y Vingt Trois – Tổng Giám mục Paris, Chủ tịch HĐGM Pháp, Đức Hồng y Gb.Phạm Minh Mẫn, Đức Cha T.Brown – Giám mục Orange, Hoa Kỳ, Cha Etcharen – bề trên tổng quyền hội thừa sai Balê, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn – Chủ tịch HĐGM, quý Đức Tổng Giám mục, Giám mục Việt Nam, đông đảo quý cha, quý chủng sinh, nam nữ tu sỹ và đại diện giáo dân của 26 giáo phận trong toàn quốc.

Đoàn rước với nến cháy sáng trong tay, tạo nên một bầu khí thật linh thiêng, sốt sắng. Cái lạnh mùa đông Bắc Việt như được xua tan bởi sự ấm cúng trong lòng người và bầu khi đạo đức.

Kiệu ảnh các Thánh Tử Đạo Việt Nam và đặc biệt có kiệu thủ cấp Thánh Vent được cung kính cung nghinh tới lễ đài giữa những tiếng nhạc trầm hùng và lời kinh Tử Đạo tha thiết xúc động. Đức Cha Chủ tịch HĐGM Việt Nam đại diện mọi thành phần tham dự dâng lời nguyện xin các Thánh Tử Đạo tổ tiên Việt Nam cầu bầu cùng Chúa ban cho Giáo hội và quê hương muôn ơn lành bình an.

Sau cuộc cung nghinh tôn kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Đức Tổng Giám mục giáo tỉnh Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt đã trịnh trọng giới thiệu các vị khách quý trong nước và quốc tế: Hồng Y, Tổng Giám mục, Giám mục và đại diện chính quyền… tham dự nghi thức khai mạc Năm Thánh.

Tiếp đó là nghi thức đốt đuốc Đức Tin – một trong ba nghi thức trọng yếu của lễ khai mạc. Giáo phận Hải Phòng với sự chủ tọa của Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên đã long trọng thắp lên ngọn đuốc Đức Tin trong một cử hành rất trang trọng, mang nhiều ý nghĩa. Ngọn đuốc Đức Tin được giáo phận Hải Phòng thiết kế, cao 10m, sẽ được cháy sáng trong suốt những ngày đại lễ của Năm Thánh. Ngọn đuốc tượng trưng cho niềm tin cháy sáng, được truyền rao và giữ gìn qua bao thế hệ từ khi ánh sáng Tin Mừng được loan truyền trên quê hương đất nước này. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, với hơn ba thế kỷ chịu sự cấm cách bắt bớ ngặt nghèo nhưng ngọn đuốc với ánh sáng Đức Tin ấy luôn bừng sáng trong lòng mỗi tín hữu, từ đời này qua đời khác, để ánh sáng Tin Mừng luôn chiếu tỏa mọi nơi.

Chương trình lễ khai mạc được tiếp tục với việc Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt – Giám mục giáo phận Bắc Ninh trong lễ phục dân tộc truyền thống chủ sự nghi thức Kính nhớ Tổ Tiên. Đây có thể nói là một phần của lễ khai mạc đã tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng người tham dự. Với ý thức hướng về cội nguồn, kính nhớ anh linh các bậc tổ tiên, nghi thức này mang đậm hồn thiêng đất Việt. Có thể nói, để có được những thành quả như ngày hôm nay, giáo hội Việt Nam đã trải qua bao thăn trầm, mà mỗi bước đường đều ghi đậm dấu ấn sự hy sinh can trường của các bậc tổ tiên. Vì thế, trong lúc tưởng niệm các sự kiện trong lịch sử GH Việt Nam, mọi người cùng lắng lòng xuống để kính nhớ các bậc tổ tiên – những vị đã tiếp lửa, giữ lửa và truyền lửa Tin Mừng vô giá cho hậu sinh, bằng chính những gian lao vất vả, những sáng kiến bất ngờ và những hy sinh tận cùng của mình.

Nghi thức Hòa Giải được giáo phận Thanh Hóa chủ trì, được diễn giải một cách ý nghĩa như sau: “Trong lúc quay lại quá khứ để nhìn nhận, cảm phục và tạ ơn các bậc tiền bối đã tiếp lửa, giữ lửa và truyền lửa Tin Mừng một cách xuất sắc, chúng ta không thể không thú nhận, hối tiếc và xin lỗi về những yếu đuối, sai sót và cả những tội lỗi của nhiều ki-tô hữu – trong đó có cả chúng ta – đã vô tình hay hữu ý làm cho ngọn lửa Tin Mừng chẳng những không sáng hơn lên, mà nhiều khi trở nên yếu ớt và lụi tàn ở đây đó, qua cách sống hay qua lời giảng của mình”. Trước khi bước vào một kỷ nguyên mới, bắt đầu với Năm Thánh này, cộng đoàn dân Chúa Việt Nam cùng nhau chân thành tạ lỗi trước mặt Thiên Chúa và mọi người, đồng thời cùng nhau khiêm tốn xin Thiên Chúa và mọi người thứ tha.

Sau ba nghi thức trọng thể của lễ khai mạc, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn – Tổng Giám mục Sài Gòn, Chủ tịch Ủy ban Năm Thánh toàn quốc – đã long trọng tuyên bố KHAI MẠC NĂM THÁNH 2010 của giáo hội Việt Nam. Ngài nhắn gửi tới cộng đoàn mong ước, thao thức của mình: trong năm Thánh, người Công giáo Việt Nam hãy viết lại định nghĩa Đạo Công Giáo vào trong cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình và cộng đoàn nơi chúng ta sống. Ước mong sử sách sẽ ghi nhận lại định nghĩa này vào trong văn hóa và tiềm thức của mỗi người: Đạo Công giáo – Đạo Yêu Thương, người Công giáo là người luôn ý thức rằng Chúa yêu thương mình và do đó ý thức được bổn phận phải yêu thương tất cả mọi người.

Đại diện các cấp chính quyền, ông Hà Văn Núi – phó chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam đã đọc bài diễn văn chúc mừng nhân dịp khai mạc Năm Thánh của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Sau đó, đại diện chính quyền đã tặng hoa chúc mừng đại diện HĐGM Việt Nam trong dịp đại lễ hôm nay.

Sau nghi thức khai mạc Năm Thánh, cộng đồng mọi thành phần dân Chúa cùng tham dự phần canh thức diễn nguyện với chủ đề: “Hạt giống mục nát và nẩy mầm” với 10 phân mục chính do 10 giáo phận thuộc giáo tỉnh Hà Nội đảm trách. Hành trình những trang sử của giáo hội Công giáo tại Việt Nam được tái hiện với những nét điểm xuyết cơ bản nhưng giúp mọi người có cái nhìn tổng thể về Giáo hội Việt Nam. Tiết mục khởi đầu do giáo phận Thanh Hóa diễn lại việc Cha Đắc Lộ đến Cửa Bạng để rao giảng Tin Mừng, các tiết mục tiếp theo tái diễn hành trình truyền giáo và những sóng gió bách hại mà Đạo Chúa phải trải qua.

Đêm diễn nguyện khép lại với màn đồng diễn của đoàn kèn – trống và toàn ban diễn nguyện với số lượng lên với trên 2000 người.

Ước tính đã có khoảng 50.000 giáo dân từ khắp các nơi tham dự cuộc rước kiệu và nghi thức khai mạc Năm Thánh. Hai màn hình lớn được truyền trực tiếp để mọi người tham dự được trọn vẹn các nghi thức và chương trình diễn nguyện.

Bây giờ là 23h00, bà con giáo dân từ các giáo phận xa vẫn đang trên đường về Sở Kiện. Theo ban tổ chức, tham dự Thánh lễ trọng thể ngày mai, sẽ có khoảng trên 100 ngàn giáo dân./.



Ban Truyền Thông TGPHN

Những Cảm Nhận Trước Giờ Lễ Khai Mạc Năm Thánh 2010

Lúc này là 16 giờ 30 phút (giờ Việt Nam). Khoảng một giờ đồng hồ nữa là diễn ra chương trình khai mạc mừng kỉ niệm 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam và 350 thiết lập hai đại diện Tông Tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài tại giáo xứ Sở Kiện, chúng tôi có dịp gặp gỡ một số giáo dân để nghe họ bày tỏ cảm xúc. Kính mời quý độc giả cùng đón nghe.

- Cụ bà Maria Vũ thị Tấm đến từ giáo xứ Lỗ Xá, gần 80 tuổi nói: Tôi gặp cụ trong lúc đang ngồi nghỉ trên bãi cỏ để chờ đón một sự kiện trọng đại. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được tham dự một lễ lớn như thế này tại quê hương Việt Nam. Tôi cảm thấy rất vui…

- Cụ ông An-tôn Đỗ Công Tiên đến từ giáo xứ Đạo Truyền, 80 tuổi. Cụ đến đây bằng phương tiện xe đạp. Cụ cho biết: tôi rất hãnh diện và vui vì đến được đây để tham dự một lễ trọng đại thế này, có lẽ đời tôi chỉ được tham dự một lần này. Tôi đã phải chờ đợi mãi và chuẩn bị cho ngày này qua việc dọn mình xưng tội để đón nhận ơn toàn xá.

- Bé Anna Vũ Thùy Trang đến từ giáo xứ An Phú, gần 5 tuổi. Em cho biết em đến đây cùng bố mẹ. Em nói: Con rất thích vì lần đầu tiên được tham dự một thánh lễ đông người thế này. Bố mẹ em cho biết thêm, Trang là người rất chịu đi dự lễ nhưng đối với lễ này thì em mong chờ và háo hức để được đến đây.

- Cụ Maria Phan thị Tẹo đến từ giáo xứ Lỗ Xá, 78 tuổi nói: Tôi rất hãnh diện vì ngày lễ này mang nhiều ý nghĩa, ngoài việc kỉ niệm 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam và 350 thiết lập hai đại diện Tông Tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài, còn có tính kính nhớ các thánh tử đạo Việt Nam. Tôi cảm thấy rất hãnh diện về quê hương và đức tin của cha ông mình.

- Chị Anna Nguyễn Thị Chiêm đến từ giáo xứ Kim Bảng, 25 tuổi. Tôi gặp chị trong lúc chị đang đứng làm hàng rào danh dự cho ngày lễ với trang phục đẹp đẽ và duyên dáng, chị trò chuyện: con nghĩ cả đời con sẽ chỉ được tham dự một sự kiện trọng đại này nên con đã dành nhiều thời gian cho việc chuẩn bị và tham gia bao nhiêu có thể. Con cảm thấy rất vui và hãnh diện vì cảm nghiệm được phần nào gương các thánh tử đạo Việt Nam, cha ông chúng ta. Con lấy làm hãnh diện về điều đó.

Chúng tôi xin cảm ơn những anh chị em đã chia sẻ niềm vui và sự nhiệt tình của mỗi người đã và đang góp phần thành công cho đại lễ lần này.



Ban Truyền Thông TGPH

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2009

Nghĩ gì về tin Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt đệ đơn lên Giáo Hoàng?

Tin đồn về lá đơn của Đức Tổng Giám mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt gửi lên Giáo Hoàng rộ lên qua các kênh truyền thông và trên mạng internet đã có một thời gian dài với những lời đồn đoán và suy diễn.

Đến hôm nay, trang web của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội chính thức có thông tin về việc Đức TGM đã có đơn trình bày về tình hình sức khỏe của Ngài với Đức Giáo Hoàng.

Điều đó chứng tỏ rằng những tin đồn kia là có căn cứ, và hơn thế nữa, sự quan tâm của cộng đồng đối với Đức Tổng Giám mục Hà Nội là hết sức lớn lao.

Trước thông tin này, giáo dân Hà Nội nghĩ gì?

Tôi cũng đã tiếp nhận được thông tin đó từ nhiều người, nhiều câu hỏi gửi đến với nhiều thái độ khác nhau khi đón nhận tin này.

Với suy tư của một giáo dân dưới tay Ngài coi sóc và dẫn dắt những năm tháng vừa qua, trước biến cố Năm Thánh 2010 sắp đến, xin được nêu lên vài suy nghĩ đơn giản của mình.

Đức Tổng trong con mắt mọi người

Được biết Đức Tổng thời gian chưa lâu, nhưng qua những cuộc tiếp xúc, những thông tin nhận được, qua những hình ảnh Ngài để lại trong chúng tôi là những hình ảnh sâu đậm về một vị mục tử đã được sai đến “để phục vụ” theo đúng ý nghĩa của từ này.

Những ngày đầu tiên khi nghe tin đến một vị Giám mục trẻ tuổi được đưa về Giáo phận Lạng Sơn, không ít tín hữu đã tò mò về vị Giám mục “ba không” ở miền đất này: Không Tòa Giám mục, không đoàn linh mục, không nhà thờ, thậm chí không có cả… giáo dân.

Những năm tháng ở đó, Ngài đã thỏa mãn sự tò mò của các giáo dân chúng tôi bằng những hành động trong vai trò của một thủ lãnh tại một nơi tái truyền giáo. Ở đó, Ngài đã hi sinh, lặn lội bất chấp tất cả mọi khó khăn, mọi hoàn cảnh để đem ánh sáng Tin mừng trở lại với những người hơn nửa thế kỷ không được đến với Thánh thể. Ở đó Ngài đã thủ trọn vai của tất cả các trách vụ trong một giáo đoàn từ người quét nhà thờ, kéo chuông, dâng lễ, và… đóng cửa nhà thờ.

Những khó khăn của những năm tháng đó là cơn thử thách nặng nề đối với năng lực, đạo đức của một chủ chăn. Và chỉ trong một thời gian chưa dài, Ngài đã làm sống lại một giáo phận nơi miền đất núi rừng biên giới âm u. Từ một giáo phận trắng, nay Giáo phận Lạng Sơn đã hồi sinh mạnh mẽ.

Vậy rồi Ngài về nhậm chức Tổng Giám mục Hà Nội trong con mắt thăm dò của nhiều người.

Nhưng chỉ một thời gian ngắn, hình ảnh Ngài đã trở nên thân thiết với từng Giáo dân thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội. Những băn khoăn ban đầu, những nghi ngại đã tan biến tự khi nào không rõ khi những nơi Ngài thường hay lui tới không phải chốn giàu có, phồn hoa, không phải nơi to lớn, sung túc mà là những nơi khó khăn nhất, tiêu điều xơ xác nhất… khi hình ảnh của Ngài là sự thân thương, trìu mến và giản dị thương yêu mọi người.

Ngài đã đến để chia sẻ, để hướng dẫn, nâng đỡ và chăn dắt các tâm hồn không nơi nương tựa, những xứ họ nghèo nàn vật chất và cả tinh thần. Những nơi Ngài đến đã mang lại sức sống mới và sự hồi sinh nhanh chóng.

Tôi đã từng tham dự buổi lễ Ngài về thăm họ đạo Hậu Nha xứ Trại Mới, cả giáo họ chỉ có vỏn vẹn… 4 gia đình công giáo với hơn một chục tín hữu. Những họ đạo nghèo khó như họ đạo Quèn Gianh mà mùa nước lên không khác gì cảnh ở Hạ Long, hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài, Ngài đã quan tâm đến họ, đã hết lòng nâng đỡ họ từ việc cho làm con đường vào làng đến nâng đỡ tinh thần một nơi như bị bỏ rơi bên lề xã hội.

Với Đức Tổng Giuse, mọi con tim của giáo dân Tổng Giáo phận Hà Nội nói riêng và Giáo Tỉnh Hà Nội nói chung, luôn hướng về Ngài bằng những suy nghĩ trìu mến và thân thương nhất trong một sự tin tưởng khó có gì thay thế.

Những cuộc đón rước nồng nhiệt, những ánh mặt rạng rỡ, hân hoan khi Ngài xuất hiện và cả những giọt nước mắt khi Ngài đến thăm, đến an ủi trong hoạn nạn đã nói lên tấm lòng của giáo dân đối với Ngài.

Nhiều những lời nói, những tâm tư và suy nghĩ của giáo dân mà không lời nào nói lên hết được sự quý mến của họ đối với Đức Tổng. Họ hân hoan khi nghe tin Ngài mạnh khỏe, họ vui mừng khi Ngài có mặt, lo lắng khi biết tin sức khỏe Ngài suy giảm…

Vậy rồi, con đường Ngài tiếp bước các Đức Hồng Y và Tổng Giám mục Hà Nội trước đây là đối diện với việc tài sản Giáo hội bị cướp đoạt, bị biến thành chốn ăn chơi, nhục mạ tôn giáo, bị bán đổi, chia chác và biến tướng. Những việc đó buộc Ngài phải lên tiếng vì Sự thật, vì Công lý và vì những quyền tối thiểu của con người, xác định vị thế, quyền lợi của công dân.

Và tai họa đã vùi dập Ngài chỉ vì những điều đó, khi trong xã hội dối trá lan tràn thì sự thật không được chấp nhận, khi sự suy đồi đạo đức xã hội trở nên phổ biến, thì đạo đức không có chỗ dung thân, khi mà đồng tiền có thể làm mưa làm gió, thì công lý là điều xa xỉ.

Vì vậy, Ngài đã là mục tiêu cho sự vùi dập của cả một hệ thống hùng hậu quan chức và truyền thông cùng toa rập lên án, kết tội bất cần một tòa án nào, kể cả tòa án lương tâm con người.

Những ngày tháng Ngài đứng trước sự vùi dập man rợ của hệ thống truyền thông nhà nước vu cáo, dựng chuyện, cắt xén và kết tội, nhục mạ Ngài trước cộng đồng dân tộc, mọi tín hữu khắp nơi bừng lên cơn phẫn uất và sự phẫn uất đó dồn nén chất chứa trong lòng.

Hàng đêm, những khi cả thành phố đã im lìm sau một ngày làm việc, nghe xói vào tai những lời nhục mạ của báo chí, của truyền hình nhằm đánh đổ Ngài một cách vô tâm, nghĩ đến sự cô đơn và đau đớn Ngài phải chịu, chúng tôi không cầm được nước mắt.

Những lúc đó, chúng tôi đã tự an ủi với nhau rằng, nếu không có Chúa nâng đỡ, chẳng có ai trụ nổi với cơn bão đen với những làn sóng đỏ ngập máu đã đổ dồn dập lên Ngài.

Hình ảnh của Ngài đã không chỉ làm cho các giáo dân tin cậy, quý mến, mà rất nhiều người không công giáo đã phải hết sức ngạc nhiên về một thủ lĩnh tôn giáo đã đi vào lòng người với những hành động bình thường nhất bằng cách vĩ đại nhất.

Rồi chính miệng những kẻ ngậm máu phun người đã dính máu như quy luật vốn có, cơn bão độc địa của truyền thông về Đức Tổng Giuse đã có tác dụng ngược với những mục đích họ nhắm tới. Đương nhiên là nó hoàn toàn có tác dụng ngược lại với người công giáo đã đành, nhưng nhiều người không công giáo cũng từ đây mà nhận ra chân tướng của hệ thống truyền thông và quan chức là một sự lừa bịp và dối trá họ đã được nghe, được hiểu. Hãy nghe một người không công giáo phát biểu:

“Trong một trạng thái tình cảm khác mà ông Ngô Quang Kiệt là nguyên nhân. Rất nhiều người đã cảm thấy bất bình trước hành động không minh bạch của truyền thông Việt Nam. Nói rõ là thủ đoạn trắng trợn khi cắt xén câu nói của ông để bình luận khiến nhiều người không còn tin tưởng sự minh bạch hay khách quan của truyền thông nước nhà. Nếu để kết tội, có khi kết tội ông Kiệt làm truyền thông nước nhà mất uy tín thì có khi còn có lý hơn”.

“Duy có điều, nếu báo chí coi ông Kiệt là người cầm đầu, chủ mưu thì tôi hoàn toàn khâm phục ông. Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt là người dám làm, dám chịu. Điều mà những quan chức Việt Nam cần học tập ở ông Giám mục này. …Hành động đi thăm những gia đình giáo dân bị bắt giữ vì phá tường ở 178 Nguyễn Lương Bằng của ông Ngô Quang Kiệt tuy bị gọi là kích động, nhưng xét về khía cạnh nào đó, đấy là hành động nghĩa khí, cao cả đầy can đảm. Trong bối cảnh căng thẳng như vậy, động thái của ông rõ ràng là tiêu điểm để truyền thông chĩa mùi dùi hiếu chiến. Nhưng ông Kiệt vẫn đường hoàng làm. Vào các trường hợp thế này thì quan chức của nhà nước ta ắt hẳn sẽ né tránh vì lý do an toàn cho con đường quan lộ.


Tóm lại chúng ta thử đặt câu hỏi, những đảng viên, cán bộ của chúng ta khi mà có sự việc gì, liệu họ có dám đứng ra có những hành động như ông Kiệt trước một thế lực khác lớn hơn. Ví dụ như cấp huyện với tỉnh hay tỉnh với trung ương. Khó mà có lắm. Lẽ ra, qua những gì ông Kiệt làm, ngoài những thứ mà truyền thông lên án, người lãnh đạo Việt
Nam nào có lương tri nên cảm thấy xấu hổ về tinh thần trách nhiệm”. (Trích bài: Nghĩ gì về ông Ngô Quang Kiệt – blogger Người Buôn gió).


Có lẽ chỉ cần thế thôi, chúng ta có thể hiểu vị thế của Đức Tổng Giám mục Giuse như thế nào trong lòng giáo dân và nhân dân. Giữa Ngài và các quan chức Cộng sản có những gì khác nhau, nhân dân biết, giáo dân càng biết. Vì vậy mà uy tín Ngài ngày càng nâng cao không có gì có thể phá hoại được.

“Sống cho đến chết, đừng chết khi đang sống”

Trong lời phát biểu của mình trước đại lễ mừng được vinh thăng tước Đức Ông tại Nhà thờ Lớn Hải Phòng, linh mục Laurenxo Phạm Hân Quynh - một linh mục cao niên, một cây đại thụ trong hàng linh mục, một pho sử sống của thời kỳ khắc nghiệt với những năm tháng bị quản chế khó khăn dưới thời Cộng sản sau khi đã từ giã nước Pháp về phục vụ đất nước – đã nói rằng: “Chức tước chẳng là cái gì cả… mà phải sống cho đến chết, đừng chết khi đang sống”.

Chúng tôi ngỡ ngàng trước sự sâu sắc trong câu nói của một linh mục ngồi xe lăn ra nhà thờ và nói không ra hơi này, câu nói này có ý nghĩa không chỉ với những tín hữu Hải Phòng hôm đó.

Trong cuộc sống mỗi con người, bất luận họ là ai, từ những nông dân cày ruộng đến những đại trí thức, từ anh phó thường dân đến lãnh tụ đất nước, từ quan chức cộng sản đến những chức sắc tôn giáo, dù đã bỏ mình thề hi sinh vì lý tưởng phục vụ lợi ích nhân dân hoặc lý tưởng cộng sản hay lời thề hiến thân phụng sự Tình yêu Thiên Chúa… tất cả đều sẽ có những suy nghĩ về cuộc đời mình khi đã đến tuổi già, khi gối đã chồn, chân đã mỏi.

Những khi đó họ nghĩ gì?

Có những ân hận, những day dứt như một vài nhà văn, vài quan chức cộng sản khi đã hồi hưu ra ngoài bộ máy mình đã vận hành. Họ ân hận vì những gì mình đã làm, dù trong cơn say máu quyền lực và tiền bạc họ đã nhúng tay, dù được nhiều vinh hoa, tiền bạc mà lòng họ không được thanh thản.

Cũng có những người đã thấy mình thanh thản dù không đạt nhiều vinh hoa phú quý nhưng đã hết lòng phục vụ đất nước, phục vụ Tổ quốc.

Và ngay cả trong hàng ngũ những người đã thề hứa bỏ mình theo tiếng gọi của Tình yêu Thiên Chúa. Cũng có những vị âm thầm chết đi cho Tin mừng được rọi tới nhiều nơi, chấp nhận thân mình chỉ là muối, là men… Nhưng hình ảnh họ luôn sống mãi, tấm gương họ luôn được con cháu đời sau ca ngợi và nêu cao. Họ là những người đã “sống cho đến chết”.

Nhưng ngược lại, cũng không thiếu những người mà hình ảnh họ đã lu mờ, đã không còn sự sống động và tác dụng giúp ích cho mọi người, thậm chí nhiều khi chỉ là những cản trở cho sự nghiệp chung, chỉ vì họ chăm lo đến lợi ích và sự an toàn của họ nhiều hơn, dù được ngụy trang khéo léo dưới muôn vàn lý luận khác nhau, thậm chí viện đến cả lời Chúa dạy.

Nhưng người dân vẫn hiểu, vẫn biết rằng họ “đã chết khi còn sống”. Và không chờ đến lúc họ rời ngai vàng tước vị, thì chính họ cũng đã đi ra khỏi bộ nhớ của mọi người.

Âu rằng đó cũng là quy luật muôn đời Chúa đã dạy: ”Ai cho đi mạng sống mình, thì sẽ được, ai giữ mạng sống mình, thì sẽ mất”.

Việc Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt đệ đơn lên Giáo Hoàng nói lên điều gì?

Hành động này của Đức Tổng đã có một ý nghĩa hết sức lớn lao như Đức Ông Phạm Hân Quynh đã nói: “Chức tước chẳng là gì mà hãy sống cho đến chết, đừng chết khi còn sống”.

Hành động này đã khẳng định rằng với Ngài, chức vị chẳng phải là sự ham hố, chẳng là mục đích phấn đấu của cá nhân, mà mục đích chính là phục vụ. Khi Ngài cảm thấy sức khỏe không đủ hoặc đằng sau đó có những điều cần thiết cho sự nghiệp chung, Ngài đã sẵn sàng hi sinh.

Với giáo dân không chỉ Hà Nội mà ở khắp năm châu, cũng như những người có lòng thiết tha với Sự thật, với Công lý và Hòa bình khi nhận được tin Ngài có đơn với Giáo Hoàng, một tâm trạng thẫn thờ và đau đớn tràn ngập trong lòng. Một sự thật phũ phàng khi họ nhìn ra được đằng sau đó là những gì họ sẽ đối mặt nếu Đức Tổng thật sự ra đi.

Và họ đã hành động, đã nói lên ý nguyện của mình bằng những phương cách khác nhau. Ở đó, Thần khí đã chỉ đường cho họ qua những lời cầu nguyện liên lỷ, qua những tình cảm mà họ đã dành cho Đức Tổng thời gian qua.

Cả rừng biểu ngữ, những tràng vỗ tay hoan hô không ngớt khi Ngài xuất hiện, những cuộc đón rước hăm hở cả hàng vạn người khi ngài đến Giáo phận Vinh… đã nói lên tấm lòng giáo dân đối với Ngài.

Có thể những sự đón tiếp nồng hậu, sự kính mến đó với Ngài làm một số ai đó không bằng lòng, cảm thấy khó chịu. Nhưng Qua đó, cả thế giới đã biết rằng không ai có thể nhấc được Đức Tổng ra khỏi tâm hồn họ.

Cả thế giới đã biết rằng với mỗi giáo dân và mỗi người yêu mến sự thật, công lý hôm nay, Đức Tổng đã là một biểu tượng, một mẫu gương về sự hi sinh, sự cho đi mà không hề luyến tiếc bản thân mình.

Và đến hôm nay, dù việc Đức Tổng có đơn là sự thật, thì mọi giáo dân đều hiểu rằng với Giáo dân TGP Hà Nội, Đức Tổng vẫn luôn nằm nguyên vẹn giữa trái tim họ không có gì có thể thay thế hoặc đổi chác.

Ngài không thể ra đi khỏi tâm hồn mến yêu của chính các giáo dân và nhân dân Hà Nội cũng như những người thiết tha với đất nước, với dân tộc bằng tấm lòng yêu mến sự thật, công lý và hòa bình.

Hà Nội, Ngày 18 tháng 11 năm 2009 – Chuẩn bị đón Năm Thánh 2010
J.B Nguyễn Hữu Vinh

Hướng về Năm Thánh 2010: Đức Hồng y Vingt-Trois, Chủ tịch Hội đồng giám mục Pháp, dâng thánh lễ tại Bắc Ninh

WHĐ / Bắc Ninh (22.11.2009) – Tối 22-11-2009, Chúa nhật XXXIV, Lễ Chúa Kitô Vua, tại nhà thờ Chánh tòa giáo phận Bắc Ninh, vào lúc 20g Đức Hồng y André Armand Vingt-Trois, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Paris, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, đã đến thăm giáo phận Bắc Ninh và đồng tế trong thánh lễ do Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, giám mục giáo phận Bắc Ninh, chủ sự. Ngoài ra, cùng đồng tế trong thánh lễ, còn có Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, giám mục Kon Tum và các linh mục trong giáo hạt Bắc Ninh.

Chuyến viếng thăm Bắc Ninh của ĐHY Vingt-Trois nằm trong khuôn khổ cuộc viếng thăm Giáo Hội tại Việt Nam, đồng thời ngài còn đại diện Hội đồng Giám mục Pháp tham dự Lễ Khai mạc Năm Thánh được tổ chức tại Sở Kiện thuộc TGP Hà Nội vào ngày 24-11-2009.



Chào mừng các vị thượng khách của Bắc Ninh, Đức cha Cosma nói lên niềm vui mừng của ngài và của toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Bắc Ninh được đón tiếp hai vị mục tử của Paris (Pháp) và Kon Tum (Việt Nam) trong khung cảnh ngày Chúa nhật cuối cùng của Năm Phụng vụ và trong bối cảnh chuẩn bị Khai mạc Năm Thánh của Giáo Hội tại Việt Nam.

Trong bài giảng Thánh lễ Chúa nhật XXXIV mừng lễ Chúa Kitô Vua, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh đã chia sẻ với cộng đoàn dân Chúa Bắc Ninh về Chúa Giêsu – Đức Hoàng đế của Tình yêu – Vị Vua cưỡi trên lưng lừa, Đấng loan báo sứ điệp Hòa Bình và Tình Thương. Với sứ điệp này, Vị Vua Tình yêu và Hòa bình đã mở ra một con đường “đấu tranh” mới cho sự toàn thắng của hòa bình và nhân ái trên trần gian.


Ngỏ lời với các tín hữu vào cuối Thánh lễ, Đức cha Cosma mời gọi mọi người chuẩn bị tâm hồn bước vào Năm Thánh và trân trọng thông báo ĐHY Vingt-Trois sẽ tham dự Lễ Khai mạc Năm Thánh của giáo phận Bắc Ninh vào sáng 25-11-2009.

Thánh lễ đồng tế diễn ra vào đêm đầu đông của miền cận trung du đầy gió lạnh nhưng trang trọng và ấm cúng.


Được biết, ĐHY André Armand Vingt-Trois năm nay 67 tuổi, đã từng đảm nhận trong trách Tổng Giám mục TGP Tours từ 1999 đến 2005, Tổng Giám mục Paris từ 2005 đến nay. Ngài được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nâng lên hàng Hồng y vào năm 2007. Nhân năm Linh mục, ĐHY đã xuất bản tác phẩm Evêques, prêtres et diacres" (Giám mục, linh mục, phó tế) trình bày những suy tư của ngài về chức linh mục trong truyền thống của Giáo Hội và trước những thách đố trong thời đại ngày nay.

PV

Chùm ảnh Sở Kiện: 1 giờ trước nghi thức khai mạc Năm Thánh

Đoàn Người Đông Đảo Nô Nức Kéo Về Sở Kiện

Sở Kiện, 23/11/2009, chỉ còn 7 tiếng nữa cả Giáo Hội Việt Nam bước vào Năm Hồng Phúc. Ngay từ sáng sớm chúng tôi đã thấy từng đòan giáo dân tiến về khu vực Sở Kiện.

Đòan anh chị em đến từ Quảng Bình đã đi từ hôm trước, trước khi đến Sở Kiện, đòan đã tranh thủ ghé thăm khuôn viên nhà thờ Phát Diệm.

Gặp anh chị em đến từ Bắc Cạn, từ Thái Nguyên, các bà vồn vã thổ lộ: chúng tôi vui lắm. Mỗi họ giáo chúng tôi thuê một xe để đi. Cha Xứ thông báo cho chúng tôi, ai cũng vui và muốn đi.

Mỗi đòan chúng tôi gặp là một câu chuyện khác nhau sau một hành trình tiến về Sở Kiện. Tất cả đều đến với lòng hân hoan. Nhìn hành trang anh chị em mang theo chăn chiếu, chúng tôi chẳng phải hỏi cũng biết anh chị em sẽ qua đêm trong bất cứ hòan cảnh nào tại Sở Kiện.

Niềm vui đang như sắp vỡ òa trong trái tim giáo hữu Việt Nam. Chúng tôi bắt gặp hình ảnh của các mấy vị chủ chăn đang tươi vui, an bình giữa đàn chiên của mình.

Nhìn vào dòng người tiến về Sở Kiện, người ta dễ liên tưởng tới đòan người đang hành hương trở về với nơi gặp gỡ Tiền Nhân, gặp gỡ Đấng Tạo Thành. Họ lên đường chấp nhận mọi khó khăn phải trải qua của tiết trời mùa đông. Khó khăn đấy, mệt nhọc đấy nhưng môi miệng họ luôn thắm nụ cười như mời gọi: Hãy đến mà khám phá khuôn mặt Đấng tôi tôn thờ.



Ban Truyền Thông TGPHN

Sở Kiện 24h Trước Ngày Khai Mạc Năm Thánh 2010

Sở Kiện, 22/11/2009, không khí tưng bừng đón chào ngày đại lễ Khai Mạc Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

Ngay từ sáng hôm nay, các đoàn tham gia chương trình diễn nguyện của đêm chào mừng Năm Thánh 2010 đã lần lượt có mặt tại Sở Kiện, nơi diễn ra Lễ Khai Mạc Năm Thánh.

Đoàn của giáo phận Lạng Sơn đã lên đường từ 21h hôm trước và có mặt sớm nhất tại Sở Kiện vào sáng hôm nay. Các giáo phận khác thuộc giáo tỉnh Miền Bắc đã lần lượt có mặt. Đội trống thuộc giáo phận Bùi Chu đến với một đội ngũ hùng hậu và dàn trống hoành tráng.

Anh chị em trong tham gia biểu diễn trong đêm diễn nguyện ngòai việc mang theo trang phục và dụng cụ biểu diễn đã không quên cả chăn chiếu để đảm bảo sức khỏe cho những đêm lưu lại Sở Kiện.

Trường Phổ Thông Trung Học Thị Trấn Kiện Khê nằm ngay bên quảng trường đã được tạo điều kiện làm nơi lưu trú cho anh chị em tham gia đêm diễn nguyện. Ngôi trường này mới được xây dựng xong năm ngoái. Trước đó, các học sinh của trường này học tại các dãy nhà của Tòa Giám Mục cũ trong nhiều năm.

Không khí nhộn nhịp tưng bừng có thể được nhận thấy khắp khuôn viên từ những người tham gia chuẩn bị cho đến bà con trong vùng.

26 lá cờ của 26 giáo phận đã sẵn sàng được kéo lên đón chào Năm Thánh của tòan Giáo hội Việt Nam.

Buổi chiều hôm nay, các tiết mục đã được lắm ghép trên sân khấu lễ đài, sẵn sàng cho đêm tổng duyệt chương trình trong tối hôm nay. Những tiếng trống rộn vang đã nổi lên, dù còn chưa hòan hảo trong khâu lắp ráp, nhưng đã khiến lòng người rộn ràng trong mùa hồng phúc.

Các công tác chuẩn bị âm thanh, ánh sáng, lễ đài, quảng trường, vệ sinh môi trường, trật tự, y tế, lễ tân, ẩm thực, phụng vụ … đã sẵn sàng cho ngày đại lễ.

Thời tiết tại Sở Kiện lúc này thật tuyệt vời. Không khí trong mấy ngày qua rét đậm nhưng hôm nay trời đã ấm dần lên, ánh nắng chan hòa, gió bắc đã giảm nhiều.

Trong vòng tay yêu thương của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Lễ Khai Mạc Năm Thánh tại Sở Kiện sẽ là khởi đầu cho mùa đại hồng phúc trong Năm Thánh 2010 của Giáo hội Việt Nam.



Ban Truyền Thông TGPHN

Đức Hồng y Eychéygaray dâng thánh lễ tại nhà thờ Chính tòa Hà Nội

Vào lúc 18h chiều ngày lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, 22 tháng 12 năm 2009, Đức Hồng Y Eychéygaray đã long trọng chủ sự thánh lễ tại Nhà thờ Chính Tòa Hà Nội. Cùng đồng tế với ngài có Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, Đức Cha Lôrensô Chu Văn Minh, Cha Jean Baptiste Etcharren – Bề trên tổng quyền hội thừa sai Balê và quý Cha.

Bước vào thánh lễ, Đức Tổng Giuse đã mời gọi cộng đoàn: Hôm nay cộng đoàn dân Chúa chúng ta cùng chúc mừng Đức Hồng y Eychéygaray – một vị rất quen thuộc và thân thiện đối với chúng ta – người mà cách đây đúng 20 năm trước đã đến thăm Việt Nam lần đầu tiên với tư cách là đặc sứ của Đức Thánh Cha, làm cho chúng ta được vui mừng hân hoan, mở ra cho chúng ta nhiều niềm hy vọng. Năm sau, Ngài cũng lại đến với chúng ta trong lễ an táng Đức cố Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn. Ngài luôn luôn yêu mến cũng như dành tình cảm ưu ái cho Việt Nam, hôm nay, nhân dịp sang dự lễ khai mạc Năm Thánh, ngài đã dành thời giờ để đến thăm và cùng cử hành thánh lễ với cộng đoàn chúng ta.

Chúng ta cũng được đón vị khách rất đặc biệt là cha bề trên tổng quyền hội thừa sai Balê (MEP) - Baptiste Etcharren. Chúng ta kỷ niệm 350 năm hai giáo phận tông tòa đầu tiên tại Việt Nam thì cũng là do hai vị Giám mục của hội thừa sai Balê cai quản – hai vị sáng lập hội thừa sai Balê. Từ 350 năm nay, hội luôn gắn bó với Việt Nam, chính cha bề trên đương nhiệm cũng là một người rất Việt Nam.

Đức Hồng y Etchéygaray giảng lễ và Cha Etcharren làm thông dịch. Cộng đoàn tham dự hết sức phấn khởi khi nghe cha bề trên M.E.P nói tiếng Việt hết sức trôi chảy và truyền cảm. Trong bài giảng của mình, Đức Hồng y Etchéygaray đã chia sẻ với cộng đồng dân Chúa về mẫu gương của Đức Giêsu Kitô là Vua vũ trụ: Ngài là vua không theo nghĩa như vua chúa trần gian để được kẻ hầu người hạ, nhưng là Vua của lòng người, là vua của vương quốc công bình và yêu thương, Ngài làm vua không phải để được hầu hạ, được phục vụ nhưng Ngài làm vua để phục vụ mọi người, đã hạ mình rửa chân cho các môn đệ. Thời gian hiện tại chúng ta đang sống thật khó khăn cho đời sống thiêng liêng, nhưng luôn khuyến khích chúng ta phải ý thức và làm việc một cách tích cực hơn cho Nước Chúa trị đến.Khi chúng ta dâng Thánh lễ, chúng ta nhớ sự hy sinh của Chúa trên thánh giá, để chúng ta biết cầu nguyện: Lạy Chúa, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến con. Ước gì chúng ta sẽ được nghe tiếng của Chúa nói với mỗi chúng ta: Ta bảo thật, hôm nay anh chị em sẽ được ở trên Thiên Đàng với Ta!

Thánh lễ diễn ra hết sức trang trọng và tôn nghiêm trong sự tham dự của hàng ngàn anh chị em giáo dân. Ngôi nhà thờ chính tòa Hà nội và khuôn viên xung quanh đã không còn một chỗ trống. Hai màn hình lớn được truyền trực tiếp ra ngoài quảng trường để anh chị em giáo dân tham dự thánh lễ một cách trọn vẹn.

Sau Thánh lễ, Đức Hồng y Etchéygaray với nụ cười rạng rỡ đã vui mừng chào thăm và chúc lành cho mỗi người hiện diện đang đứng để chào đón ngài bằng một sự thương mến và hết sức thân thiện. /.

Download toàn văn bài giảng (song ngữ) tại đây



Giuse Trần Ngọc Huấn

Cái nhìn tổng quát về Giáo Hội Việt Nam

Ngày 24.11.2009, lễ 117 Thánh tử đạo Việt Nam, Giáo hội Công giáo tại Việt nam bắt đầu Năm Thánh 2010 để mừng 350 năm thành lập Giáo hội tại Việt Nam (1659-2009) và 50 năm lập hàng Giáo phẩm Việt Nam (1960-2010).

Những niên đại quan trọng từ gần 50 năm qua:

1962-1965: Công đồng Vatican II: đối thoại và hợp tác trong bác ái để tìm sự thật, thế nhưng Giáo hội Công giáo Việt Nam chỉ vừa bắt đầu tiến trình học hỏi và áp dụng những chỉ thị của Công đồng Vatican II thì đã bị chiến tranh và chế độ Cộng sản dập tắt.

1975-2010 chia 2 giai đoạn: 10 năm đóng cửa (1975-1985) và 25 mở cửa ra thế giới bên ngoài (1986-2010). Công cuộc hội nhập và truyền giáo tại Việt Nam được thử thách trong tiến trình tôn trọng và thấm nhập vào bản sắc văn hóa Việt nam đang khi thu nhập những tinh hoa của văn hóa Kitô giáo Tây phương.

Thống kê về hiện tình Giáo hội Công giáo Việt nam:

Giáo hội Công giáo tại Việt Nam có 3 tổng giáo tỉnh và 26 giáo phận, được phân chia ra như sau:
Giáo tỉnh Hà nội có 10 giáo phận: Hà nội, Bắc ninh, Thái bình, Bùi chu, Phát diệm, Hải phòng, Hưng hóa, Lạng sơn, Thánh hóa, Vinh.
Giáo tỉnh Huế có 6 giáo phận: Huế, Đà nẵng, Qui nhơn, Kontum, Buôn mê thuột, Nha trang.
Giáo tỉnh Sài Gòn có 10 giáo phận: Saigòn, Vĩnh long, Cần thơ, Đà lạt, Mỹ tho, Long xuyên, Phú cường, Xuân lộc, Phan thiết, Bà rịa.

Thống kê về nhân sự;

- 1 Hồng y tổng giám mục, 2 Tổng giám mục, 40 Giám mục.
- 3000 linh mục triều.
- 770 linh mục dòng.
- 15.750 tu sĩ nam nữ.
- 57.000 giáo lí viên.
- 6.2 triệu giáo dân.
- 2.135 giáo xứ, giáo điểm, giáo họ.
- 190 cơ sở xã hội, nhà trẻ, dạy nghề, lớp học, từ thiện, khám bịnh.



Tổng hợp (Theo Vietcatholicnews)

Đức Hồng y Bernard Francis Law dâng Thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Hà nội.

Vào lúc 9h sáng ngày 22 tháng 11 năm 2009, kính trọng thể Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, tại nhà thờ Chính Tòa Hà Nội đã diễn ra một thánh lễ trọng thể do Đức Hồng y Bernard Law cử hành. Cùng đồng tế với ngài có Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, Đức Cha Lôrensô Chu Văn Minh và quý Cha.

Đức Hồng y năm nay 78 tuổi, nguyên là Tổng Giám mục giáo phận Boston Hoa Kỳ. Sau khi từ nhiệm, ngày 27-5-2004, Đức Thánh Cha đã đặt ngài đứng đầu Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả ở Roma – một trong bốn đại thánh đường của giáo hội Công giáo tại Roma - với danh hiệu chính thức là “tổng linh mục” của nhà thờ St. Mary Major Basilica, một chức vị thường được trao ban cho các hồng y về hưu.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục Giuse đã vui mừng giới thiệu Đức Hồng y Bernard Law tới cộng đoàn dân Chúa tham dự. Đức Hồng y là người đã có nhiều sự quan tâm và giúp đỡ đặc biệt đối với giáo hội và đất nước Việt Nam, nhất là vấn đề di dân. Ngài cũng có mối liên hệ đặc biệt với Đức cố Hồng y Fx.Nguyễn Văn Thuận. Dù công khai hay âm thầm, ngài đã nhiều lần đến thăm Việt Nam và hôm nay, một niềm vui cho giáo dân Hà nội khi ngài đã dành thời giờ để đến thăm và cử hành thánh lễ tại nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Hà Nội.

Trong phần giảng lễ, Đức Hồng y Bernard Law chia sẻ với cộng đồng dân Chúa tham dự Phụng vụ: Đức Giêsu Kitô là sự viên mãn của tất cả các Sách Thánh, vậy có nghĩa là niềm hy vọng của chúng ta được thực hiện nơi Đức Giêsu Vua. Sách Khải huyền chỉ cho chúng ta một cái nhìn mới, khi chỉ ra Đức Giêsu Kitô chính là Alpha và Ômega, khởi đầu và tận cùng, Ngài sẽ đến và mọi người sẽ được cảm nghiệm vinh quang Ngài.

Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa toàn năng vì Đức Tin kiên trung của các bậc tổ tiên chúng ta vào Chúa Kitô Vua Vũ trụ, ngay cả với khi phải dâng hiến mạng sống mình.

Lời kinh tiền tụng của thánh lễ hôm nay diễn tả Đức Tin kiên trung đó của các Thánh Tử Đạo. Đức Tin đó của Hội Thánh qua mọi thời. Vương quốc của Chúa được diễn tả là Vương Quốc của Sự Thật và Sự Sống, Vương Quốc của sự Thánh Thiện và Ân Sủng, Vương Quốc của sự Yêu Thương và Công Bình.

Khi chúng ta suy niệm về đoạn Tin Mừng về cuộc đối thoại giữa Philatô và Chúa Giêsu, chúng ta tự chất vấn mình chúng ta: chúng ta giống Philatô hay chúng ta giống các vị Tử Đạo, chúng ta có nghe tiếng Chúa Giêsu – Người là Vua Sự Thật, hay chúng ta chạy theo các trào lưu, theo lối số đông trong xã hội hay quyền lực thế gian chóng qua này.

Xin Đức Mẹ Lavang và chư Thánh Tử Đạo Việt Nam khẩn cầu cho chúng ta trước Tòa Thiên Chúa, để chúng ta luôn can đảm nghe theo tiếng Đức Giêsu Kitô là Vua chúng ta, và chúng ta được ban ân sủng để thuộc về vương quốc của Ngài – vương quốc của sự thật và sự sống, thánh thiện và ân sủng, công bình, yêu thương và bình an.

Kết thúc Thánh lễ, cộng đoàn dân Chúa đã vui mừng chào thăm Đức Hồng y và lãnh nhận phép lành của ngài.

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2009

Tổng giáo phận Toronto (Canada) có Tân Giám mục phụ tá người Việt


Ngày 6-11-2009, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm thêm hai giám mục phụ tá cho Tổng giáo phận Toronto, Canada. Một trong hai vị tân giám mục là Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu, Chưởng ấn kiêm Trưởng ban Điều hành Văn phòng Tổng giám mục Toronto. Tân giám mục Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu sẽ nhận hiệu toà Ammaedara.

Đức Tân Giám mục Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu sinh ngày 8-5-1966 tại Saigon. Ngài là người con thứ sáu trong gia đình 9 người con, 7 trai 2 gái. Thân sinh là ông bà cố Vincent Nguyễn Thế Tấn và Maria Đặng Thị Phượng, nguyên quán giáo xứ Giáp Nam giáo phận Bùi Chu.

Cha Hiếu rời Việt Nam năm 1983. Năm 1984 đặt chân tới Toronto, Canada và tiếp tục chương trình trung học. Năm 1987 theo học trường Đại Học Toronto tốt nghiệp kỹ sư điện.

Năm 1992 dưới sự hướng dẫn của cha cố Phêrô Maria Phạm Hoàng Bá, ngài vào Đại Chủng viện thánh Augustine Toronto.

Ngày 9-5-1998 ngài được thụ phong linh mục do Đức Hồng y Ambrozic, Tổng giám mục Toronto chủ phong.

Sau khi chịu chức linh mục, ngài được chỉ định làm cha phó giáo xứ Thánh Patrick Missisauga 3 năm và sau đó được bổ nhiệm làm quản xứ Thánh Monica Toronto. Năm 2004 ngài được bổ nhiệm chánh xứ giáo xứ Thánh Ceclia, kiêm quản xứ giáo xứ Các Thánh Tử đạo Việt Nam tại Toronto. Trong thời gian này ngài là thành viên Hội đồng Linh mục, thành viên Hội đồng Quỹ truyền giáo và Hội đồng tư vấn của Tổng Giáo phận.

Năm 2005 được cử đi học tại Đại học giáo hoàng thánh Tôma Aquino, Roma và tốt nghiệp cử nhân Giáo luật. Năm 2008 sau khi du học trở về ngài giữ chức Phó chưởng ấn Tòa giám mục Toronto. Tháng 9, 2009 vừa qua Ngài được Đức TGM Toronto bổ nhiệm làm Chưởng ấn kiêm Giám đốc Giáo phủ Tổng giáo phận Toronto.

TGP Toronto là giáo phận lớn nhất Canada, gồm 225 giáo xứ, hơn 800 linh mục triều và dòng, với gần 2 triệu người công giáo dưới sự cai quản của Đức Tổng giám mục Thomas Collins và 4 giám mục phụ tá, kể cả 2 giám mục vừa được bổ nhiệm. Trong TGP Toronto thánh lễ tiếng Việt được cử hành hằng tuần tại 3 thánh đường và có 6 linh mục triều gốc Việt trong TGP.

Lm. Giuse Phạm Hồng Chương, Toronto, Canada