Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm

Nói tới giáo phận Phát Diệm người ta thường nhớ tới những tên tuổi đã đi vào lịch sử, như Cụ Sáu Trần Lục, đức cha Nguyễn Bá Tòng, đức cha Lê Hữu Từ...và đặc biệt là quần thể nhà thờ Phát Diệm, một công trình kiến trúc được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, từ lâu đã thu hút rất đông khách thập phương tới chiêm ngưỡng. Nhưng Phát Diệm không phải chỉ có thế. Phát Diệm còn có biết bao người khác, tuy không được nhắc tên, nhưng trong dòng thời gian đã âm thầm góp phần không nhỏ kiến tạo lên Phát Diệm và làm cho giáo phận tiếp tục phát triển. Trong số những con người âm thầm đó phải kể tới các nữ tu Mến Thánh Giá Phát Diệm.

SƠ LƯỢC LỊCH SỬ HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ PHÁT DIỆM

Năm 1901, khi giáo phận Phát Diệm được thành lập, Dòng Mến Thánh Giá đã có 3 nhà; các nhà đều đứng biệt lập, sống như những Tu hội và chỉ có lời khấn tư: Nhà Bạch Cát (Bạch Liên) thành lập năm 1749, nhà Phúc Nhạc thành lập năm 1788, nhà Thành Đức thuộc xứ Cách Tâm thành lập năm 1823 (1).

Năm 1902, một năm sau khi giáo phận được thành lập, đức cha Alexandre Marcou Thành đã cho 9 chị từ nhà Phúc Nhạc xuống Phát Diệm lập nhà mới tại xã Lưu Phương (bên cạnh giáo xứ chính tòa Phát Diệm) (2). Kể từ đó, Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm được khai sinh và nhà Lưu Phương này chính thức trở thành nhà mẹ của Hội Dòng.

Năm 1912, thành lập nhà tập. Năm 1916, đức cha Marcou Thành trao cho cha Louis de Cooman Hành, Tổng Đại Diện Giáo Phận Phát Diệm (sau sẽ làm Giám Mục Phó giáo phận Phát Diệm), quyền coi sóc Hội Dòng.

Với trách nhiệm mới, đức cha de Cooman Hành bắt đầu cải tổ Hội Dòng: Thống nhất các cộng đoàn trong giáo phận, soạn hiến pháp mới và quy định việc khấn dòng theo giáo luật (1917), sửa đổi tu phục: nữ tu mặc áo dài đen, đầu đội lúp đen, đeo Thánh Giá trước ngực, sửa đổi tên gọi các chức vụ cho thích hợp với dòng tu: Bà Mẹ: Bề Trên chung cho cả Hội Dòng trong giáo phận, Bà Nhì: Phụ Tá của Bà Mẹ, Tổng Quản Lý: Chị giữ việc; tại các cộng đoàn nhỏ: Bà đứng đầu gọi là Bà Nhất, Chị Cai gọi là Quản Lý.

Hai đức cha giáo phận chuẩn bị cho các nữ tu thực sự đi vào tinh thần đời sống thánh hiến bằng một thời gian dài học hỏi, tập sống đời tu và thực hành các lời khấn theo giáo luật. Ngày 02 tháng 02 năm 1925 các ngài đã long trọng chủ sự lễ khấn tạm lần đầu cho 61 nữ tu tại Lưu Phương, Phát Diệm. Đây là lễ khấn tạm lần thứ I của các nữ tu Mến Thánh Giá trên đất nước Việt Nam theo giáo luật mới được ban hành năm 1917 (3), sau 255 năm (1670-1925) kể từ khi đức cha Phêrô Maria Lambert de La Motte nhận lời khấn của hai nữ tu A-nê và Pao-la tại Phố Hiến (Hưng Yên ngày nay) ngày 19 tháng 02 năm 1670 (4). Sáu năm sau, ngày 01 tháng 02 năm 1931, 61 nữ tu này đã tuyên khấn trọn đời và đây cũng là một biến cố lịch sử quan trong: lần đầu tiên các nữ tu mến Thánh Giá khấn trọn đời tại Việt Nam.

Năm 1932, giáo phận Thanh Hoá được tách rời từ giáo phận Phát Diệm, Hội Dòng Mến Thánh Giá cũng được tách đôi. Các cộng đoàn nằm trong lãnh thổ giáo phận Thanh Hoá thuộc về Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hoá (5).

Trong tinh thần chia sẻ ơn Chúa, năm 1942 các nữ tu Mến Thánh Giá Phát Diệm đã giúp cải tổ Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá. Năm 1946: giúp thành lập Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi (Bùi Chu). Năm 1951: giúp cải tổ Dòng Mến Thánh Giá Bùi Chu, sau đổi thành Dòng Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương (6).

Ngay từ khi bắt đầu thành lập (1902) Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm vẫn không ngừng phát triển. Vào năm 1954 Hội Dòng có 191 nữ tu đã khấn, 25 tập sinh, 17 đệ tử và 14 cộng đoàn hoạt động trong 14 giáo xứ của giáo phận Phát Diệm: Cộng đoàn Bạch Liên thiết lập 1749, Phúc Nhạc 1788, Cách Tâm (Thành Đức) 1823, Phát Diệm (Lưu Phương) 1902, Ninh Bình 1919, Văn Hải 1927, Khiết Kỷ 1937, Hướng Đạo 1938, Tôn Đạo 1940, Vô Hốt 1940, Dưỡng Điềm 1940, Quyết Bình 1950 (7), Như Tân 1952 và Tân Khẩn 1953.

CHIA LY VÀ TANG TÓC

Sau Hiệp định Genève chia đôi lãnh thổ ngày 02 tháng 7 năm 1954, diễn ra cuộc di cư vĩ đại từ miền Bắc vào miền Nam, cuốn hút theo Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm. Ngày 11 tháng 07 năm 1954, cùng với đức cha Lê Hữu Từ và đa số linh mục Phát Diệm, khoảng 183 nữ tu, gồm cả khấn sinh, tập sinh và đệ tử di cư vào Nam. Những tưởng đây là cuộc lánh nạn tạm thời, ngờ đâu đó là cuộc ra đi không hẹn ngày về. Chỉ còn 30 nữ tu đã lớn tuổi ở lại miền Bắc, chia nhau trông coi 9 nhà, còn 4 nhà phải đóng cửa vì không có người ở (8).

Và thử thách dồn dập xẩy tới. Bà mẹ bề trên A-nê Nguyễn Thị Toàn bị bắt đi tù cải tạo 3 năm (1954-1957), nữ tu Vũ Thị Sáng bị tù 2 năm (1961-1963). Năm 1956 nhà nước tịch thu hoàn toàn nhà cửa và đất đai của các cộng đoàn Bạch Liên, Phúc Nhạc, Ninh Bình, Văn Hải, Khiết Kỷ, Tôn Đạo, Vô Hốt, Dưỡng Điềm, Quyết Bình, Như Tân và Tân Khẩn. Chỉ còn lại 3 cộng đoàn: Lưu Phương (bị chiếm một phần đất), Thành Đức và Hướng Đạo. Cả ba cộng đoàn đều bị kiểm soát thường xuyên ngày cũng như đêm.

Năm 1957, Bà A-nê Nguyễn Thị Toàn trở về sau 3 năm tù. Mặc dầu gặp muôn vàn cản trở, nhưng với sự hỗ trợ của đức cha Bùi Chu Tạo và quý cha, Hội Dòng đã nhận 30 thỉnh sinh, chia làm 3 lớp đào tạo trong những năm 1958, 1959 và 1960. Ngày 01 tháng 01 năm 1963 Đức cha Bùi Chu Tạo nhận lời khấn tạm của 30 tập sinh này (9).

Năm 1966-1967, viện lí do chiến sự, chính quyền đã buộc 12 nữ tu phải về gia đình (đợt một). Nhưng ý Chúa nhiệm mầu, trong thời gian này giáo phận đang thiếu linh mục trầm trọng, rất cần người phục vụ các xứ đạo. Vì thế, các nữ tu trở thành những trợ tá rất đắc lực trong công việc mục vụ tại các giáo xứ: Tân Khẩn (3 nữ tu), Trì Chính (2 nữ tu), Mông Hưu (2 nữ tu), Phương Thượng (2 nữ tu), Cồn Thoi (1 nữ tu), Phát Diệm (1 nữ tu), Dưỡng Điềm (1 nữ tu) (10).

Rồi tang tóc đau thương đã đổ xuống. Ngày 11 tháng 03 năm 1968, 6 quả bom đã rơi trúng khu vực nhà mẹ Lưu Phương làm tan nát 24 nóc nhà, trong đó có nhà nguyện, nhà tập và nhà đệ tử, chỉ còn sót lại nhà hội chung và một tháp chuông, chôn vùi luôn mẹ bề trên A-nê Nguyễn Thị Toàn và 4 nữ tu khác (3 chị mới khấn tạm). Ngày 20 tháng 03 năm 1968 chính quyền lại ra lệnh cho 10 nữ tu trẻ phải về gia đình (đợt hai), trừ lại 3 chị lớn tuổi và 3 cô hộ tu mù, què (11). Nhà mẹ lúc này trở nên điêu tàn, hoang vắng. Đức cha Bùi Chu Tạo xót xa, cám cảnh và tỏ lòng quan tâm đặc biệt tới những người con đau khổ. Cứ mỗi 3 tháng ngài gọi các chị về Nhà chung để tĩnh tâm, an ủi và nâng đỡ tinh thần các chị. Rồi mỗi năm đức cha cho khấn tạm lại; khi nào hoàn cảnh cho phép thì khấn chung, lúc khó khăn thì khấn tư.

Trong số 30 chị đã khấn tạm năm 1963, 3 chị chết vì trúng bom, 3 chị khác chết vì bệnh, 2 chị chuyển hướng, còn lại 22 chị. Năm 1973, đức cha làm đơn xin chính quyền cho các nữ tu đã phải về nhà đợt một vào năm 1966-1967 (còn lại 10 trong số 12) được trở lại nhà dòng. Các chị tiếp tục nhận ơn gọi và xây dựng lại Hội Dòng. Không ai trong số 22 nữ tu này đã khấn trọn đời (11)

DẤU HIỆU HỒI SINH

Năm 1991 hoàn cảnh xã hội có chút đổi thay, các nữ tu phải về nhà đợt hai (1968), được trở lại nhà dòng. Với sự giúp đỡ của đức cha Bùi Chu Tạo, nữ tu An-na Đinh Thị Hiền được gửi vào Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp (gốc Phát Diệm di cư), để làm kì chuẩn bị khấn trọn đời theo giáo luật, và chị đã khấn trọn đời tại đây ngày 12 tháng 06 năm 1991. Sau đó chị trở về Phát Diệm nhận trách nhiệm Đại Diện. Ngày 14 tháng 09 năm 1991, bà Đại Diện An-na Hiền đã nhận lời khấn cho 7 chị cùng lớp tại nhà nguyện toà giám mục Phát Diệm (vì nhà nguyện của Hội Dòng đã bị bom tàn phá). Ngày 24.10.1991 một số ơn gọi mới được gửi vào nhà mẹ Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp để được huấn luyện ở các lớp đệ tử (1 năm), tiền tập viện (1 năm) và tập viện (2 năm), vì lúc này Hội Dòng tại miền Bắc còn thiếu thốn nhiều mặt, nhất là chưa có đủ nhân sự.

Cùng năm này, với sự giúp đỡ của đức cha Bùi Chu Tạo, một nhà nguyện tạm thời được cất lên trên chính nền nhà nguyện cũ đã bị bom tàn phá. Thánh lễ khánh thành nhà nguyện được tổ chức ngày 01 tháng 01 năm 1992. Tại nhà nguyện này, ngày 14.9.1992, đức cha Bùi Chu Tạo đã chủ sự lễ khấn trọn đời cho 8 chị còn lại, sau 29 năm khấn tạm (1963-1992), một kỷ lục chờ đợi, vượt ra ngoài qui định tối đa 9 năm theo giáo luật.(13).

Năm 1993, Hội Dòng tái thiết khu trường đệ tử cho tập sinh ở. Và từ đó dần dần tái thiết các nhà khác, cũng như tái lập các cộng đoàn mà ngày trước đã bị đóng cửa. Lớp khấn lần đầu ngày 11 tháng 08 năm 1995, sau 32 năm kể từ lớp khấn năm 1963, đã khởi sắc lại sức sống trẻ của Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm. Từ đó đến nay, hằng năm vẫn có đều đặn các lớp tiếp nối vào nhà thử, nhà tập, khấn tạm, và khấn trọn.

SỐ CỘNG ĐOÀN VÀ NHÂN SỰ

Mặc dầu trải qua bao gian khổ, Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm vẫn tồn tại và tiếp tục phát triển. Hiện nay Hội Dòng đã có 14 Cộng đoàn, và số nhân sự mỗi năm gia tăng.

1991 - Tổng số: 22 nữ tu
• khấn trọn: 8
• khấn tạm: 14
• tập sinh: không có
4.9.2009 – Tổng số: 293 nữ tu, 14 cộng đoàn.
• khấn trọn: 81
• khấn tạm: 92
• tập sinh: 33
• tiền tập sinh: 49
• đệ tử: 58

BỀ TRÊN ĐƯƠNG NHIỆM

Bà Tổng Phụ Trách Maria Phan Thị Mai

ĐỊA CHỈ:

Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm,
Xóm 5, Lưu Phương, Kim Sơn, Ninh Bình, Việt Nam.
ĐT. 0084-303-862321

CÁC HOẠT ĐỘNG HIỆN NAY CỦA HỘI DÒNG.

1. Phục vụ theo nhu cầu giáo hội địa phương: Dậy giáo lý trẻ em tại các giáo xứ; phụ trách ca đoàn; phục vụ phòng thánh; đem Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân tại nhà, cũng như giúp họ trong những giờ sau hết; khuyên bảo, giúp đỡ những gia đình mắc rối và những người sống xa lìa Thiên Chúa; thăm viếng các bệnh nhân ở các bệnh viện và các gia đình nghèo khó, cô đơn…

2. Hoạt động giáo dục: mở ba trường mầm non tư thục từ thiện tại ba cộng đoàn Lưu Phương, Cách Tâm và Hướng Đạo để nuôi dạy các cháu thuộc gia đình nghèo.

3. Hoạt động y tế: Mở một trung tâm khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền dân tộc tại nhà mẹ Lưu Phương để giúp đỡ các bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo.

4. Ngoài ra, các nữ tu làm vườn, làm ruộng (số ruộng trên 50 mẫu trước biến cố chia đôi đất nước năm 1954 đã bị tịch thu, chỉ còn lại 2 mẫu !), làm thêu, làm may, dệt chiếu, làm bánh lễ, nuôi heo, gà, vịt. Số thu nhập rất khiêm tốn, không đủ nuôi sống các nữ tu, Hội Dòng buộc lòng phải xin gia đình các em mới nhập tu đóng góp trong 3 năm đầu, mỗi năm khoảng 50 Mỹ kim. Tất cả các dự án tốn kém chỉ có thể thực hiện nhờ hảo tâm của những tấm lòng quảng đại.

Hiện có 20 nữ tu học y khoa và sư phạm giáo dục tại Hà Nội, 2 nữ tu học thần học và tu đức tại Roma, 7 nữ tu học thần học tại trung tâm huấn luyện Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam tại sài Gòn, 2 nữ tu học y tá tại Mỹ. Trong tương lai dự định mở trung tâm nhận và săn sóc các người khuyết tật và bệnh nhân tâm thần, mở lớp dậy Anh ngữ và vi tính cho học sinh nghèo và mở thêm nhà mầm non cho con em thuộc gia đình nghèo (chi phí bằng một nửa so với các nhà mầm non của chính quyền)…


























Nguồn: gpphatdiem

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét