Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2009

LỄ CHÚA BA NGÔI MẦU NHIỆM TÌNH YÊU



I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Chúng ta mừng mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Gọi là mầu nhiệm vì đó là điều vượt quá trí hiểu của loài người. Tuy chúng ta không thể hiểu thấu mầu nhiệm đó. Nhưng may thay qua Chúa Giê-su, chúng ta thấy được biểu hiện của mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm của tình yêu.

Đó là tình yêu hiệp thông. Ba Ngôi Thiên Chúa liên kết với nhau trong tình yêu. Tình yêu đó khiến cho Ba Ngôi trở nên một. Đây là điều Chúa Giê-su nhiều lần khẳng định : “Ta và Cha Ta là một” ; Xin cho chúng nên một như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha”(Ga 17, 21). Nên một trong tư tưởng. Nên một trong hành động. Nên Chúa Giê-su luôn làm theo thánh ý Chúa Cha : “Nếu anh em giũ các điều răn của Thày, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thày, như Thày đã giữ các điều răn của Cha Thày và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15, 10). Và Đức Chúa Thánh Thần cũng không làm gì ngoài ý muốn của Chúa Giê-su như Chúa Giê-su khẳng định trong bài Tin mừng hôm nay : “Người sẽ tôn vinh Thày, vì Người sẽ lấy những gì của Thày mà loan báo cho anh em”. Sự hiệp thông trọn vẹn đến nỗi một Ngôi chính là biểu hiện của cả Ba Ngôi như Chúa Giê-su cho biết: “Ai thấy Thày là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9). Thật là một sự kết hiệp trọn vẹn.

Đó là tình yêu dâng hiến. Chúa Cha có gì thì ban cho Chúa Con tất cả. Như lời Chúa Giê-su nói trong bài Tin mừng hôm nay : “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thày”. Chúa Cha ban cho Chúa Con cả chính bản thân mình nên Chúa Con là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha. Đến nỗi ai thấy Chúa Con là thấy Chúa Cha. (cf. Ga 14, 9). Ngược lại, nhận được gì thì Chúa Con dâng lại cho Chúa Cha. Dâng cả bản thân. Dâng cả ý muốn. Dâng cả mạng sống. Khi hấp hối trong vườn Giệt-si-ma-ni, Chúa Giê-su sợ hãi cái chết và muốn bỏ cuộc, nhưng Người vẫn can đảm chấp nhận cái chết theo thánh ý Chúa Cha. Người đã tha thiết cầu nguyện : “Áp ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14, 36). Quả thật tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa là một tình yêu dâng hiến hoàn toàn. Dâng hiến đến không còn giữ gì cho bản thân mình.

Đó là tình yêu tác sinh. Sự dâng hiến không làm cho tình yêu nghèo nàn đi. Trái lại càng làm cho tình yêu thêm sung mãn. Càng cho đi lại càng thêm phong phú. Càng nhận lãnh lại càng thêm năng lực cho đi. Tình yêu đó lan toả đển cả muôn loài muôn vật trong vũ trụ. Tình yêu tràn trề sung mãn nơi Ba Ngôi Thiên Chúa tuôn đổ xuống muôn loài, làm cho muôn loài được hiện hữu, được sống, được tham dự vào nguồn tình yêu vô biên để được hạnh phúc vĩnh cửu.

Chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi biết yêu thương. Chúng ta chỉ được hạnh phúc khi tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng tội lỗi làm cho chúng ta xa lìa tình yêu của Chúa. Sự ghen ghét hận thù làm cho khuôn mặt chúng ta lem luốc méo mó, không còn giống khuôn mặt Thiên chúa.

Hôm nay ta hãy biết sống theo khuôn mẫu của Chúa Ba Ngôi. Biết sống hiệp nhất với nhau. Biết dâng hiến bản thân mình, biết cho đi, biết chia sẻ, biết sống chan hoà tình bác ái. Để thực hiện những điều ấy, ta phải biết bỏ mình, bỏ sở thích riêng, bỏ của cải và nhất là phải biết bỏ ý riêng, hoàn toàn sống theo thánh ý Thiên chúa. Khi biết bỏ mình như thế, ta sẽ nên giống hình ảnh Thiên chúa. Khi hoàn toàn quên mình để sống cho tình yêu ta sẽ được kết hiệp với tình yêu của Thiên chúa. Đó chính là hạnh phúc thiên đàng. Đó chính là đích điểm của đời chúng ta.

Lạy Ba Ngôi Thiên chúa, xin cho con ngày càng trở nên giống hình ảnh của Chúa. Amen.

III. TẤM BÁNH HOÁ NHIỀU

. Về lý thuyết, Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi thật khó hiểu. Nhưng thực ra Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi rất cụ thể trong đời sống ta. Bạn hiểu điều này thế nào ?

2. Ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi. Ta phải sống thế nào để là hình ảnh trung thực của Người ?

3. Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch hạnh phúc. Muốn được hạnh phúc ta phải kết hiệp với nguồn mạch hạnh phúc này. Nhưng để kết hiệp với Chúa Ba Ngôi, ta phải làm gì ?

+ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét