Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2009

Lễ phong chức Linh mục Giáo phận Bà Rịa




BÃI DÂU, VŨNG TẦU - Ngày 11.6.2009, tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu- Vũng Tàu, Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm đã phong chức linh mục cho 6 Thầy Phó Tế. Các Tân chức tốt nghiệp khoá VII Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn. Cùng đồng tế có 150 linh mục; đông đảo tu sĩ nam nữ và thân nhân ân nhân các tân chức chung lời cầu nguyện.


- Lm Giuse Vũ Minh Đạo- Lm Giuse Nguyễn Công Luận- Lm Giuse Vũ Đức Thịnh- Lm antôn Nguyễn Văn Thuần- Lm JB Nguyễn Bá Tín- Lm Giuse Trần Đình Túc.Trong Thánh lễ phong chức, Đức Cha Nguyễn văn Trâm đã huấn đức như sau: Các con thân mến, các con sắp lên chức linh mục, các con sẽ thi hành nhiệm vụ giảng huấn trong Chúa Kitô là Thầy chúng ta. Các con đã vui mừng lãnh nhận Lời Chúa, các con hãy đem ra phân phát cho mọi người. Khi suy gẫm luật Chúa, các con hãy chú tâm tin điều các con đọc, dạy điều các con tin và thi hành điều các con dạy. Vậy giáo lý các con phải nên lương thực nuôi dân Thiên Chúa. Như vậy, một trong những bổn phận quan trọng nhất của linh mục là rao giảng Lời Chúa. Linh mục thi hành nhiệm vụ đó không phải với tư cách cá nhân, nhưng với tư cách thừa tác viên của Hội Thánh. Hội Thánh nhắn nhủ các linh mục: “Dân Thiên Chúa được quy tụ trước hết là nhờ lời Thiên Chúa hằng sống; Lời này phải được đặc biệt tìm thấy nơi môi miệng các linh mục… Vì thế, các linh mục mắc nợ với mọi người về việc thông truyền cho họ chân lý Phúc Âm mà các ngài đã nhận nơi Chúa” (LM số 1).Vì thế, linh mục luôn đặt mình vào sứ vụ chung của Hội Thánh. Đó là sứ vụ truyền thông Lời Chúa cho con người.


I. LỜI CON NGƯỜI1. Lời nội tâmNgôn ngữ chỉ là một trong nhiều phương cách, chứ không phải là phương cách duy nhất, để con người có thể diễn đạt thế giới nội tâm của mình. Người câm điếc vẫn có thể diễn đạt nội tâm mình cho người khác, dẫu họ không nói được.Vì thế, trước khi nói đến ngôn ngữ, phải quan tâm đến thế giới bên trong, được gọi là nội tâm. Lời ấy bao hàm cả tâm tư, tình cảm, ước muốn, nghĩ suy của con người. Lời ấy rất phong phú đến nỗi nhiều khi mọi phương cách, mọi ngôn ngữ đều bất khả diễn đạt. Chỉ còn biết thinh lặng. Thinh lặng để lắng nghe và thinh lặng cũng là hùng biện!2. Lời được nói raDẫu con người có nhiều phương cách diễn đạt thế giới nội tâm, nhưng lời được nói ra vẫn là phương cách quen thuộc nhất và tốt nhất.Lời ấy giúp con người bày tỏ được cái tôi của mình: cái tôi suy nghĩ, phán đoán, ước muốn. Đồng thời nhờ lời, con người thiết lập tương giao với tha nhân, và chính những tương giao ấy làm cho con người nên phong phú, vì con người là một hữu thể mang tính xã hội.Chính vì thiếu khả năng nói, người câm điếc bị giới hạn rất nhiều trong khả năng diễn đạt, ảnh hưởng đến khả năng lý luận, suy nghĩ và cả đời sống tâm lý.3. Lời và hiệu năngVì lời nói thiết lập những tương giao nên cũng có thể chi phối tương giao đó theo chiều hướng tốt hay xấu tuỳ lòng người. Thánh Giacôbê ví cái lưỡi như hàm thiếc tra vào miệng ngựa, như bánh lái điều khiển con tàu, và hơn nữa như ngọn lửa của thế giới sự ác (x.Gc 3,2-6). Dân Hy Lạp có một vị thần bảo mệnh cho khoa hùng biện, với hình tượng Mercure, miệng ngậm dây xiềng bằng vàng tượng trưng sức mạnh của lời nói. Và trong lịch sử, người ta vẫn nhắc đến ba tấc lưỡi của Tô Tần, cũng như cung kính nói đến thánh Gioan Kim Khẩu. Tất cả đều nhấn mạnh vào vai trò và hiệu năng của lời nói.Chính vì thế đã từ lâu, người ta có khoa hùng biện và có nhiều sách vở hướng dẫn nghệ thuật nói trước công chúng.


II. LỜI THIÊN CHÚA


Suy nghĩ về lời con người là cách cụ thể để tiếp cận lời Thiên Chúa.


1. Lời nội tâm“Thiên Chúa của chúng ta không phải là Thiên Chúa của các triết gia, nhưng là Thiên Chúa của Abraham, Isaac, Giacóp” (Pascal). Nghĩa là một Thiên Chúa sống động, một Thiên Chúa ngỏ lời.Nhưng trước khi lời ấy được nói ra với và cho con người, thì Lời ấy đã là lời nội tâm, Lời Hằng Hữu:“Lúc khởi đầu đã có Lời. Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1). Lời ấy là tất cả thế giới nội tâm của Thiên Chúa, là chính mình Ngài và là thánh ý của Ngài (x. MK số 2).2. Lời được nói raLời nội tâm ấy, Thiên Chúa đã bày tỏ cho con người để thiết lập tương giao với con người, mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Ngài. Bày tỏ bằng hành động như sáng tạo và những can thiệp của Ngài suốt chiều dài lịch sử cứu độ:“Nhờ Lời, vạn vật được tạo thành và không có Lời, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,3).Chính vì thế, tất cả vũ trụ vạn vật trở thành vết tích của Thiên Chúa (Vestigia Dei), thành điệu múa của vũ công, như Ấn Giáo mô tả. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã bày tỏ lời nội tâm ấy cách trọn vẹn qua Lời nói, Lời được trao bao cho các tổ phụ, các ngôn sứ và đỉnh cao là nơi Chúa Giêsu, Lời hoá thành nhục thể: “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1).Thánh Gioan Thánh Giá giải thích: “Khi Thiên Chúa đã ban tặng cho ta Con của Ngài là chính Lời của Ngài, Thiên Chúa không còn Lời nào để ban cho ta nữa. Thiên Chúa đã nói tất cả và dứt khoát nơi Lời duy nhất đó”.3. Lời hiệu nghiệmNếu lời của con người còn tạo ra những hiệu quả lớn lao thì huống gì Lời Thiên Chúa: “Như mưa và tuyết rơi xuống mà không trở lại, nhưng đượm nhuần đất đai, nảy sinh hạt mầm… Cũng vậy, Lời phát sinh từ miệng Ta, chẳng trở về luống công mà chắc sẽ hoàn thành điều Ta mong muốn” (Is 55,10-11).Có thể nhìn vào hiệu năng ấy ở nhiều mức độ:• - Trước hết Lời Chúa có thể đọc và giải thích ngoài phụng vụ, trong phạm vi cá nhân hoặc khi làm việc đạo đức. Khi đó Lời Chúa là cơ hội ban ơn hiện sủng và hiệu năng ở đây là hiệu năng “do nhân” (ex opere operantis), nghĩa là tuỳ thuộc thái độ tâm hồn của người đọc và người nghe. • - Thứ đến là Lời phụng vụ, tức là Lời được công bố khi cử hành phụng vụ. Đó là Lời do Chúa Giêsu hoặc Giáo Hội ấn định, được công bố nhân danh Chúa và Giáo Hội bởi thừa tác viên chính thức. Khi đó sự tự do diễn tả bị giới hạn nhiều hơn nhưng lại mang hiệu năng lớn hơn. • - Sau cùng là Lời Bí Tích (Parole sacramentelle) mang hiệu năng “do sự” (ex opere operato). Thánh Augustinô nói về Bí Tích Thánh Tẩy: “Rút Lời đi, nước chỉ còn là nước. Đưa Lời vào yếu tố (vật chất) thình thành Bí tích. Chính Bí tích trở thành như Lời Hữu HÌnh (visibile Verbum)”.Và Thánh Toma Aquinô diễn tả về Bí Tích Thánh Thể: “ Ngôi Lời hoá thành nhục thể, đã nói một Lời làm cho Bánh trở nên thịt mình (carnem)”.Chính vì thế, R.Guardini gọi Thánh Thể là Lời Tác Động (Parole opérante). Lời và Bí Tích đan quyện vào nhau: Lời là Bí tích nghe được (sacramentum audibile); và Bí tích là Lời thấy được (Verbum visibile).III. CON NGƯỜI CÔNG BỐ LỜI THIÊN CHÚA (Tác vụ Lời Chúa)1. Lời Thiên Chúa được công bố qua con ngườiLời Thiên Chúa là Lời Quyền Năng, nhưng Thiên Chúa lại trao cho con người sứ mạng công bố Lời Ngài: “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta qua các ngôn sứ” (Dt 1,1). Cũng một sứ mạng ấy được được tiếp nối trong Giáo Hội hôm nay: “Ngày sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân” (Lc 9,2). Hơn nữa sứ mạng đó còn là nhiệm vụ cốt yếu của các tông đồ: “Chúng tôi không thể sao nhãng Lời Thiên Chúa để lo giúp việc bàn ăn” (Cv 6,2) và Thánh Phaolô kêu lên: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm”.Thế là con người tội lỗi được giao trách nhiệm công bố Lời thánh hoá, con người yếu đuối công bố Lời quyền năng, con ngươi giới hạn công bố Lời vĩnh cửu.Đã hẳn khi công bố, kẻ được sai phải công bố Lời Thiên Chúa: “Ta sai ngươi đến với ai, ngươi sẽ đi. Ta truyền cho ngươi điều gì, ngươi sẽ nói” (Gr 1,7).Tuy nhiên khi họ công bố Lời Thiên Chúa, dấu ấn con người họ vẫn có mặt, vì “Thiên Chúa dùng họ trong khả năng và phương tiện của họ” để họ công bố như “những tác giả đích thực tất cả những gì Chúa muốn” (x. MK 11). Người ta có thể gặp được vẻ nóng nảy mà nồng nàn tha thiết của Giêrêmia, chiều sâu chiêm ngắm trong thinh lặng của Gioan, nhiệt tình bốc cháy của Phaolô… Nhưng tất cả đều công bố Lời Thiên Chúa.2. Trong tác động của Thánh ThầnTrong tông huấn Evangelii Nuntiandi số 75, Đức Phaolô VI đã viết: “Những kỹ thuật nhằm phục vụ công cuộc Phúc Âm hoá là điều rất tốt, nhưng cho dẫu những kỹ thuật hoàn hảo nhất cũng không thể thay thế hoạt động thầm kín của Thánh Thần”.


Sứ vụ công bố Lời Chúa phải được thực hiện trong tác động của Thánh Thần. Đó là điều hiển nhiên. Trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ, chính Thánh Thần là Đấng đã nói qua miệng các tiên tri. Và đến thời điểm đỉnh cao của lịch sử, cũng bởi quyền năng của Thánh Thần mà Lời vĩnh cửu đã mặc lấy xác phàm trong lòng Trinh nữ Maria (Lc 1,35).Ngày nay, khi cử hành lễ tế Tạ Ơn, Hội Thánh cũng khẩn nài Thánh Thần ngự xuống thánh hoá của lễ và biến thành Mình Máu Chúa Giêsu. Cũng thế, người giảng chỉ có thể thực sự giảng Lời Chúa nhờ quyền năng và tác động của Thánh Thần. Chính Ngài tác động lên người nói cũng như người nghe, để Lời được công bố không còn là lời của người phàm nhưng là Lời Thiên Chúa. Dù ta có cố gắng đến đâu cũng không thể cải hoá lòng người vì: “Không ai có thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa mà không do Thánh Thần” (1Cr 12,3) và “Nếu như Chúa chẳng xây nhà, thờ nề vất vả chỉ là uổng công” (Tv 127,1). Cũng vì thế, khi nói đến trường hợp bà Lydia quê ở Thyatira đã chăm chú nghe Thánh Phaolô giảng dạy, Luca lại diễn tả: “Bà nghe và Chúa mở lòng cho bà để bà chú y đến những lời ông Phaolô nói” (Cv 16,14).Đây không chỉ là lý thuyết nhưng đã là kinh nghiệm sống của nhiều người. Cả mục sư P.Tillich và cha F.Varillon đều cùng chia sẻ một kinh nghiệm: Có những khi chuẩn bị rất kỹ và chắc chắn sẽ gặt hái thành công thì lại thất bại; có những khi gặp khó khăn và trở ngại trong việc chuẩn bị bài giảng, chỉ biết nương tựa vào tác động Thánh Thần thì lại thu hoạch kết quả không ngờ.Thế nên người giảng phải luôn đặt mình dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, mới có thể chu toàn sứ vụ công bố Lời Chúa.3. Và những đòi hỏiSứ mạng thật cao cả những cũng kèm theo nhiều đòi hỏi.Trước hết phải trau dồi Lời Thiên Chúa, vì được sai đi là để công bố Lời Chúa chứ không phải lời của thế gian, cho dẫu lời ấy có khôn ngoan đến đâu chăng nữa: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do Thái cho là ô nhục không thể chấp nhận và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1, 22-24).Đồng thời cũng phải trau dồi lời con người, nghĩa là khả năng nói, loan báo và rao giảng. Vì Thiên Chúa đã thương dùng môi miệng ô uế (Is 6,5) của ta mà loan báo Lời Ngài, thì phải trau dồi để có thể “sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của mình” (1P 3,15), biết dùng lời nói ngọt ngào mà nghiền nát xương tuỷ (Cn 25,15) và chinh phục các tâm hồn. Chính vì thế, người rao giảng Tin Mừng cũng phải quan tâm trau dồi những kỹ năng diễn đạt tư tưởng, và không lạ gì khi nhiều nhà giảng thuyết cũng là những khuôn mặt sáng ngời trong lịch sử nghệ thuật hùng biện.Như thế, công bố Lời Chúa vừa là một hồng ân vừa bao hàm một trách nhiệm. Là hồng ân vì con người tầm thường được Thiên Chúa mời gọi làm ngôn sứ. Là trách nhiệm vì phải nỗ lực để chu toàn sứ vụ. 4. Những hình thức rao giảng Lời Chúa trong Giáo HộiTác vụ Lời Chúa bao gồm 3 hình thức tiến triển theo 3 giai đoạn, có thể mô tả cách tổng quát như sau:a. CÔNG BỐ TIN MỪNG (Kerygma)• - Nội dung: Công bố Tin Mừng lần đầu về Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế, cũng như những sự kiện chính của lịch sử cứu độ. • - Đối tượng: Anh em lương dân chưa lãnh Bí tích Rửa Tội hoặc những người đã được Rửa Tội nhưng không giữ đạo, không hiểu rõ về đạo. • - Mục tiêu: Đón nhận Đức Kitô, hoán cải đời sống và tin vào Tin Mừng. • - Thừa tác viên: Mọi tín hữu trong Hội Thánh.b. HUẤN GIÁO (Catéchèse)• - Nội dung: Trình bày giáo lý có hệ thống. • - Đối tượng: Mọi người đã lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, cần học hỏi sâu rộng hơn về mầu nhiệm Đức Kitô. • - Mục tiêu: Nhằm huấn luyện một đức tin trưởng thành. • - Thừa tác viên: Giáo dân cũng như linh mục.


c. GIẢNG LỄ (Homilia)• - Nội dung: Khai triển các bản văn thánh, trong khung cảnh phụng vụ và hướng dẫn đời sống cụ thể. • - Đối tượng: Cộng đoàn tín hữu tập họp trong các cử hành phụng vụ. • - Mục tiêu: Để sống đức tin và đức ái trưởng thành. • - Thừa tác viên: Linh mục, Phó tế. Giáo dân chỉ có thể tham gia theo tư cách đáp ứng, chứng từ qua kinh nghiệm bản thân.Trong thực tế, bài giảng lễ phải tuỳ nghi bao hàm cả hình thức công bố Tin Mừng (Kerygma) và Huấn giáo (Catéchèse) thì mới đầy đủ, nhất là trong khung cảnh hiện nay khi giáo dân chỉ đến Nhà thờ vào Chúa nhật, và họ cần được bồi dưỡng trong đời sống tôn giáo.Trách nhiệm lớn nhất của linh mục, như Hội Thánh đã dạy: “Vì Dân Thiên Chúa được quy tụ trước hết nhờ Lời của Thiên Chúa hằng sống, Lời mà người ta hoàn toàn được phép đòi hỏi nơi miệng các Linh Mục, nên các thừa tác viên thánh phải coi trọng nhiệm vụ giảng thuyết, và việc rao giảng Tin Mừng của Chúa cho mọi người phải là một trong những bổn phận chủ yếu của các ngài” (Giáo Luật 1983, điều 762).IV. ĐỂ THI HÀNH SỨ MẠNG TRUYỀN THÔNG LỜI CHÚATrong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay truyền thông đã trở thành một ngành học được quan tâm và nghiên cứu sâu rộng. Là người có trách nhiệm thông truyền Lời Chúa, linh mục không thể quan tâm đến những nghiên cứu này, với mục đích duy nhất là để việc thông truyền Lời Chúa đạt được hiệu quả cao nhất. Một số nét căn bản về đặc tính và yếu tố trong hoạt động truyền thông, cách riêng trong lĩnh vực truyền thông bằng lời, quen gọi là diễn thuyết. 1. Những đặc tính của truyền thônga. Truyền thông là một tiến trình hai chiềuĐã gọi là truyền thông, giả thiết phải có người nói và người nghe. Người nghe có thể là một người, một nhóm hoặc cả một đám đông. Cả hai bên, người nói và người nghe, đều trao gửi và đón nhận một sứ điệp nào đó. Đừng tưởng người nói chỉ trao mà không nhận, và ngược lại, người nghe chỉ nhận mà không trao. Chẳng hạn, nghe một diễn giả thuyết trình, cử toạ có thể chăm chú lắng nghe, hay ngược lại, ngáp dài, ngủ gật, nói chuyện, bỏ ra về… Tất cả đều là những “sứ điệp” họ gửi đến diễn giả; và diễn giả cần nhạy bén với những “sứ điệp” đó để thích ứng kịp thời.b. Truyền thông là một tiến trình có mục đíchTrong hoạt động truyền thông, chủ thể luôn nhắm tới một mục đích, ví dụ: thuyết phục đối tượng về một giá trị, một công việc, một món hàng nào đó. Mục đích ấy còn ở xa trong hiện thực nhưng lại có mặt ngay từ đầu trong tâm trí, và âm thầm chi phối, hướng dẫn tất cả tiến trình suy nghĩ, trình bày, nhằm đạt đến mục tiêu mình theo đuổi. Diễn giả nói, không chỉ để nói, nhưng nhằm thuyết phục cử toạ thực hiện một đề nghị nào đó.c. Truyền thông là một tiến trình mang tính biểu tượngBiểu tượng là một cái gì không ngưng lại nơi chính nó, nhưng muốn khơi dậy, gọi về một nội dung khác. Trong hoạt động truyền thông, người ta sử dụng những biểu tượng nhằm chuyển tải tư tưởng, tâm tình của mình cho người khác.Trong lãnh vực diễn thuyết, diễn giả sử dụng ngôn ngữ để truyền thông tư tưởng của mình cho người nghe. Ngôn ngữ chính là một hệ thống ký hiệu và biểu tượng, nhằm khơi dậy người nghe những suy tư và cảm xúc giống như của diễn giả.Nói đến ngôn ngữ, lập tức ta nghĩ ngay đến ngôn ngữ bằng lời, nhưng thực ra, còn có cả ngôn ngữ không lời: cử chỉ, nét mặt, dáng vẻ, giọng nói… và thứ ngôn ngữ này đóng vai trò không kém quan trọng. Diễn giả thành công là người có khả năng sử dụng nhuần nhuyễn và hài hoà cả hai ngôn ngữ này.d. Truyền thông là một hoạt động gắn với môi trường sốngĐể đạt đến mục đích mong muốn, người làm công tác truyền thông phải quan tâm và thích ứng với môi trường mình đang có mặt. Diễn thuyết không chỉ là buông ra những lời nói, nhưng còn là làm thế nào để lời nói mang lại hiệu quả. Như vậy, diễn giả không chỉ quan tâm đến việc nói cái gì và thế nào, mà còn phải quan tâm đến việc nói ở đâu và khi nào. Mối quan tâm này thúc đẩy diễn giả chuẩn bị và thích ứng cung cách quy cách trình bày của mình với môi trường cụ thể.e. Truyền thông là hoạt động tập trung vào cử toạYếu tố then chốt trong truyền thông không phải là người nói, nhưng là người nghe, người đón nhận. Vì thế, nếu trong lãnh vực tiếp thị, người ta bảo “khách hàng là thượng đế”, thì trong lãnh vực diễn thuyết, “người nghe là vua”. Diễn giả phải đặt cho mình những câu hỏi về người nghe: Họ là ai? Trình độ hiểu biết của họ đến đâu? Tâm tư nguyện vọng thế nào? Họ sẽ hiểu và đáp ứng thế nào khi nghe tôi diễn thuyết? Nói cách khác, phải đặt mình vào hoàn cảnh của người nghe và tìm cách thích ứng để đạt hiệu quả mong muốn.f. Truyền thông là một tiến trình phức hợpNhững phân tích trên cho thấy truyền thông là cả một tiến trình phức hợp vì bao hàm nhiều yếu tố: Người nói, người nghe, sứ điệp, môi trường. Mỗi yếu tố lại mang nhiều khía cạnh đan xen lẫn nhau: thể lý, tâm lý, hiểu biết, tinh thần… Vì thế, để một hoạt động truyền thông hữu hiệu, không phải là điều dễ dàng. Ý thức này không làm nhụt chí, nhưng thúc đẩy linh mục chuẩn bị kỹ lưỡng, để việc truyền thông mang lại hiệu quả như lòng mong ước.2. Những yếu tố trong truyền thônga. Nguồn truyền thôngTrong lãnh vực diễn thuyết, nguồn truyền thông là diễn giả. Thông qua ngôn từ và biểu tượng, diễn giả thông truyền tư tưởng, cảm xúc của mình cho cử toạ. Diễn giả phải ý tức trách nhiệm của mình để có thái độ thích hợp. Có thể tóm tắt thái độ này là tôn trọng thính giả.Vì tôn trọng người nghe, người nói phải chuẩn bị kỹ lưỡng bài thuyết trình của mình: nghiên cứu, tìm tòi tài liệu, phân tích vấn đề… để người nghe khỏi mất thì giờ vô ích.Vì tôn trọng người nghe, người nói phải trình bày vấn đề với lương tâm ngay thẳng: tôn trọng sự thật, không xuyên tạc thông tin, không bóp méo chân lý… nhưng biết dùng hoạt động truyền thông để phục vụ chân, thiện, mỹ.Thái độ tôn trọng người nghe còn được thể hiện qua cung cách trình bày: không nói trên đầu người khác, không mạ sát cử toạ… nhưng kính trọng họ qua cách ăn nói, kể cả cách ăn mặc và những cử chỉ bên ngoài.b. Phương tiện truyền thôngMỗi ngành truyền thông lại có phương tiện khác nhau, như điện ảnh dùng ngôn ngữ ánh sáng, kịch nghệ dùng ngôn ngữ điệu bộ, cử chỉ… Trong lãnh vực diễn thuyết, phương tiện chủ yếu là ngôn ngữ (bằng lời và không lời). Người nói dùng ngôn ngữ để chuyển tải tâm tư tình cảm của mình cho người nghe. Vấn đề là làm sao cho người nghe nắm bắt được đúng những suy tư, cảm xúc của diễn giả; vì không nhất thiết cử toạ hiểu đúng những điều diễn giả muốn trình bày. Chính vì thế, diễn giả cần sử dụng ngôn ngữ sao cho sáng sủa, rõ ràng, dễ hiểu. Cần tránh những lập luận cao siêu vô ích, chỉ nhằm phô trương kiến thức, chứ không nhằm mục đích truyền thông. Cũng cần tránh những cử chỉ huênh hoang, kiêu căng, ngạo mạn… khiến người nghe hiểu sai điều ta muốn thông truyền.c. Sứ điệpĐã đành ngôn ngữ đóng vai trò cần thiết, đến nỗi có thể quyết định sự thành công hay thất bại của diễn giả. Tuy nhiên ngôn ngữ không thể chỉ là vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài, để che đậy sự nghèo nàn, rỗng tuếch bên trong. Vì thế, chính sứ điệp truyền thông mới quan trọng. Diễn giả phải chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung sứ điệp bằng việc suy nghĩ cho thấu đáo, lý luận vững chắc, tìm tòi tư liệu… Như thế mới mong mang lại hiệu quả lâu dài.d. Đối tượng truyền thôngĐối tượng ở đây được hiểu là người nghe. Nhìn một sự vật hay biến cố, luôn luôn là nhìn ở góc độc nào đó. Cũng vậy, nghe một sứ điệp, luôn luôn là nghe với một trạng thái có sẵn. Trạng thái này được hình thành bởi nhiều yếu tố: tri thức, tình cảm, môi trường, kinh nghiệm… Chính vì vậy, cũng cùng một sứ điệp nhưng lại tạo nên âm vang khác nhau nơi mỗi tâm hồn. Hiểu như thế, diễn giả cần quan sát, phân tích về cử toạ, đồng thời phải nhạy bén trước những phản ứng của thính giả, để thích ứng kịp thời, với mục đích làm cho việc truyền thông đạt hiệu quả cao nhất. (x. Bàn về mục vụ giảng thuyết, Lm Nguyễn Khảm).V. ĐỂ TRỞ NÊN NGƯỜI TRUYỀN THÔNG LỜI CHÚALãnh vực truyền thông có ảnh hưởng rất lớn trong thời đại hôm nay như lời nhận xét của F.Paul A. Soukup, S.J: Trong vòng 20 năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông trên hầu hết các khu vực của toàn thế giới. Nhờ phát minh được con chíp cực nhỏ mà các thiết bị viễn thông trở nên rẻ, nhỏ và dễ sử dụng hơn. Được sự hỗ trợ của các hệ thống truyền thông đang phát triển trên khắp thế giới, các phương tiện truyền thông này đã liên kết được với nhau, nối kết mọi người và mọi địa điểm thông qua các mạng thông tin toàn cầu (Internet), các mạng truyền thanh và các mạng truyền hình. Song song với sự phát triển cơ sở hạ tầng ấy, người ta cũng thấy việc thương mại hoá các mạng và các thiết bị tăng lên, kéo theo các cơ chế lập trình, quảng cáo và cả một nền văn hoá truyền thông đại chúng. Dựa trên những gì các nhà nghiên cứu đã khám phá về ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông tương đối “cũ” như truyền hình, chúng ta có thể biết được tại sao một thế giới truyền thông đang phát triển đã tác động lên xã hội loài người nói chung và thần học nói riêng bằng cách điểm qua chín lĩnh vực này…Với sự phân cách ngày càng tăng giữa văn hoá và tôn giáo, tôn giáo chỉ còn là một hoạt động trong nhiều hoạt động. Các linh mục hôm nay đang phải làm việc trong tình thế ấy. Họ phục vụ dân chúng sống trong nhiều nền văn hoá - trong khi họ cũng như toàn thể dân chúng đều bị tác động bởi cả khối lượng lớn lao của nền văn hoá truyền thông đại chúng. Và cứ như thế các linh mục phải trở thành người chuyên môn trong lĩnh vực đa văn hoá này…Trên hết, linh mục là người bước theo Đức Kitô - nhà truyền thông tuyệt vời - “sẽ đồng hoá mình với những người tiếp nhận sự truyền thông và sẽ trao gửi thông điệp không chỉ bằng lời nói mà còn bằng toàn bộ cách sống của mình” (Hiệp thông và tiến bộ, số 11).Với vai trò giảng dạy và rao giảng Tin Mừng, linh mục sẽ tận dụng mọi phương thế mình có được, từ truyền thông luôn luôn giữa người với người đến truyền thông qua các phương tiện và công nghệ kỹ thuật số. Muốn làm thế, người linh mục phải học cách diễn đạt riêng của mỗi phương thế: nghệ thuật tu từ, hình ảnh, lời nói. Vì khán thính giả ngày nay ngày càng tinh vi, nên việc truyền thông tôn giáo cũng phải tinh vi như thế, dù đó là sự tinh vi xuất phát từ sự đơn sơ. Sau cùng, linh mục còn đóng vai trò trung gian Lời Chúa và vì thế, là người “thông dịch” mạc khải. Những hình thức công bố xem ra phù hợp nhất với các vai trò này. (x. VietCatholic News 25/08/2005, "Thần Học Truyền Thông"; VietCatholic News 26/08/2005, "Giáo Hội và Internet"; VietCatholic News 27/08/2005, "Đạo Đức trong Truyền Thông" ( http://vietcatholic.net/news/ReadAll.aspx?Days=1>).Trách nhiệm truyền thông Lời Chúa thúc đẩy linh mục phải quan tâm đặc biệt đến việc chuẩn bị bài giảng chu đáo “để cho chính mình cũng như cho các tín hữu bảo đảm có được sự chuyển đạt Tin Mừng trong tính toàn vẹn của nó, linh mục được mời gọi trau dồi nơi mình một sự nhạy cảm, một trạng thái ứng trực và một sự gắn bó đặc biệt đối với truyền thống sống động của Hội Thánh và đối với huấn quyền. Tất cả mọi điều ấy, không xa lạ đối với Lời Chúa, nhưng góp phần làm cho việc cắt nghĩa Lời Chúa được chuẩn xác hơn và bảo vệ ý nghĩa chính hiệu cho Lời Chúa” (PDV, 26). Nhờ vậy để Dân Chúa có được của ăn tinh thần phong phú và Hội Thánh được phát triển vì “ nếu đời sống Hội Thánh được tăng triển nhờ năng nhận lãnh Bí Tích Thánh Thể, thì cũng thế, có thể hy vọng đời sống thiêng liêng đựoc đổi mới nhờ thêm lòng yêu mến Lời chúa, Lời hằng sống tồn tại đến muôn đời’”(MK, 26).
LM Giuse Nguyễn Hữu An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét