Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011

Ăn chay theo Kinh Thánh

Phải dùng những cách thế ăn chay hãm mình đền tội bên ngoài, để tác động đến việc thay đổi bên trong, vì những việc đó chính là cơ hôi và động lực thúc đẩy.

Từ trước đến nay, hễ đến Mùa Chay là người ngoan đạo thường nghĩ đền việc ăn chay hãm mình đền tội, bớt tiêu pha, ăn uống, bớt vui chơi giải trí. Người ta sẽ siêng đi nhà thờ, tham dự các lễ nghi phụng vụ và làm các việc đạo đức sốt sáng hơn, nhất là tại các họ đạo miền quê hay nơi nào còn giữ được các thói quen hành đạo khi trước.

Tất cả những việc đó đều tốt và đáng hoan nghênh. nhưng thiết tưởng chưa đủ, vì đó mới chỉ là ăn chay theo chiều kích cá nhân chứ chưa phải tập thể, theo đường hướng Kinh thánh và giáo huấn của Chúa.

Thật vậy, ăn chay theo Kinh thánh phải mang chiều kích xã hội và thấm nhuần lời dạy của Chúa. Chúa dạy rằng : “Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả : chúng làm cho ra vẻ thiểu não để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm để không ai thấy là anh ăn chay, ngoai trừ cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và cha của nh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6,16-18)

Còn ăn chay theo nghĩa Kinh thánh, dựa vào lời Chúa qua các ngôn sứ đặc biệt Giô-en và I-sai-a thì như sau :

1. Ngôn sứ Giô-en

Chúa sai ngôn sứ Giô-en nói với dân : “Cách ăn chay mà ta ưa thích chẳng phải thế này sao : mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những nghèo không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục ?

Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc và thống thiết nài van. Đừng xé áo nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giầu tình thương.”

2. Ngôn sứ I-sai-a

Chúa cũng sai ngôn sứ I-sai-a nói những điều tương tự như ngôn sứ Giô-en : Chúng nói : “Chúng tôi ăn chay, sao Ngài chẳng thấy, chúng tôi hãm mình, sao Ngài chẳng hay?” Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Này

các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn. Chính ngày các người muốn ăn chay để tiếng các ngươi thấu tận trời cao thẳm, thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách. Phải chăng đó là cách ăn chay mà ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế ? Cúi rạp đầu như cây lau cây sậy, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Đức Chúa ?”

Tới đây sẽ lại có những lời lẽ như trên :

“Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao : mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm ? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người không nơi trú ngụ ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục ?”

Sự tương đương giữa hai bản văn có thể cho phép kết luận rằng hai ngôn sứ cùng nhận được một lệnh truyền từ Chúa là phải chỉ dạy cho dân chúng những cách thế ăn chay thích hợp .

Trên đây là ăn chay theo ý nghĩa Kinh thánh. Còn bây giờ áp dụng cách thế đó vào lối ăn chay của chúng ta bây giờ thì thế nào ?

3. Ăn chay, hãm mình, đền tội

Ngày xưa đến Mùa Chay, các tu sĩ trong các dòng khổ tu và những người đạo đức ăn chay hãm mình ghê gớm lắm, bởi thời đó người ta để ý nhiều đến những việc bên ngoài và dễ cảm kích vì những việc đó, do ảnh hưởng của nền tu đức thiên về khổ chế của thế kỷ XIX bên Âu châu. Nhưng ngày nay thiên hạ nghĩ khác và xem ra coi nhẹ những việc bên ngoài Tuy vậy, không phải vì thế mà chế độ khổ chế lỗi thời, bởi đó là điều căn bản cho những ai muốn theo Chúa, như Người dạy : “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16,24b ; Mc 8,34b ; Lc 9,23.27). Có điều là phải nghĩ và trình bày khổ chế một cách khác. Ngày nay có những cách ăn chay hãm mình đền tội mới, nhưng nội dung vẫn là một. Phải ăn chay, nghĩa là hạn chế những sự ăn uống tiệc tùng không cần thiêt. Vẫn phải hãm mình, nghĩa là làm chủ mình, không buông theo các sở thích tự nhiên một cách quá đáng. Vẫn phải đền tội, nghĩa là đề ra những cách thế thích hợp với thời đại để bù cho những việc sai trái mình đã làm, vì mỗi thời có một lối diễn tả và một ngôn ngữ riêng.

4. Ăn năn, sám hối, trở về cùng Chúa

Năn là môt thứ cỏ đắng. Ăn cỏ đó để nếm cái vị cay đắng của nó mà hối hận về những lầm lỗi, suy nghĩ về một thời quá khứ cho tỉnh ngộ để sửa chữa lại. Và như vậy, bó buộc phải quay đầu trở về với Chúa, với lời dạy của Người, với mối ân tình cha con mà mình đã đánh mất vì tội lỗi. Mùa Chay là mùa Hội thánh kêu mời các tín hữu hồi tâm, tìm kiếm một thời gian yên tĩnh để suy nghĩ mà điều chỉnh lại những sai sót, sơ hở trong đời sống về một thời đã qua. Phải lấy Chúa làm tiêu chuẩn và mẫu mực cho các hành động của mình thì mới biết mình hay hay dở ở chỗ nào mà điều chỉnh, vì Chúa là con đường, là sự thật và là sự sống như chính Người nói : “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống”. (Ga 14,6). Và cũng nhờ đó mới có thể quay đầu về với Người.

5. Thay đổi đời sống

Ý nghĩa và mục đích chính của Mùa Chay là làm cho ai nấy thay đổi đời sống theo đường lối của Chúa. Ăn chay, hãm mình, phạt xác là những cách thức đánh động bên ngoài để đưa tới sự thay đổi bên trong, trở nên con người mới. Đó là điều Mùa Chay nhắm tới. Đó cũng là ý nghĩa của từ metanoia trong tiếng Hy lạp, khi từ này được dùng để nói về Mùa Chay.

Phải dùng những cách thế ăn chay hãm mình đền tội bên ngoài, để tác động đến việc thay đổi bên trong, vì những việc đó chính là cơ hôi và động lực thúc đẩy.

Kết luận

Nói tóm lại, Mùa Chay dùng những việc bên ngoài như ăn chay, hãm mình, đền tội, đọc kinh cầu nguyện, lãnh nhận bí tích để khuyến khích và nhắc nhở mỗi người làm một cuộc cải hóa nội tâm, nghĩa là thay đổi nếp sống cũ để bước vào đời sống mới trong Thánh Thần.

L.m. Đỗ xuân Quế o.p.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét