Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Thầy mà rửa chân cho con sao?

Thứ 5 Tuần Thánh

NĂM B – 05-04-2012 Ga 13,1-15

Đã từ lâu, cứ mỗi Thứ Năm Tuần Thánh tôi đi lễ và khi chứng kiến linh mục rửa chân cho các môn đệ, tôi không cầm được nước mắt. Tôi liên tưởng linh mục chính là Đức Giêsu. Tôi không hiểu ý nghĩa việc Thiên Chúa lại rửa chân cho các đồ đệ của mình. Và hôm nay, chính Phêrô cũng không hiểu nên ông đã thốt lên “Thầy mà lại rửa chân cho con sao?



Ý nghĩa việc rửa chân

Theo quan niệm của người Do Thái, việc rửa chân cho người khác là một việc thấp hèn nên chỉ dành cho người nô lệ ngoại bang, chứ người nô lệ Do Thái cũng không phải làm công việc này. Rửa chân cho người khác là việc thấp hèn nên việc tự nguyện rửa chân cho người khác là để tỏ lòng hiếu thảo và một tình yêu cao độ dành cho người được rửa chân.

Như vậy, việc Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ cho thấy rằng Đức Giêsu yêu thương các môn đệ bằng một tình yêu cao độ đến nỗi Người sẵn sàng hoán đổi vị trí từ Chúa hoá thành người phục vụ, từ Thầy hoá thành trò. Người sẵn sàng làm nô lệ cho các môn đệ, tức là hạ mình và phục vụ. Các môn đệ không thể hiểu được một Thiên Chúa lại rửa chân cho môn đệ, nên Phêrô đã thốt lên: “Thầy mà lại rửa chân cho con sao? Không khi nào con chịu”. Nhưng Đức Giêsu đã giải thích cho các môn đệ: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy”.

Việc rửa chân là dấu hiệu ám chỉ đến phép rửa của Đức Giêsu, đồng thời việc rửa chân cũng ám chỉ đến sự thanh tẩy nhờ cái chết của Đức Giêsu trên thập giá. Vì thế, nếu Đức Giêsu không rửa chân cho Phêrô thì Phêrô sẽ không được chung phần với Người, tức là được hưởng phúc trường sinh.

Bài học Đức Giêsu muốn dạy chúng ta

Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” Vì yêu thương, Đức Giêsu là Thiên Chúa, đã cúi xuống rửa chân cho con người, tức là cứu lấy con người. Qua việc rửa chân, Người mời gọi mỗi chúng ta điều này là chúng ta phải có một lòng yêu thương anh em cao độ. Chúng ta không thể rửa chân cho anh em như Chúa đã rửa chân cho môn đệ, nhưng chúng ta rửa chân cho anh em qua hành vi phục vụ anh em. Bởi vì hành vi phục vụ chính là việc làm của tình yêu.

Hơn nữa, sẽ không thể được hưởng hạnh phúc Nước Trời nếu cuộc sống trần thế của chúng ta còn thiếu tinh thần phục vụ anh em. Đức Giêsu không thuyết giáo nhưng Người âm thầm cúi xuống phục vụ. Hành vi rửa chân là một việc thấp hèn nhất trong các công việc, vậy mà Thiên Chúa đã đón nhận một cách tự nguyện. Vì thế, việc phục vụ của chúng ta cũng phải xuất phát từ tình yêu và tinh thần tự nguyện, vô vị lợi.

Đức Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Người đã cúi xuống để tẩy rửa những bàn chân tội lỗi của con người, những bàn chân mang đầy thương tích, những bàn chân lầm đường lạc lối. Người không trách móc, không kêu ca, nhưng một lòng yêu mến con người nên Người đã nâng niu từng bàn chân. Thiên Chúa đã cúi xuống đón nhận tội lỗi của con người và mang lấy tội lỗi của con người, chữa lành cho con người. Thiên Chúa đã cúi xuống để tha thứ, để cứu vớt cho con người. Vì thế, chúng ta cũng được mời gọi trở nên những lương y cho anh em mình đó là lòng tha thứ. Tha thứ không phải chỉ là việc nói lên lời tha thứ cho anh em nhưng còn là hành động cụ thể để nâng đỡ những người anh em đã xúc phạm đến ta, những người anh em lầm đường lạc lối. Bằng sự an ủi, động viên, sự khích lệ trước mặc cảm tội lỗi của họ.

Là con cái cha Đa Minh, chúng ta càng bị thúc bách hơn để yêu thương tha nhân. Noi gương cha thánh, người đã bán sách quý lấy tiền giúp người nghèo, niềm nở và khoan dung với người tội lỗi, như với người lạc giáo, để tha thứ và đón nhận sự ăn năn của họ. Nguyện xin Đức Giêsu Tình Yêu ban cho chúng con sức mạnh tình yêu của Ngài để chúng con quảng đại phục vụ anh chị em và thứ tha cho anh chị em vì những lỡ lầm của họ. Amen.

Gợi ý chia sẻ
: Tôi và các anh chị em, chúng ta thử trả lời cho câu hỏi này: “Phần tôi, tôi đã làm gì cho anh chị em tôi?”


Học viện Đa Minh

(CSTMHĐGDĐM tháng 4.2012)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét