Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Thứ Năm Tuần Thánh

TAM NHẬT VƯỢT QUA

Thứ Năm Tuần Thánh (Thánh Lễ Chiều)

Kỷ Niệm Bữa Tiệc Ly Của Chúa

Bài Ðọc I: Xh 12, 1-8. 11-14

"Những chỉ thị về bữa Tiệc Vượt qua".

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê và Aaron ở đất Ai-cập rằng: Tháng này các ngươi phải kể là tháng đầu năm, tháng thứ nhất. Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Israel rằng: "Mùng mười tháng này, ai nấy phải bắt một chiên con, mỗi gia đình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con chiên, thì phải mời người láng giềng đến nhà cho đủ số người để ăn một con chiên. Chiên đó không được có tật gì, phải là chiên đực, được một năm. Có bắt dê con cũng phải làm như thế. Vậy phải để dành cho đến ngày mười bốn tháng này, rồi vào lúc chập tối, toàn thể cộng đồng con cái Israel sẽ giết nó, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Ðêm ấy sẽ ăn thịt nướng với bánh không men và rau đắng. Phải ăn như thế này: Phải thắt lưng, chân đi dép, tay cầm gậy và ăn vội vã: vì đó là ngày Vượt Qua của Chúa. Ðêm ấy Ta sẽ đi qua xứ Ai-cập, sẽ giết các con đầu lòng trong xứ Ai-cập, từ loài người cho đến súc vật, và Ta sẽ trừng phạt chư thần xứ Ai-cập: vì Ta là Chúa. Máu bôi trên nhà các ngươi ở, sẽ là dấu hiệu; và khi thấy máu, Ta sẽ đi qua mà tha cho các ngươi, và các ngươi sẽ không bị tai ương tác hại khi Ta giáng hoạ trên xứ Ai-cập. Các ngươi hãy ghi nhớ ngày ấy, làm lễ tưởng niệm, và phải mừng ngày đó trọng thể kính Thiên Chúa. Các ngươi sẽ lập lễ này để mừng vĩnh viễn muôn đời".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 115, 12-13. 15-16bc. 17-18

Ðáp: Chén chúc tụng là sự thông hiệp Máu Chúa Kitô (x. 1 Cr 10, 16).

Xướng: 1) Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. - Ðáp.

2) Trước mặt Chúa, thật là quý hoá cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. Con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tỳ Ngài, Ngài đã bẽ gãy xiềng xích cho con. - Ðáp.

3) Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 11, 23-26

"Mỗi khi anh em ăn và uống, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: "Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén, và phán: "Chén này là Tân ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến".

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 13, 34

Chúa phán: "Thầy ban cho các con một giới răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con".

Phúc Âm: Ga 13, 1-15

"Ngài yêu thương họ đến cùng".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?" Chúa Giêsu đáp: "Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu". Phêrô thưa lại: "Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con". Chúa Giêsu bảo: "Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy". Phêrô liền thưa: "Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa". Chúa Giêsu nói: "Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu". Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: "Không phải tất cả các con đều sạch đâu".

Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: "Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con".

Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm:

BỮA TIỆC giữa Đức Giêsu và các môn đệ chính là thông điệp Yêu Thương - Phục Vụ. Đây là trọng tâm của Tin Mừng Gioan (13,1-15), mời gọi chúng ta đồng hành với Đức Kitô trong yêu thương phục vụ muôn người.

Thứ Năm Tuần Thánh (Holy Thursday) Chúa Giêsu đã lập hai Bí Tích (Sacrament) đặc biệt nói lên tình thương của Chúa đối với nhân loại: “Bí Tích Thánh Thể” để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của các tín hữu bằng chính Mình và Máu Thánh Người. “Bí Tích Truyền Chức Thánh” để thiết lập chức “Linh Mục Thừa Tác”; qua Bí Tích này, Thiên Chúa tuyển chọn một số người để làm Linh Mục thừa tác, tiếp tục cử hành Bí Tích Thánh Thể và duy trì sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Mầu Nhiệm Mình và Máu Thánh Chúa qua mọi thời gian và ở mọi nơi.

Sở dĩ gọi là Linh Mục “thừa tác” vì chỉ có Chúa Giêsu là “Linh Mục Thượng Tế” trọn hảo, còn các linh mục thì được tham dự đặc biệt vào chức Linh Mục của Chúa (xin xem Thơ Thánh Phalô gửi người Do Thái, chương 7, 8 và 9). Các tín hữu cũng được tham dự cách thiêng liêng vào chức Linh Mục của Chúa Giêsu qua Bí Tích Thánh Tẩy họ đã lãnh nhận khi gia nhập Dân Thánh Chúa. (Xin xem thơ Thứ Nhất của Thánh Phêrô, đoạn 2, câu 9). Vì thế khi ngưòi công giáo đi lễ, không phải là chỉ “xem lễ” hay “dự lễ”, nhưng là “cùng nhau” và hợp với vị Chủ Tế dâng hiến lễ vật lên Thiên Chúa và tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trên Thánh Giá để cứu chuộc nhân loại. Lễ vật dâng tiến chính là của lễ trọn hảo, là “Mình và Máu Chúa Giêsu hiện diện thật sự trong Bánh Miến và Rượu Nho tinh tuyền”. Cùng với lễ vật trọn hảo đó, các tín hữu dâng lên Chúa chính con người của mình (linh hồn và thân xác), và những hy sinh lao nhọc của mỗi người trong cuộc sống hàng ngày.

Trong Giao ước cũ, Bí tích Thánh Thể đặc biệt được tượng trưng bằng bữa ăn Vượt qua, được Người Hi-pri cử hành hàng năm với bánh không men, để ghi nhớ ngày ra đi vội vã và giải phóng khỏi đất Ai Cập. Chúa Giêsu đã báo trước về Bí tích này trong giáo huấn của Người, và Người đã thiết lập Bí tích này khi cử hành bữa tiệc ly với các Tông đồ,

Vì Bí tích Thánh Thể đổ tràn trong chúng ta tất cả mọi ân sủng và sự chúc lành của trời cao, Người kết hợp chúng ta với Người và với nhau trong hy tế của Người. nên Bí tích này củng cố chúng ta nên mạnh mẽ trên đường lữ hành trần gian, và làm cho chúng ta thêm lòng khao khát đời sống vĩnh cửu, khi đã liên kết chúng ta với Ðức Kitô, Ðấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, với Hội thánh thiên quốc, với Ðức Trinh Nữ Maria diễm phúc và với tất cả các thánh.

Ma, quỷ gây ra đau khổ cho cá nhân, cho gia đình và cho tha nhân qua cái tính ghen tị. Thật vậy, khi ghen tị thì cuộc đời của cá nhân đó cũng như những người trong gia đình, bạn bè thân quen … của người đó sẽ phải đau khổ, buồn phiền và bất hạnh vô cùng.

Vì ghen tị Ca-in đã xông đến giết A-ben, em mình (St 4:8).
Vì ghen tị, các anh của ông Giuse đã thủ tiêu đứa em của mình bằng cách bán cho người Ít-ma-ên hai mươi đồng bạc, và đã gây ra muôn vàn đau khổ cho người cha già yếu (St 37:12-36).
Vì ghen tị, tâm hồn vua Sa-un bất an, ăn không ngon, ngủ không yên, làm cho gia cang xào xáo, quần thần hỗn loạn, chia rẽ … và vua Sa-un tìm cách dùng cây giáo ghim ông Đa-vít vào tường (1 Sam 19:10).
Vì ghen tị cho nên những người vào làm trước nhất đã phiền trách, bất bình và cằn nhằn ông chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt” (Mt 20:12).

Cũng trong “bửa ăn tình thương” tối Thứ Năm Tuần Thánh, Chúa Giêsu cúi mình xuống rửa chân cho các tông đồ, để dạy cho các Ngài bài học yêu thương phục vụ trong khiêm tốn. Sau khi rửa chân cho 12 ông xong, Chúa Giêsu mới nói: “Thầy đã cúi xuống rửa chân cho chúng con là để dạy chúng con bài học yêu thương phục vụ: Như Thầy đã rửa chân cho chúng con, chúng con cũng hãy rửa chân cho nhau …” (xin xem Phúc Âm theo Thánh Gioan, đoạn 13, câu 12…).

Chúa Giêsu, trong nỗi bồi hồi xúc động của giây phút chia ly, đã dốc hết lòng mình với các môn đệ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau”. Lời di chúc của người sắp ra đi thật là trang trọng và thâm sâu! Trước đó, Thầy đã khẳng định đây là mệnh lệnh, là giới răn của Thầy!

Vì là giới răn, là mệnh lệnh của Thầy, nên tình yêu thương huynh đệ của người môn đệ phải mang chiều kích của Thầy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Vì là giới răn của Thầy, nên từ nay yêu thương sẽ là dấu ấn, là bằng chứng, là danh hiệu của người môn đệ: mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy khi anh em yêu thương nhau.

Giới răn yêu thương của Chúa Giêsu trước giờ tử nạn, độc đáo và đặc thù Đó là yêu thương anh em như Chúa Giêsu đã yêu thương và yêu thương anh em là dấu chứng thuộc về Chúa Giêsu.

Nét mới mẻ của tình yêu Kitô giáo là ở chỗ: mẫu mực, thước đo tình yêu đối với tha nhân là chính tình yêu của Chúa Giêsu Kitô. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa là tình yêu trao ban, là tình yêu dâng hiến.
cuộc sống và cái chết của Đấng bị đóng đinh thập giá để nói lên tình yêu của Chúa Cha dành cho loài người. Một Thiên Chúa đầy lòng nhân ái, đầy tình thứ tha đối với hết mọi người không trừ ai. Tình yêu thương vô bờ bến đó phải là mẫu mực để chúng ta noi theo.


Chúa Giêsu không đòi các môn đệ của Ngài phải thông thái như các thầy kinh sư và ký lục. Ngài cũng không bắt họ phải sống nhiệm nhặt, gò bó như nhóm người Biệt phái Pharisêu trong việc tuân giữ các giới luật. Điều Ngài đòi nơi các môn đệ, chỉ một điều duy nhất mà thôi, là phải yêu thương anh em, yêu thương người khác như chính Ngài đã yêu thương mọi người đến tột cùng, đến hết khả năng yêu thương của Thiên Chúa.


Chính tình yêu thương vô vị lợi, phổ quát, bao dung nầy sẽ là dấu chứng của những người tin theo và tuân giữ Lời Chúa. Người môn đệ Chúa Giêsu là người biết yêu thương tha nhân và ngược lại. Ngay từ cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi, dấu chứng tình yêu đã trở thành chứng tá của Chúa Kitô Phục Sinh. Trong suốt lịch sử Giáo Hội, các người bên ngoài Giáo Hội cũng vẫn nhận ra Chúa là tình yêu xuyên qua những chứng từ sống động của một tấm lòng vị tha, bác ái của người tín hữu.


Thưa anh chị em,

Chúng ta vẫn muốn dựa vào tấm áo hay một danh xưng để xác định chúng ta thuộc về Chúa, chứ chúng ta chưa dám “liều mạng” để chỉ khẳng định chân tính Kitô hữu của mình bằng ý nghĩa và hành động yêu thương chân thật. Quan hệ của chúng ta với tha nhân còn mang nặng tính vụ lợi, đổi chác, mua bán. Và cách sống thấp hèn như vậy chẳng nói được với ai điều gì về niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa Tình Yêu cả! Trái lại, cách sống ấy là một phản chứng về Thiên Chúa, không làm cho ai tin được Thiên Chúa của chúng ta. Bởi vì “người ta cứ dấu nầy mà nhận ra anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau”. “Như Thầy đã yêu thương anh em, anh em cũng hãy yêu thương nhau”. Vậy, ai không yêu thương nhau, người ấy không phải là Kitô hữu, hay đúng hơn, đó là kẻ chối đạo. Thiên Chúa là tình yêu. Đạo Thiên Chúa là đạo yêu thương nhau. Không yêu thương nhau là không biết Thiên Chúa, là chối đạo.


Hôm nay chúng ta hãy tiếp tục làm chứng bằng cuộc sống Kitô hữu của chúng ta rằng: Đạo Thiên Chúa là đạo yêu thương nhau. Hãy để cho lòng mình lắng đọng để ân sủng Chúa giúp chúng ta thấy hết tầm mức của giới răn mới và những khoảng cách xa vời trong cuộc sống chúng ta, để chúng ta quyết tâm sống giới răn yêu thương của Chúa như chính Chúa đã sống và truyền dạy chúng ta.
“Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1b).

Lẽ ra, trước lúc bước vào khổ nạn, Chúa Giêsu đã căm hận, thù ghét những kẻ bên cạnh mình, khi biết họ đang ra tay phản bội, chối bỏ Ngài cách nghiệt ngã? Không, giữa lúc đắng cay dày xé tâm can ấy, chúng ta thấy “Người Tôi Trung Đau Khổ” đã tuôn trào một một tình thương cao cả, lạ lùng nhất. Nếu con người càng gây tổn hại, đau khổ cho Ngài bao nhiêu, Ngài lại càng thương yêu họ bấy nhiêu. Ngài đã biểu tỏ trước sự tổn thương lớn nhất cùng sự bất trung tệ bạc nhất bằng thái độ khiêm hạ nhất và bằng tình yêu cao cả, đẹp đẽ hơn hết.

Giữa bộn bề cuộc sống, giữa cơn ác mộng của quyền lực, danh vọng, Chúa vẫn đang mời gọi ta làm người phục vụ anh em:

Hành động cao cả của Chúa Giêsu khiến ta phải suy nghĩ. Nhiều khi ta vẫn viễn vông nghĩ về quyền cao, chức trọng, nghĩ về những chiếc ghế danh dự với ngàn vạn lời chúc vinh nồng nhiệt, nhưng ta lại rùng mình sợ hãi khi nghĩ đến hai từ “phục vụ” đúng nghĩa.

Quả thực, ta thích được người ta “rửa chân” mình, nhưng lại sợ và hoàn toàn không muốn “rửa chân” người.

Gương khiêm hạ của Chúa Giêsu đã dạy cho ta bài học quý về sự cao trọng của phục vụ. Nó chỉ thực sự thành tựu khi ta biết lắng nghe lời mời gọi của Tin Mừng với tâm tình và hành động của người môn đệ đã được Chúa Giêsu thương yêu, và biết phục vụ như Người.

Giới răn yêu thương

Viết về kinh nghiệm của mình ở Auschwitz, Elie Wiesel nói rằng người Đức đã nỗ lực làm cho các tù nhân quên hết người thân và bạn bè mà chỉ nghĩ đến mình và chỉ nhắm đến các nhu cầu của mình hoặc họ phải chết. Điều đó khiến họ nói đến các nhu cầu ấy cả ngày lẫn đêm. Nhưng điều ngược lại đã xảy ra. Những người nào chỉ sống cho mình, ít có cơ may sống sót, trong khi người nào sống cho người thân, bạn hữu, anh em, một lý tưởng đã có cơ may tốt hơn để được sống còn. Người ta sống nhờ những gì mà người ta cho đi.

Tính ích kỷ làm cho chúng ta khép kín tâm hồn, nó hạn chế chúng ta. Nó dựng lên các rào cản, cả những bức tường giữa chúng ta và những người khác. Điều giải phóng chúng ta khỏi sự giam hãm ấy là mỗi tình cảm sâu sắc, quan trọng đối với những người khác. Trở nên bạn hữu, anh em và chị em, yêu là điều sẽ mở cửa nhà tù. Tình yêu thương giải phóng chúng ta khỏi tù ngục của tính ích kỷ.

Khi bước vào nhà tù, Oscar Wilde nói: “Bằng mọi giá, tôi phải giữ gìn tình yêu thương trong lòng tôi. Nếu tôi vào tù mà không có tình yêu thương thì linh hồn của tôi sẽ ra sao?”.

Nếu không có tình yêu thương, người ta sẽ là gì? Những người không muốn yêu thương đều có đời sống nghèo nàn. Nhưng những người sống yêu thương, có một đời sống phong phú và hiệu quả. “Chúng ta đã được đặt vào trần gian ngắn ngủi để học toả sáng tình yêu thương” (William Blake). Giải thoát khỏi tính ích kỷ và có khả năng yêu thương người khác.

Một bác sĩ, được chia sẻ những giây phút thâm sâu nhất của nhiều cuộc đời nói rằng, con người đối diện với cái chết không còn nghĩ gì về mức độ họ đã thu được, hoặc họ nắm giữ những địa vị nào, hoặc đã tích trữ được bao nhiêu của cải. Vào lúc cuối cùng, điều thật sự quan trọng là bạn đã yêu thương ai và ai đã yêu thương bạn.

Nền tảng phẩm giá ta là gì?

Phẩm giá của ta bắt nguồn trong việc ta được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Ðược phú bẩm một linh hồn thiêng liêng và bất tử, lý trí và ý chí tự do, ta được qui hướng về Thiên Chúa và được mời gọi hưởng hạnh phúc vĩnh cửu cả hồn lẫn xác.

Ta đạt được diễm phúc nhờ ân sủng của Ðức Kitô, ân sủng này cho ta được tham dự vào đời sống của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Ðức Kitô chỉ cho các môn đệ của mình con đường dẫn tới hạnh phúc vĩnh cửu: đó là các Mối phúc. Ân sủng của Ðức Kitô cũng hoạt động trong tất cả những ai, dựa theo lương tâm ngay thẳng, tìm kiếm và yêu mến chân lý và điều thiện, và tránh điều ác.

Các Mối phúc nằm ở trung tâm lời rao giảng của Chúa Giêsu. Chúng nhắc lại các lời hứa mà Thiên Chúa đã trao ban từ thời ông Ábraham và hoàn thành các lời hứa. Các Mối phúc diễn tả chính diện mạo của Chúa Giêsu, nêu lên những đặc tính đích thực của đời sống ta và mạc khải cho ta cùng đích hoạt động của ta : đó là hạnh phúc đời đời.

Các mối phúc đáp lại lòng khao khát bẩm sinh về hạnh phúc mà Thiên Chúa đã đặt để trong tâm hồn ta để lôi kéo ta về với Ngài và chỉ mình Ngài mới có thể lấp đầy lòng khao khát ấy.

Hạnh phúc đời đời là gì?

Ðó là việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong đời sống vĩnh cửu, ở đó ta sẽ được trọn vẹn "thông phần bản tính Thiên Chúa" (2 Pr 1,4), thông phần vinh quang của Ðức Kitô và niềm vui của đời sống Ba Ngôi. Hạnh phúc đời đời vượt quá khả năng con người. Ðó là một hồng ân siêu nhiên và nhưng không của Thiên Chúa, cũng như ân sủng dẫn đưa ta đến đó. Hạnh phúc được hứa ban đặt ta trước những chọn lựa luân lý quan trọng về của cải trần thế, thúc đẩy ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.

Bản chất người Kitô hữu: diễn tả tình yêu Thiên Chúa

Đức Thánh Cha (ĐTC) Bênêđictô XVI, dựa trên giáo huấn của Công đồng Vaticanô II, đã xác định một cách đơn giản rằng: bản chất của người Kitô hữu chính là diễn tả tình yêu cứu độ của Chúa cho mọi người. Trong thông điệp đầu tiên, Deus Caritas est “Thiên Chúa là Bác ái” (x. 1Ga 4,8), ngài xác định bản chất của Thiên Chúa là tình yêu rộng lớn, là bác ái và bản chất của người Kitô hữu cũng là bác ái vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa nên nhận được tình yêu của Thiên Chúa và diễn tả tình yêu ấy cho mọi người.

ĐTC mời gọi chúng ta tìm hiểu thêm vì trong dòng lịch sử nhân loại người ta nghĩ về bản chất này chưa trọn vẹn. Trong nhiều thế kỷ, hình như đời sống đạo tập trung vào việc dự lễ, cầu kinh và đón nhận các bí tích, nghĩa là diễn ra ở trong nhà thờ. Nhưng khi ra khỏi nhà thờ, hoà mình vào đời sống xã hội, hầu như không ai còn nhận ra tính cách đặc biệt của người tín hữu. Với Công đồng Vaticanô II, Giáo Hội xác định thêm yếu tố thứ hai trong đời sống tín hữu, đó là truyền giáo, là rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô cho mọi người. Các sắc lệnh của Công đồng Vaticanô II (Ad Gentes: Đến với Muôn dân và Actuositatem Apostolicam: Hoạt động Tông đồ) nói rằng bản chất của Giáo Hội cũng như của từng người tín hữu là truyền giáo.

Những người chọn lựa yêu thương mở rộng tâm hồn mình cho những hạnh phúc lớn hơn những người không bao giờ biết đến yêu thương. Yêu thương là hạnh phúc. Nó làm chúng ta sung mãn. Từ chối yêu là bắt đầu chết. Yêu thương là bắt đầu sống. Trong lúc đức tin làm cho mọi sự thành có thể, tình yêu làm cho mọi sự được dễ dàng. Yêu thương chữa lành mọi người –cả kẻ cho lẫn người nhận.

Tracy Liên Đồng ( trích từ Internet)

Tác giả Tracy Liên Đồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét